Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư mô tả: khi mới sinh, Ngô Quyền có ba cái nốt ruồi ở lưng, có thầy tướng số trông thấy cho là lạ, đoán rằng về sau ông có thể làm chúa một phương, do đó mới đặt tên là Quyền. Ngô Quyền dáng người khôi ngô, "mắt sáng như chớp, đi thong thả như cọp" "sức có thể cầm vạc giơ lên".
Thủa thiếu thời của Ngô Quyền cũng là thời kì bão táp của chế độ thống trị nhà Đường ở An Nam. Đô hộ phủ An Nam ngày càng tỏ ra bất lực trong việc khống chế các thế lực cát cứ địa phương cũng như các thế lực bên ngoài. Người Nam Chiếu đã tấn công dữ dội Giao Châu từ năm 858 đến năm 866. Sau loan An Sử (755 - 763) và nhất là khởi nghĩa Hoàng Sào (874 - 884), nhà Đường phải đối phó với nạn phiên trấn cát cứ, sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với An Nam ngày càng yếu đi. Quyền lực của phủ Đô hộ bị phân tán xuống các vùng nhỏ, do đó xuất hiện các thế lực hào trưởng có vai trò ngày càng quan trọng trong bộ máy cai trị. Vì vậy, họ Khúc, hào trưởng Hồng Châu, đã thiết lập chính quyền tự chủ ở An Nam một cách khá dễ dàngvào năm 905. Thế lực họ Khúc yếu ớt, đối đầu và thất bại trước sự xâm lấn của nhà Nam Hán. Nhưng sự thống trị của nhà Nam Hán cũng không vững bền. Năm 931, thế lực họ Dương do Dương Đình Nghệ chỉ huy ở Ái Châu đánh bại quan lại nhà Nam Hán là Lý Tiến, Trần Bảo ở dưới chân thành Đại La. Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ (tương đương vua) đầu tiên của người Việt tự chủ. Dương Đình Nghệ nắm quyền ở Đại La nhận được sự ủng hộ của nhiều thế lực địa phương khác, trong đó có họ Ngô của Ngô Quyền.
Lúc trưởng thành, Ngô Quyền võ nghệ tinh thông và có chí khí khác người. Năm 920, Ngô Quyền theo Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán, giải phóng thành Đại La vào năm 931, góp phần giúp cho Dương Đình Nghệ thắng quân Nam Hán lên làm Tiết độ sứ. Năm 932, Ngô Quyền được Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ tin tưởng giao cai quản Châu Ái rồi còn gả con gái cho. Trong 7 năm cai quản Ái Châu, Ngô Quyền trổ tài lực, dốc lòng đem lại yên vui, thái bình cho dân chúng.
Năm 937, thế lực họ Kiều ở châu Phong tổ chức binh biến, giết chết Dương Đình Nghệ, đưa Kiều Công Tiễn lên nắm quyền. Công Tiễn tự xưng Tiết độ sứ. Hành động này đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các thế lực hào trưởng các địa phương, thậm chí chính nội bộ họ Kiều cũng chia rẽ trầm trọng. Ngô Quyền, với danh nghĩa là bộ tướng và con rể của Dương Đình Nghệ đã sớm trở thành ngọn cờ quy tụ lòng yêu nước của mọi tầng lớp, tập hợp lực lượng tiêu diệt kẻ phản trắc Kiều Công Tiễn. Bị cô lập, Kiều Công Tiễn hoảng sợ, vội vã sai người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Nam Hán Cao Tổ (Lưu Cung) sai con trai là Lưu Hoằng Thao đem hai vạn quân, dùng chiến thuyền, xâm lấn Tĩnh hải quân.
Năm 938, Ngô Quyền cùng với Dương Tam Kha (con trai Dương Đình Nghệ) và Đỗ Cảnh Thạc đem quân ra Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn khi quân Nam Hán còn chưa kịp vào thành. Thành Đại La trở thành trung tâm đầu não và chỉ huy của Ngô Quyền để nhanh chóng tổ chức kháng chiến chống quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng. Trước mưu đồ xâm lược trở lại của phong kiến Trung Quốc, ngọn cờ cứu nước của Ngô Quyền trở thành ngọn cờ đoàn kết của cả dân tộc. Đội quân Ngô Quyền, từ một đội binh Ái Châu đã nhanh chóng trở thành một đội quân dân tộc. Truyền thuyết dân gian còn ghi nhớ chuyện 38 chàng trai làng Gia Viễn (Hải Phòng) do Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận dẫn đầu, đã tự vũ trang, xin theo Ngô Quyền phá giặc. Trai tráng các làng Lâm Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng), Đằng Châu (Kim Động, Hải Hưng), người mang vũ khí, kẻ mang chiến thuyền, tìm đến cửa quân xin diệt giặc. Ba anh em Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả ở Hoàng Pha (Hoàng Động, Thủy Nguyên), ông tổ họ Phạm ở Đằng Giang (An Hải, Hải Phòng) cũng chiêu mộ dân binh, hăng hái tham gia kháng chiến.
Vùng cửa sông và vùng hạ lưu sông Bạch Đằng được Ngô Quyền chọn làm chiến trường quyết chiến. Lợi dụng chế độ thủy văn khắc nghiệt của sông Bạch Đằng, ông sai đóng cọc dưới lòng sông, đầu bịt sắt nhọn sao cho khi nước triều lên thì bãi cọc bị che lấp. Ngô Quyền dự định nhử quân Nam Hán vào khu vực này khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống cho thuyền quân Nam Hán mắc cạn mới giao chiến. Tướng Dương Tam Kha chỉ huy đội quân bên tả ngạn, Ngô Xương Ngập (con trai cả của Ngô Quyền) và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy đội quân bộ bên hữu ngạn. Hai cánh quân tả, hữu sẽ phối hợp đánh địch khi chúng bị mắc kẹt ở đoạn sông Bạch Đằng đóng cọc nhọn. Quả nhiên, quân Nam Hán mắc mưu vào đúng thế trận Ngô Quyền đã sắp đặt. Toàn bộ chiến thuyền quân Nam Hán bị cọc nhọn đâm chìm. Tướng giặc Lưu Hoằng Thao bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ. Chiến thắng Bạch Đằng diễn ra quá nhanh khiến cho vua Nam Hán là Lưu Cung đang đóng quân ở sát biên giới mà không kịp ứng tiếp cho con trai. Nhà Nam Hán phải từ bỏ giấc mộng xâm lấn Tĩnh Hải quân.
Với mưu lược thần tình của mình, Ngô Quyền đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử nổi tiếng năm 938, kết thúc hơn một thiên kỉ Bắc thuộc, mở ra thời kỳ mới: thời kỳ xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ cho nước Việt.
Về trận Bạch Đằng, Ngô Thì Sĩ đánh giá: “trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại…”
Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết độ sứ. Ông tự xưng vương, trở thành vị vua sáng lập ra nhà Ngô, một quốc gia độc lập tự chủ, do vua cai quản. Kinh đô của triều đại mới không nằm ở Đại La mà chuyển về Cổ Loa, kinh đô của nước Âu Lạc từ thời An Dương Vương một nghìn năm trước. Ngô Quyền tỏ ý nối tiếp truyền thống của các vua Hùng, vua Thục. Tại kinh đô Cổ Loa, Ngô Vương tổ chức một triều chính độc lập “đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của đế vương”.
Bà vợ họ Dương (con gái của Dương Đình Nghệ), được lập làm hoàng hậu. Các tướng sĩ có công trong cuộc chiến chống quân Nam Hán đều được phong tước, cấp thái ấp. Ngô Vương đóng đô ở Cổ Loa được 6 năm (939 - 944). Việc đóng đô ở Cổ Loa của Ngô Vương khôi phục vị trí trung tâm chính trị của vùng đất Hà Nội trong buổi đầu phục hưng của đất nước sau hơn nghìn năm Bắc thuộc. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Việt Nam, mở ra thời kì hòa bình kéo dài gần nửa thiên niên kỉ của Việt Nam với những triều đại: nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ mà công lao sự nghiệp lừng lẫy trong lịch sử.
Lê Văn Hưu nhận định về ông rằng:” Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Thao, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được”. Phan Bội Châu tôn vinh Ngô Quyền là “Vị Tổ Trung hưng đời thứ nhất”. Trong “Đại Nam Quốc sử diễn ca”, Phan Bội Châu đã viết:
“Ngô Quyền đức trí cương - nhu
Quăng đi cái ách nghìn thu thuộc Tàu
Danh thơm tiếng mãi về sau
Non sông gấm vóc nhắc nhau bảo toàn…”
Ngô Quyền mất ngày 18 tháng Giêng năm 944, thọ 47 tuổi. Ông được xây đền thờ ở nhiều nơi. Tại xã Đường Lâm, Sơn Tây có đình thờ và lăng Ngô Quyền. Trong nhà truyền thống xã Đường Lâm còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như rìu đá, di chỉ đồ đá mới, cọc gỗ Bạch Đằng… Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hải Phòng, Hải Dương đều trưng bày trang trọng tượng, tranh về Ngô Quyền cùng những hiện vật, mô hình về trận chiến Bạch Đằng năm 938. Ngày 12/12/1986 Khu di tích Từ Lương Xâm - nơi đại bản doanh của Ngô Quyền đánh trận Bạch Đằng (quận Hải An- Hải Phòng) đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 235 - VH/QĐ. Để tưởng nhớ công ơn của Đức Vương Ngô Quyền, hàng năm nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống tại di tích trong 03 ngày từ 16- 18 tháng giêng đúng vào dịp kỷ niệm ngày mất của Ngô Quyền. Ông mãi là niềm tự hào của dân tộc; người anh hùng đã khôi phục quốc thống sau nghìn năm Bắc thuộc.
Minh Vượng (tổng hợp)
Nguồn tin: baotanglichsu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn