Hội thảo khoa học Ngô Quyền và sự nghiệp Trung hưng đất nước

Thứ hai - 25/03/2019 21:10

Ngày 25/3/2019, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước.
 
 
b
Các đại biểu trong Hội thảo
 
Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong chương trình hoạt động nhân kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa (939 – 2019) theo chủ trương của UBND thành phố Hà Nội.
Tham gia Hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lịch sử cũng như lĩnh vực Khoa học Xã hội nhân văn nói chung; có đại diện một số cơ quan quản lý di sản và tổ chức chuyên môn thuộc Hà Nội, Hải Phòng, hai địa phương hiện có nhiều di tích liên quan đến Ngô Vương Quyền.
Ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng họ Ngô Việt Nam và 3 thành viên Thường trực Hội đồng đã tham dự Hội thảo.
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo. Ông đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện Hội đồng Ngô tộc Việt Nam tham dự Hội thảo tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, khẳng định vị trí, vai trò của Ngô Quyền đối với sự nghiệp trung hung đất nước, làm sáng tỏ những vấn đề còn nghi vấn, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, các nguồn tư liệu liên quan đến Ngô Quyền trên mảnh đất Thăng Long lịch sử.
Hội thảo đã nhận được 16 tham luận của các đại biểu với những nội dung phong phú về thân thế, sự nghiệp, công đức lớn lao, tài năng kiệt xuất của Tiền Ngô Vương cũng như tình cảm, nguyện vọng của người dân, các lớp hậu thế đối với vị Anh hùng dân tộc. Hội thảo đã đặc biệt khẳng định sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương, định đô Cổ Loa là chung đúc của lịch sử nghìn năm chống Bắc thuộc của cả dân tộc, là bước tiếp nối và nâng tầm chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, đánh dấu một bước tiến dài của lịch sử Việt Nam. Đây thực sự là một cột mốc lịch sử rõ ràng, hiển hiện, không gì có thể che lấp được. Các giá trị vĩnh hằng của nó cần được nhận thức và đánh giá một cách đúng đắn và đầy đủ, làm cơ sở tôn vinh vị Tổ trung hưng đất nước Ngô Quyền đúng như đóng góp của ông vào tiến trình lịch sử dân tộc.

Các nhà sử học từ thời Lê Văn Hưu cuối thế kỷ XIII, đến Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV, Ngô Thì Sĩ thế kỷ XVIII, Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX, GS Phan Huy Lê cuối thế kỷ XX cũng như hầu hết nhà sử học trong ngoài nước đều đồng nhất quan điểm đánh giá công lao của Ngô Quyền gắn với trận Bạch Đằng. “Chiến thắng Bạch Đằng là cơ sở của việc phục hồi quốc thống. Về sau thời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào dư âm lẫm liệt của trận ấy. Võ công lớn ấy còn vĩ đại đến nghìn năm, chứ có phải chỉ rạng rỡ một thời mà thôi đâu”, trích Đại Việt sử ký tiền biên.
Tại Hội thảo, GS TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nêu ý kiến: “Thế nhưng gần đây có người vì muốn đẩy Đinh Tiên Hoàng lên vị trí thứ hai sau quốc Tổ vua Hùng thay vị trí Ngô Quyền. Họ lập luận, Đinh Bộ Lĩnh mới có nhà nước đầy đủ, hoàn chỉnh, còn Ngô Quyền xưng vương chỉ mới là khẳng định 'sự độc lập về chính trị', còn một quốc gia với đầy đủ quốc danh, cương vực và hệ thống chính quyền các cấp là hoàn toàn chưa có. Họ không thể không đề cao chiến thắng Bạch Đằng, nhưng chỉ coi là chiến thắng về mặt quân sự, mà không cần biết chính nó mới là cơ sở quyết định nối lại quốc thống đã mất, không xem sự nghiệp mở nước xưng vương của Ngô Quyền là kết quả tất yếu, là sản phẩm của trận đánh lịch sử nghìn năm có một”.
Nhà sử học Lê Văn Lan đồng tình, cho rằng những ai định “đẩy” vai trò của Đinh Tiên Hoàng lên trước Ngô Quyền là sai lầm. Sinh thời, GS Phan Huy Lê lưu ý không được phép quên hay hạ thấp vai trò của chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Ông viết: “Riêng ngày thành lập nước Đại Cồ Việt năm 968 theo tôi không thể tách khỏi ngày chiến thắng Bạch Đằng cuối năm 938. Chiến thắng Bạch Đằng là chiến công vĩ đại, có ý nghĩa vô cùng to lớn vì đã chấm dứt cả thời Bắc thuộc hơn nghìn năm, đưa dân tộc vượt qua một thử thách cực kỳ hiểm nghèo của hơn 10 thế kỷ bị phong kiến Trung Quốc đô hộ… Không có Ngô Vương Quyền thì không có Đinh Tiên Hoàng, không có chiến thắng Bạch Đằng thì không có nước Đại Cồ Việt”, vì vậy tôn vinh phải công bằng.
Hội thảo cũng làm sáng tỏ thêm một số vấn đề lâu nay giới khoa học còn những ý kiến tranh luận trái chiều như vấn đề quê hương của Ngô Quyền, vấn đề địa điểm nơi diễn ra trận chiến Bạch Đằng năm 938, vấn đề các Hoàng phi, Hoàng hậu của Tiền Ngô Vương…
Hội thảo đặc biệt nhấn mạnh, đề nghị Nhà nước cần sớm xây dựng một khu di tích lưu niệm về Ngô Quyền trong quần thể di tích Cổ Loa, trong đó xây một ngôi đền thờ Ngô Quyền với các công trình phù trợ. Bên cạnh việc dựng tượng đài An Dương Vương cần có tượng đài Ngô quyền, hai tượng đài phải xứng đáng với tầm vóc của hai nhân vật lịch sử lỗi lạc của dân tộc Việt Nam. Ý nghĩa của việc tạo dựng di tích lưu niệm Ngô quyền ở Cổ Loa nhằm mục đích để mỗi khi nhân dân đến đây tham quan và dự lễ hội sẽ vào thắp hương tưởng nhớ An Dương Vương, người xây thành Cổ Loa và đánh quân Tần trước Công nguyên, đồng thời thắp hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Ngô quyền đã đánh thắng quân Nam Hán, lên ngôi và đóng đô ở Cổ Loa năm 939.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học và các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi một số vấn đề còn những nhận thức và đánh giá khác nhau, một số ý kiến với luận điểm sát đáng, luận cứ thuyết phục đã thêm một bước làm sáng tỏ vấn đề.

Hội thảo khoa học Ngô Quyền và sự nghiệp Trung hưng đất nước đã thành công tốt đẹp. Hy vọng đây sẽ là cơ sở để Thủ đô Hà Nội tổ chức thật tốt Lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa, dự kiến vào trung tuần tháng 4/2019, đồng thời làm tiền đề để triển khai những hoạt động có ý nghĩa khác nhằm tôn vinh xứng đáng những đóng góp lớn lao của vị Anh hùng dân tộc đối với lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước.

Ngô Xuân

Dưới đây là một số hình ảnh Hội thảo:
 
b
TS Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội khai mạc hội thảo
 
b
Ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu
 
b
GS TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam điều hành hội thảo
b
PGS TS Nguyễn Đức Nhuệ - Viện Sử học phát biểu
m
Ông Ngô Vui - Chủ tịch Hội đồng họ Ngô Việt Nam phát biểu
 
n
TS Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội phat biểu
c
PGS TS Đỗ Minh Tường phát biểu
 
c
PGS TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lich sử Việt Nam tổng kết Hội thảo


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập75
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm69
  • Hôm nay28,327
  • Tháng hiện tại164,764
  • Tổng lượt truy cập50,700,584
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây