Tìm hiểu cõi Niết bàn trong Phật giáo

Thứ hai - 18/05/2015 05:10

Tinh túy đạo Phật đọng lại chỉ là cõi Niết bàn. Vậy Niết bàn là gì, có một cõi để người ta tìm đến và cư trú như cõi nhân gian hay chỉ là một khái niệm trừu tượng để chỉ một trạng thái tâm lý ung dung tự tại?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Niết bàn, đọc chệch âm của tiếng Sanskrit là Nirvana. Con người phải tự sửa và tự tập để chấm dứt đau khổ, diệt những nguyên nhân gây ra đau khổ để đạt đến Niết bàn. "Nir" nghĩa là ra khỏi và "vana" nghĩa là rừng mê. Đó là dịch lệch nghĩa cho khỏi mếch lòng người nghe, thực ra "vana" nghĩa là ngu (ignorance). Nói "anh trong bến mê" dễ nghe và dễ được chấp nhận hơn là nói thẳng "anh ngu"!
Niết bàn thực ra là trạng thái đạt được khi ra khỏi rừng mê. Con người lú lẫn trong dục vọng nên không nhận thức được sự vô thường của vạn vật cũng như để cho "cái tôi" xấu xa dẫn dắt; vì vậy, bị khổ hoài và cứ mãi mãi luân hồi. Khi nào chấm dứt hoặc thoát được đau khổ thì khi đó đạt được Niết bàn.
Niết bàn là sự chấm dứt đau khổ một cách toàn diện, tuyệt đối và vĩnh viễn. Đây là mục tiêu tối hậu của đạo Phật. Đức Phật Thích Ca mô tả Niết bàn là cực lạc (hạnh phúc tột đỉnh), thanh bình và không còn sinh tử. Ngài cũng nói Niết bàn là không do ai tạo ra, không có hình dáng, ở bên trên trái đất, vượt ra ngoài nước, lửa, không khí, vượt ra khỏi mặt trời, mặt trăng, không thể hiểu thấu được và không thể đo lường được.
Câu hỏi đặt ra là liệu có thoát được đau khổ không? Niết bàn có thể có thật không ? Chỉ có một cách duy nhất để trả lời là tự bản thân mỗi người chứng nghiệm! Các nhà truyền giáo đạo Phật hay lấy thí dụ về con cá với con rùa và trái sầu riêng với trái mít khi biện luận về Niết bàn.
Con cá sống suốt đời trong sông, làm bạn với con rùa. Một ngày nọ, con rùa bỏ sông mà bò lên đất liền rong chơi. Khi trở về, con rùa kể lại những điều mắt thấy, tai nghe trên đất liền cho con cá. Những điều này hoàn toàn vô lý, viễn vông, không có thật đối với tầm hiểu biết của con cá: làm sao lại có cái gọi là "đất" khô ráo, không ẩm ướt, ánh sáng không chiếu xuyên qua được? Làm sao loài vật di chuyển trên "đất" được, v.v.
Câu chuyện trên ngụ ý "con cá" không nên bác bỏ những gì đi quá mức hiểu biết thông thường của nó.
Người ta có thể nói mùi vị trái sầu riêng thơm ngọt giống như trái mít; nhưng muốn biết ngọt như thế nào thì phải thực sự ăn sầu riêng chứ không thể mô tả dược. Ý nói ai muốn biết Niết bàn thì phải đích thân thử nghiệm.
Ông Ram Linsen viết về Niết bàn trong quyển "Le destin du 20 siècle" như sau:
"Niết bàn không phải tịch nhiên bất động, cũng không phải là cái trống không, cái chết vô tông vô tích. Niết bàn là sự thực chứng cái bản thể của vũ trụ. Không thực chứng được cái bản thể đó là người còn thiếu sót, là sống một đời sống mất quân bình giữa xác thịt và tâm linh. Niết bàn không phải là ngoài cái động. Và chính Niết bàn mới là nguồn gốc của những việc làm chân chính. Đây là một sự thật."
Học giả Phạm Quỳnh viết về Niết bàn trong quyển "Phật giáo lược khảo," quyển IV như sau (xin trích nguyên văn một đoạn): 
"Song người đời vẫn lấy sự hư vô làm sợ: nếu mãn kiếp tu hành, hết sức học đạo mà cứu cánh chỉ đến tiêu nhập vào chốn hư vô, thì kinh hãi biết nhường nào! Phật cũng biết thế, nên Phật đối với vấn đề cứu cánh cũng giữ một thái độ như Khổng phu tử đối với quỉ thần vậy: không hề nói rõ bao giờ, mỗi khi đề cập đến vấn đề có ý thoái thác.  Khi môn đệ hỏi đến việc quỉ thần, đến sự chết, Khổng tử trả lời rằng:
"Các anh chưa biết việc đời người ta đã hỏi việc quỉ thần làm gì ?"
Đệ tử hỏi cõi cứu cánh có phải là cõi hư vô không, và linh hồn đến khi nhập Niết bàn còn gì nữa không, Phật tổ bèn dùng cách tỉ dụ mà hỏi lại rằng:
"Ta hỏi: nay có một người bệnh thập tử nhất sinh, có kẻ đem thuốc lại cứu cho khỏi chết, người ấy có chịu uống ngay không, hay là còn hỏi thuốc kia ở đâu đem đến, thuốc kia làm bằng thứ gì ? Như Lai thấy chúng sinh trầm luân trong bể khổ, muốn ra tay tế độ cho siêu thoát, khác nào như kẻ cho thuốc người bệnh: bệnh nặng, thuốc sẵn, cứ việc uống, còn hỏi gì ?"
"Xưa nay những bậc triết nhân quân tử đã sáng suốt muôn lẽ, đã thấu hiểu mọi sự, muốn ra tay tế độ cho quần sinh, thường có nhiều điều tự mình biết mà không thể truyền bá ra được, cũng tức như ông thầy thuốc biết rằng bệnh trạng nguy mà không nói rõ cho bệnh nhân biết vậy. Phật tổ cũng vậy, chắc trong ý riêng vẫn biết rằng linh hồn sau khi tịch diệt rồi là vào cõi tịch mịch hư vô, chứ chẳng phải nơi thiên đường cực lạc gì; nhưng không hề thuyết minh cho ai biết bao giờ, là sợ có kẻ chưa thoát sạch trần tục, nhân thế mà ngã lòng tu đạo chăng, vì những sự biết như thế là sự biết "chết người" vậy. Bởi thế nên dầu các nhà bác học, tìm khắp trong kinh sách, cũng không thể giải được Niết bàn là thế nào. Ông Oldenberg đã phải chịu thú thực rằng: "Chúng tôi đã hết sức nghiên cứu mà kết quả cũng lạ thay: chỉ có hai thuyết không ra ngoài dược, một rằng Niết bàn là cõi hư vô, hai rằng Niết bàn là nơi cực lạc, thời rút lại chẳng thuyết nào là đúng cả."


Bởi Phật không hề nói quyết bên nào, nên về sau trong những người tín ngưỡng đạo Phật chia ra làm hai hạng: một hạng những người trí tuệ thông minh thời ước đoán thâm ý Phật mà kết luận rằng Niết bàn là hư không, đã tịch diệt rồi, không còn gì nữa; một hạng những người trình độ bình thường - mà đó là đa phần, có thể nói là gần hết các tín đồ của Phật - cứ theo sự hoài vọng tự nhiên trong lòng người mà tưởng tượng cõi Niết bàn là nơi cực lạc, người ta tịch diệt rồi thì linh hồn mới tới đó, được khoái lạc vô cùng. Rồi về sau có phái nghiễm nhiên quyết đoán Niết bàn là cực lạc (sukhavâti), và đến khi các phái Bắc tôn khuynh hướng về Phật Di đà (amitâbha), là một vị Phật huyền không có thực, thời Niết bàn tức là "Tây thiên tĩnh thổ" vậy.
Nếu như vậy hóa ra tôn chỉ đạo Phật mập mờ lắm sao ? Cứ lý luận thì tôn chỉ đạo Phật thật là rõ ràng lắm, trước sau duy nhất, không gì phân minh bằng; nhưng cứ thực tế thì Phật để cho người ta tự suy mà kết luận lấy, người trí tuệ thì không phải kiêng kị gì, suy đến cùng cực là cõi hư vô; người tầm thường thì tùy lòng hi vọng muốn tưởng tượng ra một cõi đời tốt đẹp hơn đời nay, hết cuộc luân hồi, làm nơi thường trụ, cũng mặc dầu. Song cứ bản ý Phật thì có lẽ cho những vấn đề ấy không quan trọng gì. Niết bàn là hư vô hay là cực lạc, biết hay không cũng chẳng hề gì.
Những kẻ trí giả nhân tu niệm đã thành công, trong lòng được bình tĩnh, dù đương sống trong trần tục cũng đã được nếm mùi Niết bàn rồi. Như vậy, đạo Phật trọng nhất sự tu hành, mà tu hành chẳng qua chỉ trong bốn chữ "chính tâm diệt dục" mà thôi, chính tâm mới hiểu được lẽ đạo, diệt dục mới hết được khổ não; đó mới là phần cốt yếu, còn những sự nghị luận viển vông chỉ là phần phụ thuộc vậy."

 

Kết luận:
Khi chấm dứt đau khổ, con người sẽ tới được Niết bàn như dã trình bày ở trên. Câu hỏi là làm sao để chấm dứt đau khổ ? Tuân thủ con đường có tám nhánh ( bát chính đạo):
1- Hiểu biết đúng với sự thật khách quan (chính kiến)
2- Suy nghĩ, ý thức đúng (chính tư duy)
3- Phát ngôn đúng (chính ngữ)
4- Hành động đúng (chính nghiệp)
5- Sinh sống lương thiện (chính mạng)
6- Nỗ lực đúng (chính tinh tân)
7- Tưởng nhớ đúng (chính niệm)
8- Tập trung trí tuệ đúng (chính định)

 

Phạm Văn Bân

 Từ khóa: Niết bàn, Phật giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập97
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay17,284
  • Tháng hiện tại649,352
  • Tổng lượt truy cập47,374,460
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây