Chế độ khoa cử và Tiến sỹ xưa

Chủ nhật - 15/05/2022 18:04

Ở nước ta, trước đây đỗ Tiến sỹ Nho học rất khó, ai đỗ thì là người thực sự có tài, được vinh hiển, được xã hội tôn quý, được Triều đình trọng dụng, một số còn được vua ban gả công chúa, quận chúa...
Trường thi thời Nguyễn (ảnh Internet)
Trường thi thời Nguyễn (ảnh Internet)

Tiến sỹ xưa là tiến sỹ nho học (TSNH), có sớm nhất, từ thời nhà Tùy (Trung Quốc) vào đầu thế kỷ thứ VII. Tiến sỹ hệ Âu - Mỹ có muộn hơn, từ đầu thế hế kỷ XIII. Tiến sĩ hệ Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu có từ đầu thế kỷ 20.
TSNH học và thi các môn xã hội (triết học, lịch sử, đạo đức, tôn giáo, luật lệ, thơ phú...) trong khuôn khổ Nho học, có bàn luận chính sự, phương cách trị quốc. Các TSNH đầu tiên của người Việt là đỗ đạt ở một số triều đại phong kiến bên Trung Quốc, nhưng không nhiều, vả lại sử sách cũng không ghi chép đầy đủ. Đời nhà Đường, vào năm 758, có hai anh em (quê Huyện Yên Định, Thanh Hóa), anh là Khương Công Phụ, đỗ Trạng nguyên, làm đến chức Thượng thư; em là Khương Công Phục, đố Tiến sỹ, được bổ nhiệm làm Lang trung, Bộ Lễ. Về sau, khi khoa bảng nước ta phát triển thì số đi du học càng ít, chế độ phong kiến Trung Quốc cũng thắt chặt, khống chế mỗi khoa thi người Việt không quá 8 người đối với thi Tiến sỹ, không quá 10 người đối với thi Cử nhân. Suốt gần 600 năm (1313 - 1904) đời nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh chỉ có hai người Việt đậu Tiến sỹ. Bia Tiến sỹ ở Khổng miếu Bắc Kinh ghi danh hơn 51 ngàn Tiến sỹ của ba triều đại, trong đó có hai người Giao Chỉ (người Việt). Người đứng vị trí thứ 52 là Lê Dung (Thanh uy, tức là Thanh Oai, Hà Nội ngày nay). Người thứ hai đứng vị trí thứ 80 là Nguyễn Cần (Đa Dực nhân, tức là Huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình ngày nay).
Ở Việt Nam, khoa thi Nho học trình độ T\iến sỹ đầu tiên là “Minh kinh Bác học” vào năm 1075 (đời nhà Lý). Sau đó, khoa cử được hoàn thiện và ổn định dần với ba kỳ thi là thi Hương, thi Hội, thi Đình. Định kỳ tổ chức khoa thi khác nhau, đời nhà Lý 12 năm, đời nhà Trần 7 năm, đời nhà Lê cho đến nhà Nguyễn 3 năm. Thời nhà Lý có khoa thi cả toán. Đời nhà Hồ thi cả toán và thư pháp. Thời Nhà Mạc, thi cả bài phú thơ Nôm, về sau đến thời Vua Quang Trung, chữ Nôm được dùng nhiều hơn trong khoa cử. Thời nhà Nguyễn (thuộc Pháp), có thi bài luận bằng cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Kỳ thi tiếng Pháp (dịch Pháp văn ra Quốc ngữ) lúc đầu là tự nguyện, không bắt buộc, nhưng ai đạt trên 10 điểm, sẽ được cộng vào kỳ thi. Về sau, có thi văn chương, toán, sử hoặc địa hay khoa học thường thức và làm bài bằng chữ Quốc ngữ. Đề thi một số môn bằng tiếng Pháp, thí sinh phải dịch ra mới làm được. Học vị Tiến sỹ tên gọi cũng khác nhau: Minh kinh Bác học (thời nhà Lý); Thái học sinh (Thời hậu nhà Lý, nhà Trần, Nhà Hồ). Bắt đầu từ thời nhà Trần, Mạc, nhà Hậu Lê cho đến hết khoa bảng Nho giáo đời nhà Nguyễn (năm 1919) là Tiến sĩ. Một thời gian dài, Tiến sỹ được phân hạng Tam Giáp. Tiến Sĩ Đệ Tam Giáp (TS bậc 3); Tiến Sĩ Đệ Nhị Giáp (TS bậc 2); Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp (TS bậc 1). Tiến Sỹ Đệ Nhất Giáp gồm 3 thí sinh đỗ cao nhất gọi là Tam khôi: đỗ hạng ba là Thám Hoa (ông Thám), hạng nhì là Bảng Nhãn (ông Bảng), đỗ đầu là Trạng Nguyên (ông Trạng). Đến đời Nhà Nguyễn, bắt đầu từ năm 1828, vua Minh Mạng bỏ phân hạng, mà lấy Tiến sỹ gồm những người đủ điểm đỗ (gọi là đỗ chính bảng), còn ai đậu vớt (gần đủ điểm) thì lấy Phó bảng (có thể coi là TS bậc 2)
Nhìn chung, thi Tiến sỹ từng giai đoạn được cải tiến ít nhiều, nhưng cơ bản vẫn mô phỏng theo khoa cử Nho học Trung Quốc. Mỗi khoa thi có 4 kỳ thi: 
Kỳ I: Kinh nghĩa, Thư nghĩa: (Trình bày, giải nghĩa vấn đề được hỏi trong 9 bộ sách chủ yếu của Nho giáo là Tứ thư, Ngũ kinh). 
Kỳ II: Chiếu, Chế, Biểu (soạn thảo các văn bản hành chính như Chiếu (mệnh lệnh Vua ban), Chế (luật lệ Vua ban), Biểu (lời tâu của quan dưới báo lên Vua)... 
Kỳ III: Thơ phú (Sáng tác thơ theo chủ đề). 
Kỳ IV: Văn sách (Viết bài văn tự luận theo chủ đề). Độ khó từng kỳ tăng lên theo từng khoa thi. Ai đỗ khoa trước mới được thi khoa sau.
Thi Tiến sỹ là để tím kiếm người tài và bổ nhiệm làm quan. Lý lịch của thí sinh phải ba đời trong sạch và phải là nam giới mới được dự thi (Đời nhà Mạc có một Tiến sỹ nữ duy nhất là Nguyễn Thị Duệ, cải trang nam đi thi đỗ năm 1616). Để được đỗ Tiến sỹ, thí sinh phải thông hiểu toàn diện kiến thức Nho học, cả về triết học, lịch sử, tôn giáo, địa lý, thiên văn, luật lệ, chính trị, thậm chí cả binh pháp, gắn với hiểu biết thực tế và biết vận dụng để luận bàn phương cách trị quốc, bảo vệ và phát triển đất nước. Ngoài ra, thí sinh phải không phạm lỗi kiếm tỵ (lỗi phạm húy, dùng những từ ngữ cấm kỵ), lỗi kiếm trang (dùng từ ngữ thô tục về ngữ nghĩa và phát âm), lỗi viết không chân phương, xấu, thiếu nét, chỉnh sửa nhiều (quá 10 chữ). Còn ai vi phạm nặng thì không những bị hủy bài thi mà còn bị bắt đeo gông, đánh đòn (40 - 100 roi), thậm chí bỏ tù và xử tội chết... Vì thi Tiến sỹ là để bổ nhiệm làm quan từ hàng tỉnh đến trung ương, nên số lấy đỗ rất ít. Ví dụ, khoa thi năm 1514, có 5.700 thí sinh, lẫy đỗ 43 Tiến sỹ. Khoa thi năm 1623 có 3.000 thí sinh, lẫy đỗ 7 người. Trong suốt 845 năm từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919, cả thảy có 195 khoa thi, lấy đỗ 3.515 Tiến sỹ nhưng đến nay chỉ lưu giữ được danh tính 2.889 người (bao gồm 266 Phó bảng), 47 Trạng nguyên, 50 Bảng nhãn, 80 Thám hoa (Có tài liệu ghi 185 hay 193 khoa thi, 2.970 hay 2.898 người đỗ). Tính chung, bình quân mỗi khoa thi lấy 15 - 20 người đỗ. Từ đời Đường bên Trung quốc, dân gian nói rằng, đố Cử nhân 30 tuổi đã là già, đỗ Tiến sỹ 50 tuổi vẫn còn trẻ, ý nói đỗ Tiến sỹ rất khó. Vì vậy, ai đỗ Tiến sỹ được người đương thời tôn quý, được Vua cho khắc vào bia đá.
Ở nước ta cũng vậy, đỗ Tiến sỹ Nho học rất khó, ai đỗ thì là người thực sự có tài, được vinh hiển, được xã hội tôn quý, được Triều đình trọng dụng, một số còn được vua ban gả công chúa, quận chúa... Bắt đầu từ năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng các bia Tiến sỹ đầu tiên, sau đó bổ sung dần. Ở Văn miếu Quốc tử giám (Thăng Long - Hà Nội), hiện có 82 bia, ghi danh 1.304 Tiến sỹ các đời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung hưng (1442 -1779). Có tài liệu nói có 116 bia, nhưng đến nay chỉ lưu giữ được 82 bia. Còn ở Văn miếu Huế có 32 bia ghi danh 293 Tiến sỹ triều Nguyễn. Tiến sỹ được bổ nhiệm làm quan cấp tỉnh và cấp trung ương. Nhiều người làm đến chức Thượng thư, hoặc quan đứng đầu Quốc Tử giám, Hàn lâm viện, có người làm đến chức Tể tướng, có người trở thành tướng giỏi (như Nguyễn Quán Nho, Lê Như Hổ, đời nhà Lê). Có người là Lưỡng quốc Trạng nguyên như Mạc Đỉnh Chi (đời nhà Trần), Nguyễn Trực, Nguyễn Đăng Đạo (đời nhà Lê Trung hưng)... Tất cả đều có công đối với triều định, với đất nước. Nhiều TSNH đã trở thành danh nhân như Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Thế Vinh...

(Theo FB Phan Đức Ngữ)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập63
  • Hôm nay15,090
  • Tháng hiện tại463,620
  • Tổng lượt truy cập40,300,782
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây