Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, để phân biệt địa vị, chức vụ giữa các quan với nhau, vua thường ban cho các quí tộc và quan lại các tước vị. Chế độ tước vị này rất phức tạp với nhiều tước hiệu, thang bậc khác nhau. Chung qui lại có 2 loại chính là tước và phẩm.
1. Tước hiệu
a. Tước hiệu là gì?
Tước hiệu là tôn hiệu của vua ban cho người trong hoàng tộc hay những người có công với đất nước, với triều đình. Quyền phong tước là đặc quyền của vua và những người được phong tước luôn coi đó là một ân điển.
Để rõ thêm, ta cần phân biệt hai định chế: chức và tước. Theo định nghĩa của các nhà khảo cứu pháp chế sử thì: chức là một trách vụ trong bộ máy chính quyền, còn tước là tôn hiệu danh dự, không hàm ý trách nhiệm và quyền hành.
b. Nguồn gốc tước hiệu và cách thức đặt tên tước:
Từ triều đại nhà Ngô, tài liệu cũ đã có nhắc đến tước Công, nhất là tước Lệnh Công. Năm 950 khi Ngô Xương Văn lật đổ được Dương Tam Kha giành lại ngôi báu, nể tình cậu cháu đã không giết Tam Kha, chỉ giáng xuống cho làm Chương Dương Công, còn ban cho đất làm thực ấp. Đến đời nhà Đinh, tài liệu cổ về đời này thấy ghi tước Vương và Quốc Công. Quốc Công là một tước dưới tước Quận Vương và bắt đầu được dùng ở Trung Quốc từ đời nhà Tùy (581- 618). Đến triều Hậu Lê, đặc biệt từ thời vua Lê Thánh Tông, việc ban tước vị cũng như chế độ bổng lộc được quy định rất rõ ràng, chặt chẽ.
Tước vị có 2 loại : có phong địa (tức kèm theo ban tặng đất đai) và không phong địa. Cách thức đặt tên tước là lấy tên đất được phong đặt trước tên tước. Ví dụ Hải Lăng Vương: Hải Lăng là tên đất (tên một quận), Vương là tên tước. Kiến An Vương: Kiến An là tên đất (một phủ thuộc tỉnh Định Tường cũ), Vương là tên tước. Trường hợp không phong địa thì đặt một mỹ tự được phong (từ có nghĩa đẹp) trước tên tước. Ví dụ Hưng Đạo Vương: Hưng Đạo là mỹ tự, Vương là tên tước. Thanh Quốc Công: Thanh là mỹ tự, Quốc công là tên tước; Ích Quận Công: Ích là mỹ tự, Quận Công là tên tước.
c. Các bậc tước hiệu:
Tước gồm nhiều bậc, chủ yếu 6 bậc sau: Tước Vương, Tước Công, Tước Hầu, Tước Bá, Tước Tử, Tước Nam.
- Tước Vương là địa vị cao nhất. Trong lịch sử Việt Nam, lúc đầu Vương là xưng hiệu của Thiên tử, người đứng đầu quốc gia như: Hùng Vương, An Dương Vương, Trưng Nữ Vương, Triệu Việt Vương, Ngô Vương Quyền (Ngô Quyền), Dương Bình Vương (Dương Tam Kha), Thiên Sách Vương (Ngô Xương Ngập), Nam Tấn Vương (Ngô Xương Văn)…
Khi thế nước mạnh, các Thiên tử Việt Nam xưng Hoàng đế để tỏ ra ngang hàng với Trung Hoa thì Vương không còn là vị trí cao nhất (Tuy nhiên trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, để tránh xung đột không cần thiết, các Hoàng đế Việt Nam thường tiếp nhận và sử dụng danh hiệu An Nam Quốc Vương do Trung Quốc phong để quan hệ ngoại giao với họ).
Trường hợp này, Vương là tước vị do Hoàng đế phong tặng cho Hoàng tử, cho các quí tộc cao cấp, hoặc cho những người có công lao to lớn đối với triều đình, chủ yếu là những công thần khai quốc và những trường hợp đặc biệt khác.
Những người được phong Vương có thể có thực ấp hoặc chỉ có danh vị không, tùy vào tình thế thời đại và quy chế lúc bấy giờ. Các vị Vương nhà Lý và nhà Trần đều có thực ấp, đất phong và lực lượng riêng để gây dựng cơ nghiệp. Đến khi nhà Hậu Lê phục quốc, Triều đình áp dụng chính sách bổng lộc riêng, tước Vương và các tước vị khác chỉ là danh vị.
- Tước Công cũng là một tước vị đứng hàng đầu trong hệ thống tước vị, được phong tặng cho con cháu Hoàng tộc và bậc khai quốc công thần. Tước Công có hai cấp cao thấp là: Quốc công và Quận công. Triều Nguyễn còn có bậc Thân công. Cũng như tước Vương, tước Công rất ít khi phong tặng cho người ngoài hoàng tộc, hoặc chỉ phong cho người có công trạng đặc biệt to lớn, thống lĩnh quân đội hoặc nắm giữ binh quyền quan trọng.
- Thứ tự tiếp theo là các tước vị: Hầu, Bá, Tử, Nam, phong tặng cho các hoàng thân, quý tộc và triều thần, tùy theo quan hệ trong Hoàng tộc và công trạng của mỗi người đối với Quốc gia, triều đình.
2. Phẩm hàm
Phẩm hay còn gọi là phẩm hàm thường được dùng để ban tước vị cho các quan lại. Hệ thống quan lại phong kiến Việt Nam thường được chia làm hai ban: văn - võ, được gọi là Văn giai và Võ giai. Theo thứ tự cao thấp từ nhất phẩm đến cửu phẩm. Trong mỗi phẩm hàm lại chia thành hai cấp bậc: Chánh (Chính) và Tòng (Tùng). Như vậy hệ thống quan chế gồm tất cả 18 cấp bậc từ cao tới thấp: Chánh Nhất phẩm, Tòng Nhất phẩm, Chánh Nhị phẩm, Tòng Nhị phẩm v.v… cho đến Chánh Cửu phẩm, Tòng Cửu phẩm .Trong mỗi cấp bậc đều có hai ban văn, võ. Quan lại đứng đầu triều đình thuộc hàm Nhất phẩm. Đứng đầu các Bộ (Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công. Sau này có thêm bộ Học) là quan Thượng thư (hàm Nhị phẩm). Đứng đầu các vùng hành chính cũng là một chức quan hàm Nhị phẩm là Tổng đốc (phụ trách hai hay ba tỉnh thành).
Cửu phẩm là tước vị thấp nhất, thường được dùng để ban cho quan lại, không chỉ ở triều đình mà còn ở các địa phương, làng xã. Quan thường được ban phẩm, nhưng cũng có một số quan không được ban phẩm. Ngược lại một số người không phải là quan nhưng có công đức cao vẫn được vua ban phẩm.
Để định vị trí cao thấp của hệ thống tên tước, phải căn cứ vào đơn vị Tư. Người càng có nhiều tư thì càng có tước cao. Tư là đơn vị của hàng Tòng Cửu phẩm, tức Tòng Cửu phẩm có 1 tư. Chánh Cửu phẩm có 2 tư. Hàng Tòng Bát phẩm có 3 tư. Hàng Chánh Bát phẩm có 4 tư v.v .. Như vậy hàng cao nhất là Chánh Nhất phẩm có 18 tư.
Hệ thống tước hiệu của triều Lê được áp dụng dưới triều Nguyễn và còn được bổ sung thêm nhiều tước vị.
3. Vinh phong bằng Mỹ tự:
Ngoài cách thứ nhât nêu trên, triều đình còn một cách nữa để vinh phong công thần có công. Bầy tôi nào có công về văn cũng như về võ đều được vinh phong, ban đầu từ 2 chữ trong 24 chữ, cho đến tối đa 8 chữ, các chữ được chọn sao cho phù hợp với chức trách và công trạng của người ấy.
24 chữ đó là: Bỉnh văn, Cẩn lễ, Cương chính, Dực vận, Dương vũ, Đoan nhã, Đôn hậu, Đồng đức, Hiệp mưu, Hiệu thuận, Khiêm cung, Kiệt tiết, Kính thận, Minh nghĩa, Phụ quốc, Suy trung, Tá lý, Tán trị, Thuần tín, Tĩnh nạn, Tráng liệt, Trinh Lý, Tuyên lực, Uy dũng.
Ở hình thức này, Họ Ngô có 5 người được vinh phong 8 chữ, 4 người được vinh phong 6 chữ, 6 người được vinh phong 4 chữ và một số người khác được vinh phong 2 chữ.
Ngô Vui - Ngô Xuân
Kỳ sau: Tước vị của người họ Ngô trong lịch sử.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn