Người phụ nữ mang duyên tình trái ngang với 2 vị vua Nguyễn

Thứ sáu - 17/08/2018 18:04

Ở thời đại phong kiến, việc trở thành vợ vua là mơ ước và cũng là niềm kiêu hãnh của biết bao cô gái. Thế nhưng, thứ hạnh phúc chân thực là được đi đến tận cùng với người mình yêu thì không phải ai cũng được tự quyết định. “Thân em như hạt mưa sa”, cũng như những người phụ nữ khác thời bấy giờ, Hồ Thị Chỉ rơi vào tình huống éo le khi yêu Duy Tân mà phải lấy Khải Định.
Vua Duy Tân, Ân phi Hồ Thị Chỉ và vua Khải Định
Vua Duy Tân, Ân phi Hồ Thị Chỉ và vua Khải Định

 

Thân thế

Hồ Thị Chỉ sinh năm 1902. Dựa trên tộc phả của dòng họ Hồ Đắc thuộc làng An Truyền (làng Chuồn), tức xã Phú An, huyện Phú Vang, xứ Huế ngày nay thì bà mang dòng dõi quý tộc: cháu nội của Hầu tước Hồ Đắc Tuấn và Quận chúa Công nữ Thức Huấn (con gái của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm một trong những Hoàng nam của tiên đế Minh Mạng). Cha bà là Thượng thư bộ Học Hồ Đắc Trung. Chẳng những xinh đẹp với những nét rất phúc hậu trên khuôn mặt, Hồ Thị Chỉ còn nức tiếng thông minh, học giỏi, đàn hay, thông thạo cả tiếng Pháp lẫn Hán văn và Việt ngữ. Có thể nói xuất phát điểm của bà vô cùng quyền quý, đúng bậc trâm anh.

Tình đầu thường dang dở

Năm 1907, Nguyễn Phúc Vĩnh San lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Duy Tân khi mới 8 tuổi. Cũng như vua cha, ngay từ nhỏ, tân hoàng đế đã có ý chí kháng Pháp quật cường. Theo sử sách, vào khoảng năm 1913, lúc này vua Duy Tân đã trở thành một thiếu niên, hòng làm vua sao nhãng chính trị, người Pháp cho xây tòa “Thừa lương” ở Cửa Tùng (Quảng Trị) – nữ hoàng của những bãi tắm, để vui chơi trong những ngày hè.

 

Cựu hoàng Duy Tân


 
Trong số những người tháp tùng Duy Tân đi nghỉ có Thượng thư Hồ Đắc Trung. Ông đã dẫn theo 4 người con, trong đó có lệnh nữ Hồ Thị Chỉ để tâm sự, nô đùa cùng nhà vua. Theo hồi ký của Sư bà Diệu Không, tức Hồ Thị Hạnh, em ruột Hồ Thị Chỉ, vào mỗi sáng sớm, khi ánh dương vừa hé lộ, Duy Tân đòi Hồ Đắc Trung cho đám trẻ trong nhà cùng vua đi ra biển nghịch nước. Hồ Đắc Trung căn dặn các con phải giữ lễ quân thần, không được cười nói thoải mái như với người thường, nhưng nhà vua lại rất bình dị và hòa đồng, xưng hô anh em gần gũi. Cũng theo lời kể của bà, vua Duy Tân và Hồ Thị Chỉ  hiếm khi nói chuyện với nhau. Mỗi lần vui chơi những trò trẻ thơ cùng Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di và Hồ Thị Hạnh, vua chỉ nhìn người còn lại mà không rủ vào nhập hội. Vua Duy Tân luôn tỏ ra vui vẻ, nhưng vẫn có thần thái nghiêm trang. Dù rất mến vua, nhưng anh em họ Hồ lại không dám cười đùa nhiều vì sợ cha trách mắng. Lúc tiết hè sắp qua, cũng đến thời điểm Duy Tân phải trở về hành cung, Hồ Thị Chỉ đã bật khóc. Thấy vậy, Duy Tân dặn bà Hạnh dỗ chị gái, và hẹn sang năm gặp lại.
Sau này, khi vua Duy Tân đồng ý với mẫu hậu chuyện nạp phi (lúc trước nghe tin ông còn nặng việc nước, chưa muốn kết hôn, Thái hậu đã rất lo lắng và cất công thuyết phục), Triều đình đã sai người đến xin ảnh của cô Hồ Thị Chỉ và dâng lên cho Thái Hậu coi. Một tuần sau có lệnh mời phu phụ Hồ Đắc Trung vào chầu Thái Hậu. Và rồi lễ hỏi cũng đến nhà với một đôi khuyên tai và một đôi vòng vàng, chờ ngày lành tháng tốt bà Hồ Thị Chỉ sẽ được tấn cung. Cả gia đình nhà Thượng thư, nhất là Hồ Thị Chỉ hân hoan trông ngóng.
Thế nhưng, ngày lành ấy lại vĩnh viễn không bao giờ tới. Tầm tháng 12-1915, vị vua trẻ đột ngột triệu Hồ Đắc Trung vào triều bàn chuyện riêng và thoái hôn với Hồ Thị Chỉ mà không cho biết nguyên nhân, khuyên ông cố gắng an ủi con gái và gả ngay cho người khác, kẻo Hồ Thị Chỉ buồn mà tội nghiệp. Vua tỏ ra rất đau lòng khi buộc phải từ hôn với người mà ông “mến thương từ hai năm nay”. Sự kiện này khiến gia đình cụ Hồ Đắc Trung, nhất là Hồ Thị Chỉ buồn rầu. Bước sang năm 1916, Mai Thị Vàng, con gái Mai Khắc Đôn, sư phụ dạy chữ Hán của vua Duy Tân đã thế chân trong kiệu hoa để bước vào hậu cung. Tại sao Duy Tân lại nhanh chóng thay đổi quyết định của mình như vậy, là do vua thay lòng hay vì lí do nào khác? Câu chuyện được sáng tỏ khi, vua Duy Tân bị Pháp bắt vào tháng 5/1916, vì ông có kết nối với Việt Nam Quang phục hội để làm cuộc khởi nghĩa. Từ chính khẩu cung mà Duy Tân tiết lộ, vì đã nhận lời tham gia cuộc khởi nghĩa vũ trang dưới sự chỉ huy của Quang Phục hội, nên ông lo sợ và quyết không để người trong mộng cùng gia quyến phải chịu liên đới. Bản thân Hồ Đắc Trung cũng nằm danh sách những người bị nghi ngờ có liên quan đến sự vụ này, nên nhờ lời thú nhận của Duy Tân, ông đá tránh được mối họa. Hay chuyện ân tình của Hồ Thị Chỉ dành cho vua Duy Tân càng thêm sâu nặng dù ông phải chịu án lưu đày xa xứ.

Chờ người không thấy – nỗi đau má hồng với vị chồng hờ

Theo sử sách ghi chép, năm 1917, Khải Định đến dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây trường Đồng Khánh. Có một cô gái xinh xắn, dịu dàng, cẩn trọng dâng lên vua một chiếc kéo mới tinh đặt trên một cái khay phủ gấm điều – đó chính là Hồ Thị Chỉ. Khải Định đã gặp Thượng thư Hồ Đắc Trung ngỏ ý muốn kết duyên với Hồ Thị Chỉ, với lí do ông cần một người vợ nói tốt tiếng Pháp “để làm các việc cơ mật”, rằng trước đây vua vốn có người vợ con gái đại thần Trương Như Cương nhưng bà xin về đã được ba năm. Khải Định hứa sẽ phong Hồ Thị Chỉ làm Hoàng Phi vợ chính. Ông vua cũng tâm sự đã có một con trai bốn tuổi với một cung nữ, cậu bé này sẽ là con của bà Hoàng Phi (cung nữ này chính là bà Hoàng Thị Cúc – Đức Từ Cung sau này).

 

Vua Khải Định (năm 1916)


Muốn trọn tình với Duy Tân, nghe tin dữ này, Hồ Thị Chỉ  đã một mực phản đối thưa với cha mẹ rằng bà nguyện ở cho đến hết đời, không muốn nhận lời ai nữa. Thế nhưng khước từ ý vua sẽ phạm tội phạm thượng, khác nào phản nghịch, hậu quả sẽ rất thảm khốc. Nghe theo lời khuyên giải, hy sinh tình cảm riêng tư vì sự sống còn của gia đình, Hồ Thị Chỉ đã cắn răng cam chịu, và trở thành Nhất giai Ân Phi của Khải Định – ngôi vị cao nhất trong hàng “cửu giai” do triều Nguyễn quy định cho các phi tần. Với tư cách mẫu nghi thiên hạ, am hiểu nhiều nền văn hóa, bà thường xuất hiện cùng Khải Định trong bao buổi tiếp đón quan khách trong ngoài nước. Thế nhưng giữa Ân phi và Khải Định lại không có giọt máu nối dõi, rồi đến năm 1925, Khải Định mất, sóng gió lại ập đến với Hồ Thị Chỉ.

Những ngày tháng cuối đời

Sau khi vua cha băng hà, Đông cung Vĩnh Thụy đăng cơ với niên hiệu là Bảo Đại, phong cho mẹ ruột làm Hoàng Thái Hậu, còn bà Ân phi Hồ Thị Chỉ không được sống trong nội cung mà phải về sống ở Cung An Định. Rồi sau đó ở trong căn biệt thự 145 (79D cũ) nằm trên đường Phan Đình Phùng.
Đi qua những trái ngang tột cùng, Hồ Thị Chỉ đã mắc phải chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần. Có giai đoạn anh trai Hồ Đắc đã đưa bà vào Sài Gòn chăm sóc chữa bệnh. Lúc tỉnh, bà viết một bức thư bằng tiếng Pháp gửi lên Liên hiệp quốc đòi độc lập cho Việt Nam, chống ngoại xâm. Cũng đã có lần em gái Hồ Thị Hạnh đưa bà lên ngôi chùa Khải Ân để nương nhờ chốn thiền môn. Bà sống lay lắt, đơn độc như một cái bóng. Ngày ngày bà mang một rổ bánh nậm, lọc ra bán ở chợ An Cựu để kiếm tiền mưu sinh, ai thích thì cho, ai không thích không bán, trang phục và nơi ở vô cùng luộm thuộm. Mặc dù được người thân hết lòng cưu mang giúp đỡ nhưng bệnh tình ngày càng tệ đi.
Cuộc sống của bà cứ lầm lũi và điên dại cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai người anh trai từ Hà Nội vào Huế mới gặp lại người em gái của mình sau bao năm li biệt. Từ đó tình trạng Hồ Thị Chỉ trở nên tốt hơn, minh mẫn hơn, không đi lang bạt nữa, rồi mất vào năm 1985, kết thúc một kiếp trầm luân.

 

Theo lichsuvietnam.com

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập127
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm117
  • Hôm nay17,077
  • Tháng hiện tại649,145
  • Tổng lượt truy cập47,374,253
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây