Chuyến thăm họ Ngô Thuỵ Hương và khởi đầu hành trình đi tìm cội nguồn của họ Ngô Phú Cát - Quốc Oai, Hà Nội

Thứ ba - 25/11/2014 23:10

Chuyến thăm họ Ngô Thuỵ Hương  và khởi đầu hành trình đi tìm cội nguồn của họ Ngô Phú Cát - Quốc Oai, Hà Nội

Ngày 18 tháng 10 năm 2014 Hội đồng Ngô tộc Việt Nam tổ chức chuyến đi thăm, làm việc với họ Ngô xã Thụy Hương, huyện Chương mỹ, đồng thời kết hợp cùng họ Ngô Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội đi tìm cội nguồn, chắp nối dòng Họ

Lần tìm đầu mối

Trong một lân gặp gỡ lam việc với Hội đồng Ngô tộc Việt Nam, Họ Ngô Phú Cát, huyện Quốc Oai gửi ông Ngô Vui một bản phả đồ mới dựng và cho biết: chi họ không còn phả gốc, những gì biết được hiện nay chỉ là những lời truyền ngôn từ các cụ.

Theo đó, dòng họ Ngô ở Phú Cát có nguồn gốc từ đằng trong, do bị truy sát, nên trốn chạy về vùng Hà Đông lánh ẩn không rõ bao nhiêu năm. Thế rồi lại bị truy sát lần nữa, nên chạy trốn vào thôn Đại Phu xã Liệp Tuyết đổi sang họ Đàm. Sau một thời gian, ông trưởng chuyển cư vào Lá Bét tức là Giã Cát, Phú Cát ngày nay.

 Sau khi vào Lá Bét, làm ăn khá giả, thời thế ổn định, ông trưởng quay về Đại Phu định mang mộ bố, mẹ về Lá Bét, nhưng các em không cho, ông cùng con cháu ban đêm đào trộm được mộ bố mang về. Vì thế nên hiện ở Phú Cát chỉ có mộ Tổ Ông chứ không có mộ Tổ Bà.

Họ Ngô Phú Cát từ đời thứ 3 trở đi rất hưng thịnh, anh em con cháu đều khá giả. Nhưng sau đó, ông trưởng chi I cũng tức là trưởng tộc bỏ họ theo đạo Thiên chúa mà đốt mất gia phả. Vì vậy, Họ không còn gia phả như đã nói ở trên. Các cụ trong họ cho biết vào khoảng năm 1945, có một ông ở Hà Đông tìm đến, nhưng vì họ Phú Cát không còn gia phả nên không thể kết nối với nhau. Đến năm 1949 lại có người nữa cũng từ Hà Đông tìm đến, nhưng cũng không kết nối được như lần trước.

Từ những nội dung dòng họ cung cấp, ông Ngô Vui đưa ra nhận định:  những chi tiết về nguồn gốc  của chi họ cho thấy, vị tổ của họ Ngô từ Đàng Trong bị truy đuổi không chỉ một mà đến hai lần, chạy trốn ra vùng Hà Đông có thể liên quan đến một vị tướng lĩnh nào đó của nhà Tây Sơn chăng?

Từ một bức thư tay

Năm 1996, trong buổi lễ dâng hương Tiền Ngô Vương tổ chức tại Hà Nội, một người đến gửi cho ông Ngô Vui bức thư tay, đề nghị Ban Liên lạc Họ Ngô Việt Nam giúp đỡ chắp nối, tìm ra xuất xứ của dòng họ. Trong thư có nêu rõ một số chi tiết: Thủy Tổ của Họ là Ngô Phúc Bình, từ xứ Lam Điền, Nghệ An về đất Thụy Dương làm nghề dạy học từ thế kỷ XVI. Cụ là con thứ hai cháu nội Nhiệm Võ hầu. Cụ sinh được 5 con, phạt 1 còn 4, sau này là Tổ của 4 họ. Theo đó, Tổ thứ nhất sinh được 3, phạt 1 còn 2 chi; Tổ thứ hai sinh được 2, phạt 1 còn 1 chi; Tổ thứ ba sinh được 3 thành 3 chi, và là người mở ra thôn Phú Bến; Tổ thứ tư có 1 chi nhưng theo đạo Thiên Chúa. Chi 3 của Tổ thứ ba đến đời 5, 6, 7 thì đổi sang họ Lê, tức

cha con Lê Ngô Cát. Cuối thư có viết thêm: khi liên lạc hỏi Ngô Văn Tám hoặc Ngô Chỉnh, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Tây.

Căn cứ nội dung bức thư, qua nghiên cứu lịch sử Họ Ngô Việt Nam và một số bản phả cổ liên quan, ông Ngô Vui đi đến kết luận họ Ngô Thụy Hương xuất xứ từ họ Trảo Nha, họ có tướng quân Ngô Văn Sở nổi tiếng thời Tây Sơn. Ông muốn trao đổi lại với họ Ngô Thụy Hương, tuy nhiên, sau khi gửi lá thư đó, không thấy ông Tám hoăc một ai khác của dòng họ liên lạc lại.

Cũng từ hai sự kiện trên, ông Ngô Vui đưa ra nhận định: có những dấu tích cho thấy họ Ngô Phú Cát – Quốc Oai có mối quan hệ gần gũi nào đó với họ Thụy Hương – Chương Mỹ, đồng thời gợi ý họ Phú Cát nên về Thụy Hương tìm hiểu thêm, trước mắt xác minh xem năm 1945, 1949 có ai đó thuộc họ này đã tìm về Phú Cát không.

Đi tìm tác giả bức thư

Đoàn chúng tôi gồm 3 thành viên Hội đồng Ngô tộc Việt Nam (các ông: Ngô Vui chủ tịch Hội đồng, Ngô Quang Xuân, Ngô Văn Xuân, Ủy viên Hội đồng) và 4 thành viên họ Ngô Phú Cát ( các ông: Ngô Văn Thiệu, Ngô Văn Vinh, các anh: Ngô Văn Tuyến, Ngô Văn Ký ). Chúng tôi xuất phát tư 8 giớ, đi qua Hà Đông, rẽ theo  Quốc lộ số 6,  đến Thị trấn Chúc Sơn xe tạm dừng, lái xe giở xem bản đồ định vị vệ tinh trên điện thoại, xác định hướng đi rồi đi một mạch tới  xã Thụy Hương. Đến đầu làng dừng xe hỏi thăm đường vào nhà ông Ngô Văn Tám thì vừa lúc có người đi xe máy qua, bảo cứ đi theo, anh sẽ dẫn đường đến nhà ông Tám.

Ven theo đường làng mấy thôn trong  xã Thụy Hương, đường trải bê tông dễ đi nhưng quanh co, lắm rẽ, khoảng gần 2 Km thì chúng tôi đến nơi. Bà Cúc vợ ông Tám ra tiếp đón, mời chúng tôi vào nhà. Thì ra ông Tám hiện là bí thư đảng ủy xã, lúc đó đang chủ trì cuộc họp Đảng ủy ngoài trụ sở Ủy ban nên không về tiếp chúng tôi được. Khi đưa bức thư hỏi, bà Cúc bảo rằng chữ trong thư không phải chữ của chồng bà. Như vậy thư không phải do ông Tám viết.  Bà mời chúng tôi uống nước rồi giới thiệu và bảo cô em chồng dẫn chúng tôi sang gặp ông Ngô Văn Hồng, một người em họ của ông Tám, có nhiều hiểu biết về dòng Họ.

 Vào nhà, ông Hồng tỏ ra rất phấn khởi, vui mừng khi được gặp gỡ đoàn. Ông pha nước mời chúng tôi uống rồi giới thiệu sơ lược về họ Ngô xã Thụy Hương. Khi hỏi về bức thư thì ông cho rằng, đây nhiều khả năng là bức thư do bác ruột ông tên là Ngô Trọng Khế viết. Trước đây cụ nhiều lần đi dự lễ dâng hương tổ chức ở Hà Nội. Cụ đã mất cách đây 6 năm. Như vậy, chúng tôi đã đến đúng địa chỉ cần tìm, việc ai là tác giả bức thư đến lúc này không còn là vấn đề quan trọng nữa. Tiếp đó ông Hồng gọi điện thoại cho ông trưởng tộc, báo cáo việc đoàn về thăm và đề nghị tiếp đoàn. Ông trưởng tộc hẹn tiếp và làm việc với chúng  tôi tại nhà thờ họ ở thôn Phú Bến bên cạnh.

Kết quả làm việc

Làm việc với Hội đồng Gia tộc Thụy Hương

Tại nhà thờ họ Ngô Thụy Hương, sau khi nghe ông Ngô Vui giới thiệu mục đích chuyến đi và các thành viên trong đoàn, ông Ngô Kế Vũ thay mặt Hội đồng Gia tộc  giới thiệu những nét chính về họ mình, về nhà thờ họ và về tình hình bảo quản lăng mộ danh nhân Lê Ngô Cát…

Theo giới thiệu, Họ Ngô Thụy Hương có 4 (cụ) Tổ với 7 chi họ, hiện ngụ cư tại 4 thôn trong xã là: Tân An, Phú Bến, Chúc Đồng và Trung Tiến. Trong Họ hiện có gần 800 suất đinh, hàng năm tổ chức giỗ Tổ tại nhà thờ Đại Tộc với trung bình trên 200 người tham dự. Nhà thờ họ được xây dựng từ năm 1953, địa điểm tại thôn Phú Bến. Họ tộc tổ chức hội đồng Gia tộc họ Ngô, gồm đại diện của các chi họ. Hội đồng Gia tộc, Chủ tịch và Thư ký Hội đồng được Họ bầu ra hàng năm. Kể từ Thủy Tổ đến nay Họ đã có 17, 18 đời.

Ông Ngô Vui thông báo, theo kết quả nghiên cứu có thể khẳng định họ Ngô Thụy Hương có nguồn gốc từ họ Trảo Nha ((Hà Tĩnh), họ có danh tướng Ngô Văn Sở thời Tây Sơn, đồng thời có những bằng chứng cho thấy họ Phú Cát (Quốc Oai) cũng xuất xứ từ đây. Ông giới thiệu đại diện họ Ngô Phú Cát trình bày những đặc điểm của họ mình để hai bên xem xet. ông Ngô Văn Thiệu thay mặt giới thiệu một số đặc điểm chính của họ Phú Cát, mong muốn hai bên nghiên cứu kỹ thêm để có thể tìm được những chứng cứ liên quan để đi đến chắp nối hai họ.

Theo nội dung trình bày của hai họ, thấy có nhiều điểm tương đồng hoặc có liên quan mật thiết. Các cụ Phú Bến cho biết, khi xây dựng từ đường đã mời thợ Quốc Oai về làm; họ Phú Cát thì cho biết thông tin truyền lại, trước đây có năm vùng Thụy Hương bị ngập lụt, đình làng bị đổ, dân Phú Cát đã dùng thuyên chở vật liệu ở đó đưa về xây tại quê nhà; tên hai vùng đất Phú Bến và Phú Cát cũng cho những cảm nhận gần gũi … Những chi tiết đó tới đây nên được tìm hiểu kỹ trong quá trình nghiên cứu.

Viếng mộ danh nhân Lê Ngô Cát

Mộ danh nhân Lê Ngô Cát
Mộ danh nhân Lê Ngô Cát

Kết thúc buổi làm việc, chúng tôi ra mộ thắp hương viếng danh nhân Lê Ngô Cát, người có công lớn trong việc biên soạn cuốn Đại Nam Quốc sử Diễn ca, một cuốn sử nước nhà được viết theo thể thơ Nôm. Trước đây từng được nghe nói đến việc tranh chấp đất đai dẫn đến vi phạm khu di tích nhà thờ và lăng mộ Lê Ngô Cát, nay đến nhìn tận mắt mới thấy thật sự bất bình. Do tranh chấp, cổng vào khu mộ bị khóa chặt, người ta không cho con cháu dòng Họ vào thắp hương, quét dọn, cắt cỏ. Cả khu mộ cỏ mọc um tùm như bãi phế hoang. Mộ cụ Lê Ngô Cát dường như đã lâu không được hương khói.

Đôi điều suy nghĩ

Có một số điều rất đáng suy nghĩ, còn đọng lại trong đầu chúng tôi trong chuyến đi này. Trên đường về chúng tôi đã trao đổi với nhau rất nhiều về nó.

Thứ nhất, đến giờ phút ấy chuyến đi đã được tuyệt đối an toàn và gặp nhiều may mắn, mọi việc đều diễn ra suôn sẻ, hanh thông. Đặt giả thiết, nếu như khi mới đến đầu làng không gặp người tự nguyện dẫn đường thì với đường xá quanh co trong xã, phải mất hàng tiếng đồng hồ mới có thể tìm được đến nơi! Nếu không có sự nhiệt tình của ông Hồng và sự có mặt đông đủ của các ông trong Hội đồng Gia tộc họ Ngô Thụy Hương thì đâu có buổi làm việc đạt hiệu quả như thế! Và cả việc ra viếng mộ cụ Lê Ngô Cát cũng vậy … Phải chăng các cụ Tổ Tiên đã phù hộ cho con cháu khi đi làm việc nghĩa? Phải chăng hai họ đã có mối liên hệ nào đó, họ Ngô Phú Cát đã tìm đúng địa chỉ cần tìm?

Thứ hai, theo các cụ họ Ngô Thụy Hương cho biết, và theo chữ ghi ở cuốn thư  phía trên khám thờ, nhà thờ Họ được xây dựng vào mùa Đông năm Quý Tỵ - 1953. Đây là thời điểm miền Bắc bắt đâu giai đoạn  “giảm tô, cải cách ruộng đất”. Khi đó đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Những năm sau đó phong trào “Chống phong kiến”, “Bài trừ mê tín dị đoan” hừng hực lên cao. Ở nhiều nơi khác các công trình đình chùa, miếu mạo, đền đài và một số công trình văn hóa khác không những không được xây dựng mà còn bị đập phá, san phẳng. Thế mà bà con trong Họ vẫn xây dựng và giữ được nhà thờ họ, đây thật là điều ngoài suy nghĩ và đáng nể phục.

Thứ ba, nhà thờ danh nhân Lê Ngô Cát, một di tích lịch sử cấp nhà nước bị chính con cháu trong dòng Ho phá bỏ để xây nhà ở trên nền đất cũ trước sự bất lực và làm ngơ của chính quyền địa phương. Điều này gây nên sự phẫn nộ, bất bình trong công luận, đồng thời cũng là việc  đau lòng đối với con cháu trong dòng Họ. Hiện nay bà con trong Họ và nhân dân địa phương đang phải tiếp tục đấu tranh đòi trả lại thực trạng ban đầu.

 

Dù sao chúng tôi cũng có một chuyến đi thành công với nhiều ý nghĩa . Hy vọng thời gian tới họ Ngô Phú Cát và họ Ngô Thụy Hương sẽ tiếp tục giữ mối liên hệ chặt chẽ, tìm ra những dấu tích thuyết phục để có thể kết nối vững chắc trong quan hệ một nhà.

NVX

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập166
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm155
  • Hôm nay45,585
  • Tháng hiện tại148,173
  • Tổng lượt truy cập48,326,063
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây