Nhân đọc Truyền thuyết về Thành Cổ Loa

Thứ hai - 30/03/2020 18:04

Đọc truyền thuyết về thành Cổ Loa chúng tôi có một số ý kiến nhìn nhận về người phụ nữ xưa và bài học mất cảnh giác. Đồng thời thấy cần chỉnh sửa quan niệm sai về bà Đào Thị Sa là thứ phi của Đức vương Ngô Quyền mà các nhà khoa học đã phát biểu tại Hội thảo khoa học: Ngô Quyền với Cổ Loa năm 2014.
 
b
Đình Ngự triều Di quy trong khu di tích Cổ Loa

Nói đến Cổ Loa chúng ta nghĩ ngay đến truyền thuyết về An Dương Vương được thần Kim Quy bày cho cách xây thành, về chiếc lẫy nỏ thần làm từ móng chân rùa thần và mối tình bi thương Mỵ Châu – Trong Thủy. Đằng sau những câu chuyện thiên về tâm linh ấy, thế hệ con cháu chúng ta còn khám phá những giá tri vô cùng to lớn của khảo cổ học về Cổ Loa lịch sử. Nơi đây là Kinh đô của Nhà nước Âu Lạc và năm 939 Ngô Quyền xưng Vương lập lên Nhà nước độc lập, tự chủ sau một hơn nghìn năm Bắc thuộc tại Cổ Loa này.

Đến nay mọi người vẫn còn nhớ chẳng thể nào quên mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy. Nhà thơ Tố Hữu có thơ rằng:“Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu/Trái tim lầm chỗ để trên đầu/Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”. Sau nhiều lần đọc và suy nghĩ về truyền thuyết ấy, sao người đời cứ quy hết trách nhiệm cho người con gái, người phụ nữ chân yếu tay mềm, với tình yêu của mình mà không nhìn khía cạnh của vương triều sau một thời gian không rèn quân, luyện cán, say mê với chiến thắng, mất cảnh giác, chủ quan khinh đich, nên nỗi cơ đồ bị tiêu tan. Đó là bài học chung của mọi người, chứ đâu phải chỉ có Mỵ Châu – Trọng Thủy.

Thành Cổ Loa, Kinh đô của Nhà nước Âu Lạc được xây dựng vào Thế kỷ thứ 3 TCN. Hiện nay thành Cổ Loa nằm trên địa phận của 03 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng, huyện Đông Anh, thành phố  Hà Nội, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 17 km về phía Bắc, có diện tích bảo tồn gần 500 ha, là Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt. Ngoài ra xét về mặt lịch sử Thành Cổ Loa xưa mang ý nghĩa to lớn. Nơi đây đánh dẫu cột mốc dân tộc ta bắt đầu chuyển sang định cư và đóng đô từ vùng núi nghèo khó sang vùng đồng bằng trù phú, đất đai màu mỡ và thuận lợi cho giao thương. Dời đô từ vùng núi về Cổ Loa, An Dương Vương đã xây dựng nên một thành trì to lớn. Thành Cổ Loa được xây dựng theo kiểu hình trôn ốc, quanh co chín lớp, chu vi chín dặm, xoáy tròn, vì thế được gọi là Loa Thành, (Thành Ốc).

Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vào vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Tại đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng và vùng sơn địa. Cổ Loa là khu đất đồi cao nằm ở Tả ngạn sông Hoàng. Con sông này qua nhiều thế kỷ bị phù sa bồi đắp nay trở thành con lạch nhỏ, nhưng xưa kia sông Hoàng là một con sông nhánh lớn quan trọng của sông Hồng. Do vậy Cổ Loa có vị trí giao thương thuận lợi và có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Về đường thủy là vị trí nối liền hai con sông Thái Bình và sông Hồng. Địa điểm Cổ Loa chính là đất Phong Khê trù phú ngày xưa, vùng đồng bằng, nơi đây xóm làng, dân chúng đông đúc, sống bằng nghề làm ruộng, bắt cá và làm nghề thủ công… Việc dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, đánh dấu một giai đoạn phát triển của dân Việt cổ. Thời kỳ Âu Lạc chưa có gạch, nên Thành Cổ Loa được xây bằng đất. Trong những thành cổ của Việt Nam còn lại đến nay, Thành Cổ Loa được xếp vào những kiến trúc, thành quách có niên đại lịch sử lâu đời nhất lên đến 2.300.000 năm. Thành Cổ Loa hai lần được chọn làm kinh đô của các triều đại phong kiến của ông cha ta. Đó là thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên thời Âu Lạc và thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên thời Nhà Ngô. Thành Cổ Loa được Nhà nước công nhận Di tích Quốc gia từ năm 1962, đến năm 2012 Thành Cổ Loa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đến nay Thành Cổ Loa về vật chứng thành còn như sau:

1. Thành Loa:
Tòa thành cổ: Dấu tích còn lại cổ nhất, đồ sộ và quy mô nhất, kiến trúc độc đáo hiện còn tồn tại với kiến trúc kiểu dáng đẹp. Thành Cổ Loa là thành đầu tiên của Đông Nam Á, là tòa thành cổ nhất của nước ta. Đây là tòa thành bề thế, kiến trúc độc đáo và trung tâm đô thành của nhà nước Âu Lạc lúc bấy giờ. Di tích chỉ còn lại ba vòng khép kín trong tổng số 9 vòng trôn ốc với chu vi trên 16 km. Ngoài ra còn có các ụ đất, những đoạn lũy bên trong cũng như bên ngoài thành, cùng những vòng hào khép kín xung quanh ba vòng thành.
a. Tường thành: Theo thiết kế Loa Thành hình Trôn Ốc có chín vòng, đến nay chỉ còn có ba vòng: Tường thành ngoại, tường thành trung và tường thành nội. 
+ Tường thành ngoại là một vòng tường kép kín, theo những gò đống thiên nhiên có sẵn nên không theo một hình dáng nào, thậm chí có đoạn thiên nhiên đã có sẵn không phải đắp thành.
+ Tường thành trung: Là một vòng kép kín, cũng không có hình dánh nhất định mà cũng dựa vào gò đống thiên nhiên mà đắp nối lại với nhau, men theo các đầm, hồ. Chiều dài khoảng 6.500 mét.
+ Tường thành nội mang dáng vẻ khác hẳn hai vòng tường trên, có hình chữ nhật nghiêm chỉnh, chu vi khoảng 1650 mét, mặt thành rộng khoảng 10 mét, chân thành rộng khoảng 20 mét, tường thành cao khoảng 5 mét.
b. Hào ngoài:
Cả ba vòng tường thành đều có hào ngoài. Hào thành ngoài phía Tây Nam lợi dụng con sông Hoàng chảy gần sát tường thành, và đào đắp để con sông Hoàng có thể chảy thông khắp quanh thành. Hào thành giữa cũng nối với hào thành ngoài ở Cột Cờ và Đầm Cả. Hào thành trong được dào quanh tường thành, đó là một vòng hào kép kín, nối với con sông Hoàng bằng những lạch nước. 
c. Cửa thành: Vòng thành trong được xây dựng theo bốn hướng chính: Nam, Bắc, Đông, Tây, nhưng chỉ mở một cửa ở chính giữa thành phía Nam. Vòng thành giữa mở bốn cửa: Cửa Bắc, cửa Tây Bắc, của Tây Nam, của Trấn Nam.

2. Đền thờ An Dương Vương (còn gọi là đền Thượng): xây năm 1687 đời Lê Hy Tông, sửa lại năm 1689. Đền nằm ở Trung tâm thành  được coi là nơi Vua Thục Phán trước kia từng ở. Vị trí đền nằm trên một gò đất hình đầu rồng, hai bên là hai cánh rừng, phía dưới có hố tròn là mắt rồng. Cửa đền có hai con rồng đá uốn khúc, trong đền có đôi ngựa hồng xây dựng năm 1716, tượng đồng vua Thục Phán đức năm 1897, nặng 255 kg.

3. Giếng Ngọc: Ngay trước đền là một hồ bán nguyệt, theo truyền thuyết: là nơi mà Trọng Thủy đã gieo mình tự vẫn. Giữa hồ đắp bờ tạo thành giếng Ngọc. Tương truyền nơi đây sau khi phản bội, Trọng Thủy tự tử, nước giếng này đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng đẹp.

4. Am Bà chúa: Ngay sau cây đa tỏa bóng mát rộng lớn, gốc đa rẽ đôi thành chiếc cửa tò vò, thiên nhiên mở lối đi vào am. Tượng Bà chúa Mỵ Châu là hòn đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu. Huyền thoại kể rằng: Sau khi Mỵ Châu hóa thành hòn đá to trôi dạt về đường Cấm, phía Đông thành Cổ Loa, dân trong thành đem võng ra cáng về đến gốc cây đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống, nên lập Am thờ ngay tại đó.

Ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Hợi – năm 939, sau khi đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng lịch sử, Ngô Quyền xưng vương tai Cổ Loa. Cũng tại nơi này có huyền tích về nhân vật thứ phi của Ngô Quyền là bà ĐàoThị Sa, ở Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội. Ngay trong cuốn Lịch sử Thăng Long – Hà Nội tác giả cũng viết: “Ký ức dân gian còn nhắc đến một cái “giếng Ngô Quyền” ở trước cửa Nam Thành Nội (tuy nhiên dấu tích của giếng xây đá, gạch mới), nơi đây có một cây đa nghìn năm tuổi ở trước cửa Am Mỵ Châu (nhưng nay đã chết được thay bằng một cây đa mới). Tuy nhiên, về bà thứ phi của Ngô Quyền trên thực tế chỉ là một huyền tích không đúng, nay cần sửa và đính chính lại. Qua tấm bia Hậu phật bi ký, có niên đại vào năm 1633, tại chùa Dục Tú, chúng ta thấy ghi rõ: Người sống trong nội cung của phủ chúa Trịnh, quê thôn Tiền, xã Dục Tú, được toàn thể quan viên, chức sắc gia trẻ trong làng bầu làm Hậu phật có tên là Đào Thị Sa. Thư tịch cổ và Phả hệ họ Ngô Việt Nam không có dòng nào viết Ngô Quyền trong thời gian ở thành Cổ Loa lấy bà thứ phi tại làng Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội. Bà thứ phi tên gọi Đào Thị Sa chỉ có trong truyền thuyết dân gian tại Cổ Loa mà thôi. Vì vậy cho nên không thể có bà Đào Thị Sa quê Dục Tú là thứ phi của Ngô Quyền được.

5. Đình Ngự Triều Di Quy: Đình Ngự triều Di Quy còn gọi là Ngự Đình – Đình Cổ Loa được xây dựng trên nền điện thiết triều cũ, năm 1907 thời Nguyễn. Dáng vóc vững chãi, bề thế, mái đao vút cong, cột đình có đôi câu đối của Tôn Thất Thuyết, một thủ lĩnh Cần Vương.

6. Đền Cao Lỗ: Thành Cổ Loa còn có Đền thờ Cao Lỗ, còn có tên là Thông, sinh tại thôn Sỹ Lộ, trang Đại Than, tổng Vạn Ty, huyện Gia Bình, phủ Thuận Thành, tỉnh Vũ Ninh (xưa) nay là tỉnh Bắc Ninh. Ông là một tướng tài của vua An Dương Vương và là người sáng chế ra  nỏ Liên Châu (còn gọi là nỏ thần) bắn nhiều mũi tên cùng lúc. Chính Cao Lỗ là người giúp vua An Dương Vương tìm ra đất Phong Khê (Cổ Loa) và thiết kế, tổ chức xây Loa Thành (Thành Cổ Loa).

Nhân đọc truyền thuyết về thành Cổ Loa chúng tôi có một số ý kiến nhìn nhận về người phụ nữ xưa và bài học mất cảnh giác. Đồng thời cần chỉnh sửa quan niệm sai về bà Đào Thị Sa là thứ phi của Đức vương Ngô Quyền mà các nhà khoa học đã phát biểu tại Hội thảo khoa học: Ngô Quyền với Cổ Loa năm 2014.

Ngô Xuân Bình


 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập198
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm170
  • Hôm nay68,270
  • Tháng hiện tại886,592
  • Tổng lượt truy cập47,611,700
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây