Một dòng họ có 9 sắc phong bị thất lạc

Chủ nhật - 04/04/2021 18:04

Dòng họ Ngô Đình ở xã Trung Thành huyện Vụ Bản là họ trước đây luôn có những người học hành đỗ đạt cao, có công lớn, được triều đình phong thưởng, giao giữ chức vụ quan trọng.
Những người trong ảnh (Từ trái qua): Ngô Đức Mạnh, nguyên ĐS VN tại
Nga; tôi Ngô Vui, Ngô Phú Vân, người Ô Lữ - Đồng Du - Bình Lục - Hà Nam, chủ nhân Khu Tâm linh thờ Bà Ngô Thuận Phi tại quê nhà Đồng Du; Ngô Văn Minh (1959 - 2016) nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Báo NAM ĐỊNH số ra ngày 12/4/2012 có bài: Qua việc tìm lại 9 sắc phong của dòng họ Ngô Đình ở Vụ Bản. Bài báo viết: “Qua việc điều tra, thống kê và sưu tầm tài liệu quý hiếm tại huyện Vụ Bản (tháng 7-2011), đoàn công tác của cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã phát hiện trong kho lưu trữ của huyện đang cất giữ 9 sắc phong thời Lê Trung Hưng. Đây là tài liệu rất quý hiếm mà ít nơi còn lưu trữ được. Qua công tác dịch thuật cho thấy, cả 9 sắc phong đều thuộc về họ Ngô Đình ở xã Ngũ Xá huyện Thiên Bản (Vụ Bản ngày nay). Các sắc phong đều có kích thước 150cm x 80 cm, nội dung phong quan phong tước lộc cho các cá nhân. Trong đó 4 sắc phong cho Ngô Đình Tập, 4 sắc phong cho Ngô Đình Sắt, 1 sắc phong cho Ngô Đình Đang. Trong đó có sắc phong xuất hiện cách đây 300 năm. Đây là sự bổ sung kịp thời cho nguồn tư liệu quý hiếm của quốc gia phục vụ công tác nghiên cứu về thời Lê Trung Hưng. Tuy nhiên, việc tồn tại khá lâu cộng với điều kiện bảo quản không đầy đủ, nên hầu hết các sắc phong đều đã bị hư hại một phần, nhiều chỗ mục ố, rách mép. Chỉ có 3 bản còn xác định được niên đại lập từ thời Lê gồm: một bản lập năm Chính Hòa 26 (1705), 1 bản lập năm Bảo Thái 9 (1729), 1 bản lập năm Cảnh Hưng 11 (1750), 6 bản còn lại bị rách mất niên đại, nếu không được bảo quản kịp thời, bảo quản đúng chế độ, các sắc phong này sẽ bị hư hại nặng và không thể khôi phục lại được. Theo đề nghị của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, ngày 15-3-2012, UBND huyện Vụ Bản đã giao toàn bộ 9 sắc phong này cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, nơi có trang thiết bị hiện đại để bảo quản, phục chế. Để hiểu rõ hơn về 9 sắc phong, phóng viên Báo Nam Định đã đi tìm hiểu về dọng họ Ngô Đình ở địa danh xã Ngũ Xá xưa. Với khoảng thời gian hàng trăm năm đã qua, tên làng, tên xã, tên huyện đổi thay, nên khó xác định được địa danh xã Ngũ Xá. Qua dịch lại một số sắc phong có nhắc đến địa danh xã Bảo Ngũ, huyện Thiên Bản. Đối chiếu với tư liệu cổ về huyện Vụ Bản, xã Bảo Ngũ xưa nay thuộc thôn Nhất, thôn Ba của xã Quang Trung và thôn Nhì, thôn Tư của xã Trung Thành. Nơi đây có khá nhiều dòng họ Ngô, trong đó dòng họ Ngô Đình chỉ có ở thôn Nhì xã Trung Thành. Sau khi nghe chúng tôi đề cập, các ông Ngô Đình Chiến, Ngô Đình Cơ là những người đứng đầu các chi trong dòng họ đều khẳng định 9 sắc phong thuộc dòng họ của mình. Dòng họ Ngô Đình do cụ tổ là Ngô Đình Nga từ Nghệ An đến đây lập nghiệp khoảng những năm 1500 (*). Dòng họ này luôn xuất hiện những người học hành đỗ đạt cao, có công lớn, được triều đình phong thưởng, giao giữ chức vụ quan trọng. Tiêu biểu như Điền Quận công Ngô Đình Điền đã có công đắp đê sông Đáy chống sự tàn phá của thiên tai, bảo vệ cuộc sống, mùa màng, được nhân dân nhiều nơi thờ tự. Cụ Ngô Đình Sắt được phong Hoằng tín đại phu, Mậu lâm lang, Trì uy tướng quân vì đã có công lớn trong đánh giặc, cứu giúp nhân dân. Trong dòng tộc còn có bà Ngô Thuận Phi là Phi tử của chúa Trịnh Căn. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, phát triển, hiện dòng họ Ngô Đình có 4 chi với trên 100 hộ. Về nguyên nhân thất lạc 9 sắc phong, theo ông Chiến và ông Cơ, khoảng năm 1964 khi thực hiện quy hoạch đồng ruộng để phục vụ sản xuất, lúc đó, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Vụ Bản phát hiện một ngôi mộ cổ với 36 bộ quần áo. Dòng họ Ngô ở huyện Vụ Bản có ở khắp nơi trong huyện từ các xã Quang Trung, Liên Minh, Liên Bảo, Đại An… nên để làm rõ lai lịch ngôi mộ, người trong dòng họ Ngô Đình đã đồng ý cho các cơ quan chức năng mượn các sắc phong. Do người cho mượn sắc phong đã mất nên từ đó người trong họ không biết các sắc phong ở đâu. Ông Chiến, ông Cơ bày tỏ niềm vui khi tìm thấy sắc phong và được các cơ quan chức năng bảo quản, phục chế coi như vốn quý của quốc gia. Đây là niềm động viên rất lớn con cháu dòng họ Ngô Đình bởi từ lâu dòng họ bị thất lạc mất gia phả”. 

Bài báo có 1 thông tin không chính xác. Cụ Ngô Đình Nga không thể đến đây khoảng năm 1500 được vì chính sử có chép sự kiện năm 1600, Ngô Đình Nga cùng với Bùi Văn Khuê và Phan Ngạn mưu làm phản đem quân chiếm cửa Đại An, bị Trịnh Tùng sai Nguyễn Hoàng mang quân đánh dẹp, nhân đó Hoàng bỏ chạy về Nam sau hơn 8 năm bị giữ lại tên đất Bắc. 

Về dòng dõi hậu duệ của Ngô Đình Nga chúng tôi đã có kết luận sơ bộ khi Khảo cứu về họ Ngô Ô Lữ như sau: “Việc vì sao họ Ngô Ô Lữ chép trong phả rằng cụ tổ Ngô Trung Nghị là người nhà Minh bên Tàu, chúng tôi sẽ bàn thêm vào một dịp khác khi đã có đủ căn cứ. Trước mắt, sơ bộ có thể nói việc giả mạo mình là người Tàu là để tránh họa nếu chẳng may xảy ra, liên quan đến vụ Ngô Đình Nga cùng Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn nổi lên chống lại họ Trịnh tại cửa Đại An năm 1600”.  PHHNVN 2019/tr.210 T2.

Ngô  Vui

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập159
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm152
  • Hôm nay21,865
  • Tháng hiện tại455,366
  • Tổng lượt truy cập41,084,473
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây