Người Việt ngày càng cởi mở với kiểu "gia đình phi truyền thống"

Thứ bảy - 27/06/2015 20:25

Đây là thông tin được đại diện Viên Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết tại buổi tọa đàm "Các giá trị cốt lõi và thách thức của các loại hình gia đình đương đại Việt Nam".
Gia đình đơn thân dần được xã hội thừa nhận
Gia đình đơn thân dần được xã hội thừa nhận

 

(Nhân ngày Gia đình Việt Nam, ngotoc.vn xin giới thiệu bài viết của tác giả Ngô Châu Anh đăng trên báo infonet về quan điểm của người Việt hiện nay đối với các loại hình gia đình hiện đại).


Mô hình gia đình phi truyền thống dần được thừa nhận

Theo khảo sát trên 1.500 người của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tiến hành trong tháng 5 và tháng 6 năm 2015 cho thấy, gia đình Việt Nam đang đối mặt với một số vấn đề như: xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình, ngoại tình, nợ nần và các vấn đề khác. 

Trong đó có tới 27,5% gia đình có sự bất hòa giữa các thế hệ (bố mẹ, ông bà, con cái); 16% gia đình đối diện với nguy cơ vợ/chồng hoặc cả vợ và chồng ngoại tình; 9,9% gia đình lục đục vì nợ nần quá khả năng chi trả.

Đáng lưu ý là, tại khảo sát trên, tình trạng ngoại tình được nữ cảm nhận nghiêm trọng hơn nam. Theo đó, 19,6% phụ nữ cho rằng không thể chấp nhận được tình trạng ngoại tình, chỉ 10,1% nam giới đồng thuận với ý kiến này. Trong khi đó, tỷ lệ nữ có cảm nhận “không bình yên”, “không thỏa mãn” với một số khía cạnh trong đời sống gia đình như: sự sẻ chia tình cảm, quan tâm chăm sóc, sự chung thủy của bạn đời, sự phân công việc nhà cao hơn nam đáng kể.

Chia sẻ kết quả khảo sát, Ths Phạm Thanh Trà (Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE) cho biết: Trong khi những quan điểm truyền thống về gia đình như gia đình phải có bố mẹ và con vẫn chiếm ưu thế thì đã bắt đầu xuất hiện một số quan điểm mới và hình thành một số giá trị mới của gia đình. Bên cạnh tình yêu thương là một số giá trị phổ quát thì tự do cá nhân, sự riêng tư, sự trung thực đã là những giá trị mới được nhiều người chọn lựa.

Những thay đổi trong quan điểm về loại hình và giá trị gia đình thể hiện qua một tỷ lệ không nhỏ ủng hộ gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài (49%) và gia đình đồng tính (19%). Tỷ lệ khá cao người được hỏi có quan điểm trung lập với loại hình gia đình đơn thân do ly hôn (35,3%), đơn thân do không kết hôn (33,7%), sống chung không kết hôn (26,4%) hoặc gia đình không có con (32,1%), cũng cho thấy độ cởi mở nhất định với những loại hình gia đình này. Xu hướng người dân thành thị ủng hộ các loại hình gia đình phi truyền thống cao hơn so với nông thôn.

Tình yêu thương sự chia sẻ vẫn là giá trị cốt lõi

Đồng tình với quan điểm của Ths Phạm Thanh Trà, ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: "Trong xu hướng biến đổi của gia đình nói chung và sự đa dạng của các loại hình gia đình nói riêng, giữa những tác động nhiều chiều của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, chúng tôi cho rằng chức năng thỏa mãn tâm lý tình cảm sẽ trở thành chức năng nổi trội của gia đình, vượt trên cả những chức năng khác  như sinh đẻ, kinh tế và giáo dục xã hội hóa con trẻ".

Theo ông Vân thì tình yêu thương và sự chia sẻ vẫn sẽ là những giá trị cốt lõi và bất biến của gia đình Việt Nam mà  không phân biệt loại hình gia đình đa thế hệ hay đơn thân.

Bên lề Hội thảo, bày tỏ quan điểm của mình ông Bakhodir Burkhanov Phó giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng: “Tuyên ngôn nhân quyền Quốc tế khẳng định mọi người đều có quyền được tạo lập gia đình, bao gồm cả người độc thân, người chuyển giới hay hai người trưởng thành bất kể giới tính của họ. Chúng tôi khuyến khích và hỗ trợ Chính phủ và Quốc hội nhìn ra những thử thách mà các đối tượng yếu thế đang gặp phải và bảo vệ quyền tạo lập gia đình”.

 

Ngô Châu Anh/ infonet.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập179
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm176
  • Hôm nay44,553
  • Tháng hiện tại391,839
  • Tổng lượt truy cập49,755,057
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây