Phạm Cự Lượng: Công, tội khi đưa Lê Hoàn lên ngôi Vua

Thứ bảy - 12/06/2021 18:04

Phạm Cự Lượng bỏ qua thù nhà, đề xuất đưa Lê Hoàn lên ngôi Vua, góp công đánh bại quân Tống, nhưng khi bàn về công và tội của ông thì các sử gia vẫn còn mâu thuẫn.
 
Đình Lương Sử được vua Lý Thánh Tông cho lập để thờ Thái úy Phạm Cự Lượng. (Ảnh: hophamhanoi.com)

Xuất thân dòng dõi

Năm 931, Dương Đình Nghệ từ Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay) kéo quân tiến đánh thành Đại La (sau đổi tên thành Thăng Long), quân Nam Hán thua to phải chạy về nước. Dương Đình Nghệ khôi phục lại Giang Sơn, xưng là Tiết Độ Sứ, giao cho các tướng lĩnh trấn giữ cai quản các nơi. Trong những người này có Phạm Lệnh Công là một tướng tài.

Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ nhằm cướp ngôi báu, đóng quân ở thành Đại La. Phạm Lệnh Công theo Ngô Quyền tiến quân ra thành Đại La tiêu diệt kẻ phản bội, đồng thời cũng tham dự cuộc chiến trên sông Bạch Đằng tiêu diệt quân Nam Hán, mở ra thời kỳ tự chủ cho dân tộc.

Đất nước thanh bình, Ngô Quyền giao cho Phạm Lệnh Công chức Đông Giáp tướng quân coi quản vùng đất phía đông.

Con trai của Phạn Lệnh Công là Phạm Bạch Hổ là một trong 12 Sứ Quân, sau này quy phục Đinh Tiên Hoàng. Một người con khác của ông là Phạm Mạn làm Tham chính dưới thời Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn.

Phạm Mạn có hai con trai là Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng đều là những người thông minh tuấn tú, văn võ hơn người.

Lớn lên dười thời loạn 12 Sứ Quân, hai anh em Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng dùng tiền của mua ngựa tốt, luyện quân. Sau đó hai anh em cùng 2.000 binh mã đến đầu quân của Đinh Bộ Lĩnh.

Sau khi dẹp xong loạn 12 Sứ Quân, năm 968, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Vua, anh em Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng trở thành tướng tâm phúc của Vua. Phạm Hạp được phong làm Vệ úy, còn Phạm Cự Lượng được phong làm Thị vệ quan.

Hai anh em theo hai con đường

Năm 979, Triều đình xảy ra biến động lớn, cả Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Đinh Liễn bị sát hại. Triều đình liền đưa Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi Vua, Dương Vân Nga làm Thái hậu.

Vì Vua còn nhỏ nên Thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm Nhiếp chính, xưng là Phó Vương. Tuy nhiên những vị quan trụ cột vốn là bạn thân thiết với Đinh Tiên Hoàng từ nhỏ là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú cho rằng Lê Hoàn gây bất lợi cho Vua nhỏ, có thể cướp ngôi, nên khởi binh chống lại.

Nội bộ Đại Cồ Việt rối bời, hai anh em Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng cũng chia làm 2 đường. Phạm Hạp trung thành với nhà Đinh, còn Phạm Cự Lượng ủng hộ Lê Hoàn.

Thấy có cơ hội thâu tóm Đại Cồ Việt, Hầu Nhân Bảo dâng thư lên báo vua Tống rằng: “An Nam Quận Vương cùng với con là Liễn đều bị giết, nước ấy sắp mất, có thể nhân lúc này đem một cánh quân sang đánh lấy. Nếu bỏ lúc này không mưu tính, sợ lỡ mất cơ hội. Xin cho đến cửa khuyết để tâu Bày trực tiếp tình trạng có thể đánh lấy được”.

Vua Tống sai chạy trạm đến gọi Nhân Bảo. Lư Đa Tốn nói: “An Nam bên trong rối loạn, đó là lúc trời làm mất, triều đình nên bất ngờ đem quân sang đáng úp, như người ta nói: Sét đánh không kịp bịt tai. Nếu trước gọi Nhân Bảo về, mưu ấy ắt bị lộ, kẻ kia nhờ đó biết được, sẽ dựa núi ngăn mà phòng bị, cái thế thắng thua chưa biết thế nào”. (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Vua Tống cho là phải liền cấp tốc chuẩn bị quân tiến đánh Đại Cồ Việt. Trấn thủ Lạng châu vội cấp báo về cho Triều đình.

Đứng trước nạn ngoại xâm, năm 979, Lê Hoàn chủ động đánh tan nhóm phản đối. Phạm Hạp bị bắt giải về Kinh thành. Không muốn anh mình bị chết, Phạm Cự Lượng xin được thuyết phục, tuy nhiên Phạm Hạp trước sau trung thành với nhà Đinh, thà chết không hàng.

Dòng họ Phạm có ghi lại lời đáp của Phạm Hạp với em mình như sau: “Anh làm thì anh chịu chứ chú năn nỉ ai làm gì? Chúng ta nhờ theo họ Đinh mà nên danh nên phận, họ Đinh đã bao giờ ăn ở bạc bẽo với chúng ta đâu? Ta nỡ nào tiếp tay cho bọn gian cướp đoạt cơ nghiệp của họ Đinh? Chú cứ suy nghĩ cho kỹ đi! Nếu chú quyết chọn con đường ấy thì hãy để anh chết cho tròn danh tiết chứ anh không muốn họ Phạm ta bị mang tiếng phản bội cả dòng!”

Cả Phạm Hạp và nhóm Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ đều bị chết, đây là một cuộc nội chiến bi hùng. Sử sách và dân gian đều ca ngợi những người trung thành với nhà Đinh.
 
Lê Hoàn thống nhất nội bộ trong nước trước khi quân Tống đến, nhưng ông không phải “nhổ cỏ tận gốc”, mà lại trọng dụng gia quyến của những vị đại thần này. Con trai của Nguyễn Bặc là Nguyễn Đê vẫn được cử làm tướng, sau này được phong làm Hữu Điện tiền chỉ huy sứ.

Phạm Cự Lượng vẫn được Lê Hoàn tin dùng, Thái hậu Dương Vân Nga phong cho Phạm Cự Lượng làm đại tướng quân.

Tiến cử Lê Hoàn lên ngôi Vua

Trước tình hình Đại Cồ Việt lâm nguy khi quân Tống sắp tiến đánh, Phạm Cự Lượng không hận việc anh trai bị giết, quyết định đưa Lê Hoàn lên ngôi Vua nhằm chống giặc.

Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì khi triều đình đang họp bàn về việc xuất quân chiến đấu thì Phạm Cự Lượng cùng các tướng quân khác mặc binh phục, đi thẳng vào Nội phủ và nói với mọi người rằng: “Nay, thưởng người có công mà phạt kẻ không vâng mạng, đó là phép hành binh. Bây giờ Chúa Thượng hãy còn thơ ấu, bọn ta dẫu hết sức liều chết, may mà có chút công lao thì ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn ngay Thập đạo tướng quân lên làm Thiên tử, sau sẽ ra quân”.

Nhờ có Phạm Cự Lượng mở lời này, quân sĩ đều tung hô, Thái hậu Dương Vân Nga đưa áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn để ông lên ngôi Vua.

Lê Hoàn lên ngôi Vua, nhưng ngai vàng đối với ông trở thành thử thách lớn khi phải đối mặt với quân Tống đang tiến đến.

Nhà Vua ổn định được tình hình trong nước, tập hợp sức mạnh của Đại Cồ Việt, nhờ đó mà đánh bại quân Tống, khiến chủ tướng Hầu Nhân Bảo bị tử trận.

Sau này có 2 nguồn nhận định về Phạm Cự Lượng. Có người cho rằng, khi Giang Sơn Xã Tắc lâm nguy, ông bỏ qua thù nhà, đưa Lê Hoàn lên ngôi Vua, nhờ đó mà Đại Cồ Việt có thể đánh bại quân Tống, giữ vững được độc lập dân tộc.

Tuy nhiên cũng có những nhà sử học cho rằng hành động của Phạm Cự Lượng là bất trung. Trong “Việt sử tiêu án” của Ngô Thời Sĩ có lời như sau:

“Bặc – Điền vì nước liều mình,
Cớ sao Cự Lượng tán thành mưu gian”.

Điều này cũng là bởi vì câu nói: “Bây giờ Chúa Thượng hãy còn thơ ấu, bọn ta dẫu hết sức liều chết, may mà có chút công lao thì ai biết cho?”. Nói cách khác, Phạm Cự Lượng đã dùng lợi ích dẫn dắt người khác phản bội Vua, vứt bỏ đạo nghĩa.

Trần Hưng
(Theo trithucvn.org)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm72
  • Hôm nay28,327
  • Tháng hiện tại165,230
  • Tổng lượt truy cập50,701,050
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây