Kỷ niệm 500 năm ngày mất, 535 năm đăng khoa HG Ngô Ngọc

Thứ hai - 25/07/2022 22:31

Ngày 24/7/2022, họ Ngô Vọng Nguyệt xã Tam Giang huyện Yên Phong, Bắc Ninh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất, 535 năm đăng khoa của Hoàng giáp Ngô Ngọc, vị Tổ đời thứ 2 của Dòng họ. Lễ kỷ niệm diễn ra trong không khí trang nghiêm, đầm ấm. Dưới đây là đôi nét về thân thế, sự nghiệp của Hoàng giáp Ngô Ngọc

 
THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP NHỊ THẾ TỔ HOÀNG GIÁP NGÔ NGỌC
NHÀ KHOA BẢNG KHAI KHOA CỦA DÒNG HỌ VÀ LÀNG XÃ

Theo Vọng Nguyệt Ngô Lệnh tộc phả, Nhị thế tổ Hoàng giáp Ngô Ngọc, hiệu Điềm Xuyên, sinh năm Ất Hợi 1455 và mất năm Nhâm Tuất 1522. Từ nhỏ Người đã nổi tiếng thông minh, uyên bác trong vùng, sớm thể hiện được tài năng thiên bẩm. Sau khi bố mất, rồi mẹ mất, Người mồ côi cha mẹ, được ông ngoại và gia đình bên ngoại giúp đỡ nên được tiếp tục học hành. Năm 33 tuổi Người tham dự khoa thi Đinh Mùi do Bộ Lễ tổ chức, theo lệ cũ thi Hội vào mùa Xuân, tháng 3 năm 1487. Trong hàng ngàn sĩ nhân trong nước lựa chọn hạng ưu tú được 60 người. Tại kỳ thi Đình tiếp sau đó, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: ”Mùa hạ, tháng Tư, ngày mồng 7, vua thân hành ra đề văn sách hỏi về đạo trị nước. Xem quyển xong lại cho gọi các tiến sĩ hạng ưu vào cửa Nhật Quang, thân hành giám định. Lấy Trần Sùng Dĩnh đỗ thứ nhất, rồi đến Nguyễn Đức Huấn, Thân Cánh Vân đều ban tiến sĩ cập đệ; bọn Vũ Cảnh 30 người đỗ tiến sĩ xuất thân (trong đó có Ngô Ngọc); bọn Phạm Trân 27 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.”. Chỉ sau đó khoảng một tháng những người đỗ khoa này được vinh danh ngay tại kinh thành, cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Ngày mồng 4 tháng 5, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, loa truyền gọi tên người thi đỗ, các quan mặc triều phục chúc mừng, rước bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa. Sĩ tử, dân chúng kéo nhau đến xem đều bảo: Đời thánh văn minh, nhân tài đông đảo, thật là cuộc gặp gỡ tốt đẹp của đời thịnh. Việc ban thưởng phẩm vật nghi thức y như điển cũ. Hoàng thượng cho rằng việc ban ân sủng chỉ vẻ vang nhất thời, còn họ tên phải khắc vào bia đá mới có thể truyền tới lâu dài. Bèn sai bộ công mài đá đề danh, lại sai thần là Nhân Trung viết bài ký ghi lại sự việc”. Sau những nghi lễ vinh danh và vinh quy bái tổ, các nhà khoa bảng cũng nhanh chóng được bổ dụng và giao nhiệm vụ. Nhị thế tổ Ngô Ngọc được nhậm chức Lễ khoa đô cấp sự trung- Một chức quan đứng đầu Lễ khoa, được dự thiết triều. Chức năng của Lễ khoa là thanh tra, giám sát Lễ bộ, nếu Lễ bộ nghi chế không hợp lệ hoặc sai phạm thì Lễ khoa có quyền đàn hặc, tâu vua. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi chức Đô cấp sự trung chỉ là bậc trung quan, hàm chánh thất phẩm, còn Lễ bộ Thượng thư là chức quan có phẩm hàm cao hơn vài bậc, thường là hàm tòng nhị phẩm. Lễ bộ là cơ quan lo việc lễ, đảm trách những nghi thức, lễ nghi trong bang giao, và việc học hành, thi cử. Là cơ quan giám sát Lễ bộ, Lễ khoa phải nắm chắc những phép tắc trên thì mới phản biện được phải trái, đúng sai mà tấu trình. Nhị thế tổ Ngô Ngọc được triều đình tin tưởng và giao trọng trách đứng đầu Lễ khoa chứng tỏ Người am tường lễ nghi, ứng xử hợp tình, hợp lý. Chỉ sau một năm nhậm chức, tức năm 1488, triều đình đã có lệ khảo khóa nhằm sát hạch lại các quan xem ai là người có đủ tài đức thì được giữ hoặc thăng chức, còn không đủ phẩm hạnh thì có thể bị giáng hoặc cách chức. Quan Lễ khoa đô cấp sự trung Hoàng giáp Ngô Ngọc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong cuộc khảo khóa này. Trong suốt hơn 30 năm làm quan, đến cuối đời, triều đình nhận thấy những cống hiến cũng như phẩm hạnh cao quý của quan Lễ khoa đô cấp sự trung nên đã phong tặng cho Người vinh hàm Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu.

Ngược lại dòng lịch sử 535 năm về trước, năm 1487, khi ấy họ Ngô Vọng Nguyệt, với thủy tổ Ngô Nguyên từ nơi khác đến làm rể, mới có khoảng 3 đời với 1 nóc nhà và vài xuất đinh. Nhị thế tổ Ngô Ngọc là đời thứ hai, khi ấy lại mồ côi cha mẹ mà đã thi đỗ ngôi cao, làm nên nghiệp lớn; đã đội mũ vàng, mang đai cầm ngọc, khai khoa cho dòng họ và làng xã thì mới thấy hết tầm vóc lớn lao, vĩ đại của sự kiện này cũng như mới thấy hết được tài cao và chí lớn của Người. Sự đăng khoa của Người đã khai mở con đường học hành khoa bảng cho dòng họ, đã đặt viên gạch đầu tiên xây nên dòng họ” Thế xuất nho khoa”, dòng họ Ngô Lệnh tộc với “Ngũ đại liên trúng tiến sĩ”.
- Đến đời thứ 3, chính con thứ của Người là Ngô Nhân Hải cũng đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh 4 (1508), đời vua Lê Uy Mục, làm quan Giám sát ngự sử.
- Đời thứ năm, Ngô Nhân Trừng, Hội nguyên, Hoàng giáp khoa Canh Thìn, niên hiệu Diên Thành 3 (1580), đời vua Mạc Mậu Hợp, làm quan Đề lĩnh tứ thành kiêm Thập tam đạo đốc đồng.
- Đời thứ sáu, Ngô Nhân Triệt, Hội nguyên, đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hoằng Định 8 (1607), đời vua Lê Kính Tông, làm quan đến chức Tự Khanh. Vậy là hai cha con cụ Ngô Nhân Trừng và Ngô
Nhân Triệt đều đỗ Hội nguyên - tức đỗ đầu kỳ thi hội trước khi thi đình đỗ tiến sĩ.
- Đời thứ bảy, Ngô Nhân Tuấn, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa 6 (1640), đời vua Lê Thần Tông, làm quan đến chức Công bộ thượng thư, thăng Hộ bộ thượng thư. Nhà sử học nổi tiếng Phan Huy Chú đã ca ngợi: “Làng Vọng Nguyệt ở huyện Yên Phong có họ Ngô, từ Ngô Ngọc đỗ chính bảng thời Hồng Đức, rồi năm đời đỗ tiến sĩ liên tiếp, thực là xưa nay ít có”.
Trong bài Trướng văn mừng nhân lễ vinh quy bái tổ của tiến sĩ Ngô Nhân Tuấn năm 1641, Thái bảo Thượng thư Thường quận công Nguyễn Danh Thế - quan cùng thời với Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt, đã hết lời ca ngợi họ Ngô thời đó như sau: “Áo mũ mấy thuở xênh xang, tích đủ bảy đời đeo đai vàng Ngọc đai nhiều đời kế nối, khắp tám phương đều thêm rạng rỡ Công hầu liên tiếp sinh ra, phúc lộc nối nhau đưa tới Uy nghi rạng ngời như ánh trăng rọi xuống dòng Như Nguyệt, trăng nhờ bầu trời đẹp đẽ mà rực sáng lung linh, nào ai dám bằng vai ngưỡng vọng”.

Bên cạnh 5 vị Hoàng giáp, Tiến sĩ nêu trên, dòng Ngô Lệnh tộc còn có rất nhiều nho sinh trúng thức, ông đồ, ông cống, tú tài, cử nhân, tri phủ, tri huyện trong thời phong kiến cũ. Riêng trong bài Xuân tế cáo văn đã xướng danh 40 vị từ Tiến sĩ đến tú tài. Để tri ân tổ tiên và cũng là để tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học và khoa bảng của dòng họ trong thời đại mới, năm 1987 dòng họ đã tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm đăng khoa của Nhị thế tổ Hoàng giáp Ngô Ngọc rất trang nghiêm và hoành tráng. Sau sự kiện đó, hoạt động khuyến học của dòng họ đã ra đời rất sớm, từ những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước. Đến nay, trải qua gần 30 năm, đã quyên góp hàng trăm triệu cho khuyến học, đã phát phần thưởng khuyến học cho mấy trăm lượt học sinh giỏi. Điều đó đã góp phần quan trọng vào việc khuyến khích, động viên các thế hệ học sinh học giỏi, lập thân, lập nghiệp. Đến nay dòng họ đã có mấy trăm cử nhân, mấy chục thạc sĩ, một số tiến sĩ. Hàng năm có nhiều học sinh giỏi, trong đó có một số đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và có cả cấp quốc tế. Số học sinh đỗ đại học hàng năm tới vài chục em và con số đó ngày một tăng (con số cụ thể được Ban khuyến học báo cáo trong ngày giỗ Tổ hàng năm). Tuy nhiên, để xứng đáng với truyền thống khoa bảng vẻ vang của tổ tiên, các thế hệ con cháu ngày nay phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất, 535 năm đăng khoa của Nhị thế tổ Hoàng giáp Ngô Ngọc hôm nay được cử hành sau khi gia tộc ta đã thực hiện thành công nhiều việc họ lớn trong suốt 10 năm qua từ 2012 đến nay. Đó là những công trình và sự kiện: xây nhà bia tiến sĩ năm 2012, mua đất mở rộng khuôn viên nhà thờ năm 2012- 2013, tổ chức hội thảo tại Văn miếu – Quốc tử giám và đón bằng công nhận di tích cấp quốc gia Nhà thờ 5 tiến sĩ họ Ngô năm 2015, di dời và xây dựng mộ Tam thế tổ và mộ Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt tại xứ Hàn Phấn năm 2021, tổ chức chuyến đi lịch sử về nguồn thắp hương làm lễ cáo tổ tại Đồng Phang Thanh Hóa tháng 5 năm 2022. Những hoạt động ấy thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn được âm phù dương trợ, giúp chúng ta đoàn kết hơn, tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta xây dựng gia tộc ta ngày càng thịnh vượng, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dòng họ, nhất là truyền thống hiếu học và khoa bảng, khởi đầu khai khoa từ Nhị thế tổ Hoàng giáp Ngô Ngọc cách đây hơn nửa thiên niên kỷ.

Vọng Nguyệt, ngày 24/7/2022,
nhằm ngày 26 tháng Sáu năm Nhâm Dần
Ngô Quý Ty - hậu duệ đời thứ 16


Dưới đây là một số hình ảnh Lễ kỷ niệm

 
 
 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập241
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm236
  • Hôm nay39,408
  • Tháng hiện tại258,532
  • Tổng lượt truy cập48,436,422
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây