Ngô Quý Duật - một danh nhân họ Ngô

Chủ nhật - 01/11/2020 17:04

Ngô Quý Duật, một danh nhân họ Ngô, cũng là một danh nhân của đất nước nhưng chưa nhiều người biết dến.
 
Đền tướng Loát thờ Ngô Quý Duật tại xã Yên Trị huyện Ý Yên, Nam Định (Ảnh Internet)


Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần lập ra nhà Hồ, đặt quốc hiệu Đại Ngu. Quý Ly làm vua gần 1 năm, đến cuối tháng 12 thì truyền ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương mà làm Thái thượng hoàng cùng coi chính sự. Cha con Hồ Quý Ly - Hồ Hán Thương ấm chỗ được 6 năm, thì Hoàng đế nhà Minh Chu Đệ (1359 - 1424) sai quân sang xâm lược nước ta.
Tháng 4 năm Bính Tuất (1406), nhà Minh sai Chinh Nam tướng quân Hữu quân đô đốc đồng tri là Hàn Quan và Tham tướng đô đốc đồng tri là Hoàng Trung đem 10 vạn quân ở Quảng Tây sang xâm lược nước ta. Quân dân Đại Ngu chống trả quyết liệt, chiến sự giằng co chưa biết được thua thế nào, vua Minh Chu Đệ sai viên tướng tài của Bắc Triều là Trương Phụ (1375 - 1449) cùng Mộc Thạnh (1368 - 1439) sang chỉ huy quân Minh, quân lính nhà Hồ không chống đỡ nổi. Tháng 2 năm Đinh Hợi (1407) Tướng chỉ huy quân Thần đinh của họ Hồ là Ngô Thành bị Phụ, Thạnh vây đánh, Ngô Thành bị hãm trận mà chết. Cha con Quý Ly - Hán Thương cùng tướng tá và quan lại vượt biển chạy vào Thanh Hóa. Trương Phụ, Mộc Thạnh dốc quân truy đuổi đến thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa thì bắt được Hồ Quý Ly. Quan lại nhà Hồ trước sau kéo nhau ra hàng quân Minh. “Duy có Hành khiển hữu tham tri chính sự Ngô Miễn, trực trưởng Kiều Biểu nhảy xuống nước chết. Khi Ngô Miễn chết, vợ là Nguyễn Thị ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Chồng ta thờ chúa một đời ăn lộc, ngày nay giữ tiết nghĩa mà chết, thế là chết xứng đáng, còn oán hận gì nữa? Nếu thiếp muốn sống cho qua ngày chẳng lẽ lại không còn chỗ đến nữa hay sao? Nhưng đạo vợ chồng, ơn vua tôi, một chốc mà phụ bạc thì thiếp không nỡ! Chi bằng xin theo nhau. Nói xong cùng nhảy xuống nước chết” (1) .

Hành khiển hữu tham tri chính sự Ngô Miễn và bà Nguyễn Thị mà sách Toàn thư chép như trích dẫn trên kia chính là cha mẹ của Ngô Quý Duật. “Ngô Quý Duật (1389 - 1470) là con trai của đệ nhất phu nhân một quan chức nhà Hồ tên là Ngô Miễn. Bà là Nguyễn Thị Hằng quê ở trang Vỉ Nhuế, nay là xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông sinh ngày 5/9 niên hiệu Quang Thái 2 (1389), mất ngày 8/1 Canh Dần (1470) thọ 82 tuổi. Ông là một vị tướng thủy quân tài ba, nhiệt thành giúp Trần Quý Khoáng khôi phục nhà Trần. Ông từng cùng Đặng Dung giữ thành Hóa Châu, từng đốt đội lâu thuyền của giặc Minh ở Bình Than, rồi tiến ra biển dẹp loạn bọn thổ quan Nguyễn Chính ở Bùi Lâm (1411). Sau phò vua sang Ai Lao, việc không thành, ông lui về ven sông Đáy cùng em gái Ngô Ái Thường khai hoang lập làng (1414) và làm thuốc chữa bệnh cho dân. Hiện nay còn phần mộ và đền thờ thuộc xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Năm Hồng Đức 10 (1479) vua Lê Thánh Tông sắc phong Chương Đức đại vương (vị vương có đức nghiệp đáng nêu gương). Phần mộ và từ đường được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích LSVH năm 1993” (2) .

Đền thờ Ngô Quý Duật tại xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định có tên là ĐỀN TƯỚNG LOÁT. Sở dĩ có tên đó là bởi năm 1414, khi về quê mẹ ở trang Vỉ Nhuế để khai hoang lập làng thì địa danh đầu tiên được ghi nhận là thôn Tướng Loát.
Đền Tướng Loát có nhiều câu đối hay, chúng tôi xin dẫn một câu của Mỹ Phái hầu Ngô Tiêm (1749 - 1818) người xã Cát Đằng, huyện Vọng Doanh, đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1779, quan học sĩ điện Thái Hòa viết năm 1782:
Thảo lai lập ấp thiên niên tại
Chinh chiến an dân vạn cổ tồn.
Dịch nghĩa:
Lau lách dựng xóm làng, muôn thuở lòng người tưởng nhớ
Đánh giặc yên dân chúng, ngàn năm sử sách lưu truyền.


Trong cuộc chiến chống giặc Minh xâm lược, tướng công Ngô Thế Lưu em ruột Hành khiển hữu tham tri chính sự Ngô Miễn cũng hi sinh trong trận huyết chiến giữ thành Diễn Châu. Trong trận đánh đó, ông có nhiệm vụ chặn quân địch để đại quân rút vào Hóa Châu, nhưng trước lực lượng mạnh của địch, thành thất thủ. Ngô Thế Lưu phá vòng vây chạy về Bắc, khi gần tới trang Vỉ Nhuế, ông gặp một toán quân địch đi tuần ven sông bèn giao chiến và chém được đầu tướng giặc treo lên cổ ngựa đưa về, nhưng ông cũng bị trọng thương. Khi về đến trang Vỉ Nhuế thì ông mất.
Đó là ngày mồng 6 tháng Giêng năm Quý Tỵ (1413). Để ghi nhớ công lao của ông nhân dân địa phương cũng lập miếu thờ ông gọi là Miếu Quan Mãnh cũng ở thôn Tướng Loát. Hàng năm cứ đến ngày Mồng 6 cho đến hết ngày 10 tháng Giêng dân chúng Yên Trị tổ chức Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Chu sư Đại tướng Ngô Quý Duật tại đền Tướng Loát và Ngô Thế Lưu tại miếu Quan Mãnh. Lễ tế tại Mãnh Miếu gọi là lễ “Vọng Tổ”.

Ghi chú:
1. ĐVSKTT 1993/tr.218
2. Tuyển câu đối thờ của Lê Xuân Quang - Dương Văn Vượng. Sở VHTT Nam Định xuất bản,
1998/tr.64-66.

Ngô Vui

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập117
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm109
  • Hôm nay31,278
  • Tháng hiện tại373,667
  • Tổng lượt truy cập47,098,775
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây