Bàn về cái chết của Đinh Bộ Lĩnh

Thứ sáu - 05/10/2018 18:04

Toàn thư được biên soạn trên tư duy đa nguyên văn – sử – triết bất phân của thời Trung đại. Việc các tác giả Toàn thư đã sưu tập huyền thoại, chuyện kể, tác phẩm truyền kỳ, tin đồn dân gian vào công trình của mình, khiến cho tác phẩm này trở thành cái bẫy lớn cho bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử. Để giải thích cho cuộc hành thích đơn lẻ của Đỗ Thích, người ta sáng tác ra câu chuyện “nuốt sao” với “giấc mộng đế vương”.
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư (Ninh Bình)
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư (Ninh Bình)

 
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Kỷ Mão, [Thái Bình] năm thứ 10 [979] (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 4). Mùa xuân, Nam Việt Vương Liễn giết hoàng thái tử Hạng Lang. Liễn là con trưởng của vua, thủa hàn vi cùng chịu gian khổ, đến khi định yên thiên hạ, ý vua muốn truyền ngôi cho, mới phong làm Nam Việt Vương, lại từng xin mệnh và nhận tước phong của nhà Tống. Sau vua sinh con nhỏ là Hạng Lang, rất mực yêu quý, lập làm thái tử. Liễn vì vậy bất bình, sai người ngầm giết đi.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Nối ngôi dùng con đích là đạo thường muôn đời, bỏ đạo ấy, chưa từng không gây loạn. Cũng có khi nhân thời loạn mà lập Thái tử, thì trước hết chọn người có công hoặc con đích trưởng quá ác phải bỏ thì sau mới lập con thứ. Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng đắn, người xưa vẫn từng làm. Nam Việt Vương Liễn là con trưởng, lại có công, chưa thấy lầm lỗi gì. Tiên hoàng yêu con thứ mà quên con trưởng, cho như thế mới đủ tỏ tình yêu quý, không biết như thế là làm hại con. Liễn lại nhẫn tâm, đến nỗi giết em, thiên đạo nhân luân mất hết, chuốc họa chết thiệt thân, còn liên lụy cả cha nữa, há chẳng rùng rợn lắm thay! Không thế thì tội đại ác của Đỗ Thích do đâu nảy ra để hợp với lời sấm được?”
Mùa đông, tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết vua ở sân cung. Bọn Đinh quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết. Trước đó Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn. Khi ấy lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích phải lén núp ở máng nước trong cung qua 3 ngày, khát lắm, gặp lúc trời mưa thò tay hứng nước uống, cung nữ trông thấy liền đi báo. Đinh quốc công Nguyễn Bặc sai người bắt đem chém, đập nát xương, băm thịt ra từng mảnh, chia cho người trong nước ăn, chẳng ai không tranh lấy mà nhai nuốt. Ngày trước, khi vua còn hàn vi, thường đánh cá ở sông Giao Thủy, kéo lưới được viên ngọc khuê to nhưng va vào mũi thuyền, sứt mất một góc. Đêm ấy vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thủy, giấu ngọc ở dưới đáy giỏ cá, đợi sáng ra chợ bán cá. Bấy giờ vua đang ngủ say, trong giỏ có ánh sáng lạ, nhà sư chùa ấy gọi dậy hỏi duyên cớ, vua nói thực và lấy ngọc khuê cho xem. Sư than rằng: “Anh ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài”.
Lại vào năm Thái Bình thứ 5 [974], có lời sấm ngữ: “Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi, đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng đại vương, thập ác vô nhất thiện, thập bát tử đăng tiên, kế đô nhị thập thiên” (Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà Lê nổi thánh minh, tranh nhau nhiều hoành nhi, đường sá người vắng tanh. Mười hai xưng đại vương, toàn ác không một thiện, mười tám con lên tiên, sao kế đô hai chục ngày). Người ta cho là số trời đã định như thế. Khi ấy Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, cùng thập đạo tướng quân Lê Hoàn rước Vệ Vương Toàn lên ngôi Hoàng đế, tôn gọi vua là Tiên Hoàng Đế, tôn mẹ đẻ [vua mới] là Dương Thị làm Hoàng thái hậu. Rước linh cữu Tiên Hoàng Đế về táng ở sơn lăng Trường Yên”.
Trên là đoạn sử liệu rất quan trọng, chép về cái chết của Đinh Bộ Lĩnh. Tuy nhiên, luôn tồn tại sự nghi ngờ về tính xác tín của thông tin mà Ngô Sĩ Liên cung cấp. Từ đó các học giả đưa ra những giả thuyết như:

Tác giả Lê Văn Siêu trong sách Việt Nam văn minh sử viết: “Trong cuộc chiến cung đình giữa các hoàng hậu, bà mẹ Hạng Lang đã chọn Nguyễn Bặc làm vây cánh. Khi Hạng Lang bị giết mà thủ phạm Đinh Liễn không bị trừng trị, bà nảy ý định trả hận và đã cùng Nguyễn Bặc dùng Đỗ Thích ra tay. Sau đó Nguyễn Bặc theo lệnh của bà bắt giết Thích để diệt khẩu”, hay “Đỗ Thích là gian tế của nhà Tống, giết cha con vua Đinh để làm rối triều đình và cho nhà Tống thừa cơ mang quân sang đánh chiếm. Vì Trung Hoa là nước lớn nên phía Đại Cồ Việt dù có biết, cũng không dám làm to chuyện gian tế đó, chỉ dồn sức đánh trả sau này”.
Trong Nhìn lại lịch sử của các tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan và Đinh Công Vĩ viết: “Tâm trạng hoang mang của Dương hậu sau vụ Hạng Lang bị giết, đã lọt vào tầm ngắm của Lê Hoàn, một người có thế lực (trông coi quân trấn giữ kinh thành) và là đồng hương của bà. Giữa họ đã nhanh chóng tạo thành mối liên hệ tự nhiên vì quyền lợi chứ chưa phải là chuyện tình ái, lại được mưu mẹo của quân sư Hồng Hiến hướng dẫn, rồi nhanh chóng biến thành một âm mưu thoán đoạt. Âm mưu thoán đoạt được triển khai, màn kịch được dàn dựng. Kết quả: cha con vua Đinh bị giết và nội nhân Đỗ Thích phải thịt nát xương tan và phải hứng chịu trách nhiệm trước công luận và lịch sử”.
Trong bài Phương thức chuyển giao quyền lực: Vụ ám sát Đinh Bộ Lĩnh của Trần Trọng Dương viết: “Tuy nhiên, việc giám định cho đoạn sử liệu trích dẫn ở trên [đoạn trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên] hầu như lại chưa được thực hiện. Chúng ta có thể thấy hàng loạt những thông tin “phi sử liệu” đã được cài cắm. Như chúng tôi đã từng chứng minh, Toàn thư được biên soạn trên tư duy đa nguyên văn – sử – triết bất phân của thời Trung đại. Việc các tác giả Toàn thư đã sưu tập huyền thoại, chuyện kể, tác phẩm truyền kỳ, tin đồn dân gian vào công trình của mình, khiến cho tác phẩm này trở thành cái bẫy lớn cho bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử. Để giải thích cho cuộc hành thích đơn lẻ của Đỗ Thích, người ta sáng tác ra câu chuyện “nuốt sao” với “giấc mộng đế vương”. Để giải thích cho sự tồn tại ngắn ngủi của nhà Đinh, người ta cũng sáng tác ra “chuyện ngọc khuê bị sứt” (như Toàn thư) hay chuyện “đeo kiếm cổ ngựa của ông thầy địa lý Tàu” (như Lĩnh Nam chích quái). Để giải thích cho việc họ Lê sẽ lên thay họ Đinh, Toàn thư cũng chép lại một bài sấm ngữ được cho là sáng tác trước đó 5 năm (974): “Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà Lê nổi thánh minh, đánh nhau nhiều người chết, đường sá người vắng tanh”. Tuy nhiên, với chúng tôi, thì việc sáng tác sấm ngữ thời xưa chỉ là hành động chính trị của những thế lực nhằm “chính thức hóa” sự lên ngôi của mình bằng một định đề huyền bí: số trời (chữ của Toàn thư). Giả sử, nếu như bài sấm đó bắt đầu xuất hiện vào năm 974 đi nữa, thì đối tượng để Đinh Bộ Lĩnh “xử tử” đầu tiên chính là Đỗ Thích và những người mang họ Lê, mà có thế lực nhất thời bấy giờ chính là Lê Hoàn – Thập đạo tướng quân. Vì thế có thể khẳng định, bài sấm này được sáng tác để tung vào dân gian ngay sau cuộc hành thích hoặc như lời giải thích của chính Tạ Chí Đại Trường thì bài sấm có thể là do các “sử gia tăng lục” của nhà Lê sáng tác sau này. Đọc đến đây, quý vị hẳn đã mường tượng ra một âm mưu chính trị mà không ít người đã từng nghĩ tới (…)
Sử liệu đầu tiên đề cập giả thuyết “Lê Hoàn mưu sát Đinh Bộ Lĩnh” là ghi chép của Thẩm Quát trong Mộng khê bút đàm được viết vào năm 1093 – sớm hơn Toàn thư 400 đến 600 năm. Bộ sử này ghi như sau: “thổ nhân Lê Uy giết Liễn tự lập”. (Lê Uy tức Lê Hoàn…). Năm 1996, Mai Khắc Ứng viết “Những người viết sử xưa đơn giản hóa sự cố này: chỉ bởi một giấc mơ hão huyền mà Đỗ Thích trở thành tên sát nhân. Đằng sau Đỗ Thích còn ai không? Tại sao khi Lê Hoàn thế chân thì quân Tống lại can thiệp ?”. Đồng thuận với giả thuyết trên, năm 1997 Đinh Công Vỹ đã công bố một số tài liệu tại Hoa Lư để giải thích cho sự kiện này (…) Năm 2013, giả thuyết “Lê Hoàn mưu sát cha con Đinh Bộ Lĩnh – Đinh Liễn”, được GS Keith Weller Taylor nhắc lại trong cuốn “A History of Vietnamese”. Ông viết như sau: “Tên thích khách, như được miêu tả, vốn mê muội bởi những điềm triệu báo rằng sẽ lên ngôi vua, (hắn) đã nhanh chóng bị bắt, giết và ăn thịt trong bối cảnh bất thường của tục ăn thịt người. Chúng ta không biết nhiều về quyền lực chính trị của gia tộc họ Đinh, nhưng đằng sau sự kiện này có lẽ còn ẩn chứa sự đối kháng giữa các phe cánh ngoại thích và thậm chí cả mưu đồ của Lê Hoàn cùng Dương Vân Nga – bà hoàng hậu có đứa con sống sót – người được tin rằng đã có tư tình với Lê Hoàn trước khi Đinh Bộ Lĩnh chết” (…)
Còn một câu hỏi quan trọng cần được cân nhắc ở đây. Vì sao Đinh Toàn, đứa con trai của Hoàng hậu họ Dương và Đinh Bộ Lĩnh, không bị giết ? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi muốn dẫn một số sử liệu từ Toàn thư.
Sử liệu 1: Khi Đinh Bộ Lĩnh bị giết, Đinh Toàn mới 5 tuổi [sinh năm 974]
Sử liệu 2: Đinh Toàn lên ngôi năm 6 tuổi, Lê Hoàn nhiếp chính, tự xưng là Phó Vương
Sử liệu 3: Thái hậu Dương khoác áo long cổn cho Lê Hoàn lên ngôi, giáng phong Đinh Toàn làm Vệ Vương
Sử liệu 4: Nhà Tống cho đòi hai mẹ con (Dương Thái hậu và Đinh Toàn) sang Bắc quy phụ, đó là điều kiện để “trao cờ tiết” cho Lê Hoàn, nhưng Lê Hoàn không nghe. Như ta biết việc này đã dẫn đến chiến tranh với Tống. 
Sử liệu 5: Năm 982, lập Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Ngô Sĩ  Liên bình: “Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn”.
Sử liệu 6: Năm 1001, đi đánh giặc Cử Long, vua cũ [nhà Đinh] là Vệ Vương Toàn trúng tên chết tại trận. Vua [Lê Hoàn] kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh, giặc tan vỡ.
Sử liệu 4 và 6 là vô cùng quan trọng, nhưng trước nay hầu như không được để ý đến. Từ những sử liệu trên, chúng ta có thể đi đến một số kết luận: (1) Lê Hoàn đã tư thông với Dương hậu từ trước năm 979 (xét, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, có quyền tự do ra vào cung cấm). Điều đó có nghĩa là (2) Đinh Toàn có khả năng cao chính là con đẻ của Dương hậu và Lê Hoàn. Đây chính là điểm mấu chốt quan trọng nhất mà các nghiên cứu trước đây chưa từng nghĩ đến. (3) Đinh Toàn sinh năm 974, như vậy việc tư thông phải có trước thời điểm này. (4) Nhà Tống dường như đã đọc được mối quan hệ ngầm trong hoàng cung Đại Cồ Việt nên đã vờ ra một “phép thử” tinh tế để có cớ xâm lăng. Dĩ nhiên, Lê Hoàn không thể đem hai mẹ con Dương hậu (hai con át chủ bài của cuộc đời) để lĩnh tiết việt. Lê Hoàn lên ngôi là việc đã xong và việc đánh Tống là điều không thể tránh. Được hay mất, công hay tội, sống hay chết chính ở nước cờ cuối cùng này. Như ta biết, với chiến thắng chống Tống – chiến thắng lớn nhất trước đế chế đầu tiên của phương Bắc trong thế kỷ X, Lê Hoàn đã có tư cách của người chiến thắng để viết nên lịch sử của Đại Cồ Việt và lịch sử của đời mình”.
* Như vậy là với câu chuyện mang tính chất thiên mệnh trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, tưởng rằng: vụ án về cái chết của vua Đinh đã kín kẽ, nhưng nay lại bộc lộ nhiều manh mối, các nhà nghiên cứu đã lần theo và phát hiện ra âm mưu chính trị hoàn hảo. Câu hỏi quan trọng là: vụ án đã khép lại được chưa ? Chúng ta cùng xem xét lại những manh mối lần cuối:
Trước hết là về bài sấm, rất có thể nó được soạn sau khi vụ án xảy ra. Về nhân vật Đỗ Thích. Đỗ Thích có khi nào giết vua không ? Giả sử như Thích nằm mơ nuốt sao nên nghĩ mình sẽ được làm vua. Nếu vậy thì sau khi giết vua, Thích phải ra mặt để còn làm vua, chứ vì sao lại phải trốn? Có khi nào sau khi thực hiện xong âm mưu, Thích sợ quá nên trốn? Nếu Thích đã chuẩn bị tâm lý để giết vua, thì Thích sẽ không sợ sau khi đã thực hiện hành vi. Thêm vào đó 1 mình Thích có thể thực hiện kế hoạch giết 2 vua không? Giết xong vua Bộ Lĩnh rồi tiếp tục giết vương Đinh Liễn? Có khi nào 2 cha con họ Đinh ở cùng 1 nơi vào thời điểm Thích hành động không? Cuối cùng, để có thể lên được ngôi, chắc chắn rằng: Thích phải giết nốt hoàng tử Đinh Toàn! Do đó, liên quan tới cái chết của Đinh Bộ Lĩnh rất khó để Đỗ Thích là hung thủ. Vậy Đỗ Thích ở đó làm gì?
Nếu Thích vô tình có mặt ở đó, thì phản ứng đầu tiên, thường là Thích sẽ hô lên hoặc sợ hãi mà không cất lên lời, chứ thường thì tâm lý không đủ nhanh trí để nghĩ rằng: mọi người sẽ nghi ngờ mình là hung thủ nên phải trốn. Nguyễn Bặc bắt được Thích nên đem giết đi. Thích có khi nào là đồng phạm không? Hẳn là khi Bặc bắt được Thích thì cũng phải tra khảo, chứ không lý gì đem giết đi. Chúng ta không có nhiều thông tin về Bặc nên không thể phán đoán được Bặc có tức giận, không nói không rằng: hạ lệnh giết Thích ngay không? Nhưng giả sử có lợi cho chúng ta là: Bặc tra khảo Thích, nếu vậy thì khả năng cao là Thích sẽ khai nếu như Thích có đồng phạm và nếu đồng phạm là Lê Hoàn, thì hẳn là Bặc sẽ không giết Thích mà sẽ đưa về Hoa Lư để đối chất, khi đó Nguyễn Bặc có chính nghĩa để phạt Hoàn.
Như vậy cả 3 khả năng đều rất khó xảy ra: thứ nhất là Thích giết vua, thứ hai là Thích vô tình có mặt tại địa điểm gây án và cuối cùng là Thích có hợp tác với Lê Hoàn. Vậy Đỗ Thích giữ vai trò gì trong vụ án này? Tôi đặt một giả thuyết, giả thuyết này xây dựng trên sự nghi ngờ về thông tin trong Đại Việt sử ký toàn thư. Như chúng ta thấy, Ngô Sĩ Liên đã dẫn bài sấm, nhưng bài sấm rất có thể được sáng tác sau khi vụ án xảy ra, Sĩ Liên dẫn cả truyện về viên ngọc bị sứt mẻ, rồi cả chuyện nuốt sao nữa? Vậy thì liệu rằng: Nhân vật Đỗ Thích có thật hay không? Hay đó cũng chỉ là 1 sự sáng tạo của dân chúng? Nhân vật cần thiết để vụ án xảy ra? Thậm chí là nhân vật được dựng lên để chính quyền mới giải thích cho cái chết của vị hoàng đế cũ? Rõ ràng, việc lần theo nhân vật Đỗ Thích sẽ không cho kết quả nhiều hơn những gì có trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Nhân vật tiếp theo mà chúng ta xem xét là hoàng hậu Dương Thị. Nhìn lại lịch sử viết: “Bà là con gái Dương Tam Kha, cháu nội Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, ba lần chính thức là Hoàng hậu. Lần thứ nhất của Ngô Xương Văn, sau là Nam Tấn Vương, sinh ra Ngô Nhật Khánh. Lần thứ hai của Đinh Tiên Hoàng sinh ra Vệ Vương Đinh Toàn. Lần thứ ba của quan Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, sau là vua Lê Đại Hành, nhưng khi đã bước vào tuổi già.
Về cuộc hôn nhân lần thứ nhất của Dương Thị Nga với Ngô Xương Văn (con thứ hai của Ngô Vương Ngô Quyền) xảy ra vào thời Dương Tam Kha đang tiếm ngôi họ Ngô, ta thấy ĐVSKTT ghi: “Tiền Ngô Vương (tức Ngô Quyền) bệnh nặng, có di chúc giao cho Dương Tam Kha (anh hoặc em của Dương hậu – vợ Ngô Quyền) giúp rập cho con. Khi Vương mất, Tam Kha cướp ngôi. Con trưởng của Ngô Vương là Xương Ngập sợ, chạy về Nam Sách giang, trú ngụ ở nhà Phạm Lệnh công ở Trà Hương. Tam Kha lấy con thứ hai của Ngô Vương là Xương Văn làm con mình”.
“Làm con mình” ở đây tức là “làm con rể”: Dương Tam Kha đem con gái (Dương Thị Nga) gả cho Ngô Xương Văn để dễ bề không chế. Tuy nhiên, sau đó Xương Văn đã cùng hai tướng Dương Cát Lợi và Đỗ Cánh Thạc “quay về đánh úp Tam Kha. Mọi người muốn giết đi, Xương Văn nói: “Bình Vương (tức Dương Tam Kha) đối với ta có ơn, sao nỡ giết”. Bèn giáng làm Chương Dương công, nhân đó ban cho thực ấp” (ĐVSKTT)
Việc Ngô Xương Văn không nỡ giết Dương Tam Kha như ĐVSKTT ghi, chính là do còn có tình nghĩa “bố vợ – con rể” và “cậu – cháu”, bởi vì trước đó, Ngô Quyền (bố của Ngô Xương Văn) cũng đã là con rể của Dương Đình Nghệ (bố của Dương Tam Kha).
Từ những điều ghi nhận trên, ta thấy cuộc hôn nhân lần thứ nhất của Dương Thị Nga với Ngô Xương Văn đã diễn ra theo cái lẽ thường tình của thời ấy, tức là do sự sắp đặt của cha mẹ. Bà chỉ là Hoàng hậu khi Ngô Xương Văn đã giữ vương quyền và nếu không có những biến thiên lịch sử, thì địa vị Hoàng hậu của bà cũng trôi đi phẳng lặng như bao cuộc hôn nhân bình thường khác”.
Sử sách không nêu rõ tên của hoàng hậu Dương Thị, nhưng xem xét kỹ các thông tin, chúng ta sẽ thấy có nhiều hơn 1 hoàng hậu là người họ Dương. Ngay như việc, Dương Tam Kha tiếm quyền, Ngô Xương Ngập chạy về Nam Sách, Ngô Xương Văn bị ép làm con nuôi, 2 con nhỏ là Nam Hưng và Càn Hưng theo Dương phu nhân. Vậy là vợ Ngô Quyền cũng là người họ Dương và là con của Dương Đình Nghệ, chị em của Dương Tam Kha. 
Giả thuyết của nhóm các tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan và Đinh Công Vĩ cho rằng: Ngô Xương Văn là con rể của Dương Tam Kha, có lẽ không ổn, vì không có bằng chứng rõ ràng trong trường hợp nhận con này của Tam Kha, có thể là nhận cháu (con của chị em gái) làm con nuôi, do vậy vợ của Ngô Xương Văn chưa hẳn đã là người mang họ Dương. Người con gái họ Dương thứ hai chính là vợ của Đinh Bộ Lĩnh và sau này (như sử liệu) thì bà cũng là vợ của Lê Hoàn. Hoàng hậu họ Dương này cũng có thể là con của Dương Tam Kha. Vậy có thể tạm xác định được 2 người mang họ Dương là hoàng hậu.
Nhân vật thứ ba mà chúng ta tìm hiểu chính là hoàng tử Hạng Lang. Các sử sách chép rằng: Hạng Lang được vua Đinh Tiên Hoàng yêu mến, định  truyền ngôi, dẫn tới sự phẫn nộ của anh là Đinh Liễn, đã dẫn tới anh em tương tàn, kết cục là mùa xuân năm 979, Liễn giết Lang. Tuy nhiên căn cứ vào bài văn trên cột kinh phật phát hiện tại Hoa Lư năm 1963 có viết: “Đệ tử là Suy thành Thuận Hóa, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đặc tiến Kiểm hiệu Thái sư, thực ấp một vạn hộ, Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn, vì vong đệ là Đại đức Đính Noa Tăng Noa không làm điều trung hiếu, không thờ anh và cha, lại có lòng ác, trái với sự yêu thương và khoan dung, anh không thể bỏ qua, nên đã làm tổn hại đến tính mệnh của Đại đức Đính Noa Tăng Noa, để trọn vẹn tình nhà nghĩa nước. Lời người xưa rằng, đã tranh quan thì không nhường, ra tay trước mới là hay, đến nỗi ra tình hình như vậy. Nay nguyện làm 100 cột kinh để cúng cho vong đệ và những hồn ma của người chết trước đây và sau này, cầu cho tất cả giải thoát, không phải tranh giành kiện tụng. Trước hết là chúc cho Đại Thắng Minh hoàng đế, mãi mãi làm chủ trời Nam, giữ yên ngôi báu”.
Cột kinh phật này được Đinh Liễn dựng vào năm 973 với mục đích cầu siêu thoát cho em là Đính Noa Tăng Noa. Hà Văn Tấn cũng lưu ý chúng ta chữ hán Đính gần giống với chữ hán Hạng [như vậy thì Lang có thể là cách gọi phổ biến cho 1 lớp người nào đó hoặc cách gọi xưng hô như Thị chẳng hạn]. Vậy theo như đó thì năm Hạng Lang bị Liễn giết phải xảy ra trước hoặc cùng với năm 973. Lại thêm Tân đại ngũ sử chép: “Càn Hòa năm thứ 12 (năm 954) (…) Giao Châu Ngô Xương Tuấn sai sứ xưng thần, xin tiết việt (…) Đại Bảo năm thứ 8 (năm 965) Giao Châu Ngô Xương Văn chết, phụ tá Lã Xử Bình cùng Phong Châu thứ sử Kiều Tri Hựu tranh lập, Giao Chỉ đại loạn, Đinh Liễn cử binh đánh phá được, Xưởng phong Liễn làm Giao Châu tiết độ sứ”.
Tục tư trị thông giam chép: “Khai Bảo năm thứ 6 (năm 973) Giao Châu thứ sử Đinh Liễn cử sứ triều cống, chiếu cho Liễn làm Tĩnh Hải quân, An Nam đô hộ, Giao Chỉ quận vương (…)
Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 5 (năm 980) (…) tháng 4 (…) sai cung phụng quan Lư Tập sang sứ Giao Châu. Gặp lúc, Đinh Liễn cùng cha Bộ Lĩnh đều chết, em Liễn là Truyền còn nhỏ, tự xưng tiết độ hành quân ty mã, giữ lĩnh việc quân. Đại tướng Lê Hoàn lộng quyền, giam lỏng Tuyền, cử người thân thuộc trông giữ, nắm điều hành việc nước.
Tháng 6 (…) [Thái thường bác sĩ, trị Ung Châu] Hầu Nhân Bảo dâng sơ nói “Giao Châu chủ soái bị hại, đất loạn có thể lấy được, xin vào cửa khuyết để trình tấu” vua rất vui, lệnh triệu hồi”.
Tống sử chép: “Khai Bảo năm thứ 6 (năm 973) (…) tháng 5 (…) Giao Châu Đinh Liễn cử sứ đi cống (…)
Nhân Bảo lấy em gái của tể tướng Triệu Phổ. Lư Đa Tốn có hiềm khích với Phổ, bèn đẩy Nhân Bảo làm tri Ung Châu (…) 9 năm không đổi. Thái Bình Hưng Quốc trung (năm 980) dâng kế sách lấy Giao Châu, Thái Tông rất vui, xin được đến cửa khuyết trình tấu. Đa Tốn cự bàn “nếu vời Nhân Bảo về, mưu hay sẽ lộ, man di tăng phòng thủ, không dễ lấy được. Chi bằng mật sai Nhân Bảo chuẩn bị, điều tướng dẫn vài vạn lính giỏi tràn đánh, tất được vạn toàn” vua cho là phải. Phong Nhân Bảo làm Giao Châu thủy lục chuyển vận sứ (…)   
Xương Ngập chết, em Xương Văn nối. Những năm đầu Càn Đức [năm 963-965] Xương Văn chết, tham mưu Lã Xử Bình, Phong Châu thứ sử Kiều Trị Hộ, Vũ Ninh Châu thứ sử Dương Huy, nha tướng Đỗ Cảnh Thạc cùng tranh lập, mười hai châu đại loạn. Dân chúng tụ tập làm tặc đảng, đánh Giao Châu. Trước, nha tướng cũ của Dương Đình Nghệ là Đinh Công Trứ làm Thứ sử châu Hoan, kiêm Ngự phiền đô đốc, có con là Bộ Lĩnh. Công Trứ chết, Bộ Lĩnh nối. Gặp thời, Bộ Lĩnh cử con là Liễn xuất binh đánh bại Xử Bình, giặc tan, tạo yên bình, dân chúng châu Giao chịu ơn đức, Bộ Lĩnh đứng đầu Giao Châu, hiệu xưng Đại Thắng vương, phong con Liễn làm Tiết độ sứ. Được 3 năm, nhường cho Liễn kế vị. Liễn lập bảy năm, nhận văn chiếu, cử sứ đi cống, xin nội thuộc. [Chế] lấy [quyền] Giao Châu tiết độ sứ Đinh Liễn làm kiểm hiệu Thái sư, thêm Tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân, Đô hộ An Nam. Có chiếu lấy tiến phụng sứ Trịnh Tú, Vương Thiệu [tộ tịnh] làm kiểm hiệu tả tán kỵ thường thị kiêm ngự sử đại phu. Năm Khai Bảo thứ 8 [năm 975] cử sứ cống tê, tượng, hương. Triều đình thiện bàn về Bộ Lĩnh, xuống bài văn chế: “[Họ Đinh] đời làm vọng tộc, gìn giữ được phương xa, chí hâm mộ phong hoá Trung Hoa, thường nghĩ đến việc nội phụ. Nay chín châu hợp một, miền Ngũ Lĩnh sạch quang, bèn trèo non vượt biển đến dâng đồ cống. Khen người làm con biết giữ lễ phiên thần, vậy ban cho cha ngươi theo lối cắt đất phong tước, xếp phẩm trật cho vào hạng được cầm quân, được hưởng mức “tỉnh phú”. Như thế là để khen thưởng đức tốt của người già, há chỉ hạn chế trong điển chương thường lệ đâu? Phong làm khai phủ nghi đồng tam ty, kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ quận vương”.
Thái Tông lên ngôi [năm 976] Liễn cử sứ đi cống. Bộ Lĩnh cùng Liễn đều chết, em Liễn là Tuyền còn nhỏ, tự xưng tiết độ hành quân ty mã, giữ lĩnh việc quân. Đại tướng Lê Hoàn lộng quyền, giam lỏng Tuyền, cử người thân thuộc trông giữ, nắm điều hành việc nước. Thái Tông tức giận, cử binh tiến đánh”.
Theo như sử liệu thì năm 954, Ngô Xương Văn cử sứ sang nhà Nam Hán xưng thần, xin tiết việt, năm 965 Xương Văn chết. Tháng 5 năm 973 Đinh Liễn cử sứ đi cống, xin nội thuộc, được phong làm Kiểm hiệu Thái sư, Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân, An Nam đô hộ. [Năm 972 Phan Mỹ tướng nhà Tống, đánh dẹp Nam Hán. Có lẽ trước áp lực của những hoạt động quân sự gần biên giới, nên họ Đinh đã tính đến ngoại giao, ở đây cần lưu ý tới sự việc xin nội thuộc] Đinh Liễn được phong chức tước tuy nhiên không được tước vương [Giao Chỉ].
Xem bài văn trên cột kinh phật thì thấy có ghi những tước hiệu của nhà Tống phong có Liễn, vậy thì bài văn phải viết vào sau thời điểm Liễn cử sứ đi cống [sau tháng 5 năm 973]. Trường hợp chung nhất là anh em họ Đinh đều muốn tranh ngôi, nhưng sau khi Liễn cử sứ đi cống, được phong tước, nhận thấy thế cục đã định, Hạng Lang liền bộc lộ, nhưng Liễn động thủ trước, dẫn tới Lang bị chết, sau đó Liễn cho dựng cột kinh. Trong bài văn có nói: Hạng Lang không giữ trung hiếu, không thờ anh và cha, lại có lòng ác. Rõ ràng là: Lang đã bộc lộ dã tâm trước, không chịu thế cục đã được sắp đặt. Lời văn là của Đinh Liễn, vậy lời văn có lợi cho Liễn không ? Rất là khó, vì Liễn dựng cả trăm cột, ở Hoa Lư, ai cũng biết, hơn nữa lại dựng sau thời điểm giết Hạng Lang không lâu, vậy thì lời văn hẳn là phải chính xác.
Sách Tục tư trị thông giám chép rằng: Đinh Liễn được phong Giao Chỉ quân vương. Nhưng có lẽ đó là cách chép gộp sự kiện mà thôi. Năm 973, Liễn chưa được phong làm Giao Chỉ quận vương. Bản thân bài văn trên cột kinh phật cũng chỉ rõ việc này. Đến năm 975, Đinh Liễn lại cử sứ đi triều cống [năm 973 là cử sứ đi xin nội thuộc, sau khi nội thuộc hẳn là có lệ mấy năm phải đi cống và có thể năm 975 là lần cống đầu tiên trong cái lệ ấy]. Năm này, Đinh Bộ Lĩnh được phong làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ quận vương. Điểm khó hiểu là chức Kiểm hiệu Thái sư năm 973 đã phong cho Đinh Liễn vì sao năm 975 lại phong cho Đinh Bộ Lĩnh. Tuy nhiên lần phong này, phương nam có thêm tước vương. Tuy nhiên tước vương này phương nam chỉ nhận để mang tính ngoại giao, còn trên thực tế, như bài văn trên cột kinh cho biết: Đinh Bộ Lĩnh vẫn xưng ở phương nam là Đại Thắng Minh hoàng đế và thú vị là Đinh Liễn lại được phong là Nam Việt vương, đây hẳn là tước của Đại Thắng Minh hoàng đế phong cho và cái thực ấp 1 vạn hộ, cho biết cấp độ của tước vương.
Còn 1 lần Đinh Liễn cử sứ đi cống nữa, đó là năm 976, khi Thái Tông lên ngôi. Lần cống này sử phương bắc không ghi chép nhiều. Liên quan tới tước Giao Chỉ quận vương, Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Sự thực bấy giờ thế nào thật không rõ được, hoặc giả có điều gì giấu giếm mà như thế chăng”. Nghĩa là theo như sách Tục tư trị thông giám thì nhà Tống phong cho Liễn làm Giao Chỉ quận vương, nhưng theo như Tống sử thì lại phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ quận vương. Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Sách Đông Đô sự lược chép: Đinh Liễn nối ngôi cha. Lúc nhà Tống bình được đất Lĩnh Nam, Liễn cử sứ xin nội thuộc. Có lẽ bấy giờ Tiên Hoàng cần quyền trị vì trong nước, còn việc bang giao trọng đại giao cả cho Liễn, nhà Tống phong tước vương cho Liễn, chứng ấy ý để Liễn nối ngôi cha; về phần Tiên Hoàng, vì đã xưng hoàng đế ở trong nước rồi, nên cũng không thắc mắc về chuyện đó chăng?”. Đây cũng chính là lời giải cho tước vị Giao Chỉ quận vương phong cho Đinh Bộ Lĩnh hay Đinh Liễn?  
Chúng ta có bàn tới việc, rất có thể Tục tư trị thông giám chép gộp, tức là năm 973 Đinh Liễn chỉ được phong Kiểm hiệu thái sư, Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân, An Nam đô hộ. Tước Giao Chỉ quận vương được phong cho Liễn ở thời điểm khác và chắc chắn là sau năm 973. Thế nhưng Tống sử lại ghi rất rõ rằng: Năm 975 phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ quận vương. Với việc xin nội thuộc thì chắc chắn Bộ Lĩnh phải nhận. Mà Tống sử cũng chép rõ rằng: Khi Liễn vào cống lần đầu (năm 973), được phong làm Kiểm hiệu thái sư, Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân, An Nam đô hộ, giống như Tục tư trị thông giám chép. Vậy rõ là sách Tống sử chép chính xác nên việc ban Bộ Lĩnh tước vương không phải nghi ngờ. Vậy thì Đinh Liễn được phong làm Giao Chỉ quận vương có lẽ chỉ còn thời điểm duy nhất nữa là năm 976. Đó chính là lần Liễn cử sứ đi cống nhân Thái Tông lên ngôi. Như vậy sẽ rất hợp lý! Tuy nhiên chính sự hợp lý này lại dẫn tới câu hỏi: vì sao nhà Tống lại phong tước Giao Chỉ quận vương cho Đinh Liễn trong khi đã phong cho cha là Bộ Lĩnh? Giả thuyết đặt ra là: Đinh Bộ Lĩnh đã chết! Bộ Lĩnh chết nên con là Đinh Liễn nối tước. Nhưng sử của Ngô Sĩ Liên lại nói rất rõ rằng: Đỗ Thích đã giết Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn hoặc ít nhất sử liệu cũng cung cấp rằng: Cha con họ Đinh cùng chết trong cuộc ám sát năm 979 do âm mưu chính trị. Khi xem xét kỹ thông tin sử, thì không phải sử liệu nào cũng chép rằng: Cha con họ Đinh cùng chết trong vụ án năm 979, có nhiều thông tin chỉ xác quyết rằng: Chỉ có Đinh Liễn là chết trong vụ ám sát ấy. Cụ thể các sử liệu sau:
Mộng khê bút đàm được viết vào năm 1093 của Thẩm Quát (1031-1095) chép: “thổ nhân Lê Uy giết Liễn tự lập” [dẫn lại theo Trần Trọng Dương – Trọng Dương cũng lưu ý chúng ta xem thêm những bài viết của Nguyễn Phúc Anh]
Tục tư trị thông giám chép: “Tháng 6 (…) [Thái thường bác sĩ, trị Ung Châu] Hầu Nhân Bảo dâng sơ nói “Giao Châu chủ soái bị hại, đất loạn có thể lấy được, xin vào cửa khuyết để trình tấu” vua rất vui, lệnh triệu hồi”.
Tống sử chép: “Gặp thời, Bộ Lĩnh cử con là Liễn xuất binh đánh bại Xử Bình, giặc tan, tạo yên bình, dân chúng châu Giao chịu ơn đức, Bộ Lĩnh đứng đầu Giao Châu, hiệu xưng Đại Thắng vương, phong con Liễn làm Tiết độ sứ. Được 3 năm, nhường cho Liễn kế vị. Liễn lập bảy năm, nhận văn chiếu, cử sứ đi cống, xin nội thuộc”.
Theo như Mộng kê bút đàm thì Lê Hoàn chỉ giết Đinh Liễn. Theo Tục tư trị thông giám thì Giao Châu chủ soái bị hại. Câu này hàm ý người đứng đầu Giao Châu và dù đó là Bộ Lĩnh hay Đinh Liễn thì cũng chỉ là 1 người. Còn theo Tống sử thì Bộ Lĩnh giữ ngôi được 3 năm [ý nói Bộ Lĩnh tự xưng Đại Thắng vương] từ năm 968 đến năm 972. Sau đó truyền ngôi [vị trí đứng đầu Giao Châu] cho con là Đinh Liễn [trước được Bộ Lĩnh phong là Tiết độ sứ]. Sự việc này đã dẫn tới việc không giữ điều trung hiếu, thờ anh và thờ cha của hoàng tử Hạng Lang. Năm 972 Tống diệt Nam Hán, năm 973 Liễn cử sứ đi xin nội thuộc, được [chính thức] phong làm Kiểm hiệu thái sư, Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân, An Nam đô hộ [về danh nghĩa là người đứng đầu An Nam]. Năm 975 Liễn lại cử sứ đi cống, lần này triều đình phương bắc, ban tước vương cho Đinh Bộ Lĩnh [về danh nghĩa Liễn vẫn là người đứng đầu Giao Châu]. Năm 976 Liễn cử sứ đi mừng Tống Thái Tông, được gia thêm Giao Chỉ quận vương [Liễn vẫn là người đứng đầu Giao Châu] cho đến năm 979, Liễn bị Lê Hoàn giết. Vậy là từ năm 973 tới năm 979 vừa đủ 7 năm đứng đầu châu Giao từ cái nhìn của triều đình phương bắc, dẫu chức tước không phải lúc nào cũng thể hiện điều đó. Triều đình phương bắc tuy xem Đại Thắng vương của Đinh Bộ Lĩnh là tự xưng nhưng cũng phải thừa nhận tước vương ấy thông qua việc chi tiết nhường ngôi lại. Khi Liễn xin nội thuộc, phương bắc chỉ xem xét người đứng đầu An Nam đến chức Kiểm hiệu thái sư, Tiết độ sứ và Đô hộ. Đến năm 975, mới thêm tước vương cho An Nam [cụ thể là Bộ Lĩnh], tuy nhiên ngay năm 976, Liễn lại nối tước ấy, nên càng cho thấy đúng là Liễn nối ngôi 7 năm [đứng đầu Giao Châu 7 năm dưới cái nhìn của bắc triều]. Đó chỉ là trên mặt danh nghĩa thôi, còn thực tế Bộ Lĩnh đã xưng Đại Thắng Minh hoàng đế và phong Liễn làm Nam Việt Vương. Đúng là toàn quyền do Bộ Lĩnh nắm và Liễn đứng đầu về ngoại giao. Tước vương là tước cao quý, thường có tục nối. Đinh Liễn nhận tước này vào năm 976, thì rất có thể Bộ Lĩnh mất trong năm này hoặc trước đó. Nhưng chắc chắn là không thể trước năm 975.  
Cuối cùng còn có 1 đoạn văn nữa trong sử phương bắc mà chúng ta phải xem xét cẩn thận, đó là đoạn “Thì Đinh Liễn cập kỳ phụ Bộ Lĩnh giai tử” [Tục tư trị thông giám] hay “Bộ Lĩnh cập Liễn ký tử” [Tống sử]. Câu này theo tôi cũng là chép gộp. Ý nói Bộ Lĩnh và Đinh Liễn đều đã chết và không nhất thiết là 2 cha con họ Đinh cùng chết vào 1 thời điểm. Có thể Bộ Lĩnh chết trước, Đinh Liễn chết sau, nhưng cả 2 thì đều đã chết. Còn một khó khăn nữa, đó là: nếu năm 976, sau khi cử sứ đi cống, Đinh Liễn được phong làm Giao Chỉ quận vương, thì triều đình phương bắc đã biết Bộ Lĩnh mất vậy mà lại không có 1 ghi chép nào về thông tin này?

Tiểu kết: Tất cả cũng chỉ dừng lại ở giả thuyết, đó là sau khi đánh bại Lã Xử Bình năm 968, Đinh Bộ Lĩnh xưng là Đại Thắng Minh hoàng đế phong con là Đinh Liễn làm Nam Việt vương. Năm 972 trước áp lực từ phía biên giới phía bắc, năm 973 Đinh Liễn cử sứ sang xin nội thuộc nhà Tống, được phong làm Kiểm hiệu thái sư, An Nam đô hộ, Tĩnh Hải quân tiết độ sứ. Cùng năm xảy ra sự biến lớn trong việc tranh ngôi giữa Đinh Liễn và Hạng Lang. Năm 975 Liễn cử sứ bắc cống. Bộ Lĩnh được ban tước Giao Chỉ quận vương. Khoảng năm 975 - 976 Bộ Lĩnh mất. Năm 976 Liễn sai sứ cống mừng Thái Tông lên ngôi được ban tước Giao Chỉ quận vương. Năm 979 Lê Hoàn giết Đinh Liễn.
 P/S: Đinh Toàn là con ai? Chúng ta sẽ bàn sau.

Đặng Thanh Bình
Theo nghiencuulichsu.com

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập159
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm152
  • Hôm nay16,918
  • Tháng hiện tại648,986
  • Tổng lượt truy cập47,374,094
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây