Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Giảng viên Cao cấp, Nhà giáo Ưu tú Ngô Đăng Tri thuộc thế hệ “Từ mái trường ra chiến trường rồi từ chiến trường về lại mái trường”. Gần 40 năm trong nghề ông đã có trên 130 công trình được công bố ở trong và ngoài nước, đã hướng dẫn thành công hàng trăm khóa luận cử nhân, hơn 50 luận văn Thạc sỹ, gần 10 luận án Tiến sỹ sử học, mà tôi là một trong những học trò đã may mắn được ông trực tiếp hướng dẫn cả 3 cấp học đó. Các thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử Đảng, Khoa Lịch sử thường nhắc đến ông với sự trân trọng, hứng thú về một người nghiên cứu khoa học hay luận bàn về các khái niệm chuyên môn theo từ nguyên Hán Việt, một người thầy tận tâm, mô phạm, có lối sống giản dị, chân thành…
PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng tại xã Trúc Lâm (Hà Linh), huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Theo sách Phả hệ họ Ngô Việt Nam, ông là hậu duệ thứ 13 của Thế Quận công Ngô Cảnh Hựu, hậu duệ thứ 11 của Đức hầu Ngô Đăng Minh (đền thờ và mộ hai vị này ở Hà Tĩnh đều đã được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia; PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri hiện là ủy viên thường trực Hội đồng Ngô Tộc VN). Thân sinh của PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri là cụ Ngô Quốc Văn (1906- 1995), mẹ là người họ Hoàng (Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh). Cụ Ngô Quốc Văn là đảng viên cộng sản từ năm 1930, bị thực dân phong kiến bắt đi tù tại Lao Bảo (1931- 1938) và Buôn Ma Thuột (1942- 1945). Cụ Ngô Quốc Văn đã được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri thuộc thế hệ những người “Từ mái trường ra chiến trường” và “Từ chiến trường về lại mái trường”. Năm 1970, ông thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được xếp vào học ở Khoa Lịch sử. Năm 1972, khi đang là sinh viên năm thứ 3 của khóa 15 (lúc Trường đang sơ tán ở Hiệp Hòa, Hà Bắc) ông đã cùng nhiều bạn bè “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Là đảng viên, tiểu đội trưởng, rồi trợ lý hậu cần trung đoàn, sau khi tham gia các chiến dịch giải phóng Phước Long, Tây Nguyên,…, sáng 30/4/1975, đơn vị ông trên đường hành quân đến vùng Chợ Gạo (Mỹ Tho), Cần Đước, Cần Giuộc (Long An), để vào đánh chiếm Cầu Chữ Y (Sài Gòn), thì chiến tranh kết thúc. Các tập nhật ký: Tôi suy nghĩ để hành động, Những ngày cầm súng, Con đường phương Nam,.. ghi lại khá chi tiết đời sinh viên, đời lính, hiện vẫn được ông lưu giữ cần thận.
Tháng 8/1976, với quân hàm Thượng sĩ, ông nhận quyết định rời quân ngũ, từ vùng Đồng Tháp Mười, nơi đơn vị đang tham gia xây dựng kinh tế, trở lại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, học tiếp năm thứ 3 cùng với sinh viên khóa 19 Khoa Lịch sử. Cuối năm 1978, ông tốt nghiệp đại học (hệ 4 năm rưỡi) và được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy của Bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho tới nay.
Năm 1989, ông bảo vệ thành công luận án PTS tại Trường dưới sự hướng dẫn của Giáo sư, Nhà giáo Nhân Đinh Xuân Lâm và Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn. Năm 2002 ông được phong học hàm Phó giáo sư, năm 2008 được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và năm 2012 ông được công nhận chức danh Giảng viên Cao cấp.
Từ năm 1990 đến năm 1996, ông giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Bộ môn, từ năm 1997 đến năm 2005 và từ năm 2009 đến nay là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử ĐCSVN, Khoa Lịch sử. Từ năm 2005 đến năm 2009, ông là Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử. Ông cũng đã kiêm nhiệm nhiều cương vị khác, như: Chủ tịch Công đoàn Trường, Đảng ủy viên, Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (2000-2006); Phó Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội (2001- 2007). Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn tận tụy, cần mẫn, chỉn chu trong công việc, hoàn thành tốt mọi chức trách được giao.
Qua gần 40 năm trên bục giảng và với nhiệt huyết khoa học của mình, PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri đã trao truyền kinh nghiệm giảng dạy và phương pháp nghiên cứu khoa học có hiệu quả cho các thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và nhiều đồng nghiệp ngành Lịch sử nói chung, chuyên ngành Lịch sử ĐCSVN nói riêng. Đến nay, ông đã hướng dẫn được hàng trăm sinh viên, 55 học viên cao học và 8 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công khóa luận, luận văn, luận án sử học về Lịch sử Đảng CSVN. Sự tâm huyết với nghề dạy học của ông còn thể hiện ở cả gia đình ông đều theo nghề nghiên cứu và giảng dạy.
PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri còn đã tham gia, chủ trì nhiều cuộc hội thảo khoa học ở trong nước, đã có mặt tại hơn 10 cuộc hội thảo, trao đổi khoa học ở nước ngoài. Ông đã chủ trì, tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố được trên 130 công trình nghiên cứu (có cả viết chung), trong đó có hơn 50 cuốn sách chuyên khảo, giáo trình và hơn 80 bài viết đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, kỉ yếu hội thảo trong nước và quốc tế.
Một số sách tiêu biểu mà ông là tác giả, chủ biên hoặc đồng tác giả là: Vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh trong kháng chiến chống Pháp(1946-1954), Nxb CTQGHN, 2001; Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 1,2,3,4 (tham gia biên soạn mục từ chính trị học, lịch sử Đảng), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội; Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh (dùng trong các trường ĐH&CĐ), Nxb CTQGHN, 2005; Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (dùng trong các trường ĐH&CĐ). Nxb CTQGHN, 2006; 50 năm phong trào Đồng khởi ở miền Nam Việt Nam, những vấn đề lịch sử (1960- 2010)// Nxb ĐHQGHN, 350tr, 2010; 80 năm Đảng Cộng sản Việt Nam (1930–2010), những chặng đường lịch sử, Nxb Thông tin và Truyền thông, HN, 2010 (tái bản có bổ sung 2012); Bộ môn Lịch sử Đảng, 40 năm xây dựng và phát triển (1974- 2014), Nxb CTQG, HN, 2014…
Một số bài nghiên cứu tiêu biểu của ông công bố ở nước ngoài là: “Chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam về sự hội nhập Việt Nam- ASEAN”, HTKHQT “EURO- VIET 4”, ĐH Passau, Đức, 1999; Cách mạng Việt Nam, một quá trình sáng tạo, Kỷ yếu HTKHQT: “Việt Nam truyền thống và hiện đại”, ĐH Lômônôxôp, Nga, 2000; Le service logistique du Vietnam dans la bataille de Dien Bien Phu (1954-2004), La bataille de Dien Bien Phu, entre histoire et mémoire) (Bảo đảm hậu cần của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954-2004), Trận Điện Biên Phủ trong lịch sử và kí ức, HTKHQT, ĐH Paris 1): Paris Publications de la Société Francaise d’Histoire d’Outre-Mer, Paris, 2004; Chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc Việt Nam (1965- 1972), HTKHQT: Chiến tranh Việt Nam 30 năm nhìn lại, hậu quả, ký ức và tiếng vang, ĐH Niwcasthe, Úc, 2005,….
Ông luôn được các thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh nhắc đến với lòng tri ân, trân trọng về một nhà khoa học hay luận bàn về các khái niệm chuyên môn theo từ nguyên Hán Việt, một người thầy tận tâm, mô phạm, có lối sống giản dị, chân thành, đức độ, luôn cảm thông, dìu dắt học trò, nhưng cũng rất nghiêm khắc, đúng mực với họ trong học tập, nghiên cứu.
PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri thường tâm sự với học trò và đồng nghiệp rằng ông đã cơ bản đi trọn con đường của một người giáo viên nhân dân, có một số đóng góp nhất định với Bộ môn, với Khoa, Nhà trường và đất nước thời chiến tranh cũng như thời hòa bình, luôn tự hào về các học trò, hết sức cảm ơn các thầy và những nơi bản thân đã học tập, chiến đấu, công tác. Lễ kỷ niệm trọng thể 40 năm thành lập Bộ môn Lịch sử Đảng (1974- 2014), Khoa Lịch sử; Hội thảo khoa học 40 năm đào tạo và nghiên cứu LSĐCSVN ở ĐHQGHN, tổ chức ngày 14-11- 2014 do ông chủ trì và cuốn sách Bộ môn Lịch sử Đảng, 40 năm xây dựng và phát triển (1974- 2014) do ông chủ biên là sự cố gắng cao độ khẳng định trách nhiệm, sự báo đáp của PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri đối với các thế hệ thày trò chuyên ngành Lịch sử Đảng, với Khoa Lịch sử và Nhà trường, nơi ông đã suốt đời cống hiến vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu sử học.
Ông đã vinh dự được nhận nhiều huân huy chương, bằng khen các cấp, như: Huy chương Chiến sĩ Giải phóng, Huy chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN, của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước.
Bộ môn Lịch sử Đảng do PGS.TS.GVCC.NGƯT Ngô Đăng Tri làm chủ nhiệm hiện có 8 cán bộ cơ hữu (gồm 4 Phó giáo sư, 3 Tiến sỹ, 1 Thạc sỹ NCS). Bộ môn có sứ mạng rất quan trọng, vinh dự và nặng nề là vừa đào tạo cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ khoa học về Lịch sử Đảng ở Khoa Lịch sử, vừa đảm nhiệm dạy môn Đường lối cách mạng của ĐCSVN cho sinh viên toàn Đại học Quốc gia Hà Nội. Mong muốn của Ông là khi hết nhiệm kỳ chủ nhiệm khóa thứ 4 (2014- 2019), sẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ kế cận đủ về số lượng, cao về chất lượng để đưa Bộ môn Lịch sử Đảng, Khoa Lịch sử tiếp tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu mới tốt đẹp hơn nữa cả về đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các giai đoạn tiếp theo./.
TS. Đỗ Thị Thanh Loan
(Theo ussh.vnu.edu.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn