Vì sao đánh nhau?

Thứ ba - 05/05/2015 08:18

Câu chuyện về thói hung hãn lên ngôi vẫn chưa có hồi kết khi con số thống kê cho thấy dịp lễ qua, nhiều người phải nhập viện vì... đánh nhau.
Nhóm thanh niên lao vào đánh nhau sau một chầu nhậu tại quận 2 TP HCM (Ảnh:Hữu Khoa)
Nhóm thanh niên lao vào đánh nhau sau một chầu nhậu tại quận 2 TP HCM (Ảnh:Hữu Khoa)

 

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao người lớn luôn dạy con trẻ không được giải quyết vấn đề bằng bạo lực, trong khi chính họ dùng nắm đấm để nói chuyện thắng thua. Người lớn đánh nhau, sao làm gương cho con trẻ?

Đa số nguyên nhân được đưa ra là bia rượu và những va chạm khi tham gia giao thông. Phải chăng cứ rượu vào thì nắm đấm dễ dàng đi ra?

Rượu vào, nắm đấm ra?

Một bạn đọc bình luận rượu bia chính là nguyên nhân cốt lõi của thói hung hãn. “Chồng đánh vợ, cha con đánh nhau... mọi tệ nạn đều có 'ma men' tham gia. Bởi vậy có câu rượu có thể làm đỏ mặt mũi nhưng cũng có thể làm đen danh dự”.

Bạn Nhã Uyên (quận 9, TP HCM) cho rằng có nhiều người lúc không uống rượu bia thì rất bình thường nhưng khi rượu vào thì lời ra và hành xử cũng trở nên hung hăng hơn. “Bia rượu giống như chất xúc tác để người ta dễ kích động, dễ động tay động chân hơn”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng bia rượu chỉ là một phần của câu chuyện, vấn đề cốt lõi nằm ở văn hóa ứng xử của con người với con người.

Một bạn đọc khác cho rằng nguyên nhân trực tiếp của thói hung hãn là rượu bia, game, phim ảnh; còn nguyên nhân sâu xa là sự giáo dục nặng về hình thức, sự bí bách về kinh tế và cả những biểu hiện của xã hội như quá coi trọng đồng tiền, thiếu quan tâm đến nhân cách con người.

Bạn đọc Đỗ Ben nhận định rượu bia chỉ là chất xúc tác khiến người ta “dễ nổi khùng” lên thôi. “Chỉ cần lườm nhau, nói khích nhau, va chạm xe với nhau… là đánh nhau! Cho nên nhận thức mới là vấn đề chính”, bạn đọc này viết.

Thiếu kinh nghiệm xử lý thói hung hãn

"Thói hung hãn vẫn lên ngôi là hoàn toàn có cơ sở”, thạc sĩ (ThS) xã hội học Phạm Thị Thúy chia sẻ. Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc con người dùng tay chân để nói chuyện với nhau thay vì thấu hiểu và trò chuyện, ThS Phạm Thị Thúy cho rằng một phần là do bia rượu, phần khác là do con người đang sống quá gấp gáp, vội vã.

“Khi tâm hồn nghèo nàn, chúng ta quên mất cách thương yêu, vị tha và bao dung với mọi người. Chúng ta để cho những cảm xúc tiêu cực, sự bức bối xâm chiếm bản thân và dễ dàng xù lông nhím với người xung quanh”, ThS Phạm Thị Thúy nói thêm.

Tiến sĩ (TS), nhà văn hóa học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã nhận định giáo dục chưa thật sâu sát là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đánh nhau ngày càng phổ biến. “Giáo dục đôi khi không quan tâm đến những việc nhỏ, những việc nhỏ nhưng cực kỳ cần thiết và quan trọng, đó là cách ứng xử, cách đối đãi giữa con người với nhau”, TS Nguyễn Nhã nói.

TS Ngô Đức Thịnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, nhận định xã hội văn minh hơn, trình độ cao hơn nhưng có vẻ như “con người lại hung hãn hơn”.

“Có những va chạm rất nhỏ lẽ ra có thể bỏ qua, xí xóa cho nhau nhưng nhiều người lại thổi bùng lên thành một cuộc xung đột. Theo tôi, nguyên nhân là do quan điểm, nhận thức xã hội và cách sống hiện nay”, TS Ngô Đức Thịnh nhận định.

Theo TS Ngô Đức Thịnh, một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là việc thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý và xử lý xung đột.

Người lớn đánh nhau, sao làm gương cho con trẻ?

Đó là câu hỏi mà TS Ngô Đức Thịnh đã đặt ra. Ông nói: “Trong xã hội phương Đông như chúng ta, việc người lớn làm gương cho người nhỏ là rất quan trọng. Chúng ta dạy con trẻ đừng đánh nhau, đừng gây bạo lực nhưng nhiều người lớn lại sử dụng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Như vậy là không được”.

ThS Phạm Thị Thúy cho biết trong chương trình nói chuyện về văn hóa ứng xử học đường, chị và các chuyên gia luôn hướng các em đến những giá trị như tự tin, tự lập và tử tế.

“Chúng tôi hướng các em đến những giá trị bên trong của bản thân với mong muốn các em có sức “đề kháng” với những hành động xấu mà nhiều người lớn đang làm ngoài kia”, ThS Phạm Thị Thúy chia sẻ.

Cơ quan chức năng xin đừng... ngó lơ

Nhiều bạn đọc cho rằng trách nhiệm của các cơ quan quản lý là rất quan trọng trong việc xử lý và làm dập tắt thói hung hãn đang bùng lên. 

"Thói hung hãn nhan nhản trên tivi, trên nhiều bộ phim, "nắm đấm, dao búa" ngấm dần vào lũ trẻ. Mong cơ quan chức năng đừng ngó lơ" - một bạn đọc nói. 

Bạn đọc Đăng Khoa nêu ý kiến: “Để dẫn đến đánh nhau phải có quá trình phát sinh mâu thuẫn. Ví dụ như nhậu nhẹt, gây ồn ào, hát karaoke làm hàng xóm không chịu nổi phải lên tiếng nhắc nhở... rồi dẫn đến to tiếng, đánh nhau. Và thực tế khi có người bị hàng xóm làm phiền, người dân gọi điện thoại cho công an địa phương nhờ can thiệp nhưng ít thấy ai xuống địa bàn ngay. Đến khi xảy ra chuyện lớn mới thấy họ xuống và xuống rất trễ... Giờ đó chỉ xuống giải quyết hậu quả chứ không phải ngăn chặn hậu quả”.

"Không còn gì đáng buồn hơn một xã hội mà người ta dùng vũ lực để nói chuyện với nhau thay vì dùng tri thức" - một bạn đọc chia sẻ.

 

Võ Hương - Trà My/Tuổi trẻ

Theo zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm124
  • Hôm nay31,278
  • Tháng hiện tại374,233
  • Tổng lượt truy cập47,099,341
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây