Đôi nét về tục tảo mộ cuối năm

Thứ sáu - 06/01/2023 17:04

Lễ tảo mộ cuối năm hay còn gọi là lễ chạp mả, thường được các gia đình, dòng họ tổ chức vào cuối tháng Chạp hàng năm. Đây là nét đặc trưng của đạo thờ Tổ tiên trong văn hóa cổ truyền của người Việt.
 
Nghĩa trang ngày tảo mộ (ảnh Internet)

Trong quan niệm của người Việt, năm cũ đi qua, đón mừng năm mới, mọi thứ đều phải được chỉnh trang, sắm sửa cho sạch sẽ, khang trang, mới mẻ kể cả cho người ở dương gian và những người đã khuất. Vì vậy, cuối năm là dịp các gia đình, dòng họ tổ chức đi tảo mộ nhằm quét dọn, sửa sang lại mộ phần cho gọn gàng sạch đẹp đồng thời mời ông bà tổ tiên về ăn Tết với gia đình, con cháu.
 
Trước đây điều kiện còn khó khăn, mộ phần chủ yếu được đắp bằng đất. khi đi tảo mộ người ta thường phải mang theo cuốc, xẻng, dao phát để sửa sang, đắp điếm thêm cho những ngôi mộ bị khuyết lõm, sạt lở, phát quang cây cối... Ngày nay do điều kiện kinh tế phát triển, ở khu vực thành thị cũng như nhiều khu vực thôn quê, mộ phần đã được xây cất khang trang, nhiều gia đình, dòng họ có điều kiện tổ chức ốp đá, gạch men sáng bóng, đi tảo mộ người ta chỉ cần mang theo chổi quet, giẻ lau để quét dọn, lau chùi cho mộ phần sạch sẽ.

Lễ vật mang theo cũng tùy theo tục lệ từng địa phương, dòng họ, chủ yếu thường là hương, hoa và trái cây. Nhiều dòng họ, nhất là ở nông thôn, khi đi tảo mộ cuối năm con cháu chỉ mang theo hương để thắp cắm trên mộ chứ không đem theo lễ lạt gì khác; người ta chỉ bày lễ ở mộ trong những dịp giỗ tổ long trọng hay hành lễ tạ mộ. Tuy nhiên cũng có gia đình đi tảo mộ mang theo đồ lễ rất phong phú: cả trà, rượu, trầu cau, bánh trái, tiền vàng…; có gia đình còn chuẩn bị cả xôi chè hoặc lễ mặn thật sự cầu kỳ. Lễ vật dù là giản đơn hay cầu kỳ, điều quan trọng phải thể hiện được sự thành kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và những người đã khuất.

Sau khi mộ phần được sửa sang, quét dọn, lau chùi sạch sẽ, trên ban lễ mộ, đồ lễ được bày biện trang nghiêm, con cháu thắp hương dâng lên, thành kính khấn vái cung thỉnh ông bà, Tổ tiên và những người đã khuất 30 Tết về ăn tết với con với cháu. Khi thắp hương dâng lễ cho các ngôi mộ nhà mình, theo truyền thống láng giềng tương thân, ngọt bùi chia sẻ, con cháu không quên cắm cho các ngôi mộ xung quanh mỗi ngôi một nén. Ở các khu nghĩa trang có xây ban thờ riêng thờ Thần linh Thổ địa, trước khi thắp hương mời gia tiên, người ta phải đến thắp hương kính cáo Thần linh cai quản khu vực trước.

Tảo mộ cuối năm còn thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, nhắc nhở cháu con về đạo lý uống nước nhớ nguồn, chim có tổ, người có tông, nó trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc trưng riêng của người Việt. Vì vậy, vào mỗi dịp Tết đến xuân về, dù có đi đâu xa người dân Việt Nam vẫn dành thời gian trở về quê hương để thăm viếng mộ phần, dâng nén tâm nhang tưởng nhớ tổ tiên. Đây cũng là dịp để con cháu đoàn tụ sum vầy, ôn lại những kỷ niệm gia đình, giãi bầy tâm tư, tình cảm với người đã khuất, qua đó giáo dục truyền thống gia đình. Khi đi tảo mộ các bậc cha mẹ, ông bà thường dẫn con cháu đi theo, trước là để hướng dẫn cho con cháu nhận biết phần mộ gia tiên, hiểu rõ quan hệ huyết thống dòng tộc, từ đó biết nhớ ơn công đức tổ tiên, thêm tôn kính các bậc tiền bối. 

Ở nông thôn, các dòng họ thường tổ chức tảo mộ tập trung cùng với lễ chạp họ. Họ nhỏ thì tổ chức trong phạm vi cả họ, họ lớn thì tổ chức theo từng chi. Lễ chạp họ thường được tổ chức ở từ đường dòng họ, các họ chưa có từ đường thì tổ chức ở nhà trưởng tộc, hoặc luân phiên tổ chức ở nhà các trưởng chi. Trong khi con cháu ra đồng tảo mộ, một bộ phận được phân công ở nhà lo nấu nướng thức ăn, chuẩn bị mâm cúng để thắp hương tạ lễ tổ tiên. Trưởng tộc và các vị đầu ngành, các bậc cao niên dâng mâm cúng, thắp hương cầu khấn tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu toàn gia tộc được mạnh khỏe bình an, công việc hanh thông, gia đình hạnh phúc. Sau khi đi tảo mộ về, mọi người cùng thụ lộc. Toàn thể con cháu quây quần bên những mâm cơm với chén rượu nồng, ấm áp nghĩa tình thân tộc.  Đây là dịp để các thế hệ cháu con cùng nhau họp bàn, thống nhất những công việc lớn của dòng họ, cũng là thời cơ quý giá để những người con xa quê trở về gặp lại họ hàng, người thân.

Lễ tảo mộ thường được tổ chức vào một ngày dịp cuối năm, khoảng từ ngày 20 đến trước 30 tháng Chạp tùy theo tập tục hay quy định riêng của từng địa phương, dòng họ. Có họ lấy một ngày cố định, ghi vào gia phả để con cháu theo đó mà thực hiện. Hàng năm, đến đúng ngày giờ đã định, con cháu dù ở gần hay xa, chủ động sắp xếp công việc có mặt để cùng tham gia việc họ. Có nơi lại quan niệm rằng, Tết Âm lịch sớm được bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo lên trời nên lễ tảo mộ phải được thực hiện trước ngày đó. Ở những địa phương này, các dòng họ thường tổ chức tảo mộ vào ngày 20 hoặc 21 tháng Chạp. Cũng có gia đình con cháu làm ăn, sinh sống ở xa, điều kiện đi lại khó khăn nên có thể bố trí về thăm quê, thắp hương mồ mả tổ tiên sớm hơn.

Hiện nay ở một số nơi, một số gia đình thường tổ chức tảo mộ vào tháng Ba Âm lịch, dịp Thanh minh. Đây là tục lệ ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa. Những người theo tục lệ này có lẽ dựa vào hai câu Kiều của Thi hào Nguyễn Du:

Thanh minh trong tiết tháng Ba 
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

Tuy nhiên, hai câu Kiều trên là nói về lễ tảo mộ trong văn hoá của người Trung Quốc. Chúng ta biết Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết dựa vào tích truyện Đoạn trường Tân thanh của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc, câu chuyện xảy ra ở Thế kỷ 16 đời nhà Minh (Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng). Ở phía Bắc Trung Quốc, vào cuối tháng Chạp trước Tết Nguyên đán còn trong tiết Đại hàn thời tiết vẫn rất rét, thường tuyết vẫn phủ khắp nên không thể tảo mộ. Mãi đến tháng Ba vào tiết Thanh minh trời mới ấm lên, khi đó tuyết tan người ta mới tổ chức các lễ hội, trong đó có lễ tảo mộ. Tục lệ này ngày nay vẫn được duy trì. Trong khoảng thời gian từ ngày 3 – 5 tháng 4 Dương lịch (thời điểm vào tiết Thanh minh) người ta tổ chức Lễ hội Tảo mộ rất lớn, mọi người đi thăm mộ tổ tiên, thăm thân nhân và thăm hỏi lẫn nhau.

Còn ở Việt Nam, cuối tháng Chạp thời tiết khô ráo thuận lợi cho việc đi tảo mộ và làm các việc liên quan đến âm phần như cải táng, xây mộ…; Tháng Giêng sau Tết Nguyên, đàu Xuân thời tiết ấm áp đã vào mùa lễ hội chứ không phải để đến tháng Ba khi đã chuẩn bị vào hè.

Ngô Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập193
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm186
  • Hôm nay45,585
  • Tháng hiện tại146,908
  • Tổng lượt truy cập48,324,798
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây