Ngô Miễn Tướng công - Người tổ chức di dân khai miền đất mới

Thứ hai - 05/06/2017 18:04

Trong thời gian làm việc và giữ các chức vị trong triều, Tướng công Ngô Miễn luôn chứng tỏ là người tài năng đức độ, liêm khiết và có nhiều đóng góp cho việc cải cách xã hội.
Khu di tích lịch sử đền thờ Ngô Miễn tại phường Phúc Thắng, TX Phúc Yên, Vĩnh Phúc
Khu di tích lịch sử đền thờ Ngô Miễn tại phường Phúc Thắng, TX Phúc Yên, Vĩnh Phúc

 

Tiến tới kỷ niệm 610 năm ngày mất của Tướng công Ngô Miễn, mới đây Hội đông họ Ngô Việt Nam đã tổ chức các đoàn về phường Phúc Thắng - thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và  huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định thắp hương tại các đền thờ Tướng công và tìm hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của ông. Tại những nơi này, đoàn có điều kiện gặp gỡ nhân dân địa phương, trao đổi với một số cán bộ quản lý di tích và đã thu thập được nhiều tư liệu quý giá về Tướng công.

Ngô Miễn tự Minh Đức, sinh năm 1371 triều Trần Nghệ Tông, nguyên quán tại hương Xuân Hi (tục gọi làng Hẹ), huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc, nay thuộc phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông vốn là thư sinh của một vọng tộc lâu đời, từ nhỏ đã được người trong vùng vị nể vì tư chất thông minh, dung mạo tuấn tú và đức tính khoan hòa rộng rãi.

Năm 1393 triều Trần Thuận Tông, Ngô Miễn thi đỗ Thái học sinh. Triều đình cử ông giữ chức Đặc tiến quân sử Vinh lộc đại phu, coi quân Thiên Cương, rồi lại bổ chức Xương phủ Tổng quản chi lăng, kiêm coi các lăng tẩm vua Trần ở phủ Thiên Trường. Trong thời gian trấn nhậm ở đất thang mộc, Ngô Miễn thường khảo sát tình hình đất đai và phong hóa miền này. Nhận thấy đất Thiên Trường tuy trù phú nhưng còn hoang vu, trong khi bản quán quê mình người đã đông mà đất mỗi lúc một ít, ông dâng tấu lên vua xin được bố trí các cuộc di dân. Kết quả người hương Xuân Hi kéo đến rất đông, lập nên 10 dòng họ: Ngô,  Đỗ, Trần, Hoàng, Nguyễn, Phạm, Vũ, Đinh, Đào và Tạ khai hoang các bãi bồi. Mười dòng họ dưới sự dẫn dắt của Ngô Miễn đã vật lộn với sóng biển, lau lách, sình lầy, đắp đê ngăn mặn, lấy nước ngọt cho ruộng đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 1392 đến năm 1396 ông đã cùng nhân dân khai khẩn được trên 200 mẫu ruộng và đặt tên là vùng Nhật Hy - nay là làng Xuân Hy, xã Xuân Thùy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định(*).

Những năm cuối triều Trần, do tình hình chính trị rối ren, Ngô Miễn cáo quan về quê dạy học, người các nơi biết danh tiếng và chí khí của ông nên đưa con em theo học rất đông. Ông cũng dành thì giờ để ngao du khắp nước, đồng thời còn bàn với gia đình đem tiền của, ruộng đất nhà mình chia cho một số hộ nghèo để cày cấy, mưu sinh.

Năm 1400 dưới triều nhà Hồ, Ngô Miễn lại ra làm quan, giữ chức Nội thái giám quân thiên, chỉ huy quân của triều đình. Năm 1406, ông được phong chức Hành khiển Thượng thư lệnh Hữu tham tri chính sự Đồng bình chương quân quốc trọng sự (tương đương chức Tể tướng). Trong thời gian làm việc và giữ các chức vị trong triều, ông luôn chứng tỏ là người tài năng đức độ, liêm khiết và có nhiều đóng góp cho việc cải cách xã hội đương thời.

Những cải cách mấy năm đầu thế kỷ 15 của nhà Hồ được nhiều ý kiến đánh giá là tích cực, tuy nhiên do thời gian còn quá ngắn ngủi nên chưa đưa đến hiệu quả. Mặt khác, cuộc cải cách động chạm đến quyền lợi của nhiều lớp người nên chưa được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, năm 1407, nhà Minh dùng chiêu bài phù Trần diệt Hồ, phái đại quân sang gây chiến, triều đình nhà Hồ lúc đó mới được thiết lập, chưa quy tụ, tập hợp được lực lượng đủ mạnh để chống lại giặc Minh. Ngô Miễn cùng với quan quân triều đình tổ chức chống lại, nhưng trước thế giặc quá mạnh, lực lượng của Triều đình dần dần tan vỡ, vua tôi nhà Hồ lần lượt người thì đầu hàng, người thì bị giặc bắt. Tuy nhiên, với chí khí kiên trung, không chịu để rơi vào tay giặc, quan Hành khiển Thượng thư Ngô Miễn đã cùng với viên tường thuộc quyền Kiều Biểu nhảy xuống cửa biển Kỳ La (nay thuộc Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) tuẫn tiết. Đó là ngày 12 tháng 5 năm Đinh Hợi (1407), lúc đó ông mới 36 tuổi.

Ngay khi Ngô Tướng công tuẫn tiết, vợ ông là bà Nguyễn thị Hằng(**) ngửa mặt lên trời than rằng:  "Chồng thiếp thờ chúa, một đời ăn lộc, ngày nay giữ tiết nghĩa mà chết, thế là chết xứng đáng, còn oán hận gì nữa? Nếu thiếp muốn sống cho qua ngày, chẳng lẽ lại không còn chỗ đến nữa hay sao? Nhưng đạo chồng, ơn chúa, một chốc mà phụ bạc thì thiếp không nỡ nào! Chi bằng, xin được theo nhau!". Nói xong, Phu nhân cũng nhảy xuống nước tự trầm chết theo. Hành động và chí khí của Phu nhân Ngô Tướng công đã được các sử gia xưa đánh giá là một tấm gương tiết nghĩa đáng để mọi người soi chung.

 

Làm việc với BQL di tích đền Xuân Bảng thị trấn Xuân Trường, Nam Định

 

Cuộc đời, tên tuổi và sự nghiệp của Tướng công Ngô Miễn được lưu danh cùng sử sách và in đậm trong lòng nhân dân. Để tỏ lòng ghi nhớ, tôn vinh công đức của Tướng công, người dân tôn kính gọi ông là Ngô Tướng công và lập đền thờ ngay trên chính quê hương ông cũng như ở vùng đất Nhật Hy, nơi ông đã tổ chức cho dân đến dây mở mang khai phá.

Ở Thôn Xuân Mai quê hương Ngô Tướng công, dân làng suy tôn ông là Đức Thành hoàng, hay Đức Thánh Tổ và lập đền thờ hai ông bà. Đền thờ được xây trên một khoảng đất rộng, thoáng đãng, nằm trong khuôn viên khu di tích đền, chùa của địa phương. Năm 1991 đền Ngô Tướng công được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa. Hàng năm vào các ngày mùng 9, 10, 11 tháng Giêng, nhân dân địa phương tổ chức trọng thể lễ hội tại khu vực đền Ngô Tướng công với mục đích hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân. Ngày nay tên ông cũng được đặt cho con đường phố chạy dọc quê ông: phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Dân làng Nhật Hy (nay là Xuân Hy) và nhiều nơi khác trên đất Xuân Trường, tỉnh Nam Định đều suy tôn Ngô Miễn là người đầu tiên khai sáng vùng đất này và lập đền thờ ngưỡng vọng muôn đời.

Đền Xuân Hy hay còn gọi là Đền Hạ nằm ở cuối làng Xuân Hy thuộc xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường. Đền được xây dựng để thờ Minh Đức Ngô Miễn – người đã có công tổ chức khai hoang lấn biển, xây dựng thôn ấp. Đền tọa lạc trên một khu đất rộng, nằm ở cuối làng, xung quanh là cánh đồng lúa bao bọc. Trước Đền là một hồ rộng, xung quanh hồ là hàng nhãn cổ thụ sum suê. Trước đền là khu sân rộng để làm nơi hành lễ. Phần chính của khu đền hiện nay gồm bốn gian tiền đường, ba gian trung đường và một gian hậu cung. Trải qua thời gian dân làng tu sủa để bảo tồn nhưng vẫn giữ nét cổ kính và mang nhiều dấu ấn của kiến trúc thời Nguyễn. Dân làng Xuân Hy  lấy ngày 21 tháng 8 Âm lịch - được cho là ngày Ngô Tướng Công di dân lập ấp làm ngày hội làng. Lễ hội được tổ chức vào 3 ngày: 20, 21 và 22 tháng 8. Trong lễ hội nhân dân tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân các xã lân cận và du khách thập phương cùng đến tham dự.

Tại Làng Xuân Bảng thuộc thị trấn Xuân Trường cũng có đền thờ Tướng quân Ngô Miễn. Đền Xuân Bảng mang một kiến trúc đặc sắc, được xây bằng đá thước hình hộp kích thước 3,5 X 0,6 X 0,6(m) với diện tích 540m2, tầng lầu cao 12m, chia làm 3 cung: Tiền đường, Trung đường và cung Chính tẩm. Đền được xây dựng năm 1852, đời vua Tự Đức, trên một khu đất rộng, cách xa khu vực dân cư. Khuôn viên di tích bao gồm đền chính với quy mô lớn nhất nằm ở giữa, xung quanh là các công trình phụ trợ như: nhà tuần thước, nhà tịnh cờ, nhà bia, cô nhi viện, nhà văn chỉ... tất cả được bao quanh bởi một hệ thống tường bao và sân vườn được quy hoạch hợp lý thoáng đãng. Ngày 30/9/1989 đền Xuân Bảng được Bộ Văn Hóa công nhận di tích Lịch sử Văn hóa cấp nhà nước. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo ở một vùng quê ven biển, di tích đền Xuân Bảng ngày càng thu hút du khách về dự lễ hội hàng năm cũng như tìm hiểu, nghiên cứu về mảnh đất con người vùng đất này.

 

Ngô Văn Xuân

 

Ghi chú:

(*) Theo lời kể cua ông Hoàng Thọ Thuế trong Ban Quản lý di tích Đền Xuân Bảng, thị trấn Xuân Trường,  Nam Định thì từ lúc khởi đầu lập ấp Nhật Hy, sau mở mang phát triển thành 3 làng: Xuân Hy, Xuân Bảng và Xuân Dương. Trước đây do điều kiện khó khăn cộng với tác động của ngoại cảnh, một số họ phải chuyển đi hoặc đổi sang họ khác nên hiện nay trong vùng chỉ còn các họ: Hoàng, Trần, Lê, Nguyễn, Phạm và Vũ.

(**) Về tên của Phu nhân Ngô Tướng công, các tài liệu đều chỉ viết là Nguyễn Thị, riêng tại đền thờ Ngô Tướng công ở phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên thì đề rõ là Nguyễn Thị Hằng.

 

Dưới đây là một số hình ảnh bổ sung:

 

Đền thờ Ngô Miễn Tướng công tại phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc

 

Cổng đền Xuân Hy xã Xuân Thủy, Xuân Trường, Nam Định

 

Phía trước đền Xuân Hy huyện Xuân Trường, Nam Định

 

Trước sân đền Xuân Hy

 

Gian trung đường đền Xuân Hy

 

Ban thờ Ngô Miễn Tướng công đền Xuân Hy

 

Cổng làng Xuân Bảng thị trấn Xuân Tường

 

Cổng đền Xuân Bảng thị trấn Xuân Trường

 

Chụp trước sân đền

 

Trước cửa đền

 

Mái vòm gian trung đường

 

Ban thờ Ngô Tướng công

 

Bằng công nhận di tích

 

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Đỗ Hữu Trác
    Các bác trong họ đã có bản dịch "Mai Thôn Phả Ký" ghi chép về Ngô Tướng Công Ngô Miễn và hai vị Quận công Trần Đỗ chưa ? Nếu các bác cần có thể liên hệ với tôi qua Email nêu trên, tôi sẽ gửi tặng bản do tôi dịch.
      Đỗ Hữu Trác   tracsn@gmail.com   20/08/2023 05:26
    • @Đỗ Hữu Trác: Cám ơn bác, nếu có tài liệu nào liên quan vui lòng gửi cho chúng tôi theo Email này thì quý quá!
        Ngô Xuân   ngoxuan45@gmail.com   24/08/2023 23:08
      • @Ngô Xuân Tôi đã gửi một ít tư liệu về Ngô Tướng công - Ngô Miễn theo địa chỉ mail này ! Mời ông chek !
          Đỗ Hữu Trác   tracsn@gmail.com   06/11/2023 20:01
        • @Đỗ Hữu Trác Chào bác! Em là con gái làng Mai, xa quê không có điều kiện về hội làng chỉ ngóng từ xa. 2 bà nội ngoại của em đều là người họ Ngô. Các bà cô của em đều về làm dâu họ Đỗ.
          Mấy năm nay em tìm hiểu về Ngô Tướng Công, và 2 vị Quận Công nhưng chỉ có vài thông tin từ các BQL di tích, các kênh copy lại của nhau đăng đi đăng lại.
          Vừa rồi em đọc được một số thông tin trích dẫn từ Bách Khoa Toàn Thư VN thì có hơi khác chút so với bài viết này. Bác có thể vui lòng cho em xin thông tin bản dịch của bác vào địa chỉ này hoangthikimthong@gmail.com thì thật là trân quý ạ! :)
            Hoàng Thông   hoangthikimthong@gmail.com   01/03/2024 09:26
Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập102
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay18,466
  • Tháng hiện tại650,534
  • Tổng lượt truy cập47,375,642
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây