Tìm hiểu đôi nét về sắc phong 

Thứ ba - 16/07/2019 18:04

Sắc phong hay còn gọi là Sách phong, là văn bản do nhà vua ban để phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình, đền thuộc làng xã người Việt.
 
n
Một đạo sắc phong triều Nguyễn


Sắc phong là một loại phẩm vật trân quý, vừa có giá trị về tư liệu lịch sử, vừa là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp của từng thời kỳ, để lại cho các thế hệ sau những  tư liệu quý giá phục vụ công tác nghiên cứu liên quan đến tên tuổi, quê quán, công trạng… của một số nhân vật lịch sử, sự tôn vinh của vương triều và cộng đồng cư dân với một vị thần cũng như việc nghiên cứu một số lĩnh vực liên quan khác.

Các loại sắc phong

Có 2 loại sắc phong chính người ta thường thấy:

- Loại thứ nhất là sắc phong chức tước
Đây là loại sắc phong do nhà vua dùng để phong chức tước cho các công thần, quý tộc hoặc quan lại... Loại này thường ít gặp vì do các gia đình, dòng họ lưu giữ, thuộc loại Gia Bảo nên ít được phổ biến ra ngoài.

- Loại thứ hai là sắc phong thần 
Đây là sắc phong do nhà vua phong tặng và xếp hạng cho các vị thần linh được thờ tự trong các đình làng (Thành hoàng làng). Loại sắc phong này thường thấy phổ biến hiện nay. Các vị thần được phong tặng có thể là nhân vật lịch sử có công với nước, được gọi là nhân thần và các thần linh trong tín ngưỡng dân gian như nhân vật huyền thoại, vật linh thiêng hoặc một số hiện tượng thiên nhiên. Nhân vật trên sắc phong thần cũng có thể là những người dân bình thường nhưng có công khai hoang lập ấp, truyền dạy nghề thủ công hoặc có công đức với cộng đồng, gắn liền với lịch sử làng xã.
Các vị thần thờ tự trong cộng đồng làng xã có thể được ban tặng nhiều đạo sắc phong khác nhau, gắn với các đời vua ở mỗi triều đại. Cùng một vị thần được thờ trong làng, các đời vua nối tiếp có thể gia phong sắc thần, cho địa phương tiếp tục được thờ phụng với những mỹ tự mới, gọi là gia tặng phẩm trật cho thần. Cũng có trường hợp đời vua sau hạ phẩm trật của thần so với đời vua trước, thậm chí vì lý do đặc biệt nào đó, không cho tiếp tục được thờ phụng. Trường hợp này không nhiều.

Nội dung và kết cấu của sắc phong

Thông thường, mỗi đạo sắc phong gồm những nội dung: Địa chỉ thờ thần (thôn, xã, phủ, huyện, tỉnh); Tên gọi của thần (thần hiệu, huy hiệu, duệ hiệu, mỹ tự); Lý do thần được sắc phong hoặc nâng cấp phẩm trật (trung đẳng thần, thượng đẳng thần…); Trách nhiệm của thần đối với dân sở tại (che chở bảo hộ cho dân); Trách nhiệm của dân đối với thần (tôn kính, thờ cúng thần); Ngày tháng năm ban sắc (thuộc đời vua nào).
Sắc phong cho cá nhân và gia tộc có đóng góp nhiều công trạng cho đất nước cũng được kết cấu tương đối giống sắc phong cho thần thánh. Riêng các nội dung về thành tích, công trạng, được ghi cụ thể, tỉ mỉ hơn. Phần khen thưởng bằng vật chất thường cũng được liệt kê thể hiện trong sắc phong.
Trong lịch sử Việt Nam, nhiều đợt sắc phong dưới các triều vua đã được ban ra. Người có công lớn nhất trong việc soạn và biên chép các sắc phong là Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính (TK XVI) và Quản giám bách thần tri điện, Hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền (TK XVIII). Theo Wikipedia, đạo sắc phong được cho là cố nhất hiện còn lưu giữ được là ở thôn Thượng, xã Thiên Trạo, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, đạo sắc có từ thời Lê Thái Tổ.

Chất liệu làm sắc phong

Sắc phong thường được làm bằng loại giấy dó đặc biệt gọi là giấy sắc. Giấy sắc là một sản phẩm mang tính đặc thù của nghề làm giấy truyền thống Việt Nam, một sản phẩm kết tinh của thành tựu kỹ thuật cổ truyền với phương pháp thủ công tinh xảo và óc thẩm mỹ, sáng tạo của nghệ nhân. Nguyên liệu chính để làm giấy sắc là cây dó Thao (loại dó được trồng ở vùng đất Lâm Thao - Phú Thọ). Giấy có nhiều khổ to nhỏ khác nhau, được trang trí những họa tiết mặt trước vẽ rồng mây, xung quanh viền truyền chỉ hay đóng triện tiền, mặt sau vẽ Tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng, bầu rượu, cuốn thư, phù hợp với từng loại sắc phong và đặc trưng của mỗi thời kỳ lịch sử.
Giấy sắc được sản xuất theo một quy trình đăc biệt, đảm bảo giấy có sức chịu đựng lâu dài, có thể tới ba, bốn trăm năm nếu bảo quản tốt. Tờ giấy đanh mà mềm, không hút ẩm, không giòn khô, khó xé thành các mảnh nhỏ và rất ăn mực khi viết, vẽ.
Nghề làm giấy sắc là nghề gia truyền của dòng họ Lại ở làng Nghĩa Đô (tục gọi làng Nghè), nay là thôn Trung Nha, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tổ nghề giấy sắc làng Nghĩa Đô là cụ Lại Thế Giáp, con rể của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (1577 – 1657). Theo gia phả họ Lại, Tổ Thế Giáp lấy bà Phi Diệm Châu, con gái chúa Trịnh Tráng. Bấy giờ thấy họ nhà chồng nghèo, Phi Diệm Châu đã tâu xin chúa Cha và vua Lê cho họ Lại làm giấy sắc, chuyên cung cấp cho triều đình. Cụ Lại Thế Giáp cùng con cháu là những người sáng nghiệp làm giấy sắc cho nhà vua, được nhà vua ban cho họ độc quyền làm giấy sắc vàng và ban cho tên gọi họ Kim Tiên.

Cùng với sự biến thiên của thời gian và lịch sử, hiện nay nghề làm giấy sắc hầu như đã mai một, nên việc bảo tồn sắc phong cũng là một cách bảo tồn rất hữu hiệu những chứng tích cụ thể của nghề thủ công cổ truyền này.

Vụ án man trá trong phong sắc thần

Vua ban sắc mệnh phong thần là một việc thiêng liêng và cao cả, thế nhưng trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, ở triều vua Gia Long (1802 – 1820) từng có chuyện man trá trong việc phong sắc thần. Người ta điều tra phát hiện ra có đến 560 đạo sắc phong cho thần linh là giả mạo (sắc phong của vua là thật nhưng thần giả, không đáng làm thần). Liên quan đến vụ này có Hữu tham tri Bộ Lại Đặng Trần Thường, Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Gia Cát và Thiêm sự Vũ Quý Dĩnh. Trong đó Vũ Quý Dĩnh đã làm sắc phong cho cha cố và bố mẹ vợ làm phúc thần và làm gian cho một số người khác, còn Đặng Trần Thường xin phong cho Hoàng Ngũ Phúc làm Thanh danh Văn Võ Thánh Thần Đại vương, trong khi ông ta thừa biết Hoàng Ngũ Phúc là tướng họ Trịnh, người đã đem đại quân vượt lũy Trường Dục, năm 1774 đánh chiếm Phú Xuân, tiêu diệt cơ nghiệp chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Với các tội danh trên, Vũ Quý Dĩnh bị án trảm (chém), Đặng Trần Thường và Gia Cát bị án trảm giam hậu (giam lại, chém sau). Sau do Gia Long nghĩ thương tình Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát đều có công trong thời gian phục thù đánh bại nhà Tây Sơn nên tha tội chết cho cả hai, chỉ xóa tên trong sổ bộ quan tịch. Tuy nhiên Đặng Trần Thường sau vẫn bị Gia Long xử chết trong một vụ án khác.

Hiên nay số lượng các sắc phong còn lai rất nhiều, được lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và các viên nghiên cứu lịch sử, văn hóa khác, một phần lưu giữ rải rác ở các đình đền, nhà thờ họ tộc, gia đình và một số người chuyên sưu tầm, nghiên cứu sắc chỉ.
Cùng với các tín ngưỡng dân gian, hệ thống sắc phong đã trở thành di sản quý báu của địa phương, dòng họ, được các thế hệ con cháu và người dân gìn giữ, bảo quản qua nhiều thế kỷ. Các sắc phong đã trở thành tư liệu chữ viết quan trọng, cùng với hệ thống hoành phi, câu đối, gia phả, thần phả, truyền thuyết địa phương, phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu lịch sử, phục dựng khuôn diện tín ngưỡng cha ông ta có những cơ sở đáng tin cậy.

Ngô Xuân tổng hợp

 
 Từ khóa: truyền thống, Sắc phong

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập44
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay15,626
  • Tháng hiện tại464,156
  • Tổng lượt truy cập40,301,318
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây