Đôi nét về Văn từ, Văn chỉ

Thứ sáu - 03/06/2022 18:04

Văn từ, Văn chỉ (còn gọi là Từ chỉ, Từ vũ) là nơi thờ Khổng Tử, thờ các bậc Tiên hiền và các nhà khoa bảng của địa phương tại các tổng, huyện, làng, xã xưa.
Từ vũ Thượng Đáp (Tiết nghĩa từ) thờ Bảng nhãn Ngô Hoán tại xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, Hải Dương

Xưa kia các làng quê Việt Nam đều có Văn chỉ để thờ các Thánh Nho, Tứ phối, Thập Triết cùng các vị Tiên Hiền, Tiên Nho và các cụ trong làng có chữ nghĩa, phẩm hàm Văn giai (quan văn), do triều đình phong cấp cho (như Thị Lang, Hồng Lô Thái Bảo, Hàn Lâm, Bát phẩm, Cửu phầm Văn Giai, Bá Hộ …) có công với làng đã khuất. Chỉ trừ các làng Công Giáo theo đạo Thiên Chúa thì không có đình, miếu, chùa, am, từ đường … nên không có Văn chỉ.  Trước đây các cha cố ngoại quốc hiểu sai việc thờ Thành Hoàng, thờ Tiên Nho, thờ Tổ tiên, cho đây là tôn giáo nên cấm “con chiên bổn đạo” không được thắp hương, cúng vái, lễ lạy Tổ tiên, ông bà trong ngày giỗ kị; không được thờ cúng giỗ tổ, thờ Thành Hoàng, Thánh Nho. Sau năm 1960, Tòa Thánh La Mã thấy sai lầm, sửa lỗi, cho phép con chiên thắp hương thờ gia tiên và được ăn giỗ, lễ lạy ông bà, cha mẹ đã khuất. 

Việc thờ Khổng Tử, Hiền Triết, Tiên Nho ở Văn chỉ làng xã đã có từ thời Trần (1225 – 1400). Tuy nhiên, việc thờ Thánh Hiền ở Kinh đô lại có từ rất sớm. Quốc sử chép: “Năm Canh Tuất (1070) tháng Tám, mùa Thu, Vua Lý Thánh Tông sai lập Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử Chu Công và Tứ Phối. Vẽ tượng Thất Thập Nhị Hiền (72 Hiền Nho). Bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái Tử đến đấy học” (Đại Việt Sử Ký Toàn thư/ Ngô Sĩ Liên/ Bản dịch, tập I, trang 234 NXB – KHXH/ Hà Nội 1967). Phải đến đời Trần, từ triều Anh Tông (1293 – 1314) nước ta đã đánh thắng đuổi xong giặc Nguyên Mông, Triều đình có nhiều Nho gia giúp vua trị nước, bớt chịu ảnh hưởng Phật học và các Tăng sĩ như thời Lý và bốn vua đầu nhà Trần. Có lẽ, ở một số làng có người Nho học đỗ đạt như làng Mộ Trạch đã có 2 anh em ông Vũ Nghêu Tá và Vũ Nông và nhiều làng khác ở quanh Thăng Long, ở Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam trọng Nho học, đã bắt đầu lập Văn chỉ thờ Thánh Khổng và Tiên Nho để tỏ lòng kính mộ Đạo Nho.

Nhưng việc lập Văn chỉ ở các làng xã có học thức Nho giáo phải đến giai đoạn 38 năm làm vua của Lê Thánh Tông (1460 – 1497) và các vua kế tiếp (Hiến Tông, Túc tông, Uy Mục, Tương Dực) mới thịnh hành. Vì lúc đó nước ta phát triển cực thịnh về giaó dục Nho học và mở nhiều khoa thi nhất; từ phủ, huyện cho đến thôn xã đều có trường dạy học. sĩ tử đua nhau đi học, đi thi. Làng Mộ Trạch phải có Văn chỉ muộn nhất là thời Hồng Đức (1470 – 1497)? Nhưng có thể sớm hơn là triều Nhà Trần?

Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh thì "Văn là người có học vấn, văn vẻ, lời văn”, “Chỉ là cái nền đất, nơi quê quán”. Văn chỉ là nền Tế Thánh Khổng ở các hương thôn lập nên. Còn của nhà vua lập ra ở Kinh Đô hay hàng tỉnh, trấn gọi là Văn miếu.
Xem như thế, Văn chỉ rất quan trọng đối với các thôn xã có nhiều, ít Nho sĩ. Huống chi các làng cổ có từ triều Trần như Đông Ngạc, Yên Quyết (Cót, Vòng), La Khê, Tả Thanh Oai, Thanh Liệt, Kim Lũ, Kim Đôi, Bát Tràng, Lạc Đạo, Tam Sơn, Phù Đổng, Nghĩa Lư, Hoài Bão (làng Bịu), Vọng Nguyệt (làng Ngọt), Mộ Trạch, Đan Loan (Luân), Hoạch Trạch (Vạc) … và các làng Tiến sĩ ở huyện Chí Linh, huyện Thanh Lâm, Tứ Kỳ, Trường Tân (Gia Phúc, Gia Lộc), huyện Đường Hào - Gia lâm. Cùng các làng cổ ở Sơn Nam (Hà Đông, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình) và Thanh Hoá, Nghệ An… Càng về sau, thời Lê Sơ (1428 – 1527) thời Mạc (1527 – 1592), Thời Lê Trịnh (1593 – 1788), thời Nguyễn (1802 – 1945) tại những nơi trên sự tôn sùng Nho học càng lên cao. Trừ các làng quá nghèo khổ, ít văn hóa như các làng chài lưới, diêm điền (ruộng muối), sơn lâm (làm nghề rừng) và các làng sắc tộc thiểu số ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ do ít có điều kiện theo Nho học do kinh tế và trình độ nhân văn thấp nên không có Văn chỉ hay Văn từ, còn các làng có văn hoá cao như đã kể ở trên, đều thiết lập Văn Chỉ để tôn sùng Đạo Nho. Ngay cả các làng trung bình ở Bắc Bộ thủa đó hàng năm chỉ có vài người theo đuổi Nho học, mấy trăm năm học chữ Thánh Hiền mà mỗi làng chỉ đỗ được một, hai ông Sinh Đồ, Tú Tài, vài ông Nhị Trường, dăm ông Khóa người ta cũng dựng lên Văn chỉ. Nói là thờ Khổng Tử, Tiên Nho nhưng thật ra là khuyến khích con em trai trẻ cố học để đỗ đạt, ra làm quan. Mà xưa kia, chỉ có thi cử mới là con đường làm quan trị nước (trừ quan võ chuyên việc binh). Mà một người làm quan cả họ, cả làng được nhờ.

Xin được nói thêm, người biết chữ trong làng tham gia vào Hội Tư Văn (người có văn chương, học thức = làng Nho) để được dự Tế Xuân Thu nhị kỳ và ra giữ việc làng. Nếu có công đức, liêm chính, lúc chết được thờ ở Văn chỉ. Đó là danh vọng của thôn xóm xưa. Bởi thế, thủa xưa chỉ trừ nhà nghèo đói kiệt xác còn các nhà bần nông, trung nông, thợ thủ công đều cố nuôi con trai cho theo họ chữ Thánh Hiền. Dù học được vài chữ Chi, Hồ, Giả, Dã (như A, B, C) cũng mát lòng hả dạ. Được Văn chỉ lễ là mừng rồi! Ai có con cho đi học đều mong sau này con được giỏi chữ nghĩa, nếu chẳng đỗ đạt thì cũng có chữ nghĩa để đọc được văn khấn gia tiên trong ngày kị hàng năm và đọc được tờ văn tự mua bán ruộng đất, nhà cửa (gọi là Bằng Khoán).
Có nơi phân biệt rõ: Văn chỉ là nơi thờ Nho học của làng, còn Văn từ là thờ Chu Công, Khổng Tử, Tiên Nho ở cấp phủ hay huyện.

Muốn rõ vấn đề này, tốt nhất đọc lời giảng giải của Cụ Cử Bưu Văn Phan Kế Bính (1875 – 1921) đẽ biết về Văn từ, Văn chỉ trong sách Việt Nam Phong Tục.

Phụ chép: Việt Nam Phong Tục (trích)

Văn từ, Văn Chỉ: 
Mỗi làng có một văn từ hoặc văn chỉ. Đàn lộ thiên gọi là văn chỉ, có lợp mái gọi là văn từ. Văn từ, văn chỉ để thờ riêng những bậc khoa hoạn trong làng. Có làng hiếm văn học, chưa có người hiển đạt, thì thờ Đức Khổng Tử, gọi là Tiên Thánh Sư, để làm chủ trương cho việc văn học trong làng.
Các nơi thờ riêng những bực khoa hoạn, đại để chia làm ba hạng:
Hạng nhất là những người đỗ đại khoa (Tiến sĩ) và những người làm quan từ tam, tứ phẩm trở lên, thờ ban giữa;
Hạng nhì là những người đỗ trung khoa (Cử nhân) và những người làm quan từ lục, thất phẩm trở lên, thờ ban hữu;
Hạng ba là những người đỗ tiểu khoa (Tú tài) và những người làm đến bát, cửu phẩm, thờ ban tả.
Đến khi tế tự thì đem cả hào mục tổng lý và các thầy đồ truyền giáo trong làng vào phối hưởng.
Nhưng nhiều nơi chỉ trong riêng về đường khoa mục, hẽ có đỗ mới được liệt tự, còn người làm quan dẫu đến nhất nhị phẩm mà không có chân khoa mục, cũng không được dự, chỉ đến lúc tế mới đem vào phối hưởng mà thôi.
Mỗi năm tháng hai, tháng tám tế hai kỳ, gọi là xuân thu nhị định. Có nơi cả làng tế, có nơi chỉ người có chân trong hội tư văn mới được dự tế.
Năm nào có khoa thi thì cả sĩ tử trong làng, hội lại làm lễ kỳ khoa, hoặc cả làng làm lễ, để cầu cho hương thôn được nhiều người hiển đạt.
Khi đi xong, ai được đỗ thì lúc về phải có lễ ra lễ văn chỉ để tạ ơn tiên hiền.

Thờ Tiên hiền: 
Cũng là một cách để duy trì phong hoá, làm kỷ niệm cho sự truyền giáo, thì cũng là một việc hay mà tục chuyên trọng về đường khoad mục thì chỉ là có ý khuyên cho người ta chăm về việc học hành.
Xét nước ta từ đời Lý, Trần trở về, mới có khoa cử, đến đời nhà Lê thi khoa cử lại càng thịnh lắm. Ai làm quan có chân khoa mục mới là Thanh lưu. Còn không đỗ gì thì dẫu làm to đến đâu cũng gọi là tạp lưu. Dân gian vì đó mà lắm nơi cũng chuyên trọng về khoa mục, cho nên nhiều nơi dẫu có người đến làm đến Thượng thư, Tổng đốc, mà về đến văn chỉ, có khi phải ở dưới làng Tiến sĩ, Cử nhân.
Như vậy thì sự kiến thức của dân ta khí hẹp hòi quá! Thiết tưởng người có tài có đức, văn chương sự nghiệp đủ làm gương cho dân, và lưu được ích lợi cho làng, có phải hết thảy do ở khoa cử mà ra cả đâu. Nếu chỉ trọng về khoa cử, chẳng hoá ra bỏ sót nhiều người tài trí lắm ru? Vả lại người trọng khoa cử cũng có người hay, mà chẳng thiếu gì người chẳng ra gì, vậy mà không có phân biệt, cứ thấy có khoa cử thì trọng, cũng là một sự hồ đồ vậy.
Sau nữa cũng vì cái tục chuyên trọng khoa cử, mà khiến cho người ta mê lòng về đường hư danh, bỏ mất hết sự thực dụng, cả đời chỉ nung nấu sử, mà không biết đến việc gì. May ra ai vớ được cái bia đá bảng vàng, hoặc là một tiếng dạ thì còn có thể vinh thân phì gia, chẳng may mà lao đao tràng ốc cả đời, thì đến ngồi xó nhà quê, gõ đầu trẻ kiếm ăn, dở ra trò gì cũng không được nữa, thì lại là khoa cử làm hại người!
Thiết tưởng đã gọi là thờ tiên hiền thì bao nhiêu những người có tài có đức, hoặc người nào làm được sự ích lợi gì cho dân xã cũng nên thờ cả, không cứ gì có khoa cử hay không. Mà trong khoa cử cũng nên phân biệt người hay, người dở, nếu ai là người điếm nhục khoa danh, thì cũng nên bỏ đi, vậy mới đủ mà duy trì phong hoá và làm gương cho khác.


Vũ Hiệp - Theo Họ Vũ-Võ Phương Nam
(Có biên tập lại một số chi tiết)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập146
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm141
  • Hôm nay31,278
  • Tháng hiện tại374,311
  • Tổng lượt truy cập47,099,419
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây