Văn hóa dùng đũa của người Việt

Chủ nhật - 20/06/2021 18:04

So sánh các vật dụng trên bàn ăn của người phương Đông và người phương Tây, không khó để nhận ra sự linh hoạt của đôi đũa. Đũa thay thế cho hầu hết các vật dụng khác, và dùng cho hầu hết cách món ăn.
 
Đôi đũa, vật dụng chính trong văn hóa ẩm thực của người Việt

Nguồn gốc ra đời của đũa ăn

Đũa ăn được cho là ra đời cách đây khoảng 4.000 đến 5.000 năm ở Trung Quốc. Những phiên bản đầu tiên của đũa ăn mà chúng ta sử dụng ngày nay, được làm từ cành cây và dùng để nấu nướng do chịu được nhiệt trong môi trường nước sôi hay dầu nóng.

Đến khoảng năm 500 - 400 TCN thì đũa bắt đầu được sử dụng như một phần của bộ dụng cụ ăn.

Có rất nhiều câu chuyện lí giải nguồn gốc của đôi đũa ăn. Nhiều người cho rằng, đôi đũa được lấy cảm hứng từ chiếc mỏ dài của những chú chim dùng để ngậm hay gắp cá, các loại hạt và quả nhỏ. Bên cạnh đó cũng có những cách lý giải với các lí do thực tế hơn, như sự gia tăng dân số khiến nhiều loại nguyên liệu, đặc biệt là lương thực thực phẩm trở nên ngày càng khan hiếm, người ta phải cắt thức ăn ra thành từng miếng nhỏ để có thể nấu được nhanh hơn và tiết kiệm hơn.

Những mẩu thức ăn được cắt bé làm cho những chiếc dao bếp trở nên lỗi thời bởi chúng còn quá ít để có thể cắt đươc nhỏ thêm nữa. Lúc đó, đôi đũa trở thành một công cụ vô cùng đơn giản, tiện dụng do chúng được làm rất dễ dàng từ những nguyên liệu rẻ tiền và dễ kiếm. Và thế là một xu hướng mới được ra đời.

Sự có mặt của dao trên bàn ăn dần bị phai mờ một phần cũng là do chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của đạo Khổng. Là một người ăn chay, Khổng Tử cho rằng dùng dao để ăn là không thích hợp bởi theo quan điểm của ông, “một người đàn ông đáng kính và ngay thẳng thì phải tránh xa lò mổ và bếp núc”.

Trong vòng một thế kỷ, đũa ăn đã “di cư” sang các nước Châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Vì ở các nước Châu Á, thức ăn chính là gạo hay hạt, những hạt gạo nhỏ, ngắn hay trung bình thường rất dính và vón cục. Khi chúng dính lại với nhau , việc dùng đũa là rất hiệu nghiệm. Có thể nói, đôi đũa được coi là linh hồn trong bữa ăn của người Châu Á.

Tuy nhiên ở mỗi nước lại có một cách tạo đũa và quan niệm riêng về văn hoá dùng đũa. Đũa Trung Quốc trước kia thường dài, sơn đỏ, hai đầu dộ to nhỏ không chênh nhau nhiều. Trong khi đó đũa Nhật Bản thường có trang trí hoa văn, đũa Hàn Quốc thì thường dẹt và làm bằng kim loại. Đũa Nhật và đũa Hàn có đầu khá nhỏ. 

 
Đặc trưng đũa của một số nước lân cận
Văn hóa dùng đũa của người Việt

Người Việt các miền đều có nét văn hóa ẩm thực độc đáo riêng biệt, nhưng có một điểm chung là chúng ta đều dùng đũa.

Miền Bắc xưa thường có lũy tre làng, nên người dân thường lấy thân tre già để làm đũa. Miền Nam lại được chở che bởi những tán dừa, nên người miền Nam dùng chính cây dừa để làm nên đôi đũa. Thường thì đũa miền Bắc có phần ngắn hơn một chút so với miền Nam. Nhưng nói chung, đũa truyền thống Việt Nam có thân tròn và để mộc, không sơn quét, trang trí, đầu đũa cũng thường không quá nhỏ. Hiện nay cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng, đồng thời đáp ứng nhu cầu cho người dùng trong thời đại công nghiệp hóa, đũa được sản xuất từ nhiều chất liệu khác như nhựa, inox, nhôm, nhiều nhà hàng còn cho thực khách sử dụng loại đũa dùng một lần...

Riêng ở Việt Nam còn có loại đũa to, dẹt để xới cơm từ nồi ra bát gọi là đũa cả được làm từ tre hoặc gỗ. Trước khi xới cơm, muốn cơm không dính thì nhúng đũa cả vào nước, sau khi xới cơm thì dùng chiếc đũa nọ gạt cơm ra khỏi chiếc kia chứ không được gõ vào thành tạo tiếng động.

 
Đũa cả xới cơm
Nói về cách cầm đũa, thì cũng có bài bản riêng của nó. Trước khi cầm đũa, phải xếp hai đầu đũa cho đều nhau, lúc sử dụng chỉ động tới cạnh trên của đũa, dùng 3 đầu ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nhẹ nhàng cầm đũa. Móng tay của ngón áp út đặt dưới mặt đũa, ngón cái và ngón trỏ kẹp chiếc đũa, cố định chúng lại, phần cuối đũa thừa ra khoảng 1 phân.

Nói là nói như vậy, nhưng bạn chỉ cần cầm đũa sao cho thoải mái dễ gắp và dễ nhìn thì đã đủ. Trong gia đình, mỗi người có cách cầm đũa của riêng mình, các em nhỏ lên 3, lên 4 đã được ông bà, bố mẹ dạy cách dùng đũa để ăn cơm, gắp thức ăn. “Học ăn, học nói, học gói, học mở” cũng chính là câu tục ngữ được cha ông để lại nhằm răn dạy, giáo dục mỗi con người ngay từ thuở còn thơ. Trẻ con được dạy rằng, trước bữa ăn phải so đũa, chú ý đến đầu đũa có đúng hướng hay không, sau bữa ăn phải đặt đũa xuống một cách ngay ngắn, không nên để đũa bị so le hay xô lệch. Nếu không thể cầm đũa đúng cách, thì cũng phải chú ý đến ngón tay của mình, không nên duỗi thẳng ngón tay trỏ ra khi cầm đũa vì như vậy trông như bạn đang chỉ thẳng vào người đối diện.

Khi còn bé, người lớn cũng đã dạy rằng, không nên ngậm đũa và mút đũa vì đó là điều bất lịch sự trên bàn ăn; khi gắp thức ăn thì không được xới tung cả đĩa thức ăn để tìm thứ mình thích; hoặc khi trò chuyện trong bữa ăn không được vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói, vừa cầm đũa vừa hoa tay múa chân kể chuyện… Khi chấm thức ăn thì cũng nên chú ý không để đũa chạm vào nước chấm, và cần chú ý không để nước chấm dây bẩn ra bàn, cũng không nên dùng đũa của mình để khuấy nước chấm hay khuấy vào bát canh. Những điều đó tuy nhỏ nhặt, nhưng nếu không để ý thì cũng khiến bạn xấu đi trong mắt người khác.

Trong văn hóa dân gian, người Việt Nam kiêng không gõ đũa vào nhau, không gõ đũa vào bát, cũng không nên tạo nên tiếng “động bát động đũa” ồn ào, càng không nên có tiếng nhai tóp tép…
Đũa không chỉ là một dụng cụ trên bàn ăn, văn hóa dùng đũa còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ một cách tinh tế của người Việt. Khởi đầu bữa ăn, đặc biệt là trong những bữa cỗ truyền thống, trước khi gắp đồ cho chính mình, người ta dùng đôi đũa còn sạch để gắp đồ ăn mời người khác. Trong suốt bữa ăn, khi muốn mời ai món gì đó, thường theo phép lịch sự, người ta phải đảo đầu đũa để gắp bằng đầu còn lại.

Dù chỉ là một vật dụng nhỏ bé thế nhưng đôi đũa lại chứa đựng trong đó cả một lịch sử lâu đời cùng những triết lý sâu sắc trong gia đình Việt. Những đôi đũa Việt cũng phần nào trở thành một vật dụng để cha mẹ có thể dạy con cái những bài học đầu về nề nếp, lễ nghĩa.

TH

 
 Từ khóa: Văn hóa dùng đũa

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập157
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm154
  • Hôm nay21,865
  • Tháng hiện tại457,889
  • Tổng lượt truy cập41,086,996
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây