Ngày xuân nói chuyện Phúc Lộc Thọ

Thứ tư - 10/02/2016 19:02

Tết đến xuân về người người chúc nhau phát tài, gặp may, mạnh khỏe …, tựu chung chính là Phúc Lộc Thọ. Ở đây chúng ta hãy cùng nhau bàn sâu đôi chút về chữ Phúc.
Mùa Xuân Phúc đến mọi nhà
Mùa Xuân Phúc đến mọi nhà

 

Đôi điều về chữ Phúc ()

Chữ Phúc thời nguyên sơ có nghĩa rất đơn giản. Trong Giáp Cốt Văn, chữ Phúc là hình tượng của 2 bàn tay rất trang trọng bưng một chiếc bình chạm khắc tinh xảo. Đó là hũ rượu quý. Người bưng hũ rượu ấy đứng trước bàn thờ, có lẽ trong giờ phút thiêng liêng của đêm trừ tịch.

Đây là một Thánh Lễ trong văn hóa người xưa, chính là văn hóa hữu Thần, trong đó con người tin vào sự tồn tại của Thánh Thần, biết kính trọng Thần linh, và biết cách giao tiếp, kết nối với thần linh qua nhiều phương thức. Hiển nhiên, Kính thì phải Yêu, phải Sợ; từ đó biết giữ tâm cho chính, không xa rời cái Chân, cái Thiện, và biết Nhẫn.

Chữ Phúc trong Giáp cốt văn

Chẳng hạn, để cúng Thần linh, các cụ Nho xưa trên một đám ruộng tách riêng ra một khóm lúa, một khóm nếp. Rồi cụ tự tay gặt hái, phơi phóng, xay giã, dần sàng. Đó là sản vật dâng cúng Thần linh, Tiên tổ trong ba ngày Tết, không ai được động đến.

Cụ cũng tự nấu rượu, nấu xong rót vào bình, nút chặt bằng lá chuối khô, rồi chôn trong đất, trồng lên đó cây bạc hà làm dấu. Chỉ thứ rượu ấy mới cúng Thần linh, cúng Tổ tiên mấy ngày Tết

Suốt cả năm, đọc sách Thánh hiền có câu nào hay, cụ viết vào giấy dó, có cả những chữ khuyên bằng màu son chu sa. Tệp giấy ấy, cụ tự mua trầm, mua bã mía về quấn thành những cây hương thơm. Thế mới thấy, người xưa trân trọng việc dâng hương, cúng bái trong dịp lễ tết đến như thế nào.

Các cụ quan niệm rằng, nếu chúng ta vô Thần thì không có ông Phúc nào đến nhà cả. Trong cái gốc, chữ Phúc ở bên trái là chữ Thị (礻) là cái bàn độc, bàn thờ. Đó là nơi thiêng liêng mà gia chủ đối thoại với những sinh mệnh có khả năng chi phối con người trên thế gian. Người xưa tin và tin tuyệt đối vào Thần. Họ luôn nghĩ rằng trên đầu 3 thước có Thần linh. Việc làm của mình có thể che mắt người đời, chứ không thể lấy “vải thưa che mắt Thánh”.

Có một câu chuyện kể rằng: sau khi lên ngôi, Gia Long Nguyễn Phúc Ánh đã ban thưởng công lao cho cận thần. Ông dành ưu đãi nhất cho một tướng vào sinh ra tử với mình. Ông cho vị quan yêu cầu bất cứ sở ước gì. Vị ấy bèn thưa:” Tâu Hoàng Thượng, hạ thần chỉ xin chữ Phúc thôi!“. Gia Long trông vẻ buồn buồn, nhưng rồi cười nói: “Tiền bạc và chức tước là quyền của ta, còn Phúc thì chỉ có Trời mới có quyền ấy. Dòng họ nhà ta cũng chỉ nhờ chữ ấy mà vinh hiển. Không biết con cháu ta có giữ được Đức lâu dài mà hưởng Phúc gia tộc không?”.

Như vậy, Phúc là hoa thơm, quả ngọt. Còn cái làm cho nó xanh tươi, ra hoa, đơm trái lại là Đức vậy.

Chữ Phúc (福) cùng hình ảnh 12 con giáp được thể hiện thông qua nghệ thuật cắt giấy truyền thống

 

Kết cấu ngôn ngữ đã khẳng định rằng, chữ Đức chính là yếu tố quan trọng để có Phúc. Hãy lo tích Đức, khi có nhiều rồi thì lo mà “thủ Đức”. Ai xin tiền, xin bạc thì cho, chứ đừng cho Đức. Mất Đức là nghiệp đến, tội vào, là thần Phúc ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi nhà. Chỉ cần giữ trong tâm chữ Đức, ăn ở cho có Đức, mọi may mắn Phúc lành sẽ hành quân đóng chật nhà, tức Phúc Mãn Đường.

Hãy nhìn bên phải. Chữ Phúc đồng âm này, có tách ra thành 3 chữ: Nhất (一), tiếp là Khẩu (口), cuối là Điền (田).

Các kí tự này còn có thể được hiểu là “một mảnh đất được ban tặng từ thần linh”. Mỗi người đều có một vùng đất, hay một vùng đất của lương tri, là thứ được thiên thượng ban tặng cho con người.

Như vậy, nhờ kính sợ Thần Linh, và nhờ Đức lưu phương từ Tổ Tiên được con cháu phát huy, nên cả họ hàng đều dồi dào bạc vàng châu báu. Phúc là điều tốt lành do biết tin, biết kính, biết sống Đạo Đức, theo tiêu chuẩn mà Thần Phật đặc định

 

Chữ Phúc có biểu tượng con Dơi

Nếu ta lấy chữ Trùng (虫), nghìa là côn trùng, thay chữ Thị (礻)  bên trái ta có chữ (蝠), phát âm giống với chữ Phúc trong tiếng Hán. Chữ này có nghĩa là con Dơi. Vì vậy người ta lấy Dơi làm biểu tượng của Phúc. Điều này trái ngược văn hóa phương Tây coi Dơi là ma quỷ.

Nhà nào nuôi hoặc treo 2 con Dơi thì gọi là Trùng Phúc Lâm Môn.

Các nhà hay viết và treo 5 con Dơi gọi là “Ngũ Phúc Lâm Môn”. Đó là: sống thọ, giàu có, bình an, Đức tốt và chết thanh thản. Cũng có người cho rằng ngũ Phúc là: Phú, Quý,Thọ, Khang, Ninh tức là: giàu, sang, sống lâu, mạnh khỏe và bình an..

Bản trạm hình 5 con dơi tượng trưng Ngũ Phúc Lâm Môn

 

Người Hoa có tục treo chữ Phúc ngược, ý nghĩa dựa theo câu chuyện như sau:

Thời nhà Thanh, một tên lính vào sáng 30 tết được giao nhiệm vụ treo chữ Phúc ở phủ Thái Tử. Không biết thế nào, anh ta treo ngược nên bị hỏi tội. Viên quan nhân từ biết Thái Tử đang nung nấu ý định lên ngôi báu, bèn nói với Thái tử rằng: “Chữ Phúc Đảo nghĩa là Phúc Đáo, điềm lành đang đến đấy". (đảo nghĩa là ngược lại; đáo nghĩa là đến. Hai từ cận âm đọc). Thái Tử đã cho người lính 30 lạng bạc và mọi người trực đêm ấy cũng được thưởng.

 

Nhân dịp đầu năm tản mạn đôi điều về chữ Phúc, mong sang năm mới, thay vì nhà nhà chỉ ham tích tiền tài, thì hãy chú tâm tích Đức, tự khắc Phúc vận sẽ tới, gia đình sẽ hưởng êm ấm, sum vầy.

 

(theo tinhhoa.net)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay15,462
  • Tháng hiện tại463,992
  • Tổng lượt truy cập40,301,154
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây