Thăm khu di tích Bạch Đằng Giang Hải Phòng

Thứ bảy - 18/02/2017 08:33

Nhân dịp ky niệm 1073 năm ngày mất của Đức Vua Ngô Quyền, ngày 17/2/2017, sau lễ giỗ Đức Vua, Hội đồng họ Ngô Việt Nam tổ chức một đoàn về thăm khu di tích Bạch Đằng Giang thuộc thành phố Hải Phòng, nhằm tìm hiểu và thu thập thêm thông tin về di tích bãi cọc Bạch Đằng.
Cổng khu Di tích Bạch Đằng Giang - Tràng Kênh, Hải Phòng
Cổng khu Di tích Bạch Đằng Giang - Tràng Kênh, Hải Phòng

 

Khu di tích Bạch Đằng Giang thuộc địa phận thôn Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 25 Km về phía Bắc. Khu di tích được bao bọc bởi dãy núi đá Tràng Kênh hùng vĩ, phía trước là con sông Bạch Đằng huyền thoại,  sườn phía Nam là dòng sông Giá hiền hòa. Đây vốn là khu di tích được nhân dân phục dựng, trở thành một quần thể các công trình kiến trúc, nghệ thuật tín ngưỡng, tâm linh, với kiến trúc quy mô bề thế, khang trang được xây dựng từ năm 2008 đến năm 2011 trên khu đất đắc địa. Khu di tích cũng đang được nhân dân Hải Phòng lập đề án xây dựng thành công viên Chiến thắng Bạch Đằng - tương lai sẽ trở thành địa điểm tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.

Từ cổng chính, du khách có thể đi xe khoảng 500m vào tới nhà tiếp đón. Ở đây du khách gửi lại xe để đi bộ vào tham quan, hành lễ, có bộ phận trông giữ xe miễn phí cho khách. Mọi người cũng có thể vào nhà đón tiếp nghỉ ngơi, uống nước trước và sau khi tham quan. Trong nhà đón tiếp kê rất nhiều những bộ bàn ghế đóng kiểu tràng kỷ bằng gỗ. Quanh hiên nhà, cách đoạn lại bố trí bình nước lọc để khách tự phục vụ, với lời mời lịch sự viết trên các biển để bên.

Từ nhà đón tiếp đi bộ vào tham quan hết hệ thống di tích với đoạn đường chừng 2Km. Dọc đường đi, chúng tôi được chiêm bái một hệ thống đền thờ, miếu viện, tượng đài thờ tự và vinh danh các bậc tiền nhân, anh hùng dân tộc. Qua nhà trưng bày hiện vật là đền thờ Hoàng đế Lê Đại Hành, người đã đánh thắng quân Tống xâm lược năm 981. Tiếp đó là Trúc Lâm thiền tự, nơi thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, rồi đền thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, người đã chỉ huy đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288, cũng bằng thế trận cọc nhọn ngay trên khúc sông này. Tiếp đến là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Phía cuối gần tiếp giáp bờ sông Bạch Đằng là đền thờ Đức Vương Ngô Quyền, vị Tổ trung hưng, người đã làm nên chiến thắng lịch sử, đánh tan mấy vạn quân Nam Hán năm 938 ngay tại chính nơi đây, đem lại nền độc lập, mở ra kỷ nguyên tự chủ cho đất nước.

Đền thờ Ngô Vương Quyền được khởi công xây dựng ngày 1/6/2011, hoàn thành ngày 11/11/2011, tọa lạc uy nghi, bề thế trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng. Bước chân đến trước cổng, chiêm bái ngôi đền, chúng tôi vào đền dâng lễ, thắp hương, lòng trào dâng tâm trạng tự hào và một cảm xúc khó tả. Con cháu họ Ngô hiện luôn trăn trở bởi lý do: từ trước đến nay, thăm viếng các di tích thờ tự Ngô Vương Quyền, trên khắp đất nước chưa thấy chỗ nào có một công trình tầm cỡ, tương xứng với công lao, sự nghiệp của Đức Vua. Thì đây chính là công trình đáp ứng được yêu cầu đó. Chúng tôi cứ thầm hỏi: không biết bao giờ Thủ đô Hà Nội mới xây dựng được một công trình tưởng niệm Đức Vua Ngô Quyền xứng tầm như thế này.

 

Nhà đón tiếp Di tích Bạch Đằng Giang

 

Suốt dọc đường đi từ nhà trưng bày đến đây, tiếng nhạc thiền ru dương, êm dịu phát ra từ những chiếc  loa bên đường tạo nên không khí thanh bình, cộng với những làn gió mát dịu mang theo hơi nước từ dười mặt sông, khiến tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái.

Phía bờ, nơi nhô lấn ra ngoài sông là tượng đài 3 vị anh hùng dân tộc đã làm nên những chiến thắng lịch sử trên khúc sông này: Đức Vương Ngô Quyền,  Đức Hoàng đế Lê Đại Hành và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Nhìn những bức tượng uy nghi, mắt dõi nhìn thẳng xuống dòng sông như đang chi huy trận đánh. Tượng mang dáng vẻ uy phong, hùng dũng nhưng sắc thái cũng toát lên vẻ độ lượng, khoan hòa. Chúng tôi đã được chiêm ngưỡng tượng đài Ngô Vương Quyền ở một số nơi, nhưng chưa bức tượng nào có thần thái sống động như tượng Ngô Vương ở đây. Cám ơn họa sỹ thiết kế và những người thợ đúc với bàn tay khéo léo đã tạo dựng được những tác phẩm nghệ thuật đẹp, có giá trị cao.

Tham quan bãi cọc giả định dưới chân khu tượng đài, tự nhiên dấy lên cảm xúc tự hào, nhưng lại sực nhớ hôm nay là ngày 17/2. Ngày này cách đây 38 năm, quân xâm lược phương Bắc đã ồ ạt tràn vào nước ta suốt dọc tuyến biên giới, giết hại dân lành, cướp phá tài sản, biết bao chiến sỹ, đồng bào đã ngã xuống trước họng súng tàn ác, man rợ của quân thú, bỗng trong tim lại thấy nhói đau. Điều này nhắc nhở dân ta phải không ngừng nâng cao canh giác.

Vào thăm khu di tích Bạch Đằng Giang, thêm một điều chúng tôi tâm đắc nữa là: công tác quản lý an ninh trật tự, vệ sinh cũng như ý thức của khách đến thăm rất tốt. Có thể chủ quan mà nói rằng, công tác quản lý và phục vụ nơi đây là một trong những hình mẫu để các nơi khác học tập, rút kinh nghiệm. Suốt hành trình tham quan, vãn cảnh, chúng tôi không hề thấy hiện tượng ăn xin, ăn mày, không có cảnh quán hàng, chèo kéo; không thấy ai xả rác, vứt bừa, không hề thấy hiện tượng bạc lẻ cài tay Phật Thánh... Đội ngũ nhân viên vệ sinh làm việc luôn tay, đồ vật, sàn nhà lúc nào cũng được lau chùi sạch sẽ.

Riêng có một điều làm cho  mọi người thấy không hài lòng là: nhà máy xi măng ngay sát di tích, thậm chí cả trong khu di tích vẫn đang hoạt động. Nhìn một số ngọn núi xung quanh đang bị khai thác nham nhở làm phá vỡ cảnh quan, môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến khu di tích.

Hy vọng Thành phố Hải Phòng, lãnh đạo Công ty xi măng Tràng Kênh và Ban Quản lý Di tích Bạch Đằng Giang nhanh chóng có phương án, sớm di dời nhà máy xi măng đi nơi khác, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan tổng thể cho khu di tích, nhằm phục vụ tốt nhất nhân dân đến tham quan, chiêm bái.

 

Ngô Văn Xuân

 

Dưới đây là một số hình ảnh của khu Di tích chúng tôi ghi lại được.

 

Công khu di tích Bạch Đằng Giang chụp từ trong ra

 

Nhà đón tiếp từ phía đầu hồi

 

Đền thờ Hoàng đế Lê Đại Hành

 

Trúc Lâm Thiền tự

 

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Toàn cảnh đền thờ Đức Vương Ngô Quyền

 

Một góc khu đền thờ Đức Vương Ngô Quyền

 

Đền thờ Đức Vương Ngô Quyền chụp trước sân

 

Lối ra bãi cọc

 

Rừng cau bên bờ sông Bạch Đằng

 

 

 

Tượng 3 vị anh hùng dân tộc. Từ trái qua phải: Hoàng đế Lê Đại Hành, Đức Vương Ngô Quyền, Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

 

Bãi cọc giả định

 

 

Cọc gỗ Bạch Đằng trong nhà trưng bày

 

 

Sơ đồ chiến thắng Bạch Đằng năm 938

 

Ngọn núi đá trước cổng Di tích Bạch Đằng Giang

 

Băng chuyền xi măng chạy ngang qua trước cổng khu Di tích

 

Tổng số điểm của bài viết là: 288 trong 70 đánh giá

Xếp hạng: 4.1 - 70 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập165
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm160
  • Hôm nay31,278
  • Tháng hiện tại375,900
  • Tổng lượt truy cập47,101,008
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây