Ngô Thì Sĩ - Một chính khách, một sử gia, một tâm hồn khoáng đạt
Thứ ba - 14/09/2021 18:04
Thông qua cuộc đời hoạt động và qua các tác phẩm, bài viết của Ngô Thì Sĩ, chứng tỏ ông là một nhà chính trị có tầm nhìn xa rộng, có tâm huyết và có nhiều ý tưởng cải cách nền chính sự đương thời với mong muốn làm cho xã hội ổn định, nhân dân được sống, lao động yên vui.
Ngô Thì Sĩ tự Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong, đạo hiệu Nhị Thanh cư sĩ; là nhà sử học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở thế kỷ 18 tại Việt Nam. Ông sinh ngày 20 tháng 9 năm Bính Ngọ (tức 15 tháng 10 năm 1726) tại làng Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (sau thuộc tỉnh Hà Đông, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội), trong một dòng họ lớn ở làng có nhiều người nổi tiếng hay chữ, đỗ đạt. Ông là thân phụ của các danh sĩ: Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Hương và là nhạc phụ của danh sĩ Phan Huy Ích.
Ngô Thì Sĩ thuộc đời 33 họ Ngô Việt nam, dòng Ngô Thời – Tả Thanh oai. Ông nội là Ngô Trân, hiệu Đan Nhạc, một người nổi tiếng về sức học uyên bác và tài văn chương, được người đương thời liệt là một trong "bảy con hổ của kinh thành Thăng Long" (Tràng An thất hổ).
Cha ông là danh sĩ Ngô Thì Ức, cũng là một người nổi tiếng hay chữ. Năm 14 tuổi, cụ Ngô Thì Ức đỗ thứ hai kỳ thi Hương nhưng sau đó hỏng liền hai khoa thi Hội nên không để chí vào việc khoa cử nữa. Ông mất lúc Ngô Thì Sĩ lên 10 tuổi.
Từ năm 7 tuổi đến 11 tuổi, Ngô Thì Sĩ được ông nội rèn dạy. Sau đó được cho ra Thăng Long theo học các bậc danh nho như Nghiêm Bá Đĩnh, Nhữ Đình Toản… Năm Quý Hợi (1743), Ngô Thì Sĩ thi đỗ Hương tiến (Cử nhân), nhưng bị hỏng khoa thi Hội ngay sau đó. Năm 1752, ông lại đi thi Hội, nhưng bị khảo quan Trần Tố đánh hỏng (vì "nhầm"). Chúa Trịnh Doanh rất tiếc, truất chức của Trần Tố và trao cho Ngô Thì Sĩ chức Thiêm tri Công phiên thẩm ứng vụ.
Năm 1756, nhân đỗ đầu một kỳ thi tuyển người, Ngô Thì Sĩ trở thành một thành viên trong Văn ban của phủ chúa Trịnh, được giao trách nhiệm soạn thảo giấy tờ, và làm Tùy giảng cho con chúa là Thế tử Trịnh Sâm. Từ đó ông giữ nhiều trọng trách của Triều đình.
Năm Bính Tuất đời Cảnh Hưng (1766), ông thi đỗ Hoàng giáp, năm sau được thăng Đông các hiệu thư rồi đổi làm Hiến sát sứ Thanh Hoa. Năm 1771, ông coi việc chấm thi ở trường thi Nghệ An, bị Nguyễn Văn Chu, người ở Hà Tĩnh kiện vì ăn của đút của học trò, bị án "hoàn dân thụ dịch" (nghĩa là trả về làm dân chịu sai dịch). Sau này chúa Trịnh Sâm đi tuần phương Nam, biết ông bị oan mới có ý cất nhắc tin dùng. Năm 1775 Chúa Trịnh triệu ông vào kinh, cho giữ chức Hiệu lý Viện Hàn lâm kiêm Hiệu chính quốc sử, sau đó thăng Thiêm đô ngự sử.
Năm 1777, ông được bổ làm Đốc trấn Lạng Sơn. Trong thời gian ở đây, ông đã ổn định được tình hình địa phương, giúp dân an cư, rồi ông cho đặt doanh Lộc Mã, dựng đình Kinh lược, sửa sang động Song Tiên, khai thác động Nhị Thanh, biến nơi đây trở thành một thắng tích. Nhà sử học Phan Huy Chú viết: “Bấy giờ hạt Lạng Sơn đói vì mất mùa, dân 7 châu phần nhiều đi nơi khác và chết đói ngoài đường. Khi ông đến, tìm cách cấp cứu. Rồi chiêu dụ dân lưu tán về khai khẩn ruộng hoang, tự mình đôn đốc việc cày bừa để khuyến khích dân biên giới. Đến vụ gặt mùa lúa tốt lắm. Do đó trộm giặc tiêu tan, trong hạt yên ổn. Khi việc tuần phòng rỗi rãi, ông lại nhởn nhơ nơi núi khe, tìm chốn thanh u, dò nơi hiểm trở, không có chỗ nào ông không đến. Ở phía Bắc trấn thành cách sông, ông mở mang động Nhị Thanh làm cảnh trí rất lạ. Khi việc quan thong thả ông thả thuyền tới động, leo lên bậc đá ngâm thơ, uống rượu; thật là hứng thú, phóng khoáng...”
Các nhà nghiên cứu có nhận xét rằng, thông qua cuộc đời hoạt động và qua các tác phẩm, bài viết của Ngô Thì Sĩ, chứng tỏ ông là một nhà chính trị có tầm nhìn xa rộng, có tâm huyết và có nhiều ý tưởng cải cách nền chính sự đương thời với mong muốn làm cho xã hội ổn định, nhân dân được sống, lao động yên vui.
Trên lĩnh vực sử học, ông là một sử gia nổi tiếng, vì có tinh thần làm việc cẩn trọng, có ngòi bút sinh động, có nhiều phát hiện mới và có suy nghĩ riêng. Trong những công trình trước tác của Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt sử ký tục biên là những tác phâm có nhiều tư liệu quý giá. Ông soạn các sách này nhằm mục đích sửa chữa lại những sai lầm trong sử cũ. Trong sách, ông đưa ra nhiều ý kiến khá xác đáng, thể hiện tinh thần dân tộc sâu sắc, được các nhà sử học đời sau trích dẫn lại.
Ngoài việc là một chính khách, một quan chức, ở Ngô Thì Sĩ còn nổi bật một tâm hồn đa cảm của một nghệ sĩ, với những rung động sâu sắc, mãnh liệt. Ông luôn nhìn thấu tâm tư, tình cảm con người và cảm thông với họ, trăn trở, day dứt cùng họ.
Trong lĩnh vực văn học, thơ văn cua ông, dù bàn chuyện chính sự hay bộc lộ tình cảm trữ tình, ngòi bút của ông sắc sảo mà khoáng đạt, đa dạng, nhiều ý tứ mới lạ và hướng vào đời sống đích thực, ít dùng lối ước lệ, tượng trưng. Riêng ở văn, tính lạc quan, tính hài hước cũng là một phong cách văn chương của Ngô Thì Sĩ. Về quan niệm sáng tác, ông cho rằng văn chương phải thiết thực, hữu dụng, mới mẻ và có cốt cách riêng. Ông đả phá lối thơ chuộng hình thức, phù phiếm.
Tuy nhiên, văn chương do không theo khuôn phép nên nhiều khi gặp rắc rối, mấy lần đi thi, khảo quan đều nhận ra văn bài của ông, cố tìm ra lỗi dù rất nhỏ để truất bỏ.
Ngày 29 tháng 8 năm Canh Tý (tức 22 tháng 10 năm 1780), Ngô Thì Sĩ mất ở tuổi 54 tại động Nhị Thanh, sau khi có việc đi Mục Nam Quan về nghỉ đêm tại đây. Khi đó dư luận cho rằng, ông chết vì uất giận không khuyên bảo được con là Ngô Thì Nhậm đã can dự chuyện tố cáo vụ Trịnh Tông mưu giết Trịnh Cán. Đương thời dị nghi vì việc này mà Ngô Thì Nhậm được thăng đến chức Thị Lang. Đây là một nghi án được giới sử học sau này bàn luận nhiều.