Báo cáo tại Lễ Dâng hương và Đại hội Ngô tộc 2015

Thứ tư - 11/03/2015 09:25

Như tin đã đưa, tại Lễ Dâng hương và Đại hội Ngô tộc lần thứ IX, ông Ngô Vui đã đọc Báo cáo tông kết công tác nhiêm kỳ qua và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ tới. Dưới đây là toàn văn nội dung Báo cáo.
Ông Ngô Vui - Chủ tịch HĐNT Việt Nam đọc Báo cáo
Ông Ngô Vui - Chủ tịch HĐNT Việt Nam đọc Báo cáo

 

BÁO CÁO

CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NGÔ TỘC VIỆT NAM

TẠI LỄ DÂNG HƯƠNG NHÂN 1071 NGÀY GIỖ ANH HÙNG DÂN TỘC -

TỔ DỰNG NƯỚC TRUNG ĐẠI NGÔ VƯƠNG QUYỀN

 

Kính thưa các vị lãnh đao đại diện cho HĐND, UBND, MTTQ thị xã Sơn Tây.

Kính thưa các vị lãnh đạo và cán bộ Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử Đường Lâm.

Kính thưa các vị lãnh đạo đại diện cho HĐND, UBND, MTTQ xã Đường Lâm.

Kính thưa các vị  lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, ban ngành và các vị bô lão thôn Cam Lâm.                                                                                                      

Kính thưa các vị thành viên HĐNT Việt Nam, thành viên HĐNT các địa phương.

Kính thưa các cụ cao niên, các vị trưởng tộc, trưởng chi cùng bà con nội ngoại, con cháu dâu rể họ Ngô có mặt tại đây hôm nay.

 

Đã trở thành thông lệ, hàng năm vào dịp Giỗ Ngô Vương 18 tháng Giêng, đông đảo con cháu trong dòng Họ tụ họp nhau tại đây để làm lễ tưởng niệm vị Tổ dựng nước Trung đại đồng thời cũng là vị Tổ của dòng họ Ngô.

Nhân dịp đầu xuân năm mới Ất Mùi (2015), cho phép tôi thay mặt HĐNT Việt Nam gửi tới quý vị đại biểu, các bậc bô lão thôn Cam Lâm, các vị đại biểu đại diện cho con cháu họ Ngô các địa phương, các dòng họ, chi họ Ngô cả nước cùng toàn thể con cháu nội ngoại dâu rể họ Ngô có mặt tại đây lời chúc mừng một năm Ất Mùi gặp nhiều may mắn, thành công và hạnh phúc.

Kính thưa quý vị đại biểu cùng toàn thể bà con trong họ.

Lễ Dâng hương năm nay cũng đồng thời là Đại hội Ngô tộc Việt Nam lần thứ IX, vì vậy chúng tôi xin phép được báo cáo với quý vị đại biểu cùng bà con những công việc mà Thường trực HĐNT Việt Nam đã làm được trong thờì gian qua và một số nét lớn trong hoạt động của dòng họ Ngô trong thời gian tới của nhiệm kỳ IX.

A -  NHỮNG VIỆC ĐÃ LÀM THỜI GIAN QUA

Kính thưa quý vị cùng toàn thể bà con, sau đây chúng tôi xin báo cáo một số nét chính mà HĐNT Việt Nam đã làm được trong 4 năm của nhiệm kỳ đại hội Lần thứ VIII. Nhưng những kết quả đạt được rất đáng khích lệ trong hoạt động dòng họ trong nhiệm kỳ này lại bắt nguồn từ sự chuyển hướng hoạt động của Ban Liên lạc từ trước đó, vì vậy để chuỗi sự kiện diễn ra theo đúng trình tự thời gian, chúng tôi xin bắt đầu từ việc Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam (nay là HĐNT Việt Nam) sau khi xét thấy bản thảo Phả hệ chuẩn bị cho lần tái bản thứ nhất năm 2011 về cơ bản PHẢ HỆ họ Ngô Việt Nam đã được định hình và tương đối chuẩn xác, nên xác đinh chuyển hướng hoạt động của dòng họ vào việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng các công trình tâm linh của cả dòng họ cũng như của từng chi họ.

Kính thưa các vị đại biểu, kính thưa toàn thể bà con.

Chúng tôi xin báo cáo một số việc đã làm từ sự chuyển trọng tâm hoạt động của dòng họ.

1)  Xây dựng Lăng mộ Hán Quốc công.

Công việc đột phá được Ban Liên lạc chọn là trùng tu Lăng mộ Hán Quốc công, người đã viết Phả họ Ngô vào năm Đinh Dậu thời Hồng Đức (1477), nhờ thế mà con cháu ngày nay mới biết được gốc tích của dòng họ. Chủ trương đó đã được thông báo tới bà con trong họ bằng cách trực tiếp và gián tiếp qua Website của họ Ngô Đáp Cầu và đã được bà con nhiệt liệt hưởng ứng. Cho đến cuối năm 2009, Ban Liên lạc đã nhận được hơn 100.000.000đ tiền cúng tiến từ các đơn vị và cá nhân trong Họ. Sau 6 tháng tổ chức khảo sát, thiết kế lăng mộ, tìm lại huyệt cũ cải táng và thi công công trình tâm linh đầu tiên đã được hoàn thành. Lễ hoàn công Lăng mô Hán Quốc công đã được tiến hành trọng thể vào ngày 30-12-2009 có đông đảo bà con khắp nơi từ Quảng  Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình về tham dự.

Tổng chi phí cho công trình: 114.472.000đ

Công trình Lăng Mộ Hán Quốc công uy nghi hoành tráng, không chỉ con cháu trong dòng họ vui mừng phấn khởi mà địa phương xã Định Hòa cũng như huyện Yên Định nảy ra ý tưởng xây dựng Định Hòa thành một khu Du lịch Tâm linh. Ý tưởng đó của địa phương nay đã thành hiện thực. Đó có thể nói là một đóng góp thiết thực cho quê gốc của dòng họ Ngô chúng ta.

2) Dựng Bia Phúc Quang Từ đường ký.

Được thắng lợi bước đầu ấy khích lệ, ngay sau Lễ Dâng hương đầu năm 2010 (07/ 3 / 2010), Ban Liên lạc quyết định tiếp tục chọn lựa công trình tâm linh tiếp theo sẽ đầu tư xây dựng là Bia Phúc Quang Từ đường ký.

Qua tìm hiểu được biết Bia và Nhà Bia làm toàn bằng đá sừng sững hiên ngang cùng tuế nguyệt suốt hơn 300 năm, cho đến những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, nó cũng chịu chung số phận với bao nhiêu công trình tâm linh khác là bị phá dỡ lấy đất và vật liệu phục vụ cho nhu cầu dân sinh. Theo bà con sở tại thì Nhà Bia bị phá để lấy đá làm cống cho hệ thống đường thủy lợi nội đồng, còn Tấm Bia thì nằm dưới móng cùa Hội trường UBND xã. Qua nhiều cuộc khảo sát, thăm dò tìm kiếm và làm việc với lãnh đạo điạ phương cũng như trao đổi bàn bạc trong Thường trực Ban Liên lạc, đã đi tới quyết định là phục dựng thay vì khai quật để tìm tấm bia cổ ấy.

Nhưng hơn một tháng sau, tức đến tháng 4 xảy ra một việc đột xuất, khiến Thường trực Ban Liên lạc quyết định tạm hoãn việc phục dựng Bia để đầu tư công sức và tiền bạc vào công việc mới phát sinh là việc phát hiện ngôi mộ cổ ở cánh đồng thôn Ngọc Quỳnh thị trấn Như Quỳnh huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên được cho là mộ của Thái úy Lý Thường Kiệt. Quả thật đó là một tin quan trọng, mà dòng họ không thể bỏ qua, nên Thường trực lập tức về Như Quỳnh tìm hiểu, bàn kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương triển khai việc thu thập tư liệu và xin phép được khai quật. Sau hơn 4 tháng lao vào công việc mới, gặp biết bao trở ngại không thể vượt qua, nên dòng họ quyết định tạm hoãn công việc này mà chuyển về công việc đã dự kiến ban đầu.

Đến cuối tháng 10 - 2010, Thường trực quyết định xúc tiến nhanh việc phục dưng Bia Phúc quang Từ đường ký. Ông Ngô Gia Biểu - Phó Ban Liên lạc được phân công làm Trưởng Ban Xây dựng, ông Ngô Quang Nam - Phó Ban Liên lạc được phân công thiết kế Bia, ông Ngô Vui - Trưởng ban được phân công chế bản văn bia bằng chữ Hán và Quốc ngữ với kích thước lòng bia 82x175cm.

Sau gần 3 tháng khẩn trương triển khai công việc, đến 24 - 12 - 2010 tấm bia Phúc Quang Từ đường ký đã được vận chuyển từ Ninh Bình vào dựng đúng vị trí đã được xác định trong khuôn viên Phúc Quang Từ đường của dòng họ. Lễ khánh thành đã được tổ chức đơn sơ nhưng ấm tình đoàn kết thân tình giữa những người con cùng huyết thống cùng tâm huyết với việc truy ân tổ tiên dòng tộc được tiến hành vào ngày hôm sau 25 - 12 - 2010.

Tổng chi phí cho việc dựng Bia  là 42.918.000đ

3) Xây dựng Nhà Bia

Sang năm 2011, Thường trực HĐNT Việt Nam chủ trương tiếp tục việc xây dựng Nhà Bia. Công việc này đòi hỏi nhiều công sức và trí lực, cần thiết kế sao cho an toàn tuyệt đối để công trình toàn bằng đá này được trường tồn vĩnh cửu.

Sau 9 tháng tiến hành công việc thu thập tham khảo mẫu nhà bia, chọn lựa và thết kế, đặt chế tác các cấu kiện của Nhà Bia, đến cuối tháng 11 năm 2011 bắt đầu lắp cột và dầm. Sau 10 ngày mới tiến hành lắp tiếp phần mái. Do mái nặng phải thay đổi phương án thi công, nên thời gian bị kéo dài, buộc phải hoãn ngày khánh thành và sau đó đã không tổ chức được lễ này.

Trong suốt ba đợt xây dựng Lăng mộ Hán Quốc công, xây dựng Bia Phúc Quang Từ đường ký, rồi xây dựng Nhà Bia đều do ông Ngô Gia Biểu đảm nhiệm Trưởng ban xây dựng, không dưới 30 lần ra vào, có thể đã ảnh hưởng đến sức khỏe, đến ngày 30 - 11 - 2011, trong khi đang chỉ đạo thi công tiếp một số hạng mục phụ trợ như nền Nhà Bia và khu vực xung quanh, xây hoàn trả tường bảo vệ khu Di tích… thi chẳng may ông bị bạo bệnh (nhồi máu cơ tim) nguy kịch phải đi cấp cứu ở bệnh viện Thanh Hóa rồi chuyển gấp ra Hà Nội điều trị tiếp bằng phương pháp tế bào gốc. Những công việc còn lại được Thường trực giao cho Hội đồng Ngô tộc Thanh Hóa chỉ đạo thực hiện.

Tổng chi cho việc xây dựng Nhà Bia là 177.000.000đ

Do sự cố đột xuất xảy ra như đã báo cáo trên, nên đã không tổ chức được lễ khánh thành theo như kế hoạch đã định, do đó không thu được tiền công đức của bà con cúng tiến cho việc xây dựng công trình này. Thường trực phải mượn tiền cá nhân các thành viên để thanh toán với chủ cơ sở đá.

4) Tổ chức Đại lễ cầu siêu

Song song với việc lo xây dựng Nhà Bia, Ban Liên lạc thống nhất với dề xuất của ông Ngô Tiến Quý - Phó ban liên lạc, tổ chức Đại lễ Cầu siêu để cầu cho quốc thái dân an, cầu cho vong linh tiên tổ của dòng họ Ngô cũng như chúng sinh được siêu thoát.

Đại lễ  Cầu siêu được tổ chức hoành tráng và trọng thể ngay tại Đền thờ Ngô Vương ở Đường Lâm nhân ngày Giỗ của Tổ dựng nước Trung đại Ngô Quyền (18 tháng Giêng Tân Mão), có hơn 600 bà con trong họ và đông đảo khách thập phương du xuân về dự. Cho đến nay chưa có dòng họ nào tổ chức được Đại lễ cầu siêu như họ Ngô chúng ta.

Phần lớn chi phí đều do ông Ngô Tiến Quý kêu gọi sự tài trợ của Hiệp hội khoa học UIA và chùa Từ Quang Tp. HCM.

Về phía dòng họ, ngoài 50.000.000đ ông Ngô Duy Tân hỗ trợ cho Đại lễ, dòng họ chỉ trực tiếp chi cho các phần việc được phân công và đóng góp thêm cho Hiệp hội Khoa học UIA tổng cộng gần 80.000.000đ

Do trong một thời gian ngắn phải chi phí quá nhiều, quỹ họ bị thiếu hụt, để kêu gọi sự cúng tiến của bà con nên trong Giấy mời tham dự Lễ Dâng hương đầu năm 2012, chúng tôi có Thông báo rõ tình hình tài chính của dòng họ là tính đến thời điểm ấy, quỹ họ bị âm (-58.000.000đ).

5) Lập Dự án Tôn tạo, Tu bổ Đền và Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm.

Có lẽ việc chuyển trọng tâm hoạt động của Thường trực Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam đã đáp ứng được lòng mong mỏi của bà con họ tộc và được âm phù, nên một doanh nhân là con cháu trong dòng họ đã đến với họ tộc, trước hết là tự nguyện xin được thanh toán cho dòng họ món nợ nói trên. Rồi anh xin xung phong lo mọi việc trong việc khảo sát thiết kế, xin lập Dự án trùng tu, tôn tạo Đền thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm, theo như định hướng công việc của Hội đồng Ngô tộc Việt Nam. Cho đến lúc này, anh và gia đình đã cúng tiến cho Dự án nói trên nhiều tỷ đồng (anh không cho biết chi phí, số liệu trên là do chúng tôi tự tìm hiểu từ phía các đối tác).

Quá trình thi công Dự án có gặp một số trở ngại mà giới truyên thông đã ầm ĩ một dạo, nhưng nay đã được tái khởi động để hoàn chỉnh khuôn viên, mở rộng khu vực trước nghi môn và xây dựng công trình vệ sinh theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu bức xúc của bà con mỗi khi về dự lễ-như chúng ta được mục sở thị hôm nay.  

6) Đề xuất ý tưởng lập Đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa

Kính thưa quý vị đại biểu, kính thưa bà con.

Dự án Tu bổ, Tôn tạo Di tích Đền và Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm chỉ đáp ứng được một phần mong mỏi của bà con cũng như các nhà khoa học là công trình chưa xứng tầm với vị anh hùng dân tộc, Tổ Dựng nước Trung đại, nhưng vì là một di tích cấp quốc gia nên việc tu bổ, tôn tạo bị trói bởi luật di sản, không thể làm hơn được.

Để mở lối thoát cho vấn đề đó, Thường trực HĐNT Việt Nam bàn bạc đi đến thống nhất là muốn có được một công trình tâm linh xứng tầm với vị anh hùng đã “cứu dân thoát khỏi cát lầm ngàn năm” thì phải xây dựng tại Cổ Loa, nơi Kinh đô xưa của nhà nước Âu Lạc, cũng là nơi Ngô Quyền đặt đô thiết triều trong 6 năm tại vị (939 - 944). Thường trực giao cho hai ông Ngô Quang Nam và Ngô Hữu Minh chịu trách nhiệm liên hệ và đề xuất ý tưởng đó với Viện Nghiên cữu Văn hóa Thăng Long.

Ý tưởng và đề xuất của dòng họ được các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, đặc biệt là ông Viện trưởng GS - Nhà Văn hóa, Anh hùng lao động Vũ Khiêu nhiệt liệt ủng hộ, nên đầu tháng 7 năm 2014 một Hội thảo khoa học: “Giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Ngô Quyền tại Cổ Loa. Thực trạng và giải pháp” đã được tổ chức trọng thể tại Đông Anh với sự tham dự của gần 50 nhà khoa học về lịch sử, kiến trúc, hội họa ...

Trên cơ sở kết quả Hội thảo, Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cùng các đơn vị liên quan thống nhất làm tờ trình lên các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến Hà Nội cho phép lập đề án xây dựng Đền thờ Ngô Quyền trên đất Cổ Loa với phương thức xã hội hóa.

Chi phí cho toàn bộ quá trình chuẩn bị cuộc Hội thảo do họ Ngô chịu. May mắn dòng họ được anh Nguyễn Công Thắng người Nghệ An sống ở Tp. HCM hỗ trợ 200.000.000đ.

Kỷ yếu cùa Hội thảo đã được các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long biên tập, chỉnh lý và Nhà xuất bản Giáo dục đã biên tập và in thành sách để phục vụ cho việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho Đề án của các nhà khoa học cũng như bà con trong Họ tộc vào dịp Lễ Dâng hương đầu năm 2015, cũng là Đại hội Ngô tộc toàn quốc lần thứ IX.

6) Mở Website họ Ngô.

Đây là lần thứ ba, dòng họ Ngô đã mở trang thông tin điện tử của dòng họ. Hai lần trước do không có kinh nghiệm nên đều thất bại. Lần này đã thành công tốt đẹp. Trang Web mới chính thức vận hành từ đầu năm 2015, nhưng đến thời điểm này đã có gần 100.000 lượt truy cập.

7) Mở Văn phòng Hội đồng Ngô tộc và lập Cây Phả hệ.

Những hoạt động mang ý nghĩa tâm linh của dòng họ đã gây được một tiếng vang nhất định nào đó, nhiều người trong cũng như ngoài họ Ngô cho rằng sự thành đạt của những con người họ Ngô trong thời gian gần đây về chính trị, khoa học cũng như về hoạt động sản xuất kinh doanh có một phần được âm phù, dương trợ là kết quả tất yếu của những hoạt động tâm linh của dòng họ.

Nhiều con cháu bị thúc tâm, đã có những sáng kiến đóng góp hoặc trực tiếp tham gia vào công việc của dòng họ một cách chủ động và có hiệu quả tích cực.

Xin nêu một dẫn chứng: Bốn năm trước (2010), anh Ngô Văn Tuấn đã chủ động đề xuất ý kiến mời Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam đặt trụ sở tại cơ quan anh, anh sẽ tài trợ mọi mặt cho hoạt động của Văn phòng. Nhưng như các vị đã thấy là cho đến thời điểm đó, sự hoạt động của dòng họ hãy còn rất hạn chế, nên chưa cần thiết phải thiết lập Văn phòng mà lấy nhà Trưởng, Phó ban làm nơi liên lạc, hội họp khi cần thiết. Đến đầu năm 2014, nhân HĐNT VN về dự Giỗ Tổ họ Ngô La Phù, anh Ngô Văn Tuấn lại đặt lại vấn đề đó. Trước nhu cầu của công việc dòng Họ ngày càng mở rộng, tái đề xuất của anh được Thường trực Hội đồng chấp thuận. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, ngày 29-3-2014 Văn phòng HĐNT Việt Nam đã chính thức được khai trương và đi vào hoạt động. Mọi phí tổn cho việc mở Văn Phòng do anh Tuấn tài trợ. Ngoài ra anh còn tài trợ cho việc thuê họa sĩ thiết kế Cây Phả hệ Họ Ngô, mua sắm trang phục lễ hội cho Hội đồng và cung cấp phương tiện để Thường trực hoạt động. Nếu qui ra tiền có thể đến vài trăm triệu đồng.

Nhờ có sự hỗ trợ phương tiện, nên Thường trực mạnh dạn đi vào những hoạt động tâm linh sâu hơn, rộng hơn. Nhưng một khi đã đi vào những công việc đó, khó có thể hoàn thành sau một vài chuyến đi, xin hỗ trợ nhiều quá thì ngại, do đó những người thực hiện công việc tự bỏ tiền túi thuê phương tiện và tự trang trải mọi chi phí. Dưới đây là một số công việc đã được thực hiện trong thời gian cuối năm 2014 nhờ có sự tài trợ của một Mạnh Thường Quân mới:

Thứ nhất: Tìm hiểu Đền Thượng Tiết xã Đại Hưng huyện Mỹ Đức, Hà Nội để xác minh xem nơi này có thờ bà phi Dương Phương Lan như cụ Ngô Đức Thắng đã từng viết không?

Hai lần đi tìm hiểu từ Ban quản lý di tích cũng như tìm hiểu trong dân chúng và khảo sát trên thực địa đều không cho kết quả như kỳ vọng là nơi đây chưa từng thờ một nhân vật nào như vậy. Hơn thế nữa không một người dân nào ở nơi này biết đến tên bà Dương Phương Lan. Có lẽ sự quan tâm tìm hiểu của họ Ngô về ngôi đền này đã có một tiếng vang nào đó, nên chúng tôi đã nhận được thông tin phản hồi là “hình như” bà Dương Phương Lan được thờ ở một ngôi đền nào đó gần Hương Sơn.

Muốn xác minh rõ điều này đòi hỏi dòng họ phải tiếp tục vài ba cuộc khảo sát nữa.

Xin được nói thêm rằng đền Thượng Tiết thờ Ngô Quyền chúng tôi đã được biết từ lâu và đúng 20 năm trước, năm 1995, tôi đã cùng Giáo sư Ngô Vi Thiện về làm việc với Phòng Văn hóa huyện Mỹ Đức và đã cùng lãnh đạo huyện đến dâng hương tại đền này. Những tư liệu thu thập được ngày ấy cũng chẳng khác là mấy so với những gì vừa tìm hiểu được hôm nay, nhưng khi ấy quỹ họ không có nên lực bất tòng tâm. Qua đây chúng tôi muốn giải bày là nếu có được nhiều nhà tài trợ, nhiều Mạnh Thường Quân hơn nữa thì Thường trực HĐNT Việt Nam hiện nay có thể làm được nhiều việc hơn.

Thứ hai: Phát hiện Đền Sải thờ Ngô Quyền

Trong khi tìm hiểu nhằm làm sáng tỏ thêm về đền Thượng Tiết thì nhóm nghiên cứu phát hiện ra đền Sải ở thôn Hiền Lương xã An Tiến huyện Mỹ Đức cũng thờ Ngô Quyền; hơn thế nữa chính đền Sải mới là Đền gốc sinh ra đền Thượng Tiết. Nhưng vì những lý do tế nhi của địa phương mà đền Sải chưa được công nhận Di tích bất kỳ cấp nào. Nhóm nghiên cứu cùng với cộng tác viên là các nhà khoa học đang hoàn chỉnh hồ sơ để xin nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cho ngôi Đền này.

Thứ ba: Viếng Đền Quốc tế Linh từ thờ một danh tướng nhà Ngô

Cũng giống như câu chuyện về đền Thượng tiết ở Mỹ Đức, cách nay chừng 20 năm, chúng tôi cũng đã đến dâng hương Quốc tế Linh từ ở thôn Hải Triều xã Tân Lễ huyện Hưng Hà thờ danh tướng Ngô Tôn Tư thời nhà Ngô (939 - 986). Sau khi giúp Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền sai tướng quân Ngô Tôn Tư về trấn giữ vùng hiểm địa ngả ba sông Luộc - sông Hồng. Chẳng may khi về gần đến nơi thì thuyền bị lật, Ngô Tôn Tư bị tử nạn. Dân làng an táng Ngài và lập đền thờ. Để truy ân công đức của vị tướng tài, Ngô Quyền đặc ân ban lệ Quốc tế, nghĩa là hàng năm nhà nước đứng ra làm lễ tế Ngài. Vì vậy mà nơi thờ tự Ngài mới có tên Quốc tế Linh từ.

Nhưng khoảng 50 năm trước, tỉnh Thái Bình cho khai quật mộ Ngài mang hài cốt và các đồ tùy táng về lưu giữ ở Bảo tàng Tỉnh. Chúng tôi đã biết như vậy nhưng cũng đành làm ngơ, nhưng những ngày cuối năm 2014, Thường trực HĐNT Việt Nam cùng HĐNT Thái Bình đã tổ chức một chuyến viếng thăm Quốc tế Linh từ, mục sở thị nơi xưa kia là ngôi mộ vị tướng quân thì bây giờ là một cái ao rộng hơn một sào, lòng ai nấy đều xót xa rơi lệ. Bị câu chuyện trớ trêu thúc tâm, nhóm nghiên cứu đã không dám xin hỗ trợ nữa mà tự bỏ tiền túi thuê xe mời các chuyên gia về làm việc với lãnh đạo Tỉnh và Sở Văn hóa. Để câu chuyện này kết thúc có hậu thì đòi hỏi nhiều công sức và tiền của. Ngay sau đó, anh Ngô Văn Tuấn đã cấp cho Thường trực hẳn một xe con cùng người lái để chủ động trong công việc.Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều nhà tài trợ khác san sẻ bớt gánh nặng cho hai nhà tài trợ chính nêu trên.

Cũng xin thưa rằng trong quá trình hoạt động từ trước đến nay, Ban Liên lạc cũng như Hội Đồng Ngô tộc chưa bao giờ sử dụng tiền công đức của bà con vào công việc khác ngoài việc chi phí cho lế dâng hương hàng năm; vả chăng số tiền công đức cũng chỉ đủ trang trải cho công việc đó mà thôi. Còn tất cả các hoạt động khác đều dựa vào sự hỗ trợ của các thành viên Hội đồng có điều kiện và sự tài trợ từ các nhà hảo tâm. 

Câu tục ngữ: “Có thực mới vực được đạo” xem ra thời nào cũng đúng! Một số họ như họ Vũ, họ Trần, họ Dương, .. có nguồn kinh phí dồi dào nhờ vào hoạt động của hội doanh nhân các họ đó. Nên chăng trong thời gian tới, họ Ngô ta cũng thành lập Hội Doanh nghiệp - Doanh nhân họ Ngô hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gây quỹ tài trợ cho hoạt động của dòng họ. Ý tưởng đó đã được toàn thể Hội nghị Thường trực mở rộng hôm 18 - 1 - 2015 nhất trí cao.

Thứ tư: Làm Giỗ Thanh Quốc công Ngô Khế nhân 500 năm mất tại Đồng Phang.

Trong tháng 10 (Âm lịch) Hội đồng Ngô tộc Việt Nam đã vào Đồng Phang viếng mộ Thanh Quốc công Ngô Khế, mộ Dụ Vương Ngô Từ, mộ Hán Quốc công Ngô Lan và làm giỗ lần thứ 500 Thanh Quốc công (08/10/1514 - 08/10/2014) đồng thời bước đầu tìm kiếm phương vị mộ Hưng Quốc công Ngô Kinh là cha Dụ Vương Ngô Từ, ông nội Thanh Quốc công Ngô Khế. Nhưng do thời gian hạn chế và việc chuẩn bị chưa thật chu đáo, nên chưa thu được kết quả như mong muốn.

 

B-  NHỮNG VIỆC SẼ LÀM THỜI GIAN TỚI

Kính thưa quý vị đại biểu, kính thưa bà con trong họ.

Qua báo cáo ở phần trên, chúng ta đều thấy rõ các việc cần triển khai trong năm 2015 và các năm tiếp theo của nhiệm kỳ Đại hội IX  đó là:

1. Khảo sát thực địa vùng Hương Sơn từ đó cho phép xác định bà Dương Phương Lan là ai và ai là Hoàng hậu của Đức Vua Ngô Quyền.

Giới sử học nước nhà đã căn cứ vào sách “Thiên Nam”- một tác phẩm văn học sử bằng chữ Nôm khuyết danh ra đời vào cuối thế kỷ XVII để khẳng định rằng Hoàng hậu của vua Ngô Quyền là bà Dương Phương Lan và rằng đó là con gái Dương Đình Nghệ. Rõ ràng đó là một kết luận hết sức võ đoán và vô căn cứ vì thế lẽ đương nhiên là nó mâu thuẫn với Phả họ Ngô chúng ta.

Chúng ta hãy thử xem các nhà sử học đã căn cứ vào điều gì trong tác phẩm khuyết danh đó để khẳng định một điều hết sức hệ trọng như đã nêu ở trên? Xin thưa, các vị ấy đã căn cứ vào mấy câu sau đây trong sách “Thiên nam” mô tả cuộc gặp gỡ của một đôi trai gái đã xảy ra hơn 700 năm trước ở cầu Ba Trăng vùng Thượng Phúc (tức Thường Tín):

“Như ai đã hẹn ai đâu

Qua miền Thượng Phúc tới cầu Ba Trăng

Tạo duyên định bởi xích thằng

Gặp nàng Dương thị nói năng tỏ tường”…

Dẫu chưa ai tìm được cầu Ba Trăng ở đâu, nhưng giới nghiên cứu vẫn cho rằng nàng Dương thị nói ơ đây chính là con gái Dương Đình Nghệ. Rồi căn cứ vào thần tích đền An Nhân ở Chương Mỹ cho biết bà Dương Hậu được thờ ở đền này là bà “Dương Phương Lan, người đã từng gặp Ngô Quyền ở cầu Ba Trăng và là Hoàng hậu của Tiền Vương Ngô Quyền”. Nhưng cũng như cầu Ba Trăng, các nhà khảo cứu cũng chẳng khảo được đền An Nhân ở chỗ nào. Phải chăng đền An Nhân là ngôi đền ở gần Hương Sơn như thông tin phản hồi mà chúng tôi đã nhận được?

Trách nhiệm của chúng ta là con cháu Ngài cần phải làm sáng tỏ chỗ này để bổ sung cho chính sử. Gia phả họ Ngô chúng ta chép Hoàng hậu của Đức Vương Ngô Quyền là Dương Thị Như Ngọc, con gái Dương Đình Nghệ; còn bà Dương Phương Lan là phi thứ hai. Gần đây nhân dịp chuẩn bị cho Hội thảo khoa học “Ngô Quyền với Cổ Loa”, chúng ta còn phát hiện bà phi thứ ba của Ngài được thờ ở Đền Tây Cung xã An Cầu (Phù Cừ, Hưng Yên) cùng ba công chúa là con gái bà với Tiền Ngô Vương. Và cũng trong dịp này, với sự góp sức của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Hữu Tâm, chúng ta cũng đã làm sáng tỏ truyền thuyết xưa nay nói Ngài có bà phi Đào Thị Sa ở Dục Tú Đông Anh là ngộ nhận. Bà Đào Thị Sa ở Dục Tú, Đông Anh vốn họ Đỗ đi làm con nuôi họ Đào là một người sống trong nội cung Vương Phủ tức Phủ Chúa Trịnh vào thế kỷ thứ 17, cách thời đại Tiền Ngô Vương gần 700 năm. Lấy truyền thuyết đóng mác lịch sử, có lẽ là chuyện chỉ có ở nước ta, nghe mới xót xa làm sao.

2. Phối hợp với HĐNT Thái Bình làm việc với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Bình tìm cho bằng được Hồ sơ khai quật mộ Ngô Tôn Tư ở Quốc tế Linh từ để minh xác Ngô Tôn Tư là ai. Tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc hoàn táng vị tướng quân. 

Mới đây, ngay sau Tết Ất Mùi, đại diện HĐNT Việt Nam đã về làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Thái Bình và xã Tân Lễ, đề xuất ý tưởng với lãnh đạo địa phương việc phục dựng ngôi đình thờ Ngô Quyền ở Hải Triều và có hứa với các vị lãnh đạo cùng bô lão địa phương là sẽ cúng một pho Thần tượng Ngô Vương vào hậu cung ngôi đình sau khi nó được tái thiết. Ngôi đình đã bị phá trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Bài vị và long ngai của Ngài hiện đặt tạm tại Đình Tân Triều thờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Chúng tôi được biết Đền thờ Ngô Quyền mặc dù được xây dựng trước, nhưng vì Phạm Đôn Lễ là người làng Hải Triều, tức làng Hới lại có công truyền nghề dệt chiếu ông đã học được trong một lần đi sứ Tàu cho dân làng. Vì lẽ đó mà đình thờ vị thành hoàng Phạm Đôn Lễ không bị phá dỡ, thay vào đó là phá dỡ ngôi đình thờ một vị vua có công trung hưng đất nước. Do vậy mới dẫn đến nghịch cảnh trớ trêu là đem vị Tổ trung hưng đất nước đến “ở nhờ” nhà một vị quan là thần dân của đứa cháu rể 16 đời của Ngài là Lê Thánh Tông. Đây là điều trăn trở trước hết ở dân làng Hới đã từ bao đời nay, bây giờ mới có điều kiện thổ lộ ra ngoài, chứ không phải do chúng ta khơi gợi.

3. Làm mọi công việc cần thiết để Đền Sải ở thôn Hiền Lương được công nhận Di tích Lịch sử.

4. Bổ sung nhân sự và kinh phí để duy trì tốt Website. Sau một thời gian vận hành cần rút kinh nghiệm về số lượng cũng như chất lượng các chuyên mục. Mỗi thành viên trong Thường trực HĐNT Việt Nam cũng như mỗi một chi họ, dòng họ phái có trách nhiệm cung cấp bài vở phù hợp với Trang Web, động viên con cháu truy cập, đóng góp bài vở và quảng bá cho trang thông tin điện tử của dòng Họ. Địa chỉ của Website là: ngotoc.vn xin bà con truy cập để tra cứu gia phả, phả hệ và tìm hiểu các thông tin về dòng họ, đóng góp ý kiến và gửi bài viết về hoạt động của dòng họ, chi họ mình cũng như những tư liệu liên quan đến dòng họ Ngô được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà mình được đọc về cho Website theo địa chỉ hộp thư điện tử: ngotocvn@gmail.com.

Chúng tôi cũng xin trân trọng kính báo với bà con trong họ là bắt đầu từ sau Đại hội Ngô tộc lần thứ IX này, mọi thông tin mà HĐNT Việt Nam muốn truyền đạt đến các dòng họ, chi họ cũng như bà con đều thông qua Website chứ không dùng thư tín như xưa nay vừa mất rất nhiều thời gian vừa tốn công sức, tiền bạc. Do đó, ngay sau đây chi họ nào đã có địa chỉ email xin báo cho Văn phòng Hội đồng theo địa chỉ trên.

5. Khảo sát một lần nữa huyệt mộ Hưng Quốc công Ngô Kinh ở Đồng Phang. Nếu may mắn tìm được thì dòng họ sẽ vận động quyên góp để xây dựng lăng mộ Ngài thật hoành tráng xứng tầm với một vị Quốc công được sánh ngang với Tiêu Hà của nhà Hán ở Trung Quốc.

6. Hoàn chỉnh hai tập bộ PHẢ HỆ HỌ NGÔ VIỆT NAM để chuẩn bị tái bản vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016. Chi họ nào chưa cung cấp Gia phả họ mình cho Thường trực xin khẩn trương gửi ngay kẻo không kịp. Các dòng họ, chi họ cần cử người biết sử dụng máy vi tính đến Văn phòng HĐNT Việt Nam tại số 309 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên để in phần Phả hệ họ minh về kiểm tra và sửa chữa chỗ sai, bổ sung chỗ thiếu để cho ấn phẩm để đời này hoàn mỹ cả về nội dung lẫn hình thức. Hiện đã có một nhà tài trợ cho ấn phẩm. Đó là anh Ngô Văn Ký họ Phú Cát, Quốc Oai hứa sẽ tài trợ 50.000.000đ. Số tiền các nhà tài trợ sẽ chuyển trực tiếp đến NXB chứ Hội đồng không nhận để nhập vào Quỹ họ.

7. Tìm cách để mở tài khoản của HĐNT Việt Nam.

HĐNT Việt Nam đã hai lần mở tài khoản tại Ngân hàng, nhưng tài khoản đó lại “nấp bóng” tài khoản cá nhân, gây sự hiểu lầm. Lần này, trong cuộc họp Thường trực mở rộng ngày 18 - 1 - 2015 đã quyết định ngay sau cuộc họp sẽ mở một tài khoản mới độc lập của Hội đồng. Chúng tôi đã khẩn trương xúc tiến việc này, nhưng vẫn chưa giải quyết được. Vì theo quy đinh của Ngân hàng, do HĐNT Việt Nam chưa có đủ “tư cách pháp nhân”, biểu hiện bằng con dấu của HĐNT Việt Nam chưa phải con dấu tròn, hình quốc huy nên chưa giải quyết cho mở tài khoản độc lập. Sau Lễ Dâng hương, Thường trực HĐNT sẽ họp bàn giải quyết vướng mắc đó để mở cho được tài khoản mới, tạo điều kiện và niềm tin để bà con họ Ngô cả nước cũng như các nhà hảo tâm yên tâm gửi tiền cúng tiến, tài trợ cho các chương trình hoạt động của dòng Họ trong năm 2015 cũng như những năm về sau .

8. Làm cây phả “Quận công”.

Họ Ngô ta có ba hiện tượng có thể ghi vào sách kỷ lục Guinness Việt Nam, một trong số đó thuộc về họ Ngô Lý Trai, Diễn Châu, Nghệ An với Hiện tượng “Phụ tử đồng khoa”. Hai cha con cụ Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa cùng đỗ đại khoa trong một khoa thi năm Nhâm Thìn (1592) chỉ lấy đỗ 3 người. Hiện tượng độc nhất vô nhị này đã được Hội đồng xác lập Kỷ lục quốc gia Việt Nam ghi nhận và cấp bằng vinh danh năm 2013. Theo sự nghiên cứu của của chúng tôi thì còn có hai hiện nữa cũng đáng được vinh danh đó là một Họ có đến 18 vị Quận công và một Họ có đến 10 vị đỗ đại khoa. HĐNT Việt Nam nhận thức rằng, muốn cho xã hội tôn vinh thì trong dòng họ phải tôn vinh trước đã, vì vậy chúng tôi đã đặt làm một bức tranh khảm đá quý trước hết cho CÂY QUẬN CÔNG kích thước lỗ ban phủ bì 167x125cm, đến 25/Giêng Ất Mùi sẽ có sản phẩm xin ý kiến Thường trực. Nếu Thường trực duyệt được sẽ tiếp tục làm CÂY TIẾN SĨ và cũng có thể làm cả CÂY PHẢ HỌ NGÔ. Các “CÂY” này trước hết dùng để trang trí Văn phòng HĐNT Việt Nam, đưa lên Website để quảng bá hình ảnh dòng ho. Riêng hai CÂY QUẬN CÔNG và CÂY TIẾN SĨ sẽ làm một bức khác để tặng cho Họ Trảo Nha và Họ Tam Sơn.

9. Lập Hôi Doanh nghiệp - Doanh nhân họ Ngô.

Trong cuộc họp Thường trực HĐNT Việt Nam Mở rông ngày 18 - 1 - 2015 như đã báo cáo ở phần trên, tất cả các thành viên tham dự họp đều nhất trí với ý tưởng đó. HĐNT Việt Nam kêu gọi các dòng họ, chi họ cũng như các cá nhân là con cháu dòng họ Ngô Việt Nam đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hãy đem hết khả năng trí tuệ, chung tay góp sức cùng nhau làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, trích một phần lợi nhuận tài trợ cho hoạt động của dòng Họ, góp phần tôn vinh tổ tiên dòng tộc. HĐNT Việt Nam cũng kêu gọi HĐNT các cấp, HĐ Gia tộc các Họ động viên, khích lệ con em Họ mình nằm trong đối tượng nêu trên tham gia vào Hội Doanh nghiệp - Doanh nhân họ Ngô. Đến ngày 25/Giêng Ất Mùi tức 15 - 3 - 2015, Thường trực HĐNT nhiệm kỳ IX sẽ họp phiên đầu tiên để phân công và bàn kỹ thêm vấn đề này. Các chi họ hoặc cá nhân đề cử người tham gia Hội Doanh nghiệp - Doanh nhân Họ Ngô xin gửi tin nhắn về Văn phòng Hội đồng Ngô tộc VN.

10. Để HĐNT Việt Nam đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ ngày càng quan trọng và nặng nề trong thời gian tới, HĐNT Việt Nam nói chung và đặc biệt là Thường trực Hội đồng cần được bổ sung và củng cố đủ mạnh. Việc này sẽ được bàn kỹ ngay sau đây, trong Đại hội này.

Thay mặt HĐNT Việt Nam xin chân thành cảm ơn sự có mặt của các vị đại biểu, các vị khách mời đã đến tham dự buổi Lễ Dâng hương. Một lần nữa xin kính chúc quí vị một năm mới Ất Mùi gặp nhiều may mắn và hạnh phúc. Cho phép tôi được thay mặt HĐNT Việt Nam chân thành cảm ơn Ban Lễ hội và các cụ bô lão thôn Cam Lâm đã giúp đỡ tạo mọi điều kiện thuận lợi góp phần làm nên thành công của buổi Lễ.

Xin Cảm ơn

 

Hà Nội, 8 – 3 - 2015 tức 18 tháng Giêng Ất Mùi

Hội đồng Ngô tộc Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập121
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm118
  • Hôm nay27,822
  • Tháng hiện tại641,185
  • Tổng lượt truy cập48,819,075
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây