Một nhầm lẫn đáng tiếc đối với Hoàng phi của Ngô Vương Quyền

Thứ năm - 10/12/2015 17:04

Dân quanh vùng Cổ Loa xưa nay truyền khẩu câu chuyện: Khi Ngô Quyền xưng vương đã lập một người con gái họ Đỗ ở làng Dục Tú làm Hoàng Phi, dân gọi kính trọng là Ngô Bà. Truyền thuyết này được một số nhà nghiên cứu tên tuổi tin tưởng viết, dẫn, đưa vào sách... Gần đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Chiến bằng phương pháp phân tích cổ vật mỹ thuật, đã chứng minh người trong truyền thuyết trên là bà Đỗ Thị Sa, một Vương phi thời Lê – Trịnh. Đem thân thế một phụ nữ sống ở thế kỷ 17 gán cho làm cung phi vị Quân Vương sống trước đó hơn 700 năm là một sự nhầm lẫn tệ hại cần đính chính lại. HNVN xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Văn Chiến để bạn đọc tham khảo. Tiêu đề do HNVN đặt.
Tượng Tây cung Hoàng phi ở An Cầu, Phủ Cừ, Hưng Yên
Tượng Tây cung Hoàng phi ở An Cầu, Phủ Cừ, Hưng Yên



Khi định đô ở Cổ Loa (939-944) Ngô Quyền đã lập một Tây Cung Hoàng phi, người Hải Triều, có nhan sắc và là tướng giỏi. Bà sinh hạ được ba công chúa. Sự kiện đó cách ngày nay đã trên 1000 năm. Hiện còn Đền thờ, cổ vật, tượng thờ bà ở An Cầu, huyện Phủ Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Chúng tôi đến Dục Tú xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội sáng tác và nghiên cứu Lịch sử Mỹ thuật. Tiếp xúc: bia Hậu Phật và di tích, phát hiện cổ vật liên quan đến truyền thuyết ở Cổ Loa, được nghe những câu chuyện truyền khẩu về "Ngô Quyền lập người con gái họ Đỗ cắt cỏ bên sông làm phi và các sự việc liên quan(?)" Nhưng sự thật không như truyền tụng! Bởi tra cứu cổ vật mỹ thuật, đã xác định nhân vật được cho là Ngô bà, lại là thân thế của bà Đào Thị Sa thời Lê -Trịnh (thế kỷ XVII) không phải Ngô bà (thế kỷ X), mà truyền thuyết đã nhầm lẫn nhân vật - thời đại.

Đào Thị Sa làm con nuôi họ Đỗ (nên viết gộp Đào /Đỗ Thị Sa), đáng lẽ được minh bạch, nhưng lại bị ẩn danh người khác. Những câu chuyện không văn tự ấy lại được nhiều tác giả nghiên cứu tin tưởng viết/ dẫn, đưa vào sách, vào tham luận hội thảo khoa học(1). Đem thân thế Đào/Đỗ Thị Sa gán vào thành Ngô bà như một hiện tồn lịch sử từng diễn ra liên quan đến Ngô Quyền. Các cổ vật di tích nhà thờ họ Đỗ, Gia phả họ Đỗ, Miếu, mộ, Bia Hậu hiện còn, bị làm tác dụng ngược, chạy theo sự nhận nhầm đó. Chứ không thấy tác giả nào tra /dịch, khảo cứu đối chứng để tìm cái lõi sự thật lịch sử trong truyền thuyết dân gian. Vô hình chung che đậy sự nhầm lẫn: nhân vật - thời đại của truyền thuyết. Coi như một dấu vết văn hóa dân gian - phi vật thể, thay cho kiếm tìm những dấu vết vật thể thành quách thời Tiền Ngô, hoặc nơi thờ tự Ngô Quyền ở Cổ Loa. Hay chăng vì cho truyền thuyết là văn hóa Dân gian mà không cần xác nghiệm sử học? Chúng tôi đã lấy đó làm bằng cho việc dẫn chứng, để thận trọng tra cứu cổ vật di tích, xác định niên đại, trả lại chân giá trị của: nhân vật và thời đại lịch sử. Cũng như phát hiện giá trị lịch sử cổ vật mỹ thuật truyền thống.

I. Cổ vật "Hậu Phật Bi Kí" nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XVII.

Bia Hậu Phật hiện để ở chùa Dục Tú, đặt sát tường góc hẹp gian phía trước, nên mặt sau bia bị khuất rất khó đọc. Vì thế không phải ai cũng biết được đầy đủ nội dung. Khách đến chùa, thường được giới thiệu phủ đầu rằng: "Đây là bia của Ngô bà, là Đào Thị Sa, tự Pháp Thanh, người thôn Tiền/Dục Tú, được vua Ngô Quyền lập làm thứ phi". Ai biết chữ Hán chỉ tiện đọc mặt trước, với (dòng 2 viết đài): "Vương phủ nội cung Đào Thị Sa tự Pháp Thanh…" thì chắc dễ tin theo dẫn đến nhầm lẫn. Chúng tôi không tin, bởi nhận diện mỹ thuật cổ vật, thấy chạm khắc bia thuộc thế kỷ XVII. Chụp ảnh và làm bản rập tấm bia để tra cứu, phiên âm và dịch Hán /Việt, xác định mỹ thuật cổ vật. Đã phát hiện truyền thuyết nhầm lẫn: nhân vật và thời đại lịch sử.

Mặt trước bia Hậu Phật chùa Dục Tú

 

1- Nhận diện nghệ thuật và niên đại: Bia tạc đá xanh, kích thước: cao 60cm, ngang 40cm, dày 15cm / 16 cm. Diềm vòm trán bia: chạm văn mây lượn theo vòm bia. Diềm dọc hai bên thân bia: rộng 5cm, chạm hoa sen kết hợp với đường lượn văn mây cách điệu. Trán bia (mặt trước) chạm "Lưỡng Long chầu Nhật" mây lửa tỏa quanh vòng mặt trời, nhô ngọn đao phía trên. Đôi rồng chầu hình dáng lượn khỏe khoắn, hai mây đao lửa tỏa vút từ thân lên cao ngang vây lưng. Lối chạm lấy đăng đối làm chính, nhưng các chi tiết không hoàn toàn cân đều, mà linh hoạt phong phú. Liền dưới là khung chia ô, đặt xen kẽ hoa văn mây và cánh sen với 4 chữ lớn: "Hậu Phật Bi kí". Trán bia mặt sau, chạm "Song Phượng chầu Nguyệt" mây tụ tỏa ngang, vòng quanh mặt nguyệt, phía trên đầu mây chỉ hơi nhô lên. Đôi phượng đang xòe cánh với nét chạm sinh động. Nghệ thuật trang trí chạm khắc: rồng và mây đao lửa, phượng và mây tỏa ở trán bia; Hoa văn mây ở diềm vòm; Hoa văn hoa sen với đường lượn, kết hợp văn mây xếp chồng cách điệu ở diềm đứng bia, hoa văn cánh sen nhắc lại nối tiếp thành diềm dải ở chân bia. Là đặc điểm để nhận diện nghệ thuật bia mang phong cách chạm khắc bia đá thời Lê Trung Hưng. Tức là chưa đọc minh văn đã thấy thân chủ thuộc thế kỷ XVII. Quả nhiên, đọc /dịch mặt sau bia, góc hữu (ở dòng 15 viết đài) ghi: Ngày lành, tháng 11, niên hiệu "Phúc Thái tứ niên" (tức năm 1646 Dương lịch). Nhận diện mỹ thuật là đọc ngôn ngữ tạo hình thời đại của cổ vật. Nếu chữ "Phúc Thái tứ niên" khắc ở mặt sau bia chẳng may bị mờ, hoặc bị cọ sát mất, thì dấu ấn mỹ thuật cũng đã là bằng chứng về thời đại. Đó là ngôn ngữ /hình tượng để xác định thời đại cổ vật. Ta còn nhận diện chạm khắc chữ trên bia, về thư pháp, lối trình bày triết tự, hình thức viết đài. Là dấu ấn hình thức viết/khắc Nho tự trên đá/ của thế kỷ XVII. Mặt khác ý nghĩa của việc dựng/khắc bia Hậu mang tính cập thời ghi nhận sự kiện, sự việc diễn ra đồng hành với thân chủ (trước và sau khi mất không qúa cách xa nhau trong cùng thời, chứ không phải đời sau lập bia. Sự ghi trên bia: "Tân cúng điền" (tức là: mới cúng ruộng) là thời gian trước một chút, gần với năm 1646, tương đồng nội dung ký Hậu và thời gian kỵ của Đào/Đỗ Thị Sa. Tức là không thể có chuyện người (thế kỷ XVII), lập bia Hậu cho người (thế kỷ X). Bia cổ hiện còn, làm bằng quan trọng về: niên đại - nhân vật là thế kỷ XVII, nên thân chủ của bia không phải Ngô bà.

2 - Nội dung minh văn bia "Hậu Phật": minh chứng nhân vật Đào/Đỗ Thị Sa (thế kỷ XVII): Cả hai mặt lòng bia (trước /sau) đều chạm minh văn chữ Hán Nôm. Mặt trước 252 chữ, mặt sau 229 chữ, cộng 4 chữ "Hậu Phật Bi Kí" = 485 chữ. Bia nguyên vẹn không mất chữ nào. Nội dung được đọc/dịch đầy đủ, có 8 điểm lưu ý: 1. Tên vị Hậu trên bia: Đào Thị Sa, hiệu là Pháp Thanh "nội cung Vương Phủ", người thôn Tiền/ Dục Tú. (Việc này còn được ghi trong gia phả họ Đỗ). 2. Việc bầu hậu, "Tân cúng điền" là: Bốn mẫu ruộng: cho thôn (có khế ước về diện tích các mảnh ruộng đất) để lưu truyền vạn đại. 3. Có minh ước gìn giữ giao cho họ Đào và quan viên hương lão thôn Tiền/Dục Tú. 4.Các giáp có nghĩa vụ và phân chia đều để cung kính thờ phụng. 5. Họ Đào: vâng theo với Quan viên, hương lão thôn cùng ký vào bản minh ước kính cẩn tế lễ. Cụ thể người trong họ không được cướp lại và chống người trong thôn tranh chấp về ruộng đất cúng Hậu. Trách nhiệm hương khói thờ phụng của Thôn và dòng họ. 6. Người được giao phụng thờ là: Đào Công Kỷ phụng tự. 7. Niên đại Bia: ghi rõ thời gian dựng: Ngày lành, Tháng mười một (11) Niên hiệu Phúc Thái (thứ tư), tức Năm Bính Tuất (1646 Dương Lịch) thời Lê Trịnh. 8. Khắc dựng bia kê khai đầy đủ ghi chép vào đá ngay ngắn, nghiêm chỉnh. 

Mặt sau bia Hậu Phật chùa Dục Tú


Minh văn "Hậu Phật" của Đào Thị Sa y như ghi trong Gia phả nhà thờ họ Đỗ. Cùng một lý lịch: cùng nhà thờ Đỗ thế tộc, cùng cha nuôi là cụ Phúc Thiện, chi thứ - đời 5, cùng một mộ, cùng một Bia hậu, và nhất quán với nội dung Hán tự cổ vật, di tích. Chứng tỏ chỉ là một người của thế kỷ XVII. Không thấy liên quan gì đến Ngô Quyền. Đã minh chứng: truyền thuyết nhầm lẫn thân phận nhân vật-thời đại. Vì nhầm lẫn mà đã gán ghép Đào/Đỗ Thị Sa (Thế kỷ XVII) thành Ngô bà của (Thế kỷ X). Lại được các tác giả là giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu cả tin truyền tụng, viết đưa vào sách, vào tham luận khoa học, biến truyền miệng sang thành văn. Vô hình chung đã làm đậm thêm nhầm lẫn truyền thuyết lịch sử.

II. Các cổ vật nhà thờ "Đỗ tộc Đồng Đường" lưu danh Đào/Đỗ Thị Sa (thế kỷ XVII)

1- Hoành phi, Câu đối, Gia phả, Bia mộ chí cổ tự đồ thờ theo lối truyền thống: Đến nhà thờ "Đỗ Tộc Đồng Đường", tiếp xúc cổ vật mỹ thuật Hán tự. Cổng ngoài có 3 chữ: "Đỗ Thế Tộc". Hoành phi treo chính giữa: "Đỗ Tộc Đồng Đường". Trên hương án có Khám ngai (sơn thếp), bộ Lư đỉnh-Giá nến bằng đồng. Ba bộ câu đối trên cột. 1.Câu đối bên Hương án: "Phái diễn vân nhưng gia hữu khánh, Ấm thư bồ liễu hộ sinh quang". (Dòng lạc khoản: Duy Tân Kỷ Dậu Trọng Xuân. Bản tộc thứ chi bái phụng). Tạm dịch: (Họ tộc mở rộng, con cháu cửa nhà chúc mừng. Ân tổ thư thái, gái ngoan sinh đường vẻ vang). 2. Câu đối đặt trên cột phía trước: "Tộc phả hữu quang công đức viễn,Giang lưu bất đoạn bản chi trường". Tạm dịch: (Gia phả dòng tộc rực rỡ công đức muôn đời. Sông chảy không dừng họ tộc dài mãi). 3.Câu đối ở hai bên (giáp tường):"Mộc bản thủy nguyên thiên cổ niệm. Thiên kinh địa nghĩa bách niên tâm".Tạm dịch: (Cây gốc, nước nguồn - ý là nguồn gốc tổ tiên- muôn thuở ghi nhớ, Đạo trời nghĩa đất trăm năm ở trong tâm). 

Điều mà lâu nay truyền thuyết đã nhầm Đào/Đỗ Thị Sa (thế kỷ XVII) là "Ngô bà". Các tác giả cả tin viết theo, tệ hơn là còn dẫn sai nguyên bản câu đối nhà thờ và suy diễn chủ quan. Sách: "Thăng Long Hà Nội" (P.TS Lưu Minh Trị - Hoàng Tùng đồng chủ biên); Bài "Bình minh của lịch sử Hà Nội", GS Trần Quốc Vượng viết: "Thăm thôn Hậu, xã Dục Tú, còn gặp nhà thờ họ Đỗ với đôi câu đối: “Diễm phái vân nhưng gia hữu khánh", "Am thư bồ liễu bộ tinh quang"; Câu đối này và truyền thuyết ở đây nói về cô gái họ Đỗ cắt cỏ ven thành ngoại Cổ Loa, sau thành một người thiếp của Ngô Vương Quyền"(Tr. 63, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1999). Thì lại thấy Giang Quân cũng viết y như thế (chỉ khác 1 chữ: lộ): "Thăm thôn Hậu, xã Dục Tú, ở nhà thờ họ Đỗ còn đôi câu đối: "Diễm phái vân nhưng gia hữu khánh, Am thư bồ liễu lộ tinh quang"; Để nhớ về câu chuyện cô gái họ Đỗ cắt cỏ ven thành ngoại đã lọt vào mắt nhà vua họ Ngô và được vào cung trở thành một người thiếp của vua" (Tr.105- Kỷ yếu HTKH). (Chữ gạch chân chép sai nguyên bản).

Câu đối từ đường họ Đỗ

 

Hai đoạn dẫn này giống y nhau, bị cuốn vào truyền tụng nhầm lẫn. Cái sai theo nhau lặp lại? Từ truyền khẩu sang thành văn, thành văn lại chép lại của nhau mà thêm sai/nhầm. Lại còn viết nhầm về địa danh, gốc xưa là thôn Tiền thì lại viết lộn là thôn Hậu. Một số tác giả khác cũng nhầm như vậy. Cũng lạ là: các tác giả cùng dẫn đôi câu đối ở nhà thờ họ Đỗ mà cũng chép sai. Chép sai ắt dẫn đến hiểu sai. Cho thấy họ rơi vào hai nhầm lẫn: Một là: Chép dẫn không chính xác câu đối. Đến nhà thờ họ Đỗ đọc câu đối mà viết sai hay không đến, chỉ nghe kể mà chép sai?. Câu vế 1 dẫn sai là: "Diễm", nguyên gốc là: "Diễn", xếp lộn "Diễm phái" trong khi nguyên gốc là: "Phái diễn". Hoặc dẫn sai là: "bộ tinh" (trong bài của T.Q.V); Hay "lộ tinh" (trong bài của (G.Q), trong khi nguyên gốc là: "hộ sinh". Câu vế 2, dẫn sai là: "Am thư", trong khi nguyên gốc là: "Ấm thư". Làm cho một đôi câu đối cổ của nhà thờ họ Đỗ: bị dẫn sai 4 chữ, và xếp lộn 2 chữ. Liệu có còn đúng nội dung thờ tự của nhà thờ không? Hai là: Suy luận câu đối theo võ đoán áp đặt chủ quan. Bởi thực tế trên câu đối đó (và cả các câu khác) không có một chữ nào liên quan đến Ngô Quyền, mà sao vẫn cứ nghĩ/viết bừa là "người thiếp của vua họ Ngô" là: "Cô gái họ Đỗ cắt cỏ đã lọt vào mắt nhà vua họ Ngô, và được vào cung trở thành một người thiếp của vua". Hay vì: truyền thuyết nhầm lẫn đã ăn mòn tâm trí, để "ru ngủ" các tác giả, mà hoài niệm nhầm gốc cổ?. 

2. Cổ vật mỹ thuật di tích với các "Niên đại- sự kiện": Gia phả "Đỗ Tông Phả Bạ" cũng ghi: "Đào/Đỗ Thị Sa 16 tuổi theo lệnh nhập nội cung vương phủ". Năm (1646) niên hiệu Phúc Thái thứ 4 dựng bia "Hậu Phật", cũng là năm bà Đào/Đỗ Thị Sa mất, là đầu thời Lê Chân Tông (1643-1649). Song sinh thời của bà là thời Lê Thần Tông Uyên Hoàng đế (1619 - 1643). Như vậy tính từ 1646 ngược lên thời Ngô Quyền (939- 944) thì ông tổ Đỗ thế tộc là hậu sinh khoảng 587 năm; đến thời Đào/Đỗ Thị Sa là sau khoảng 707 năm. Mới thấy sự vô lý của truyền thuyết. Làm sao một cung phi nhà Lê (sinh sau đẻ muộn 7 thế kỷ, lại là phi của Ngô Quyền? Cổ vật di tích đã minh chứng: bà Đào/Đỗ Thị Sa thời Lê Trung Hưng. Do vậy các chuyện về: "Vương thả quả Bầu cắt đất cho bà vì không có con", "Cây đa nghìn tuổi", "Giếng nước nhà Ngô" truyền tụng đều gắn bó với bà, thì đều thuộc thời đại của bà.(2) Các di tích hiện tồn với nhân vật và sự kiện mà lâu nay truyền thuyết đã bị "lẫn lộn thời đại, truyền tụng nhầm chủ nhân". Nội dung các truyền thuyết ở Cổ Loa đều gắn với Đào/ Đỗ Thị Sa, và nảy sinh từ sau thế kỷ XVII. Nó không liên quan đến Ngô Quyền. Sao các sử gia, Tiến sĩ, Giáo sư, nhà nghiên cứu LSVH vẫn cứ tin viết/ dẫn truyền thuyết, mà chưa từng hay biết?

Bia mộ bà Vương Phi Đỗ Thị Sa

 

III. Ý nghĩa:

1.Định đô ở Cổ Loa Ngô Quyền lập một Tây cung Hoàng phi. Hoàng phi đó là con gái bà Đào Thị Hoan ở xã Hải Triều (thế kỷ X) được dân gian truyền tụng văn võ song toàn. Vì thời gian quá dài lâu, lại trải qua bao cuộc binh đao chống ngoại xâm. Các công trình ở Cổ Loa chỉ thờ phụng An Dương Vương, và khởi công từ thế kỷ XVII. Không thấy công trình nào thờ Ngô Quyền thì bóng dáng một Hoàng phi của Ngô Quyền bị mờ nhạt, mà dẫn đến đời sau nhầm lẫn.

Câu đối nhà thờ họ Đỗ

Sau hơn 7 thế kỷ, khi nhân vật Đào Thị Sa vào Nội cung Vương Phủ nhà Lê, rồi trở thành Hậu Phật ngay tại làng (1646), thì tâm linh đã xuất hiện vào dân gian. Đây cũng là thời kỳ Văn hóa dân gian phát triển, nên có điều kiện cho các câu chuyện truyền miệng chắp cánh. Lại còn một lẽ: Tây Cung Đào Thị (chính danh hoàng phi Ngô Quyền, người Hải Triều /Hưng Yên) và Đào Thị Sa (cung phi thời Lê Thần Tông, người Dục Tú/ Cổ Loa) cũng là: Đào Thị, chỉ khác tên, mà gây nhầm lẫn. Đặc biệt hình tượng vị Hậu Phật - cung phi Đào/Đỗ Thị Sa mà người ta có thể hình dung vẫn còn âm hưởng, lại hiện thân ngay trên đất Dục Tú /Cổ Loa, lại có "Nhà thờ, Gia phả, Miếu, bia Mộ, bia Hậu" để tin, và đã dễ dàng ghép cặp Cung phi - Quân vương càng thêm bén dễ. Hình bóng một cung phi họ Đỗ, và hình bóng một ông vua họ Ngô ở kinh đô Cổ Loa dễ chập vào nhau. Đó là tác nhân dẫn đến nhầm lẫn một cách êm thấm đi hẳn vào trong truyền thuyết. Đem Đào/Đỗ Thị Sa thời Lê hóa thân thành hoàng phi Ngô Quyền - từ sau thế kỷ XVII. 

Ta nhận ra một mô hình Truyền thuyết dân gian ở Cổ Loa về bà phi Đào/Đỗ Thị Sa thôn Tiền/Dục Tú (thế kỷ XVII) với một Quân Vương qua 4 sự kiện: 1. "Vương lập cô gái cắt cỏ họ Đào/Đỗ làm phi"; 2. "Vương thả quả bầu cắt đất cho Phi không con về quê"; 3. "Vương trồng Cây đa trước am Mỵ Châu"; 4. "Vương đào Giếng ở Nam thành nội"; Đều là những câu chuyện truyền tụng dân gian còn tồn tại đến nay. Nhưng Vương ở đây là Vương nào và thời đại lịch sử. Cổ vật di tích đã minh: "Phi là (thế kỷ XVII), thì Vương là: thời Lê - Trịnh". Bởi vậy có lý với câu phương ngôn: "Đất của Cổ Loa, Cây đa của Dục Tú", dân Dục Tú tự hào về có bà phi làng /xã mình, mà đem "cây đa trồng ở Cổ Loa". Như vậy khẳng định: Truyền thuyết với 4 sự kiện trên được xuất hiện sau (thế kỷ XVII), không liên quan đến Ngô Vương Quyền (thế kỷ X). Những nhầm lẫn của truyền thuyết lại được những tác giả cả tin, không tra cứu mà vô tình thành hữu ý đưa vào sách in. Đem chữ nghĩa, hành văn, chủ quan học vấn/ học thuật /học hàm/ học vị tô đậm nhầm lẫn: nhân vật - thời đại, làm sai lệch cốt lõi lịch sử là điều đáng trách. Cần đính chính với những sách đã xuất bản. 

Giếng cổ thời Lê Trung hưng ở khu di tích Cổ Loa

 

2. Ta không phủ nhận hoàn toàn truyền thuyết, nhưng phát hiện những nhầm lẫn trong truyền tụng dân gian ở Cổ Loa. Lại được các tác giả hiện đại viết sách cả tin nhận nhầm Ngô bà (Tức là không có cuộc hôn nhân của Đỗ/Đào Thị Sa người Dục Tú với Ngô Quyền). Nhờ cổ vật mỹ thuật, mà ta xác định đúng nhân vật - thời đại với lịch sử. Bà Đào /Đỗ Thị Sa là "Nội cung Vương Phủ" thời Lê Thần Tông Uyên Hoàng đế (1619 -1643) thế kỷ XVII, không còn bị ẩn danh người khác. Bà là niềm tự hào, kính trọng của dòng họ và thôn Tiền /Dục Tú. Đâu phải ngược dòng"nhầm lẫn sang người khác thì mới vẻ vang. 

Nay phát sáng giai đoạn định đô ở Cổ Loa (939 - 944) Ngô Vương Quyền đã lập Hoàng phi Tây Cung người Hải Triều. Bà sinh ba công chúa lớn lên cả ba đều giỏi võ nghệ như mẹ. Khi loạn xứ quân, đã chiến đấu bảo vệ Ngô Triều, đều hy sinh anh dũng. Được Hậu Ngô Vương ban sắc lệnh lập Đền thờ tại An Đô (Lê Xá - An Cầu - Phủ Cừ - tỉnh Hưng Yên). Đền và các cổ vật chạm khắc, tượng thờ, Ngọc Phả sắc phong của các triều đại, và thờ phụng của nhân dân đến nay, là hiện tồn lịch sử ghi nhận với thời đại Ngô Quyền. Phương pháp Lịch sử Mỹ thuật nhận diện mỹ thuật cổ vật, đã làm sáng truyền thuyết về nhân vật và thời đại đúng với lịch sử; chứ đâu chỉ Sử học/ sử gia.

3. Cổ vật Mỹ thuật, đã minh chứng nhầm lẫn của các sách và truyền tụng về bà phi người Dục Tú và các việc liên quan với Ngô Quyền ở Cổ Loa. Đồng thời xác định lại cho đúng nhân vật sự việc của thời đại lịch sử.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Chiến

 

Chú thích:

(1) Dẫn các sách đề cập đến Truyền thuyết: 1."Lịch sử Thăng Long Hà Nội" tập 1- NXB Hà Nội (2012) Phan Huy Lê (chủ biên). 2. Sách "Thăng Long Hà Nội" (PTS Lưu Minh Trị - Hoàng Tùng đồng chủ biên) NXB chính trị Quốc gia, Hà Nội 1999). 3. Một số tham luận trong Hội thảo khoa học "Ngô Quyền với Cổ Loa" (2-7-2014) Truyền thuyết ở Dục Tú/Cổ Loa những điều nghe/đọc: Các tác giả đã dựa/ dẫn viết theo truyền thuyết về: ĐàoThị Sa con nuôi cụ Phúc Thiện họ Đỗ - đời thứ 5, chi thứ, thôn Tiền/ Dục Tú" (viết gộp là: Đào/Đỗ Thị Sa) được Vương cho người rước về phong làm thứ phi. Nên còn gọi bà phi họ Đỗ là "Ngô Bà". Các chuyện liên quan với bà như: chuyện"Vương thả quả bầu cấp đất", trồng "Cây đa" hay đào "Giếng nước". Khi "Bà không có con, được Vương cho về quê nhà, phong thưởng thực ấp". Bà bỏ tiền xây "nhà thờ họ Đỗ"- nên gọi: nhà thờ Đỗ đức bà. Khi mất, bà được lập Mộ, xây Miếu, dựng bia "Hậu Phật" lấy hiệu là Pháp Thanh, lưu danh công đức. Được các giáp trong thôn và họ tộc trông nom, thờ phụng hàng năm vào hai ngày lễ trọng: sinh / hóa. Bà được ghi "Đỗ Tông Phả bạ", thờ trong "Nhà thờ Đỗ thế tộc", có các câu đối ca ngợi. Năm 2012 tôn tạo mộ, dựng bia mới ghi chữ Hán -Việt: "Đỗ Tộc đời thứ 5, hiệu Pháp Thanh, Vương phi mộ"… Tất cả đều truyền tụng là "Ngô bà"?

(2) Chuyện "Vương thả bầu cắt đất cho bà phi họ Đỗ": Các tác giả đã theo nhầm lẫn truyền thuyết: Ngô Quyền:"chia ruộng","cấp đất", "phong thưởng thực ấp","quà báo đáp là những khoảnh ruộng" cho bà phi họ Đỗ vì không có con? Trong:"Bình minh của Lịch sử Hà Nội" GS Trần Quốc Vượng viết: "Đỗ Thị không có con nhà vua cho về nhà. Kèm theo là món quà báo đáp ơn cha nghĩa mẹ và dân làng: những khoảnh ruộng sát thành Cổ Loa! vì thế mà có bia đá và lời nguyền: "Thành của Cổ Loa, Cây đa của Dục Tú. Dục Tú bất đắc trảm phạt. Cổ Loa bất đắc vọng tranh". Câu chuyện thù làng thời Phong kiến được ảnh xạ thành truyền thuyết. (tr. 63 - Sách: "Thăng Long Hà Nội" 1999). Thật lạ, Ngô Quyền (thế Kỷ X) còn Đỗ Thị (thế Kỷ XVII) làm sao đem kết thành đôi, lại gán sự việc phi lý vào bia đá và lời nguyền. GS Trần Quốc Vượng suy diễn một cách vô lý sang Ngô Quyền. Giang Quân lại "y trang vết xe" GS Trần Quốc Vượng mà viết:"Mấy năm sau, Đỗ Thị vẫn không có con, cảm thương cô gái xấu số, nhà vua cho về với món quà báo đáp ơn cha mẹ và dân làng là những khoảnh ruộng rộng sát chân thành Cổ Loa. Vì vậy mà lập bia đá làm chứng cứ với câu ca truyền miệng:"Thành của Cổ Loa, Cây đa của Dục Tú" không ai được thay đổi. Đến nay đất làng Dục Tú vẫn bám sát quanh thành" (tr. 105 - Kỷ yếu HTKH). Các tác giả khác cũng viết Ngô Quyền cắt đất cho Đào/Đỗ Thị Sa vì không có con. Trong bài "Ngô Quyền trong tâm thức của người Cổ Loa hôm nay" Nguyễn Khả Hùng viết: "Khi bà phi họ Đỗ vì không sinh con đã xin nhà vua được trở về quê, thì ông đã chu cấp cho bà tiền của, đất đai" (Tr. 43 - Kỷ yếu HTKH). Hoặc TS Nguyễn Doãn Tuân cũng viết: "Một cô con gái họ Đỗ vốn làm nghề cắt cỏ ở ven thành Cổ Loa, nhân đó gặp Ngô Quyền trở thành vợ của ông. Do đấy, họ Đỗ ở Dục Tú được Ngô Quyền chia cho một số mảnh ruộng" (Tr. 115 - Kỷ yếu HTKH). Nguyễn Thị Hạnh (Phó PVH h.Đ.Anh) viết: "Bà không có con với vương, được vương cho về quê nhà, phong thưởng thực ấp" (Kỷ yếu HTKH). Do cả tin truyền thuyết, nên các tác giả đều viết Ngô Quyền cắt đất. Đặc biệt hai tác giả Trần Quốc Vượng và Giang Quân hiểu sai về "Tấm Bia đá"? Đặt điều ám chỉ, đổ oan Ngô Quyền? Làm sao Ngô Quyền (thế kỷ X) lại cắt đất cho bà Đào Thị Sa sinh sau mình 700 năm. Mà ngược lại: chỉ có việc bà Đào/Đỗ Thị Sa (hậu sinh 700 năm) cúng đất thực ấp của mình cho thôn Tiền/DụcTú khi bầu Hậu. Ở Cổ Loa không có bia đá nào là "Bia đá và lời nguyền" hay "Bia đá làm chứngcứ"? ghi việc vua Ngô Quyền cấp đất cho bà phi họ Đỗ không con, trở thành mối hận "thù làng thời Phong kiến" Như vậy: từ lầm lẫn đến "đặt điều sai, và đổ oan" Ngô Quyền. Bia kí Cổ Loa ghi: Các sắc chỉ cấp đất (tức cắt đất) cho việc xây dựng các công trình thờ phụng An Dương Vương của thời Lê - Trịnh. Những khoảnh ruộng của dân bị lấy đến là nằm trong quy hoạch thuộc quyền của triều Lê Trịnh. Truyền tụng dân gian: "Vương cắt đất cho một bà phi không có con", mà bà phi đó là bà Đào/ Đỗ Thị Sa thế kỷ XVII. Thì Vương" phải là Vương của nhà Lê? (thời Lê Thần Tông) không thể là Ngô Quyền?

- Chuyện "Cây đa nghìn tuổi"?cho là thời Ngô Quyền? Nhưng truyền tụng đều gắn với Đào/Đỗ Thị Sa nội cung vương phủ nhà Lê, thuộc thế kỷ XVII, thì cây đa cũng chỉ được trồng ở thời kỳ của bà. Câu: "Đất Cổ Loa, Cây đa Dục Tú" mà truyền tụng: "Dân làng vì có "bà phi họ Đỗ" nên mới đem cây đa trồng ở Cổ Loa để mừng hoàng hậu sinh". Thì "Vương" phải là thời Lê; không phải Ngô Quyền. Cây đa cổ thụ chết năm 1990. Sau đó được trồng lại cây mới. Cây đa mới khoảng 20 năm qua, mà đã cao to (xem ảnh). Vậy cứ đà ngót 400 năm nữa (như sự trải từ thế kỷ XVII đến 1990), thì cây đa cũng sẽ như ta đã nhìn thấy. Chuyện "Giếng nước nhà Ngô"?: các tác giả viết theo truyền thuyết: "Vương đã cho đào giếng trước cửa Nam thành nội, cái giếng ấy trước kia là giếng đất, mãi sau này chắc mới cho xếp gạch, dân Cổ Loa vẫn lấy nước đó về ăn" (Nguyễn Thị Hạnh- tr. 84 - Kỷ yếu HTKH) thì chỉ là biện hộ. Trên thực địa, ta thấy đây là loại Giếng Thơi (lòng nhỏ), chứ không phải Giếng làng (to như ao). Lòng giếng Thơi này hình ôvan dài rộng khoảng (2,3m x 1,7m). Nếu đào từ thời Ngô Quyền là "giếng đất", lại để cách 700 năm phế tích, với bao can qua thời cuộc, liệu có còn, để đến thời Hậu Lê xếp gạch quây lại được không? Đó là cái giếng thơi được đào và xếp gạch ngay một lúc, cùng thời xây dựng các kiến trúc thờ tự An Dương Vương. Dấu vết gạch đá xây giếng là: Giếng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) không phải thời Ngô Quyền. Sách: "Lịch sử Thăng Long Hà Nội" cũng viết: "Ký ức dân gian chỉ còn nhắc đến một cái "Giếng Ngô Quyền" ở trước cửa Nam thành Nội (tuy nhiên dấu tích của giếng xây đá, gạch hiện nay là giếng đời Lê Trung Hưng), một cây đa nghìn tuổi ở trước cửa Am My Châu (nay đã chết và được thay bằng một cây đa mới) với huyền tích về cuộc hôn nhân giữa Ngô Quyền với người con gái làng Dục Tú (mà đền thờ bà phi họ Đỗ của Ngô Quyền vẫn còn cho đến thời gian gần đây). Phan Huy Lê chủ biên - NXB Hà Nội) tập 1 (tr. 236). Như thế ngay cả GS Phan Huy Lê đứng đầu sách, đã cõng lầm lẫn trên vai mình: 1.Nhầm lẫn về hôn nhân giữa Ngô Quyền người con gái làng Dục Tú thế kỷ XVII; 2. Nhầm lẫn "Cây đa nghìn tuổi" sang thời Ngô Quyền. 3. Lại đem nhầm lẫn đó làm tang chứng thú nhận: "Dấu tích của giếng xây đá, gạch hiện nay là giếng đời Lê Trung Hưng" và "Đền thờ bà phi họ Đỗ của Ngô Quyền vẫn còn cho đến thời gian gần đây". Thực chất các chứng cứ di tích đều gắn với Đào/ Đỗ Thị Sa thế kỷ XVII. Do vậy gọi "cây đa" và "Giếng nước" ở Cổ Loa 400 tuổi trong truyền thuyết trên thì đúng hơn.

(3) Đến thời Lê Trung Hưng, bắt đầu xây dựng. Trên 60 tấm bia ở Cổ Loa hiện còn cho biết: Niên đại những sắc chỉ, chỉ dụ, cấp đất của nhà Lê cho việc xây dựng thờ phụng An Dương Vương. Những công trình: "Đền Thượng", khu "Đình Ngự triều Di Quy", "Cổng và Rồng đá", "Văn Chỉ"... nhờ vào sự ghi bia đá ở Cổ Loa. Như: Thời Lê Kính Tông có các năm: Hoằng Định 5 (1605) và 10 (1610). Tiếp đến các thời: Lê Thần Tông, các năm Vĩnh Tộ 2 (1620) và 6 (1624), Đức Long 1(1629) và 5(1633), Dương Hòa 3 (1637) và 5 (1639), Thịnh Đức 2 (1654). Thời Lê Hy Tông năm Chính Hòa 5 (1684)… Không thấy ghi, công trình nào xây dựng thờ tự Ngô Quyền? Đền thờ Hoàng phi Tây Cung của vua Ngô Quyền ở An Đô (nay là thôn An Cầu, xã Lê Xá, huyện Phủ Cừ, tỉnh Hưng Yên) nơi bà và công chúa hy sinh bảo vệ Ngô Triều. Đền thờ Tây Cung và ba công chúa, với Kiến trúc (tu bổ thời Lê- Nguyễn): có điêu khắc, cổ vật đồ thờ hoành phi, khám, ngai sơn son thếp truyền thống, có Ngọc Phả, và sắc phong các triều đại. Có tượng Tây Cung và ba tượng ba Công chúa thờ trong cung cấm. Ghi nhận sự kiện Ngô Quyền đã lập Hoàng phi Tây Cung khi định đô ở Cổ Loa. 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm85
  • Hôm nay28,327
  • Tháng hiện tại164,375
  • Tổng lượt truy cập50,700,195
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây