Tìm sự kiện và nhân vật họ Ngô trong Đại Nam thực lục (Kỳ 1)

Thứ ba - 27/08/2019 18:04

HNVN xin giới thiệu bài ghi chép tổng hợp của Chủ tịch Hội đồng Họ Ngô VN Ngô Vui, sau khi đọc trọn bộ tác phẩm lịch sử Đại Nam thực lục, với mục đích phục vụ nghiên cứu kết nối dòng họ.
 
n
 

Lời Đề dẫn

Tôi đã đọc toàn bộ sách Đại Nam thực lục Tiền biên cũng như Chính biên để tìm các vị họ Ngô được ghi danh trong các sách ấy và đã thu thập được hơn 200 nhân vật.
Tôi đọc nhiều và lại là người biên tập Phả hệ Họ Ngô Việt Nam trong 30 năm, nhưng thú thật chỉ nhận diện được chưa tới 10%.
Nay đem những ghi chép khi đọc các sách ấy đăng lên ngotoc.vn hi vọng những ai quan tâm đọc nó mà nhận ra tổ tiên mình thì xin liên hệ với Hội đồng Họ Ngô Việt Nam để kết nối, đặc biệt là với các họ Ngô ở miền Nam.

Ngô Vui
Chủ tịch Hội đồng Họ Ngô Việt Nam


(Ghi chú: Những đoạn trong ngoặc vuông […] là của người biên chép).


 
QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN
ĐẠI NAM THỰC LỤC TIỀN BIÊN
TẬP MỘT - NXB GIÁO DỤC 2002

Quyển 1: Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế Nguyễn Hoàng (1525 - 1613)

Ở ngôi 56 năm [1558 - 1613], thọ 89 tuổi.
Nguyễn Hoàng, con thứ 2 của Triệu tổ Tĩnh hoàng đế, mẹ là con gái Nguyễn Minh Biện. Cha là Triệu tổ Tĩnh hoàng đế húy Kim, con trưởng Trừng Quốc công Nguyễn Hoàng Dụ. Năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, dẫn con em sang Ai Lao. Vua nước ấy là Sạ Đẩu cho ở Sầm Châu, hào kiệt, quân chúng có hàng mấy ngàn người, bàn mưu tìm con cháu  nhà Lê để lập lên làm vua. Năm Quý Tỵ (1533), đón con nhỏ của Lê Chiêu Tông là Ninh lên ngôi vua lấy niên hiệu Nguyên Hòa (khi nhà Lê mất, Trang Tông còn thơ ấu, bầy tôi là bọn Trịnh Duy Tuấn [Thuân] và Lê Lan rước tránh sang Ai Lao, ở trà trộn với dân, không ai biết). Do công lao ấy mà Triệu tổ được phong Thượng phụ thái sư Hưng Quốc công chưởng nội ngoại sự.
Ngày Tân Tỵ, tháng 5 năm Ất Tỵ (1545), ông bị hàng tướng Mạc đầu độc, thọ 78 tuổi [1468 - 1545].
Năm 1572, mùa thu, tháng 7, tướng Mạc Lập Bạo, mang 60 binh thuyền vượt biển vào đánh cướp.
- Mậu Ngọ 1558, năm thứ nhất. Mùa đông tháng 10, chúa bắt đầu vào trấn Thuận Hóa. Những người bộ khúc đồng hương ở Tống Sơn và những người nghĩa dũng xứ Thanh Hóa đều vui lòng theo đi. Dựng dinh ở xứ Ái Tử thuộc huyện Vũ Xương, nay là huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị.
- Kỷ Mùi 1559, năm thứ 2. Mùa thu tháng 8, Thanh Hóa và Nghệ An bị lụt, dân lưu tán nhiều vào Nam.
- Canh Thân 1560, năm thứ 3. Mùa đông, đặt đồn cửa biển giữ duyên hải.
- Quý Hợi 1563, năm thứ 6. Mùa thu tháng 7 ngày Giáp Thìn sinh hoàng tử thứ 6 (tức Hy Tông Hiếu Văn Hoàng đế [Nguyễn Phúc Nguyên]).
- Mậu Thìn 1568, năm thứ 11. Mùa xuân tháng 3. Tổng trấn Quảng Nam Bùi Tá Hán chết. Vua Lê lấy Nguyễn Bá Quýnh làm Tổng binh thay giữ đất ấy.
- Kỷ Tỵ 1569, năm thứ 12, Mùa thu tháng 9, chúa đi Thanh Hoa yết kiến vua Lê ở hành cung Khoa Trường.
- Canh Ngọ 1570, năm thứ 13. Mùa xuân tháng giêng, chúa từ Tây Đô về, dời dinh sang xã Trà Bát thuộc huyện Đăng Xương. Vua Lê triệu tổng binh Quảng Nam là Nguyễn Bá Quỳnh về trấn thủ Nghệ An. Chúa bèn kiêm lĩnh 2 xứ Thuận Hóa, Quảng Nam. Tháng 2, Trịnh Kiểm nhà Lê chết, con thứ là Tùng (con của Ngọc Bảo) được nối. Chúa sai sứ đến viếng.
- Tân Mùi 1571, năm thứ 14. Mùa thu tháng 7, người huyện Khang Lộc (nay là Quảng Ninh, Quảng Bình) là Mỹ Lương, Văn Lan nổi loạn, đánh dẹp yên.
- Nhâm Thân 1572, năm thứ 15. Dùng mỹ nhân kế Ngô Thị Ngọc Lâm giết được tướng Mạc Lập Bạo. Mùa đông tháng 11 sai sứ về Tây Đô báo tin thắng trận. Vua Lê sai Lai Quận công Phan Công Tích đến úy lạo.
- Quý Dậu 1573, năm thứ 16. Mùa xuân tháng giêng, vua Lê [Anh Tông] bị Trịnh Tùng bắt phải thắt cổ chết ở Lôi Dương, lập người con thứ là Duy Đàm làm vua đổi niên hiệu Gia Thái tức Thế Tông. Từ đây, Tùng càng lấn quyền, vua Lê gia phong cho tước vương, sau thành thế tập.
- Bính Tý 1576, năm thứ 19. Mùa hạ tháng 4, hoàng tử cả là Hà mất.
- Ất Dậu 1585, năm thứ 28. Tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý đi 5 chiếc thuyền lớn đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ 6 đi đánh tan được.
- Bính Tuất 1586, năm thứ 29. Mùa xuân tháng 3 vua Lê sai hiến sát sứ là Nguyễn Tạo đến khám số ruộng đất hiện cày cấy để thu thuế.
- Nhâm Thìn 1592, năm thứ 35. Mùa thu tháng giêng vua Lê sai Trịnh Tùng cử đại binh đi đánh Mạc Mậu Hợp, lấy lại được Đông Đô (Hà Nội). Tháng 5 chúa đem binh quyền ra yết kiến. Vua Lê phong làm trung quân đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự thái úy Đoan Quốc công. Bấy giờ tướng Mạc là Kiến và Nghĩa chiếm phủ Kiến Xương, tướng nhà Lê là Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên đánh không được, chúa đi đánh, chém được Kiến và Nghĩa. Trước kia hoàng tử thứ 2 là Hán theo chúa đi đánh giặc, mất tại trận, năm Gia Long 2 cho tòng tự ở Nguyên Miếu, cho con là Hắc được tập ấm, sau làm quan đến thái phó.
- Giáp Ngọ 1594, năm thứ 37. Mùa hạ tháng 5, Mạc Ngọc Liễn chiếm giữ núi Yên Tử đánh cướp huyện Vĩnh Lại, bị chúa đánh, Liễn thua chạy, chết ở châu Vạn Ninh. Mùa thu tháng 9 Mạc Kính Dụng đánh úp Thái Nguyên, chúa đem đại binh đánh quân Mạc ở Võ Nhai, dẹp yên được. Mùa đông tháng 10, Vũ Đức Cung phản bội nhà Lê cướp phá các huyện thuộc Sơn Tây, chúa cùng Nguyễn Hữu Liêu đánh phá được.
- Ất Mùi 1595, năm thứ 38. Mùa Xuân tháng 3 nhà Lê thi tiến sĩ, chúa  làm đề điệu lấy được 6 người hợp cách là bọn Nguyễn Viết [Nhật] Tráng.
- Bính Thân 1596, năm thứ 39. Mùa hạ tháng 4 chúa hầu vua Lê đi Lạng Sơn, nhưng sứ nhà Minh thác cớ không đến, nên quay về.
- Đinh Dậu 1597, năm thứ 40. Mùa xuân tháng 2, nhà Minh lại sai Vương Kiến Lập và Trần Đôn Lâm làm lễ giao tiếp vui vẻ. Từ đấy Bắc Nam lại thông hiếu. Tháng 11, thổ phỉ vùng Hải Dương là bọn Thủy, Lễ, Quỳnh, Thụy cướp phá các huyện Thủy Đường, Nghi Dương và Tiên Minh. Hoàng tử thứ 4 là Diễn (Miện) làm quan triều Lê chức Tả đô đốc Hào Quận công cùng tướng nhà Lê Bùi Văn Khuê và Phan Ngạn, Diễn đi dẹp. Diễn chết tại trận được truy tặng Thái phó.
- Mậu Tuất 1598, năm thứ 41. Mùa xuân tháng 3, chúa đem hải quân đánh dẹp Hải Dương, phá tan quân thổ phỉ ở  dãy núi Thủy Đường.
- Kỷ Hợi 1599, năm thứ 42.  Mùa thu tháng 8, vua Lê [Thế Tông] băng, con thứ là Duy Tân lên ngôi, đổi niên hiệu Thận Đức tức Kính Tông, tấn phong chúa làm hữu tướng.
- Canh Tý 1600, năm thứ 43. Mùa hạ tháng 5, chúa từ Đông Đô trở về sau 8 năm, đánh dẹp 4 phương đều thắng, vì có công to nên họ Trịnh ghét. Gặp lúc tướng Lê là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê làm phản ở cửa Đại An, chúa nhân dịp đem quân tiến đánh, liền đem cả tướng sĩ thuyền ghe bản bộ, đi đường biển thẳng về Thuận Hóa, để hoàng tử thứ 5 là Hải và hoàng tôn là Hắc ở lại làm con tin. Trịnh Tùng ngờ chúa chạy về chiếm Tây Đô, bèn đưa vua Lê chạy về đó. Đi đến huyện An Sơn, bọn hoàng tử Hải đón đường nói rằng chúa chạy về để lo giữ đất chứ không có ý gì khác. Mùa đông tháng 10, chúa gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng.
- Tân Sửu 1601, năm thứ 44. Mùa hạ tháng 6 bắt đầu dựng chùa Thiên Mụ. Mùa thu tháng 7 sinh hoàng tôn (tức Thần Tông hiếu chiêu hoàng đế [Phúc Lan]).
- Nhâm Dần 1602, năm thứ 45. Mùa thu tháng 7 sửa chùa Sùng Hóa. Sai hoàng tử thứ 6 làm trấn thủ dinh Quảng Nam. Bấy giờ khám lý phủ Hoài Nhân là Trần Đức Hòa (Cống Quận công là con Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân, phó tướng dinh Quảng Nam) đến yết kiến, chúa đãi rất hậu rồi trở về Thuận Hóa. Năm ấy, nước Chiêm Thành đến thông hiếu.
- Giáp Thìn 1604, năm thứ 47. Lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn, quản 5 huyện (Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phu Châu), lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi làm phủ Quảng Ngãi, huyện Lệ Giang thuộc phủ Thăng Hoa (sau là Thăng Bình) làm huyện Lê Dương, huyện Hy Giang làm huyện Duy Xuyên.
- Đinh Mùi 1607, năm thứ 50. Dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu.
- Mậu Thân 1608, năm thứ 51. Được mùa to. Bấy giờ từ Nghệ An ra Bắc bị đại hạn, dân phiêu dạt chạy vào Nam.
- Kỷ Dậu 1609, năm thứ 52. Dựng chùa Kính Thiên ở phường Thuận Trạch thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình; năm Minh Mạng 7 đổi tên chùa Hoằng Phúc.
- Tân Hợi 1611, năm thứ 54. Bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới, chúa sai chủ sự là Văn Phong đem quân đánh lấy được đất ấy, bèn đặt làm một phủ, chia hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy.
- Quý Sửu 1613, năm thứ 56. Mùa hạ tháng 5 ngày Mậu Ngọ chúa không được khỏe, triệu hoàng tử thứ 6 từ Quảng Nam vào hầu. Tháng 6 ngày Canh Dần, chúa yếu mệt, triệu hoàng tử thứ 6 và thân thần đến bên giường trăn trối dặn dò mọi việc. Ngày ấy chúa băng, ở ngôi 56 năm thọ 89 tuổi, miếu hiệu Thái Tổ.

(Còn tiếp)

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập239
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm238
  • Hôm nay62,370
  • Tháng hiện tại757,888
  • Tổng lượt truy cập41,386,995
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây