Đi tìm dấu tích Hoàng Hậu Dương Phương Lan

Thứ tư - 13/04/2016 20:20

Nằm trong chương trình hoạt động những tháng đầu năm, ngày 11/4/2016 Hội đồng Ngô tộc Việt Nam đã tổ chức chuyến đi về thăm thôn Yên Nhân xã Hòa Chính huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nơi được cho là quê gốc của bà Dương Phương Lan, Hoàng Hậu của Đức vua Ngô Quyền.
Đoàn trao đổi với các vị bô lão trong làng
Đoàn trao đổi với các vị bô lão trong làng

 

 

Đoàn gồm 5 người, do ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng Ngô tộc Việt Nam dẫn đầu.và 4 thành viên khác gôm: Ngô Quang Nam, Phó Chủ tịch, Ngô Hữu Minh, Ngô Văn Xuân, Ủy viên Thường trực Hội đồng Ngô tộc VN và họa sỹ Nguyễn Văn Chiến, nhà nghiên cứu lịch sử.

Lường trước việc kẹt xe đầu giờ sáng, chúng tôi xuất phát khá sớm. Tuy nhiên buổi sáng mật độ xe cộ Hà Nội vẫn rất đông, phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới ra khỏi khu vực nội thành.

Hòa Chính là một xã cuối huyện Chương Mỹ, nơi tiếp giáp giữa 3 huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thành phố khoảng hơn 30 Km về phía Tây Nam. Sau hơn 2 giờ đồng hồ với vài ba lần dừng xe hỏi thăm, chúng tôi cũng đã tìm đến nơi.

Đây là một xã gần như thuần nông, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề canh tác, vì vậy đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy đời sống vật chất còn thiếu thốn, song người dân nơi đây thật là cởi mở, chân tình và hiếu khách. Thấy chúng tôi đến, bà con trong làng rất niềm nở và phấn khởi, chào đón thật sự thân tình. Khi biết chúng tôi là đoàn con cháu họ Ngô Việt Nam đến dâng hương và tìm hiểu về Vương phi Dương Phương Lan, đích thân ông Lê Văn Thụ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Yên Nhân va ông Lê Đình Công, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ra đón tiếp chúng tôi, hướng dẫn đoàn vào làm thủ tục dâng hương rồi mời các thành viên trong đoàn ngồi uống nước. Hai vị giới thiệu sơ bộ tình hình địa phương và chương trình tổ chức lễ hội.

Thì ra, theo Thần tích, hôm đó là ngày sinh của Đức Thánh Mẫu Dương Phương Lan. Hàng năm cứ đến dịp này, nhân dân 2 thôn: Yên Nhân và Lý Nhân lại tổ chức lễ hội trong 3 ngày liền, trong đó có nghi thức rước thần rất long trọng. Những năm chẵn thì tổ chức với quy mô lớn hơn.

Đình Làng Yên Nhân thờ 4 vị Thượng đẳng Thần, gồm:

- Đức Thánh mẫu Dương Phương Lan. Bà là Vương Hậu đồng thời là một danh tướng của Ngô Quyền, cùng Ngô Quyền chiến đấu đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng nhưng không may bị trúng tên độc bà đã anh dũng hy sinh;

- Đức Thánh đệ nhị Đỗ Lang Đại Vương, một vị quan triều Nhà Ngô, ông cùng Ngô Quyền chiến đấu và đã anh dũng hy sinh;

- Đức Thánh đệ tam Mai Gia Minh, một vị tướng của Ngô Quyền, bị chết trận tại Lục Đầu giang;

- Đức Thánh đệ tứ Hồ Thông, một người văn võ toàn tài, có công đánh giặc ngoại xâm thời vua Đinh Tiên Hoàng.

Quần thể di tích lịch sử tâm linh của làng Yên Nhân đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2001.

Sau khi nghe ông Ngô Vui trình bày mục đích chuyến đi của đoàn, mong muốn được tìm hiểu sâu về Dương Phương Lan, đặc biệt muốn được tiếp cận với các tài liệu, di tích gốc, các vị trong ban lãnh đạo Thôn rất nhiệt tình và tỏ ra sẵn sàng đáp ứng. Đích thân ông Lê Đình Công đi lấy các tài liệu được Ban Quản lý Di tích bảo quản, cất giữ cẩn thận, bao gồm các quyển Thần tích, Thần phả, các bản sao sắc phong do các triều đại trước đây cấp cho. Chúng tôi thật sự vui mừng, vội phân công nhau, người ngồi tiếp chuyện, ghi chép lại các thông tin, một bộ phận đem tài liệu ra sao chụp để về có điều kiện nghiên cứu kỹ hơn.

Qua trao đổi chúng tôi được biết, trước đây lăng mộ Dương Hậu từng tồn tại, cách đình làng chừng 800m, nhưng đầu những năm 60 của thế kỷ trước, trong Phong trào Bài trừ mê tín dị đoan, Lăng đã bị đập phá mất. Gần đây nhân dân địa phương đã rất cố gắng, tìm mọi biện pháp khai quật vị trí cũ để kiếm tìm dấu tích nhưng chưa đạt được kết quả.  Khu vực gần vị trí lăng cũ hiện nay địa phương đã cho xây dựng lên trường Trung học cơ sở, vì vậy công việc sắp tới chắc lại càng khó khăn hơn. Phía trước khu đình, chùa, một con đường vào khu di tích cũng mới được đổ bê tông rộng rãi, thoáng đẹp. Đầu đường phía ngoài, nhân dân có nguyện vọng xây thêm một chiếc cổng để tăng thêm vẻ uy nghiêm của khu di tích. Kinh phí xây cổng đã có vị doanh nhân người địa phương hằng tâm công đức, tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục hành chính nên đến nay vẫn chưa xây được. Hiện móng trụ chân cổng đã được đổ bê tông, các lõi thép còn đang nằm trơ phơi sương gió, khiến bà con nhân dân trong Thôn vô cùng bức xúc.

Sau khi đi tham quan một vòng các danh thắng, di tích trong vùng, chúng tôi tiếp tục ngồi trao đổi, đề xuất với địa phương một số ý kiến nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, với mục đích cùng chung tay góp sức xây dựng, nâng cấp khu di tích được khang trang, đẹp đẽ hơn, xứng đáng với nơi thờ tự những bậc anh linh, những người có công với dân, với nước.

Đối với thân thế Vương Hậu (phi) Dương Phương Lan, hiện các nhà nghiên cứu trong và ngoài Họ còn có những ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến cho rằng: Ngoài việc lập bà Dương Thị Như Ngọc, con gái Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ làm Hoàng hậu, Đức vua Ngô Quyền còn có một bà thứ phi tên là Dương Phương Lan, người Hà Đông. Luồng ý kiến khác thì cho rằng: Dương Thị Như Ngọc và Dương Phương Lan thực chất chỉ là một người, đó là bà Dương Hậu được ghi trong chính sử. Vấn đề này, Hội đồng Ngô tộc VN, trước đây là Ban Liên lạc họ Ngô VN đã bỏ khá nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm những chứng tích, tài liệu …nhưng đến nay vẫn chưa thể đi đến kết luận cuối cùng. Qua chuyến đi nghiên cứu, khảo sát lần này lại nảy sinh một tình tiết mới, theo đó, Bà Dương Phương Lan mới chính là Hoàng Hậu của Ngô Vương Quyền. Ngô Quyền lấy bà trước khi trở thành nha tướng của Dương Đình Nghệ và được Đình Nghệ gả con gái cho. Ngoài nghĩa phu thê, bà còn là một danh tướng của Ngô Quyền. Đây lại là một vấn đề cần tiếp tục làm sáng tỏ thêm. Hy vọng sau khi về, đọc kỹ các tài liệu đã thu thập được, chắp nối các chi tiết thực tế, Hội đồng Ngô tộc VN sẽ có những kết luận rõ hơn.

Chia tay cán bộ và nhân dân thôn Yên Nhân, chúng tôi không quên cảm ơn bà con đã có sự tiếp đón nồng hậu, chân tình và hẹn ngày được về găp lại bà con, tiếp tục công việc còn đang dang dở.

 

Hội đồng Ngô tộc VN trao đổi công việc

 

Trước đó, ngày 10/4/2016,  dưới sự chủ trì của ông Ngô Vui, Ban Khoa học và một số thành viên Hội đồng Ngô tộc VN, thành viên Ban Quản trị Câu lạc bộ Doanh nhân họ Ngô VN đã có buổi làm việc, bàn triển khai thực hiện kế hoạch công việc năm 2016. Hội nghị đã thống nhất, ngoài công việc đi nghiên cứu, khảo sát khu di tích thờ tự Vương Phi Dương Phương Lan như trên, trước mắt làm việc với Hải Phòng để tiếp cận kho tài liệu, thu thập các tư liệu mới, tiến tới phối hợp ra cuốn sách về Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng và/ hoặc Ngô Quyền với Hải phòng. Tiếp tục tìm cách tháo gỡ để hoàn thành thủ tục mở tài khoản tài chính riêng của Hội đồng. Làm tốt công tác chuẩn bị để tổ chức hội nghị toàn thể đầu tiên của Câu lạc bộ Doanh nhân họ Ngô VN vào cuối tháng 6/2016. Củng cố thêm trang Web HO NGÔ VIỆT NAM, mở thên chuyên mục Diễn đàn Doanh nhân trên trang Web để các thành viên có thể chia sẻ, trao đổi ý kiến một cách thuận tiện.

 

Ngô Văn Xuân

 

Dưới đây là một số hình ảnh bổ sung:

 

Cây đa cổ đầu đường làng Yên Nhân

 

Đường vào khu di tích đình, chùa Yên Nhân

 

Bảng chỉ dẫn đầu đường làng

 

Nhân dân tiến hành nghi thức tế Thần

 

Các thành viên HĐNT VN dâng hương

 

Bằng công nhận xếp hạng di tích lịch sử

 

Cổng trương PTCS Hòa Chính

 

Vị trí đất nơi được cho là Lăng mộ Hoang hậu tọa lạc

 

Các thành viên trong đoàn chụp ảnh tại vị trí Lăng từng tọa lạc

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm92
  • Hôm nay18,932
  • Tháng hiện tại460,227
  • Tổng lượt truy cập40,297,389
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây