Họ Ngô Chi Nê: một họ truyền thống nối dòng Khoa bảng

Thứ tư - 01/03/2017 17:04

Nhân dịp giỗ tổ họ Ngô thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nhận lời mời của Chi Họ, tháng 11 năm 2016 Hội đồng Họ Ngô Việt Nam đã cử đoàn do ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu đến thắp hương, dự lễ và thăm bà con trong Họ.
3 chữ THẾ KHOA TỪ mặt trước nhà thờ họ Ngô Chi Nê
3 chữ THẾ KHOA TỪ mặt trước nhà thờ họ Ngô Chi Nê

 

Thôn Chi Nê cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 30 Km về phía Tây Nam. Thôn còn có tên là Làng Nứa, trước đây thuộc xã Chi Nê, phủ Chương Đức. Tục truyền, xưa kia Làng Nứa nằm trên một quả đồi đầy lứa hóp và lau sậy, dưới chân đồi là con sông Bùi uốn khúc chảy qua, với thượng lưu là dòng Tích giang, khởi nguồn từ thung lũng sông Đà và núi Tản Viên hùng vĩ, tạo nên địa thế “Long cuốn hổ ngồi” thật đẹp. Từ xa xưa nơi đây với cảnh quan trên bến dưới thuyền, giao thương nhộn nhịp, có chợ Nứa họp tháng 6 phiên, là nơi bán mua, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương và các thương nhân trong vùng lân cận. Chợ Nứa hiện còn được duy trì đến tận ngày nay.

Chi Nê là một làng khoa bảng, có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt thành tài. Trước đây có tới 11 vị đỗ đại khoa được ghi danh bia đá, Làng từng được mệnh danh là một trong những “Làng đại khoa” (Đại khoa hương).

Họ Ngô Chi Nê là một họ lâu đời, con cháu đến nay đã được 20 thế hệ. Hiện tại trong Họ có khoảng 100 gia đình, với gần 300 suất đinh, con cháu sống và làm việc ở nhều nơi trên khắp đất nước. Cùng chung đặc điểm của Làng, họ Ngô Chi Nê có truyền thống hiếu học, nhiều người học hành đỗ đạt, từng làm việc trong triều và trong bộ máy chính quyền nhà nước các cấp. Trong danh sách 11 vị đỗ đại khoa của làng Chi Nê thì họ Ngô có 3 vị, đó là:

- Tiến sĩ Ngô Cung (đời thứ 2), đỗ Hoàng Giáp khoa Quý Mùi (1583), giữ chức Giám sát sứ, Đông các đại học sĩ, tước Lễ khê nam, phong tặng Quang tiến Thân lộc đại phu.

- Tiến sĩ Ngô Khuê (đời thứ 4), thi Hội đỗ Tam trường khoa Canh Dần, năm Tân Sửu đỗ Thám Hoa, từng giữ chức ở Hàn lâm viện, thăng Ngự sử đài kiêm Ngự sử, Tán trị thừa chính sứ ty Bộ Hộ, Tả hữu thị lang, phong Quang tiến Thận lộc đại phu, tá trị khanh, tước Lan phái nam.

- Tiến sĩ Ngô Cầu (đời thứ 4 – em trai TS Ngô Khuê), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Canh Tuất, giữ chức Giám sát Ngự sử ty, Trưởng quan Đề điệu, thăng Tham chính sứ Tả Thanh Hoa, giữ chức Triều liệt, Tán trị thừa chính sứ ty xứ Thái Nguyên.

Trong thời đại ngày nay Dòng Họ cũng có nhiều người thành đạt. Theo thống kê của chi họ, hiện có hơn 40 người là con em các thế hệ thi đỗ đại học hoặc thành công trong công tác, nắm giứ các vị trí quan trọng trong hệ thống quản lý các cấp.

Thủy Tổ họ Chi Nê là cụ Ngô Bì, tự Đoan ý, hiệu Tu Tước, người đến sinh sống, lập nghiệp nơi đây từ những năm đầu thế kỷ 16, cách nay gần 600 năm. Cụ từng làm quan trong triều, giữ chức Thần vũ tá nho trung úy. Cụ Ngô Bì có 3 con trai, đều đỗ đạt và làm quan trong triều, trong đó trưởng nam là Tiến sĩ Ngô Cung (1557 – 1614). Bia phả của chi họ không chép năm sinh, năm mất của Thủy tổ Ngô Bì, chỉ cho biết cụ mất ngày 2 tháng 10, mộ táng tại Gò Miễu thôn Chi Nê. Năm 1994 con cháu mua thêm mảnh đất phía trước cửa mộ tổ, năm 2016 dòng Họ thống nhất hưng công xây dựng mộ tổ khang trang, to đẹp. Mộ được thiết kế và xây dựng theo kiến trúc 8 mái, đắp vẽ tứ quý, tứ linh trang trọng trên khu đất rộng hơn 100m2. Bia mộ ghi 4 chữ lớn: THỦY TỔ NGÔ TỘC. Quanh khu mộ có tường quây sạch sẽ. Trên các trụ cổng phia trước có đắp các câu đối Hán Nôm, nội dung ca ngợi công đức của Tổ tiên, con cháu nguyện nối truyền tiếp bước. Tổng chi phí xây dựng công trình tới 3 trăm triệu đồng, nguồn do con cháu đóng góp và tiền công đức, cúng tiến.

Họ Chi Nê hiện vẫn bảo quản, gìn giữ được nhà thờ và lăng mộ danh nhân được xây dựng từ thời Lê Trung hưng. Nhà thờ dòng Họ tiền thân là gian nhà bia, được xây dựng năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740), trên một khu đất cao ráo, rộng rãi, phía trước đình làng. Do nhà bia gần khu vực chợ Nứa nên được gọi là Nhà bia Chợ Nứa. Nhà thờ họ được xây theo kiểu 1 gian 2 dĩ, phần thượng cung theo kiến trúc mui cong, mái cuốn, bên ngoài cổ diêm 8 mái, đuôi rồng cánh phượng. Công trình được trùng tu, mở rộng 2 lần vào các năm: 1917 và 1993. Phía trước nhà thờ được gắn 3 chữ đại tự: THẾ KHOA TỪ (nhà thờ nối đời khoa bảng). Theo các cụ cao tuổi trong Họ,  thì 3 chữ này được Triều đình nhà Lê ban tặng do họ Ngô Chi Nê có nhiều người đỗ đạt. Trên cột hai bên cửa chính gắn đôi câu đối:

Ngọc hòe bảo quế phong thanh tại

Tích thủy Vu sơn mệnh mạch trường.

(Hòe vàng, quế ngọc danh thơm mãi/ Sông Tích, núi Vu mạch sống dài).

Ngoài chức năng thờ phụng Tổ tiên, nhà thờ họ Ngô Chi Nê còn là nơi lưu giữ rất nhiều tư liệu quý của dòng họ và của thôn làng. Trong gian thượng điện đặt một tấm bia đá với kích thước 1m X 0,6m, được dựng năm 1849. Bia có tên Thế Phả Bi Ký (Bia ghi các đời dòng họ), nội dung liệt kê danh sách các thành viên trong Họ từ đời thứ nhất đến đời thứ bảy, đồng thời ghi danh những người học hành đỗ đạt, tham giữ các chức sắc trong triều và địa phương. Bia do 4 người thuộc 4 chi là các cụ: Ngô Đĩnh, Ngô Quốc, Ngô Quỳnh và Ngô Mật biên soạn nội dung, cụ Ngô Tuyên công đức khắc bia. Trong hậu cung còn lưu giữ 1 tấm bia khác bằng gỗ quý ghi danh 21 vị đỗ đạt, làm quan dưới triều đại nhà Lê. Ngoài gian đại bái còn có 2 tấm bia ghi danh những người cúng tiến ruộng vườn cho Họ để thờ cúng Tổ tiên và 2 tấm bia của làng được lưu giữ tại đây. Hai tấm bia này vốn trước được để ở nhà văn chỉ đình làng, sau do văn chỉ bị đổ nát, năm 1956 các cụ họ Ngô đưa về cất giữ tại từ đường.

 

Hội đồng họ Ngô VN làm việc với bà con họ Ngô Chi Nê

 

Như trên đã nói, họ Chi Nê có 3 vị đỗ đại khoa (cụ Ngô Cung và 2 cháu nội là Ngô Khuê và Ngô Cầu), trong đó Tiến sỹ Ngô Khuê giữ nhiều chức vụ quan trọng và có nhiều công lao với triều đình nên khi về chí sỹ được vua ban ruộng làm thực ấp, khi mất được xây lăng thờ, trong lăng có bia ghi danh, công trạng, hàng năm được tổ chức quốc lễ. Năm 1937 Dòng Họ đã trùng tu, nâng cấp lăng Tiến sĩ Ngô Khuê theo kiểu dáng bên trong mui lượn, bên ngoài cổ diêm tám mái đuôi rồng cánh phượng, mặt trước và mặt trong các trụ cửa có đắp in câu đối, trên trán lăng đề 4 chữ đại tự “Ngô đại phu từ” (Đền thờ Đại phu họ Ngô), 2 trụ gần mép cửa lăng đắp đôi câu đối:

Bảo quế chi phương huynh đệ hiển

 Ngọc hòe tùng mậu tử tôn vinh.

(Bảo quế cành thơm, anh em hiển đạt/ Ngọc hòe khóm rậm, con cháu vinh hoa).

 Năm 1982 dòng Họ quy hoạch lại, xây tường bao xung quanh và xây cổng lăng thành khu lăng mộ độc lập. Trong khu lăng mộ, Dòng họ cũng đã quy tập và xây cất phần mộ 4 cụ đại diện 4 chi và một số ngôi khác được cho là mộ các vị đại quan đưa về đặt tại nơi đây, trong đó có 1 ngôi nghi vấn là mộ Sử thần Ngô Sĩ Liên.

Họ Chi Nê còn dựng được các bia và xây các nhà bia vinh danh, trong đó có nhà bia ghi công các liệt sỹ và những người trong Họ có công với đất nước; nhà bia ghi tên những người đã công đức, cúng tiến tiền của cho Dòng Họ; nhà bia trong dựng đặt bia vinh danh 21 vị đỗ đạt, làm quan trong các triều đại và đặc biệt là bia ghi tên tuổi 40 con cháu từng đỗ các trường đại học, công tác giữ các chức vụ quản lý trên phạm vi cả nước và ở nước ngoài trong thời đại ngày nay. Đây là một việc làm sáng tạo, một hình thức giáo dục truyền thống, nhằm động viên, khuyến khích con cháu không ngừng học tập, cố gắng vươn lên.

Trong dịp về thăm Họ lần này, đoàn Hội đồng họ Ngô Việt Nam được nghe các cụ cao tuổi, nhất là những người trực tiếp tham gia công việc, kể tường tận về quá trình khai quật và quy tập các ngôi mộ cổ. Đoàn đặc biệt chú ý đến các tình tiết liên quan đến ngôi được cho là mộ Sử gia Ngô Sỹ Liên. Chúng tôi có đề xuất với chi họ nên nhờ các nhà ngoại cảm thẩm định, bà con trong chi họ đều nhất trí. Sau đó, Hội đồng họ Ngô Việt Nam đã làm việc với Viện Nghiên cứu tiềm năng con người nhờ giúp đỡ, nhưng đến nay “Âm chưa phù” nên chưa đem đến kết quả. Mặt khác Hội đồng cũng đã liên hệ, nhờ một vị nguyên là lãnh đạo Viện Khảo cổ học giúp đỡ để có thể tiếp cận hồ sơ khai quật, nhưng đáng tiếc, tại thời điểm khai quật thì Viện Khảo cổ học chưa ra đời, nên dù đã cố gắng nhưng vẫn chưa xác định được hiện hồ sơ đang nằm ở đâu. Hội đồng họ Ngô Việt Nam đã xác đinh, đây vẫn là một trong những công việc trọng tâm cần giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Họ Ngô Chi Nê là một trong những họ có truyền thống vẻ vang về đường học hành khoa bảng. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, do công việc tục biên, cập nhật không được thực hiện thường xuyên và kịp thời nên cho đến nay chi Họ chưa có một bộ gia phả hoàn chỉnh. Chúng tôi được biết, bà con trong Họ cũng rất cố gắng, nhất là hai cụ: Ngô Tú (sinh 1930) và Ngô Yết (sinh 1938) ngay từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước đá bỏ công tập hợp, sưu tầm tư liệu; ông Ngô Văn Khiên, một doanh nhân có nhiều tâm huyết với dòng họ, nhiều năm qua vừa bỏ công sưu tầm, vừa phối hợp nhờ Viện Hán Nôm dịch toàn bộ hệ thống văn bia, hoành phi, câu đối ở nhà thờ, lăng mộ dòng họ và các tài liệu liên quan khác ra tiếng Việt phục vụ công tác biên tập gia phả, nhưng đến nay chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Hy vọng rằng, với sự cố gắng và trách nhiệm của mỗi thành viên dòng họ, với sự nhiệt tình và tâm huyết đối với Tổ tiên, Họ Ngô Chi Nê sẽ sớm hoàn thành công việc khó khăn nhưng rất quan trọng này, xây dựng xong bộ gia phả hoàn chinh, đồng thời tìm được cội nguồn, nối thông Triệu Tổ.

 

Ngô Văn Xuân

 

Dưới đây là một số hình ảnh bổ sung về họ Ngô Chi Nê:

 

Trước cửa nhà thờ Họ

 

Mộ Tổ họ Chi Nê

 

 

Khu lăng mộ và nhà bia dòng họ

 

Lăng Tiến sĩ Ngô Khuê

 

Nhà bia vinh danh những người đỗ đạt (Kim bảng lưu phương)

 

Bia ghi danh những người đỗ đạt, làm quan trong Họ
(Bia do do doanh nhân Ngô Văn Khiên cung tiến năm 2007)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập142
  • Hôm nay33,016
  • Tháng hiện tại755,437
  • Tổng lượt truy cập40,592,599
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây