Một mặt, nhà nghệ sỹ vừa phải tôn trọng đến mức tối đa sự thật lịch sử, nhưng mặt khác bằng cảm xúc, tài năng cá nhân, anh ta cần phải sáng tạo ra một lịch sử khác, được gọi là lịch sử của văn học nghệ thuật.
Vấn đề này tưởng chừng đã được giải quyết xong từ lâu. Vậy mà, khi xem xét, đánh giá một tiểu thuyết, truyện ngắn hay trường ca về đề tài lịch sử, không ít người luôn tìm cách đem sự thật lịch sử được ghi chép lại ở các tập biên niên sử hay các giáo trình lịch sử do các nhà sử học viết ra làm công cụ giảng dạy cho học sinh, sinh viên ra để so sánh với những sự kiện, nhân vật lịch sử trong các tác phẩm văn chương.
1. Trước hết nếu các chi tiết được phản ánh trung thực gần như sao chép sự thật đã và đang xảy ra trong đời sống thực thì cùng lắm đấy chỉ là một cuốn biên niên sử, chứ không thể là một tác phẩm văn học nghệ thuật. Bởi lẽ một thuộc tính cơ bản nằm ngay trong bản chất cấu thành của tác phẩm văn học nghệ thuật là sự tưởng tượng chủ quan của nghệ sỹ. Ngay cả khi một sự kiện lịch sử được đưa vào tác phẩm văn học nghệ thuật tưởng như giống hệt sự kiện đó đã từng diễn ra trong đời sống thực, thì nó cũng đã phải thông qua lăng kính chủ quan của chủ thể sáng tạo – nghệ sỹ. Lăng kính chủ quan của nghệ sỹ giống như một cái filter chắt lọc và loại bỏ tất thảy những gì không mang lại giá trị thẩm mỹ cho hình tượng tác phẩm theo quan niệm của mỗi người.
Một mặt, nhà nghệ sỹ vừa phải tôn trọng đến mức tối đa sự thật lịch sử, nhưng mặt khác bằng cảm xúc, tài năng cá nhân, anh ta cần phải sáng tạo ra một lịch sử khác, mà tôi gọi là lịch sử của văn học nghệ thuật. Nhưng như vậy không có nghĩa anh ta chỉ là người sao chép lại nguyên si những sự kiện đã từng xảy ra trong đời sống thực. Tôi rất tâm đắc với câu nói nổi tiếng của đại thi hào Nga Macxim Goorki khi ông ta nói về vai trò của cảm xúc và tưởng tượng cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật một cách thật sự hóm hỉnh đại ý rằng: Nếu một bài thơ viết về chiếc bánh mỳ mà không có gì khác chiếc bánh mỳ thì người ta sẽ chọn chiếc bánh mỳ, chứ không ai chọn bài thơ cả.
Đã nói đến sự tưởng tượng chủ quan của nghệ sỹ cũng có nghĩa là thừa nhận tính không đồng nhất giữa sự thật lịch sử đã từng tồn tại trong đời sống thực và các chi tiết, sự kiện đó được phản ánh vào trong tác phẩm văn học nghệ thuật. Người nghệ sỹ có thể bớt đi hay thêm vào, nhấn mạnh hay làm lu mờ đi một vài chi tiết nào đó phục vụ cho ý tưởng sáng tạo của mình là điều dễ hiểu. Một chi tiết hay một nhân vật nào đó được thêm vào không nhất thiết là có thật, ngược lại nó có thể hoàn toàn được tạo nên bởi sự tưởng tượng chủ quan của nghệ sĩ, cốt sao cái lịch sử trong tác phẩm không trở thành một cái gì đó hoàn toàn xa lạ với cái lịch sử đã từng tồn tại trong đời sống thực. Hơn thế việc bớt đi hay thêm vào các chi tiết, nhân vật nào đó phải nhằm mục đích tái hiện lại lịch sử ở một cấp độ cao hơn và vì thế nó còn thật hơn cái sự thật mà mọi người đã từng biết từ sự trải nghiệm cá nhân hay từ những cuốn biên niên sử.
2. Đại văn hào Liev Toltoi đã từng nói đại ý rằng: khi sáng tạo hình tượng cô Anna trong tác phẩm Anna Karenina thì trong đầu ông ta có tới hàng ngàn cô Anna khác nhau. Còn đại văn hào Lỗ Tấn cũng nói tương tự như vậy khi mọi người hỏi về nhân vật nổi tiếng A.Q trong tác phẩm A.Q chính truyện của ông. Lỗ Tấn đã nói một cách đại ý rằng: nhân vật A.Q của ông có cái đầu ở Triết Giang, cái thân ở Thượng Hải, và đôi chân ở Quảng Đông… Tuy vậy, rõ ràng cái anh chàng A.Q và cô Anna là đại diện cho một lớp người nguyên mẫu bằng xương bằng thịt, có những nét tương đồng về tính cách và các điều kiện xã hội nên nó mang tính khái quát cao thông qua trí tưởng tượng và khả năng hư cấu của nhà văn.
Vấn đề ở đây không phải là được hay không được quyền hư cấu, hay sự so le giữa sự thật lịch sử và hình tượng nghệ thuật, mà chính là giới hạn của sự so le ấy đến đâu và như thế nào để công chúng có thể chấp nhận được. Người nghệ sỹ có quyền hư cấu thông qua cảm xúc và tưởng tượng bằng những kinh nghiệm chủ quan của anh ta. Nói một cách chính xác hơn anh ta hoàn toàn có quyền tái hiện lịch sử theo cách riêng của mình. Nhưng tuyệt nhiên người nghệ sỹ không được phép bịa đặt ra lịch sử. Dù khả năng sáng tạo của anh ta có dồi dào và bay bổng đến đâu thì cũng không thể bịa đặt 100% ra một nhân vật lịch sử có thật đã từng tồn tại. Chẳng hạn như trận chiến đấu chống quân Tống trên bờ sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt diễn ra vào năm 1076 là một sự thật lịch sử cho đến nay không một ai chối cãi. Vì thế trong tác phẩm văn học nghệ thuật không thể nói rằng trận chiến đấu là do Lê Lợi cầm quân hay Lý Thường Kiệt chống quân Tống ở Nghệ An vào thế kỷ XVIII chẳng hạn, là hư cấu nghệ thuật. Cũng vậy triều đại nhà Hồ chỉ tồn tại trong vòng 7 năm từ 1400- 1407 không thể nói thành 70 năm, tức là từ 1400- 1470 được. Làm như thế gọi là xuyên tạc và bịa đặt ra lịch sử, chứ không phải là hư cấu nghệ thuật.
3. Trong tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh hình tượng quận chúa Quỳnh Hoa, người vợ quá cố của Hồ Nguyên Trừng, con trai của Hồ Quý Ly, là một nhân vật hoàn toàn hư cấu nhằm bộc lộ và nhấn mạnh thêm tính cách Hồ Nguyên Trừng, một con người đầy lòng trắc ẩn nên dễ dàng tha thứ cho người khác. Nhưng cơ bản toàn bộ giai đoạn thật lịch sử thời cuối Trần đầu Hồ không vì thế bị bóp méo hay xuyên tạc. Cũng tương tự như thế đoạn miêu tả Hồ Quý Ly đứng lặng im phía sau để chờ vợ cầu kinh bên bàn thờ Phật là do nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hư cấu nên, nhưng lại hoàn toàn có thể chấp nhận được. Bởi lẽ trong các tài liệu lịch sử còn lưu trữ được về Hồ Quý Ly không có chi tiết đó. Nhờ vào những chi tiết đó mà bạn đọc hôm nay có thêm điều kiện để hiểu rõ một nét tính cách của ông vua nhà Hồ. Đó chính là ở chỗ sâu thẳm còn có một Hồ Quý Ly cô đơn và hướng thiện. Cũng vì thế qua tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, người đọc lại có thêm cơ hội để nhận thức sâu hơn sự thật lịch sử thời bấy giờ. Giai đoạn lịch sử đó đã nảy sinh ra những con người táo bạo, cách tân, mưu lược, đầy tham vọng và cô đơn như Hồ Quý Ly; anh hùng, dũng mãnh, có tài binh lược như hai vị tướng Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh; lũ người bất tài vô dụng, nhưng trung thành với một triều đại đã mục nát như Trần Nguyên Hàng, Nguyên Dận, Nguyên Uyên; và còn có cả những người như quận chúa Quỳnh Hoa, cô gái Thanh Mai… những người phụ nữ rất mực thuỷ chung, hết lòng thương yêu chồng con và cũng sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn.
Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du cũng là một minh chứng sinh động về mức độ chuẩn xác giữa nguyên tác và các bản sao chép của hậu thế. Chắc gì bản tiếng Việt mà chúng ta đang có trong tay hiện nay đã hoàn toàn xác thực so với nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du đã viết cách đây gần 200 năm về trước. Bởi lẽ, cách đây chưa lâu, người ta lại tìm thấy những dị bản Truyện Kiều khác ở tận bảo tàng Louvre tại Paris, Pháp. Ấy là chưa kể đến các văn bản Truyện Kiều được nhiều người khác nhau dịch ra các thứ tiếng Nga, Anh, Pháp,… thì khả năng sai lệch của nó là khó tránh khỏi.
4. Đại văn hào Liev Toltoi, người đã sáng tạo ra bộ tiểu thuyết bất hủ Chiến tranh và Hoà bình viết về cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Nga dưới sự chỉ huy của nguyên soái Kutuzov chiến đấu chống lại sự xâm lăng của quân viễn chinh Pháp do Napoléon cầm đầu, có bao nhiêu phần trăm sự thật và bao nhiêu phần trăm hư cấu, đến nay vẫn chưa ai dám khẳng định một cách chắc chắn được. Cũng tương tự như vậy, trên văn đàn thế giới có biết bao tác phẩm căn chương viết về/có liên quan đến các sự kiện lịch sử như: Don Quijote (Đôn Ki-ô-tê) của Miguel de Cervantes và Les Trois Mousquetaires (Ba người lính ngự lâm) của Alexandre Dumas là những tiểu thuyết lịch sử được hư cấu phần lớn,…nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến sự đúng sai của những sự kiện lịch sử đã được các nhà nghệ sĩ tái hiện trong tác phẩm so với nguyên mẫu lịch sử. Dù rằng cái gọi là nguyên mẫu lịch sử đó, cả những người đương thời lẫn hậu thế không ai dám chắc đấy là sự thật lịch sử một trăm phần trăm.
Mặt khác, người nghệ sĩ phản ánh lịch sử chủ yếu là bằng các cung bậc của cảm xúc và tình cảm cá nhân, chứ không dừng lại ở ranh giới đúng – sai của nguyên mẫu lịch sử như các nhà biên niên sử thường làm. Tính không đồng nhất giữa sự thật đã từng tồn tại như nó vốn có trong đời sống thực và những sự kiện được phản ánh trong tác phẩm văn học nghệ thuật chính là hư cấu nghệ thuật, một đặc trưng cơ bản của sáng tạo văn học nghệ thuật.
Cũng không phải đến gần đây các tác phẩm văn chương Việt mới viết về/có liên quan đến các sự kiện lịch sử, mà trước đấy có Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên đã từng viết về/có liên quan đến Lê Lợi, Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi viết về/có liên quan đến Nguyễn Trãi, rồi Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác viết về/có liên quan đến Hoàng đế Quang Trung- Nguyễn Huệ,…nhưng không thấy ghi lại những cuộc tranh luận về vấn đề lịch sử đã được đặt ra và phản ánh trong các tác phẩm ấy của họ. Riêng đối với Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp ra đời cách đây hơn 20 năm đã viết về/có liên quan đến vị vua triều Nguyễn là Quang Trung- Nguyễn Huệ,… cũng đã từng xảy ra cuộc tranh luận khá sôi nổi. Đấy là chuyện của hơn hai mươi năm về trước khi chúng ta mới bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới đất nước.
Những sự kiện và nhân vật lịch sử mà ngày nay chúng ta biết được về nhà Hậu Lê mà tiểu thuyết Hội thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân đã mô tả về/có liên quan đến cũng được dịch từ nguyên bản chữ Hán/Nôm ra tiếng Việt hiện đại, nên thật khó có thể nói rằng mọi bản dịch đều chính xác tuyệt đối so với nguyên tác.
5. Như vậy, có thể thấy, dù có chân thực đến mấy thì nhận thức lịch sử cũng chỉ mang tính chất tương đối, vì các sự kiện lịch sử như nó vốn có, là những cái đã từng tồn tại trong lịch sử chứ không phải những cái đang tồn tại hôm nay, nên rất khó có thể kiểm chứng được độ xác tín của nó, cái mà người đương thời có đã không ít hơn một lần bị tam sao, thất bản. Nếu mỗi người cầm trong tay một văn bản về một sự kiện, nhân vật lịch sử nào đấy rồi đem ra đối chiếu, tranh biện, chắc chắn ai cũng sẽ nói văn bản của mình là đúng, còn văn bản của người kia là sai. Vậy văn bản nào đúng/sai sẽ là một câu chuyện chẳng bao giờ có hồi kết. Âu đấy cũng là lý do chính đáng làm nên sự tồn tại của khoa nghiên cứu lịch sử và ngành văn bản học. Tóm lại, lịch sử và văn chương không bao giờ là một cặp song sinh cả.
Sẽ là sai lầm nếu ai đó cho rằng khi tái hiện những sự kiện và nhân vật lịch sử, người nghệ sỹ không được phép làm thay đổi lịch sử như nó vốn có. Ngay cả những cuốn biên niên sử đương thời hay hậu thế cũng không thể nào ghi chép một cách đầy đủ và chi tiết những sự kiện đã từng xảy ra. Bởi vì những sự thật đó được ghi chép lại còn bị các điều kiện kinh tế, chính trị, đạo đức, lịch sử và xã hội đương thời, cũng như tri thức, tầm hiểu biết và cái tâm của nhà chép sử chế định, nên tính nghiêm ngặt lịch sử đã ít nhiều bị giảm thiểu. Theo tôi vấn đề này đã được Nguyễn Xuân Khánh lý giải một cách khá thuyết phục qua sự hư cấu hình tượng nhà chép sử Văn Hoa trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly của ông. Như vậy điều quan trọng chỉ còn là mức độ và giới hạn cho phép nhà nghệ sỹ hư cấu khi sáng tạo các sự kiện lịch sử trong tác phẩm văn học nghệ thuật để làm sao cho công chúng có thể tiếp nhận được bộ mặt của lịch sử qua tác phẩm còn thật hơn cái lịch sử đã từng tồn tại. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng sáng tạo của nghệ sỹ.