Về đôi câu đối treo gian tiền bái Phúc quang Từ đường

Thứ ba - 16/02/2016 19:02

Trong gian tiền bái Phúc quang Từ đường có treo đôi câu đối bằng khảm xà cừ trang trọng. Đây là câu đối do con cháu các họ: Thịnh Mỹ (Thanh Hóa), Bách Tính, Phạm Xá (Nam Định) và Tống Văn, Minh Giám (Thái Bình) đồng dâng tiến.
Hoành phi, câu đối treo gian tiền bái Phúc quang Từ đường
Hoành phi, câu đối treo gian tiền bái Phúc quang Từ đường

 

Phúc Quang Từ đường nằm trong quần thể di tích Văn hóa Đồng Phang ở xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Cụm di tích gồm: Đền Thánh Mẫu, Phúc quang Từ đường và chùa Thiên Phúc.

Đền Thánh Mẫu, nơi thờ Quang thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, được vua Lê Thánh Tông cho xây dựng từ năm 1468 với tên gọi ban đầu là Thuần mậu đường. Năm 1473  Thuần mậu đường được xây lại và cải tên thành Thừa Hoa Điện, làm nơi nghỉ ngơi của Hoàng Thái hậu mỗi khi về thăm quê. Tháng 2 nhuận năm Bính thìn (1496) sau khi viếng Lăng trở về thăm quê ngoại, nghỉ tại Điện Thừa hoa, Hoàng Thái hậu không may trúng phong ngã bệnh và băng tại đây, hưởng thọ 76 tuổi . Thi hài Thái hậu được đưa về Vĩnh Lăng an táng. Từ đó Thừa hoa điện đổi thành Đền thờ Thánh mẫu, hàng năm ngày 26 tháng 3 là ngày huý nhật; nhân dân các làng, giáp Đồng Phang hương khói phụng thờ.

Chùa Thiên Phúc là một ngôi chùa cổ nằm bên cạnh phía Tây Đền thờ Thánh Mẫu, được xây dựng cách đây đã hơn 700 năm. Theo các phả cổ họ Ngô ghi chép thì đây là nơi cụ Tổ Ngô Rô và Tổ Bà Đinh Thị Quỳnh Khôi từng tá túc và trông coi thủa hàn vi nghèo khổ. Tương truyền khi mất, cả hai cụ đều được “thiên táng”. Sau này con trai là Ngô Tây đã nối nghiệp, tiếp tục trông giữ chùa này.

Toàn cảnh đền Thánh Mẫu

 

Phúc quang Từ đường là nơi thờ tự Ngô Rô, Ngô Kinh, Ngô Từ và các bậc tiên liệt họ Ngô, được khởi dựng từ những năm đầu sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh do Lê Lợi lãnh đạo. Cuộc đất  để xây Từ đường do viên quan cai trị Hoàng Phúc, một nhà phong thủy tên tuổi của nhà Minh chọn cho, với mục đích trả nghĩa Ngô Từ, người đã khuyên Lê Lợi không giết hại, cho y được toàn tính mạng(1). Vị trí xây dựng nằm vào mạch Hoàng Uyên, nơi đất nguồn phát phúc. Về mạch Hoàng Uyên, Hoàng Phúc luận như sau: “Mạch Hoàng Uyên phía trên có long tuyền vòng quanh, nghịch khê thấu vào huyệt. Ở bên chỗ thắp hương, ấy là chân mạch phát phúc, sinh ra bậc hiền tài, khoa giáp sinh sau, tướng hùng phát trước, làm vương hầu tướng văn tướng võ, phúc lộc lâu bền. Chỉ hiềm cát trôi đi nên phải di cư đi nơi khác mới được tốt lành, được phúc trời ban cho. Mạch Hoàng Uyên phía trên có long tuyền lượn vòng hõm sâu mở ra trước gò, huyệt đẹp tự nhiên, rồng uốn quay về tổ (hồi long cố tổ) núi sông vây quanh, lầu phượng đỡ sau, quy sơn chầu trước, kỳ lân ứng bên phải, long cung mé bên trái. Con trai làm khanh tướng, con gái nhập cung vua phúc lộc chẳng bao giờ dứt, nối tiếp đời này qua đời khác. Bản chi phồn thịnh càng về lâu càng thêm rực rỡ”.

Trải qua năm tháng, Phúc quang Từ đường đã nhiều lần xuống cấp được tu sửa lại. Năm 1995 Bộ Văn hóa Thông tin đã có quyết định cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp nhà nước.

Năm 1911 Họ Ngô Phạm Xá (nay thuộc xã Yên Nhân huyện Ý Yên, Nam Định) đã tổ chức đoàn vào Đồng Phang thăm viếng Phúc quang Từ đường. Cùng năm đó, họ Phạm xá và các họ: Thịnh Mỹ (Thanh Hóa), Bách Tính (Nam Định), Tống Văn, Minh Giám (Thái Bình) đồng dâng tiến đôi câu đối khảm xà cừ rất trang trọng.

Gia phả họ này có chép một câu chuyện kể rằng: trước đây, các cụ bô lão thấy nhiều năm trong họ xảy ra những việc không hay, đinh tài kém vượng, mới bàn nhau đi cầu cúng các đền phủ khắp vùng. Tuy nhiên, cuối cùng không đâu chỉ rõ căn nguyên. Rồi ngày kia, một cụ trùm trong họ bảo rằng, đêm hôm trước cụ được thần báo mộng cho hay, con cháu lâu nay khốn đốn vì cái tội không biết đến Tổ tiên, nguồn cội. Nay đã biết lỗi rồi nên Tổ Cô trong họ là Quốc Mẫu sai thần mộng đến báo cho biết, đất Tổ chính là Đồng Phang vậy. Con cháu cả họ vui mừng chia nhau đi hỏi Đồng Phang ở đâu, nhưng không ai biết cả, ngay cả cụ nghè Khiếu Năng Tĩnh cũng không biết(2). Tết Nguyên đán năm ấy, học trò cụ Nghè Khiếu là các cử nhân, tú tài đến chúc tết thầy, cụ Nghè không quên việc họ Phạm Xá nhờ, mới đem hỏi đám học trò cũ thì có vị Cử nhân Phan Đắc Tuấn, tức Phan Cảnh Tung báo cho thầy biết Đồng Phang là nơi nào. Sau khi biết được Đồng Phang ở đâu, họ Ngô Phạm Xá liền cử một đoàn đại biểu gồm trưởng tộc và đại diện các chi vào Đồng Phang viếng Phúc Quang Từ Đường. Đoàn gồm: Trưởng tộc Ngô Doãn Cung (1863-1937, đời 37), Ngô Đạo Quán (1857-1920, đời 37), Ngô Thuyên (1857-1921, đời 37), Ngô Nhuận (1870-1929, đời 37), Ngô Chất (1868-1934, đời 38).

Câu đối khảm xà cừ nói trên hiện đang treo ở Phúc Quang Từ Đường cũng do cụ nghè Khiếu Năng Tĩnh soạn giúp và được Hoàng giáp Phạm Bảo nhuận sắc. Nguyên văn câu đối như sau:

本  洞  滂  支  異  地  頻  遷  計  自  黎  開  國  來  玆  子  孫  千  億

一  潢  淵  兩  先  塋  發  跡  有  真  吳  世  系  出  者  福  祿  永  延

Phiên âm Hán Việt:

Bản  Động  Bàng, chi dị địa tần thiên, kế tự Lê khai quốc lai tư, tử tôn thiên ức;

Nhất Hoàng Uyên, lưỡng tiên oanh phát tích, hữu chân Ngô thế hệ xuất giả, phúc lộc vĩnh diên.

Chúng tôi tạm dịch là:

Đồng Phang cội nguồn, cành vươn khắp ngả, tự thủa Lê triều lập nước, nay hằng muôn vạn cháu con.

Hoàng Uyên mạch phát, mộ Tổ hai ngôi, đâu nơi Ngô tộc phân dòng, đều hưởng dài lâu phúc lộc.

Nội dung hai dòng lạc khoản:

- Thượng khoản: Duy Tân Tân Hợi xuân, Tam giáp đồng tiến sỹ, Quốc tử Tế tửu thăng Tham tri Mỹ Đình Khiếu Trọng Định tử cung soạn.

(Mùa xuân năm Tân Hợi niên hiệu Duy Tân (1911). Khiếu Trọng Định, hiệu Mỹ Đình - Tam giáp đồng Tiến sỹ, Tế tửu Quốc tử giám, thăng chức Tham tri – phụng soạn).

- Hạ khoản: Tiền triều Nhị giáp tiến sỹ Phạm xá Vương Thần nhuận sắc. Bản tỉnh Thịnh Mỹ; Nam Định Bách Tính, Phạm Xá; Thái Bình Tống Văn, Minh Giám đẳng chi bái phụng.

(Vương Thần thôn Phạm Xá – Hoàng giáp triều đại trước (Hoàng Giáp Phạm Bảo) chỉnh sửa. Họ Thịnh Mỹ tỉnh nhà và các chi họ: Bách Tính, Phạm Xá tỉnh Nam Định, Tống Văn, Minh Giám tỉnh Thái Bình đồng kính dâng).

Những năm 60 của thế kỷ trước, trong phong trào “Chống phong kiến, bài trừ mê tín di đoan”, cũng như số phận nhiều công trình kiến trúc văn hóa khác, Phúc quang Từ đường đã bị phá bỏ, đồ tự khí và các vật phẩm nhà thờ bị hủy hoại, thất lạc, riêng đôi câu đối được gửi ở nhà ông Ngô Văn Đăng trong làng. Ông Đăng có con trai nhưng ở xa, ở tại địa phương chỉ còn bà con gái là Ngô Thị Ngũ. Bà Ngũ không có chồng con, ở một mình, bà vẫn giữ gìn được đôi câu đối cho đến sau này.

Năm 2003, Tiến sỹ Ngô Xuân Hùng (họ Ngô Bách Tính – xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, Nam Định) đứng chủ hưng công tái thiết Phúc quang Từ đường và nhiều công trình thờ tự khác của Dòng Họ ở Đồng Phang. Ông đã bỏ tiền ra mua, thu hồi lại được một phần rộng lớn diện tích đất cũ của khu Di tích, mua sắm mới các đồ tự khí, phục dựng công trình, tuy không được như cũ nhưng khá khang trang. Ông cũng đã cho lấy lại câu đối do bà Ngũ cất giữ, có trả cho bà một ít tiền gọi là “công giữ gìn” câu đối.

Câu đối được viết theo thể Khải thư, nét chữ mềm mại mà khỏe khắn, đầy đặn vẫn thanh tao, thể hiện rõ cốt cách, tài năng nhà thư pháp. Đôi câu đối được treo nơi trang trọng nhất trong Phúc quang Từ đường. Hơn một trăm năm đã qua mà đôi câu đối vẫn y nguyên, ngày càng bóng đẹp.

 

Ngô Vui, Ngô Văn Xuân

 

Ghi chú:

(1) Xem thêm bài “Lược sử Phúc quang Từ đường & bài ký của Hà Tông Huân” trong chuyên mục Lịch sử Họ Ngô.

(2)  Khiếu Năng Tĩnh tự Trọng Định, hiệu Mỹ Đình là danh sĩ đời vua Tự Đức (1848 - 1883), sinh năm Ất Mùi (1835), người làng Trực Mỹ, xã Yên Thắng, Tổng Tử Vinh, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, nay là thôn Trực Mỹ, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Năm Mậu Dần (1878), ông dự khoa thi Hương Trường thi Nam Định, đỗ cử nhân, đứng thứ 5 kỳ thi này. Hai năm sau, tháng 3 năm Canh Thìn (1880) ông vào Huế dự thi Hội. Tại kỳ thi Hội này, vua Tự Đức ra đề thi rất khó khiến nhiều thí sinh lúng túng, song Khiếu Năng Tĩnh làm khá trọn vẹn bài thi. Khoa thi chọn được có 6 người thuộc hạng trúng cách và 7 người thuộc hạng phó bảng. Khiếu Năng Tĩnh là 1 trong 6 người trúng cách.

Sau khi đỗ đạt, Khiếu Năng Tĩnh đã làm quan triều đình nhà Nguyễn với nhiều trọng trách: Đốc học Nam Định và Hà Nội, Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ, Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc Tử Giám. Giữ chức Đốc học Nam Định và Hà Nội, ông đã có công đào tạo và lựa chọn được nhiều người tài giỏi có công với nước nhà.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập88
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm82
  • Hôm nay28,327
  • Tháng hiện tại164,136
  • Tổng lượt truy cập50,699,956
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây