Uẩn khúc vua Quang Trung cầu hôn công chúa nhà Thanh

Thứ ba - 30/08/2016 18:04

Một số tài liệu lịch sử xác nhận rằng, vua Quang Trung đã sai sứ thần tới Đại Thanh cầu hôn công chúa - con gái được cưng chiều nhất của hoàng đế Càn Long. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu hiện nay lại phủ nhận điều này.
Tượng Quang Trung. Nguồn: Internet
Tượng Quang Trung. Nguồn: Internet

 

 

Thực hư cuộc cầu hôn giữa nhà Tây Sơn với nhà Thanh là như thế nào? Sách Hoàng Lê nhất thông chí chép rằng: “Vua Quang Trung sau khi quyết định đánh Trung Quốc, bèn sai bầy tôi là Chiêu Viễn Vũ Văn Dũng sang nhà Thanh dâng biểu cầu hôn và đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây". Sách Đại Nam chính biên liệt truyện cũng ghi: “Năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung sai làm biểu văn sang nhà Thanh cầu hôn để dò ý vua Thanh và cũng để mượn cớ gây mối binh đao, nhưng vua bị bệnh không đi được”.

Theo hai tài liệu trên, việc Quang Trung xin cưới một công chúa của Càn Long mới chỉ trong dự định của một ý đồ liên quan đến vận nước của hai bên. Vua mong muốn bành trướng lãnh thổ Ðại Nam về phương Bắc và bằng mọi cách đòi lại cho được 2 tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây - vốn thuộc nước Nam Việt thời Triệu Ðà (năm 207 trước Tây lịch), mà nhà Hán đã thôn tính. Sắc mệnh sai sứ thần sang nhà Thanh cầu hôn Vào tháng 4 âm lịch năm 1791, vua Quang Trung gửi một sắc mệnh cho Chiêu Viễn Vũ Văn Dũng, có nội dung như sau: “Sắc Hải Dương Chiêu Viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận công thần Vũ Quốc Công tiên gia lĩnh Bắc sứ kiêm toàn ứng tấu thỉnh Đông, Tây lưỡng Quảng dĩ khuy kỳ tâm, công chúa nhất vị dĩ kích kỳ nộ. Thận chi! Thận chi! Kỳ dụng binh hình thế tận tại thử hành. Tha nhất tiền phong, Khanh kỳ nhân dã, khâm tai sắc mệnh. Quang Trung tứ niên, tứ nguyệt, thập ngũ nhật”.

Tạm dịch:

"Sắc sai Hải Dương, Chiêu Viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận công thần Vũ Quốc Công được tiên phong làm Chánh sứ đi sứ nhà Thanh, kiêm lãnh toàn quyền trong việc tâu thưa để xin lại đất hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để dò ý và cầu hôn công chúa để khiêu khích tự ái vua Thanh. Cẩn thận! Cẩn thận! Hình thế dụng binh là ở chuyến này cả. Ngày kia làm tiên phong chính là khanh. Sắc mệnh nhà vua. Ngày rằm tháng 4 năm Quang Trung thứ 4 (1791).

Như vậy, đoàn sứ của Vũ Văn Dũng lên đường sang Đại Thanh để bệ kiến vua Càn Long hai việc: xin cầu hôn và xin đất đóng đô. Thực chất, theo một số nhà nghiên cứu hiện nay, đó chỉ là cái cớ vì thực tâm, vua Quang Trung muốn dụng binh đánh Trung Quốc và Vũ Văn Dũng chính là vị tướng tiền phong trong tương lai. 

Càn Long chuẩn thỉnh cầu... Quang Trung băng hà
Sau khi sứ thần Vũ Văn Dũng dâng tấu xin Càn Long ban cho hai yêu cầu nói trên, vua nhà Thanh đã chuẩn y lời cầu hôn của hoàng đế Quang Trung, sai bộ Lễ sửa soạn nghi thức cho việc cưới gả, định ngày cho công chúa sang nước Nam. Còn việc xin lại hai tỉnh, Càn Long ngoài mặt đồng ý, nhưng thực tế chỉ muốn trao cho Quảng Tây làm đất đóng đô, coi như "của hồi môn" cho con gái "rượu". Tuy nhiên, ở đời mấy ai học được chữ ngờ! Chỉ sau đó mấy hôm, Vũ Văn Dũng nhận được tin chẳng lành là vua Quang Trung đột ngột băng hà. Mọi việc trở nên dang dở... Lúc đó, Vũ Văn Dũng đã làm bài thơ viếng:

Năm năm dấy nghiệp tự thân nông 
Thời trước thời sau khó sánh cùng 
Trời để vua ta thêm chục tuổi 
Anh hùng Đường, Tống hết khoe hùng.

Vua Càn Long cũng thảo một bài thơ viếng hoàng đế Quang Trung. Sứ nhà Thanh đã đến tận mộ ông ở Linh Đường (mộ giả) thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội) để viếng. Cho đến nay, thời điểm mất của vua Quang Trung vẫn được các tài liệu cổ ghi khác nhau. Sách Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn ghi ông mất tháng 7 âm lịch năm 1792. Hoàng Lê nhất thống chí chép ông mất tháng 8 âm lịch năm 1792. Theo lý giải của Hoàng Xuân Hãn trong La Sơn phu tử, cả hai sách ghi đều không sai. Quang Trung mất vào khoảng 11 h đêm ngày 29 tháng 7 âm lịch, khoảng đó là giờ tý, nghĩa là bắt đầu được tính sang hôm sau; mà tháng 7 năm đó là tháng thiếu, ngày 29 là ngày cuối tháng, nên sau 11h đêm đã chuyển sang tháng 8. Theo Hoàng Xuân Hãn: "Ghi tháng 7 hay tháng 8 thực ra chỉ chênh nhau khoảng nửa giờ".


(Ngay sau khi đại phá quân Thanh ở trận Ngọc Hồi - Đống Đa, vua Quang Trung tìm cách xóa bỏ thù hằn bằng việc chiêu hàng, nuôi dưỡng hàng vạn tù binh nhà Thanh và thu dọn, cúng tế chiêu hồn quân Thanh; thực thi chính sách hòa giải với cường quốc phương Bắc và triều cống, xin phong vương. Bằng một kế sách ngoại giao khôn khéo, mua chuộc được các cận thần nhà Thanh (Phúc Khang An, Hoà Thân...), Nguyễn Huệ đã được vua Thanh chấp nhận cầu phong để nhà Tây Sơn chính thức thay thế nhà Lê làm chủ Đại Việt).

 

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập155
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm150
  • Hôm nay45,585
  • Tháng hiện tại148,669
  • Tổng lượt truy cập48,326,559
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây