Vị trí và phong thuỷ phòng thờ

Thứ sáu - 26/12/2014 09:01

Phòng thờ là một khu vực có ý nghĩa đặc biệt, không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Theo dòng chảy của thời gian, cuộc sống đã đổi thay trong thời kỳ hiện đại, cấu trúc nhà cửa đã có nhiều thay đổi nên vị trí và cách thức phòng thờ và bàn thờ cũng không còn như trước.
Vị trí và phong thuỷ phòng thờ

 

Vị trí đặt phòng thờ

Về phương diện phong thủy, phòng thờ cúng là một trong năm bộ phận quan trọng trong căn nhà. Đó cũng là một phòng có công năng và tác dụng đặc biệt so với các hạng mục khác, vì đây không phải là phòng phục vụ cho sinh hoạt gia đình hoặc một mục đích hiện thực cụ thể.

Phòng thờ là nơi nhạy cảm, tôn kính và mang ý nghĩa tâm linh. Nơi đây trở thành tâm điểm trong những dịp lễ tết, những nghi lễ quan trọng gắn liền với những chuyển biến thay đổi lớn lao của đời người như: những dịp cưới hỏi, ma chay, nhập trạch, cúng giỗ tổ tiên hoặc bất cứ khi nào mà con người cần tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ về quá khứ.

Nói là phòng thờ, một khu vực quan trọng thường được cung kính và hành xử cẩn trọng, nhưng do điều kiện hoàn cảnh nên không phải gia đình nào cũng có thể bố trí một phòng thờ riêng biệt. Phần lớn người dân thường chỉ có bàn thờ gắn lên vách tường, hoặc đôi khi sử dụng nóc tủ làm bàn thờ... Một số khu vực, nhất là phía Nam thường có phong tục làm bàn thờ Thần bếp, Táo quân ở ngay trong nhà bếp; lại thêm bàn thờ Thiên ở ngoài sân, trước cửa nhà.

Một số nhà, đặc biệt là các gia đình làm ăn, kinh doanh, buôn bán hoặc các cửa hàng, văn phòng công ty còn có bàn thờ Thần tài, Thổ địa riêng, thường đặt dưới đất với mưu cầu mong muốn làm ăn phát đạt, tiền tài danh vọng. Ngoài ra đối với những gia đình theo một tôn giáo nào đó như Đạo Thiên chúa, Đạo Phật... thì lại có những bàn thờ theo đặc trrưng riêng.

Đối với những gia đình có điều kiện vật chất đầy đủ, nhà cửa rộng rãi nên bố trí phòng thờ riêng, tách biệt với các phòng khác với diện tích tương xứng với toàn bộ quy mô căn nhà. Nếu nhà chỉ có một tầng trệt nên bố trí phòng thờ phía sau, nếu nhà cao tầng, nên bố trí phòng thờ ở tầng trên cùng. Tuy nhiên, phần đông các gia đình hiện nay không có phòng thờ riêng biệt mà thường được ghép vào các phòng khác như phòng khách, phòng làm việc, phòng ngủ... Về vấn đề này thực ra không có quy tắc bắt buộc và suy cho cùng, việc thờ cúng gắn liền với yếu tố tâm linh của mỗi cá nhân, có ảnh hưởng bởi phong tục tập quán của dân tộc, vùng miền hoặc truyền thống của dòng họ.

Phong thủy phòng thờ

Theo nhìn nhận của người viết thì việc đặt bàn thờ ở cung nào trong nhà, cung tốt hay cung xấu cũng không phải quá quan trọng. Nếu đặt vào cung tốt thì cũng hướng tâm trí của con người vào những việc tốt, thúc đẩy vượng khí trong nhà, ngược lại nếu đặt vào cung xấu thì cũng có tác dụng trấn áp những điều ác, những tà khí có thể làm ảnh hưởng đến gia cảnh. Tuy nhiên, vì thuộc lĩnh vực Phúc đức nên việc đặt bàn thờ vào cung Phục vị theo Bát trạch sẽ là rất thích hợp.

Điều này cũng tương tự với hướng của bàn thờ, tuy nhiên hướng của bàn thờ sẽ có sức phù trợ mạnh mẽ cho chủ nhân khi đặt xoay về hướng có hành tương sinh cho bản Mệnh. Chẳng hạn như với chủ nhân là người Mệnh Kim thì có thể đặt bàn thờ quay lưng về hướng Tây. Các bàn thờ Thần tài và Thổ địa nên đặt ở vị trí tài khí kết hợp với khu vực gần cửa ra vào và hướng ra phía đường đi.

Xét theo nguyên lý Âm Dương thì bàn thờ hướng về những người đã khuất hoặc những thần linh tối cao nên thuộc về Âm. Vì vậy cách bài trí không nên lấy sánh sáng làm trọng, do đó phòng thờ không cần thiết phải mở nhiều cửa sổ.

Cửa chính hay cửa ra vào cũng không nên quá lớn hoặc xông thẳng vào phòng thờ, cửa ra vào nên ở hai bên bàn thờ là phù hợp. Nếu cửa ra vào ở chính giữa phía bàn thờ thì nên có thêm bàn đặt đồ cúng lễ ở phía trước. Vì ở khu vực này sử dụng khá nhiều nhang, đèn, nến là các vật sinh ra khói, lửa nên vẫn cần phải có độ thoáng khí phù hợp. Vì vậy, cửa sổ hoặc cửa ô thông khí, quạt thông gió vẫn là cần thiết.

Song nên có rèm che hoặc cửa chớp lật thích hợp để tránh quá nhiều ánh sáng. Nhìn chung, phòng thờ hoặc bàn thờ nên được đặt ở nơi tôn kính, không quá lộ liễu, tránh để cho người ngoài hoặc khách lạ thấy rõ bài vị tổ tiên, hình ảnh thờ cúng. Riêng với bàn thờ Thần tài thì thường được đặt ở phía trước nhà, gần cửa ra vào, tuy vậy vẫn cần tựa lưng vào vị thế vững chắc và nên có rèm che chắn.

Những điều nên tránh

Xét về mặt Ngũ hành, phòng thờ thuộc Hỏa vì Hỏa thuộc về những việc lễ nghĩa, cúng bái. Vì vậy, những màu sắc thuộc hành Hỏa hoặc trợ sinh cho hành Hỏa cũng khá phù hợp như: Đỏ, hồng, vàng, xanh. Nên sử dụng những gam màu sẫm, trầm, tĩnh lặng như đen, nâu, có thể xen lẫn vàng, xanh, đỏ.

Cần tránh những màu sắc quá nóng hoặc quá rực rỡ làm xao nhãng, giảm sự tập trung hoặc làm phân tâm cho người trong nhà trong quá trình hành lễ. Ngoài ra cần chú ý thêm những vấn đề sau:

- Bàn thờ có thể đặt chung trong các phòng khác nhưng cần để ý: Nếu đặt ở phòng khách, không nên hướng thẳng ra phía cửa chính, hoặc phải có bàn chắn ở phía trước. Nếu đặt phòng ngủ, không nên đặt giường ngủ phía trước. Nếu đặt trong phòng làm việc, không nên đối diện với bàn làm việc của chủ nhân.

- Bàn thờ cần được bố trí cân đối, tránh việc bày đặt lộn xộn. Việc thắp nhang hoặc đèn, nến, nên được thực hiện thường  xuyên. Thông thường, các bát nhang được đặt ở vị trí chính giữa bàn thờ. Đằng sau các bát hương là các tượng hoặc tranh ảnh của các vị thần, phật và tổ tiên đã khuất tương ứng theo ý nguyện của gia chủ. Hai phía góc hai bên thường để đèn hoặc giá nến.

- Bàn thờ tránh gần sát các phòng bếp, phòng tắm, nhà vệ sinh hoặc cửa phòng thờ đối diện với cửa của các phòng này. Điều này cũng tương tự với việc phòng thờ nằm ở tầng dưới, phía trên là phòng tắm, nhà vệ sinh, hoặc phòng nô đùa của trẻ em gây ồn ào. Phòng thờ hoặc quanh khu vực bàn thờ cần yên tĩnh, sạch sẽ, trang nghiêm và thông thoáng. Tránh sử dụng phòng thờ làm chỗ để những vật dụng linh tinh hoặc để đồ bỏ đi.

- Tránh để bàn thờ ngay dưới xà nhà hoặc dưới những vật dụng thô kệch khác, không nên đối diện với cầu thang hoặc dưới chân cầu thang, không nên treo hoặc phơi quần áo trong đó. Bàn thờ cần có độ cao thích hợp để cho người thành tâm tế lễ và có hướng cao dần lên, phía sau cao hơn phía trước.

Không giống như các căn phòng khác trong nhà, phòng thờ được xem như điểm tựa cuối cùng, cao cả và thiêng liêng, nơi con người có thể thoát ra khỏi cuộc sống trần tục với những lo toan bộn bề để trở về với thế giới tâm linh. Khi đứng trước bàn thờ người ta có cảm giác như đang đứng trước tấm gương phản chiếu của tâm hồn, loại bỏ các cám dỗ và dục vọng, con người sẽ trở nên trong sáng hơn.

Phòng thờ cũng như các nghi lễ là sự cần thiết cho tín ngưỡng của mỗi gia đình. Dù có thờ ai, có cúng tế bao nhiêu của ngon vật lạ đi chăng nữa thì quan trọng nhất vẫn là cái tâm cái đức của con người, hình thành trong nội thể và được thể hiện ra lời nói và hành động trong cuộc sống.

Theo Mỹ thuật

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay28,327
  • Tháng hiện tại164,729
  • Tổng lượt truy cập50,700,549
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây