Lỗi lạc Ngô Việt Trung

Thứ tư - 13/05/2020 18:04

Thời nào Việt Nam cũng có nhân tài. Họ là tấm gương mẫu mực để các thế hệ sau noi theo học tập và đóng góp cho đất nước.
 
f
Giáo sư - Viện sỹ Ngô Việt Trung

Cùng với GS Hoàng Tụy, GS Ngô Việt Trung cũng được thừa nhận là gương mặt tiêu biểu của giới toán học làm việc tại Hà Nội nhưng đạt thành tựu ngang tầm thế giới. Nhắc tới Ngô Việt Trung, tôi lại nhớ đến một cuốn sách mỏng, nhan đề “TWAS - Members Elected in 2000” (Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba - Những viện sĩ được bầu năm 2000) mà tôi được TWAS tặng, trong đó dành hẳn một trang viết về ông.

Nhà đại số học hàng đầu

Trong trang sách có đoạn: “Ngô Việt Trung đã đạt được những kết quả đáng chú ý về nghiên cứu và tổ chức. Ông công bố những công trình đáng khâm phục, đầy ý nghĩa về những chủ đề cốt lõi của đại số giao hoán hiện đại, một trong những công cụ chính để nghiên cứu hình học các vật được xác định bởi các phương trình đa thức (…). Một thành quả của ông là tìm ra phương pháp đại số thích đáng để nghiên cứu những biến dạng của các vật hình học. Những đóng góp của ông khiến ông trở thành một trong những nhà đại số học quan trọng nhất trên thế giới”.

Ngô Việt Trung sinh tại Điện Bàn, Quảng Nam vào ngày 8-5-1951, đỗ thạc sĩ năm 1974, tiến sĩ năm 1978, tiến sĩ habil (tiến sĩ khoa học) năm 1983 tại ĐH Halle (Đức). Trong những năm 1983-1990 là phó giáo sư Viện Toán học Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; từ năm 1991 (40 tuổi), là giáo sư, trưởng phòng đại số và lý thuyết số Viện Toán học. Ông là giáo sư thỉnh giảng của nhiều ĐH danh tiếng ở châu Á, châu Âu. Lĩnh vực nghiên cứu của ông rất rộng, bao gồm: đại số giao hoán, bất biến của vành địa phương và phân bậc, cơ sở Glöbner, đối đồng điều địa phương, hình học đại số, đa tạp định thức, chỉ số chính quy Cartelnuovo-Mumford...

Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba được thành lập vào ngày 5-7-1985 tại Trieste. Ban đầu, các viện sĩ của viện là những người có gốc gác từ các nước đang phát triển nhưng đã được tặng Giải thưởng Nobel, Huy chương Fields hay đã trở thành viện sĩ hàn lâm. Về sau, các viện sĩ và viện sĩ thông tấn được bầu là công dân các nước đang phát triển đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Quy trình bầu viện sĩ và viện sĩ thông tấn được quy định chặt chẽ, thực hiện nghiêm minh.

Ngô Việt Trung được bầu làm viện sĩ TWAS năm 2000 khi ông 49 tuổi. Ông là viện sĩ thứ 7 người Việt Nam, gồm: Nguyễn Văn Hiệu (vật lý lý thuyết), Đào Vọng Đức (vật lý lý thuyết), Nguyễn Huy Phan (y học, đã mất), Vũ Tuyên Hoàng (nông học, đã mất), Lê Dũng Tráng (toán học), Nguyễn Văn Đạo (cơ học, đã mất), Ngô Việt Trung (toán học). Sau Ngô Việt Trung, còn có thêm 5 nhà toán học Việt Nam nữa trở thành viện sĩ TWAS: Hà Huy Khoái (toán học), Đào Trọng Thi (toán học), Lê Tuấn Hoa (toán học), Phan Quốc Khánh (toán học) và Hoàng Xuân Phú (toán học).

Xem qua bảng danh sách ấy, ta thấy rõ: Các nhà toán học chiếm tuyệt đại đa số. Ngay cả những nhà vật lý lý thuyết như Nguyễn Văn Hiệu, Đào Vọng Đức thì cũng có thể coi là nhà toán học trong vật lý hay nhà cơ học Nguyễn Văn Đạo là nhà toán học trong cơ học.

Ngang tầm thế giới

Mới 3 tuổi, cậu bé Ngô Việt Trung mắc chứng bệnh bại liệt. Mẹ cậu là y tá quân đội nên cấp cứu kịp thời, giữ lại được mạng sống nhưng nửa người bên trái của cậu bị liệt hoàn toàn. Về sau, nhờ tập luyện mà hồi phục dần song chân trái vẫn mang tật suốt đời.

Thời trẻ, Trung học Trường Việt - Đức (Hà Nội). Năm 1969, giành giải nhất cuộc thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc. Trung cũng đỗ đầu cuộc thi kiểm tra kiến thức toán dành cho các học sinh đi học ở nước ngoài mà người ra đề là Bộ trưởng Bộ ĐH và THCN Tạ Quang Bửu. Năm ấy, Việt Nam chưa dự thi Olympic Toán quốc tế. Năng khiếu toán của Trung được bác Bửu chú ý ngay từ dạo ấy.

Năm 1969, Ngô Việt Trung được gọi tập trung để chuẩn bị đi du học, dự kiến sang CHDC Đức. Lúc đó, nghĩ rằng sở dĩ được du học là do mình học giỏi song mãi sau này Trung mới biết: Theo thỏa thuận nước ta ký với các nước bạn thì Trung không đủ tiêu chuẩn du học do bị liệt một chân, phải chống nạng đến trường nhưng Bộ trưởng Tạ Quang Bửu vẫn gọi Trung đến tập trung. Lúc đầu, bác Bửu xin cho Trung sang học ở Liên Xô nhưng phía bạn từ chối. Vừa lúc đó, một đoàn cán bộ Bộ ĐH CHDC Đức đến Hà Nội. Bác Bửu nói chuyện thẳng với ông thứ trưởng, trưởng đoàn, về trường hợp Trung - một tài năng trẻ, về sau rất có thể lập nên nghiệp lớn. Thế là ông vui vẻ nhận Trung sang Đức. Lúc đầu, được phân công theo học công nghệ thông tin nhưng sau 1 năm học tiếng ở Đức, Trung và 2 bạn nữa được cử vào học Tổng hợp Toán. Té ra, bác Bửu vẫn tiếp tục đàm phán với phía bạn để Trung được học toán bởi vì bác biết chắc cậu sinh viên quê xứ Quảng rất có triển vọng về môn này.

Năm 1976, Ngô Việt Trung trở về Hà Nội với tâm thế “trở lại trái tim mình” như một lẽ đương nhiên và nhận công tác tại Viện Toán học. Biết tin ấy, bác Bửu liền mời Trung tới gặp tại nhà riêng ở đường Hoàng Diệu, nghe Trung trình bày nội dung bản luận án tiến sĩ. Và thật không ngờ, bác Bửu tỏ ra hiểu rất sâu về đại số giao hoán - chuyên ngành Ngô Việt Trung đang nghiên cứu.

GS Ngô Việt Trung được cử làm Tổng Biên tập tạp chí Acta Mathematica Vietnamica 16 năm liền. Ông đã công bố 88 công trình trên các tạp chí quốc tế có uy tín, 74 công trình được Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information, ISI) ở Mỹ ghi nhận. Từ năm 2000 đến nay, công trình của Ngô Việt Trung được trích dẫn trong 600 bài báo khoa học. Chỉ số trích dẫn (citation index) chứng tỏ công trình có hệ số ảnh hưởng (impact factor) cao. Ông được mời làm chủ tịch 12 hội nghị toán quốc tế. Năm 2009, ông được tặng Giải thưởng Nhân tài đất Việt.

Viện Toán học là nơi tập hợp nhiều nhà toán học hàng đầu nước ta, có tới 28 tiến sĩ khoa học, 39 tiến sĩ, 19 giáo sư, 22 phó giáo sư. Gần nửa thế kỷ qua, viện đã công bố hơn 1.400 công trình trên các tạp chí quốc tế, hơn 700 công trình trên 2 tạp chí của viện là Acta Mathematica Vietnamica và Vietnam Journal of Mathematics. Tính đến gần đây, đã có 7 luận án tiến sĩ khoa học và 121 luận án tiến sĩ được bảo vệ tại viện; hơn 200 thạc sĩ do viện đào tạo.

Ngô Việt Trung giữ chức Viện trưởng Viện Toán học trong 5 năm 2007-2013. Hiện nay, ông chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (Chủ tịch là GS Ngô Bảo Châu).

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà toán học lỗi lạc này chứng tỏ một điều: Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, khi đất nước bị bao vây, cấm vận, trí thức vẫn có thể vươn lên tạo dựng sự nghiệp lỗi lạc của mình

Bài và ảnh: HÀM CHÂU
(Theo báo Người Lao động nld.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập104
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay18,589
  • Tháng hiện tại467,119
  • Tổng lượt truy cập40,304,281
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây