Phong tục ăn Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5

Thứ ba - 16/06/2015 18:06

Đối với người Việt Nam, Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng Năm từ xưa vẫn mang đậm truyền thống dân gian. Tuy nhiên, nguồn gốc và những tục lệ của nó thì ngày nay không phải ai cũng hiểu rõ.
Rượu nếp cẩm giết sâu bọ

 

Tháng Tư đong đậu nấu chè,

Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm.

Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương, được tổ chức ăn vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Theo nghĩa chữ thì Đoan là khởi đầu, Ngọ là giữa trưa, Đoan Ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa; còn Dương là mặt trời, là khí dương. Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.Tết này được gọi là Tết Đoan Ngọ hay Đoan Dương chính vì tháng năm là tháng có ngày Hạ chí, mặt trời gần trái đất nhất, trời nắng nóng, khi dương đang thịnh, nhất là lúc giữa trưa.

Người Trung Hoa còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết Đoan ngũ hay Trùng Ngũ. Trùng Ngũ là hai số 5 gặp nhau, mồng 5 tháng 5, và có xuất xứ từ sự tích về Khuất Nguyên.

Khuất Nguyên là một nhà chính trị, nhà thơ yêu nước nổi tiếng của Trung quốc. Ông là một trung thần nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Ông học rộng, biết nhiều lại thanh liêm, chính trực nên bị nhiều kẻ tiểu nhân ganh tỵ, ghen ghét tìm cách hãm hại. Lúc đầu ông được Sở Vương yêu quý nhưng về sau nhà vua nghe lời xiểm nịnh của bon nịnh thần nên không tin dùng ông nữa. Với  nỗi niềm thất vọng, ông đã viết bài thơ “Ly Tao”, một bài thơ nổi tiếng diễn tả nỗi suy tư, lo cho vận mệnh đất nước. Khi vua Sở Hoài Vương sang Tần, nhận  thấy sự chẳng lành ông đã hết lời can ngăn nhưng Hoài Vương không nghe, kết cục bị chết ở đất Tần. Vua Tương Vương kế nghiệp Hoài Vương không những không chịu nghe lời ông lại còn bắt ông đi đày. Ông thất chí làm bài thơ “Hoài Sa” rồi buộc đá vào người gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm đó là ngày mồng 5 tháng Năm.

Được tin, nhà vua rất hối hận và thương tiếc Khuất Nguyên, bèn sức dân làm cỗ đem ra tận bờ sông cúng rồi đưa ra giữa sông ném cỗ xuống nước để ông hưởng, nhưng cỗ ném xuống bị cá tôm ăn hết. Nhà vua lệnh cho dân chúng các năm sau khi ném cỗ xuống sông phải lấy lá bọc lại, buộc bằng chỉ ngũ sắc, cá tôm sẽ sợ và không dám ăn.

Từ đó vào ngày mồng 5 tháng Năm, bên Trung Quốc dân chúng có tục lệ làm cỗ cúng linh đình trên các bờ sông rồi lấy lá bọc lại, buộc chỉ ngũ sắc ném xuống dòng nước để dâng cúng Khuất Nguyên. Riêng tại sông Mịch La, người dân mở hội rất vui, ngoài việc cúng giỗ còn tổ chức các cuộc đua thuyền trên sông.

Bánh ú miền Trung

 

Ở Việt Nam từ xa xưa cũng có tục lệ cúng tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng Năm. Tại các làng xã có lễ thần ở đình, đền; tại các thôn xóm cúng tại am, miếu. Ở nhà, các gia đình sửa lễ cúng ông bà ông vải và cúng Thổ Công. Trong ngày Tết Đoan Ngọ, hoa quả đầu mùa là những thứ không thể thiếu trên các mâm cỗ cúng.

Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng Năm được dân ta gọi là Tết Giết sâu bọ. Theo quan niệm của người xưa, trong người, nhất là trong bộ phận tiêu hóa, thường có sâu bọ, giun sán. Các loài sâu bọ này nếu không bị trừ khử đi sẽ sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều và gây tật bệnh cho người. Người ta đã chọn ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch là thời điểm thuận lợi nhất để diệt trừ chúng.

Sáng sớm ngày mồng 5 tháng Năm, ngay khi thức dậy, mọi người súc miệng 3 lần rồi tiến hành giết sâu bọ ngay. Trong dịp này mỗi người ăn một bát cơm rượu nếp, sau đó ăn các trái cây đầu mùa như mận, muỗm, sấu, đào, roi, ổi, vải, dưa v.v …Người ta cắt nghĩa việc làm này như sau:

Sáng hôm mồng 5 tháng Năm, bọn sâu bọ, giun sán ở bụng dưới ngoi lên, gặp rượu nếp ăn vào chúng bị say lử, sau đó những trái cây làm cho chúng chết. vì mỗi loại trái cây đều là một vị thuốc giết sâu bọ. Trong đông y, các vị thuốc Nam hay thuốc Bắc đều là các loài thảo mộc, mà trái cây là kết tinh của thảo mộc nên có thể giết được sâu bọ.

Đến trưa thì mọi nhà làm cỗ cúng gia tiên, rồi đi hái lá Mồng năm. Tục hái thuốc Mồng năm cũng bắt đầu từ giờ Ngọ, đó là giờ có Dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh rất tốt, nhất là các chứng ngoại cảm,  âm hư hay bệnh da liễu. Người ta hái các loại lá có sẵn trong vườn, trong vùng như: lá ích mẫu, lá cối xay, ngải cứu, tía tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, vông, lạc tiên, nhọ nồi... đem về ủ rồi phơi khô, để sau đem nấu uống, và cho rằng uống nước này sẽ rất lành, chữa được nhiều bệnh.

Đối với vùng nam Trung bộ và Nam bô, bánh tro là thứ không thể thiếu trong tết Đoan Ngọ. Bánh tro còn được gọi là bánh gio, bánh ú, làm từ gạo ngâm nước tro đốt từ than củi hoặc rơm nếp, gói bằng lá chuối. Bánh tro ăn rất mát, dễ tiêu, thường được ăn với mật hoặc đường. Đây là một loại đặc sản trong vùng.

Đối với trẻ con, ngoài trái cây, người ta còn cho trẻ ăn trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Sau khi giết sâu bọ xong, để trẻ ngồi trên giường, rửa mặt mũi, lau sạch chân tay rồi bắt đầu nhuộm móng tay móng chân, đeo chỉ ngũ sắc cho chúng. Em gái đến độ tuổi xâu lỗ tai cũng chọn ngày này mà xâu. Nhiều người còn mua bùa chỉ đeo cho trẻ con. Bùa kết bằng chỉ ngũ sắc, kết theo hình hoa sen, quả đào... Lại may áo lụa mang đến các cửa chùa, cửa đình in dấu vẽ bùa rồi mặc cho trẻ, có ý trừ tà ma, không cho xâm hại trẻ.

Châu chấu rang - món ăn nhiều dinh dưỡng

 

Trước đây nhân dân còn có một số tục lệ khác như: tục tắm lá mùi vào giữa trưa, tục khảo cây cho ra quả, nhân dân vùng biển có tục tắm biển vào giờ Ngọ …Một số vùng, vào ngày mồng 5 tháng 5 người dân tổ chức ra đồng chao bắt châu chấu, vừa diệt trừ loài côn trùng phá hại mùa màng, vừa dùng làm thực phẩm, một món thức ăn rất giàu chất dinh dưỡng.

Ở Việt Nam, những người biết về tích chuyện Khuất Nguyên chắc không nhiều mà chỉ coi mùng 5 tháng 5 là "Tết giết sâu bọ", với nhận thức rằng, trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh, mỗi người đều cần phải phòng trừ. Không chỉ giết sâu bọ trong người mà còn phải diệt trừ sâu bọ phà hại mùa màng, đồng ruộng. Người ta cho rằng trong ngày này nhà ai cũng có bữa cỗ "giết sâu bọ" vào sáng sớm, với hoa quả đầu mùa và đương nhiên không thể thiếu món rượu nếp, nhất là nếp cẩm.

Ngày nay mặc dù các tuc lệ cầu kỳ trên không còn mấy ai áp dụng nữa, song Tết Giết sâu bọ vẫn thịnh hành khá phổ biến trong cả nước. Tuy cách thức tổ chức có đôi chút khác biệt theo tập quán riêng của từng vùng, nhưng đây vẫn là môt.phong tục đẹp, một nét văn hóa ẩm thực truyền thống cần được giữ gìn.

 

(Tổng hợp)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập78
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay18,932
  • Tháng hiện tại459,149
  • Tổng lượt truy cập40,296,311
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây