Từ khóa 
Tìm kiếm theo 
Tìm theo 

Theo phả chữ Hán “Ngô tộc Gia phả ký” được lưu giữ ở Viện Hán Nôm số hiệu A2455, thì Thủy tổ của dòng họ tên là NGÔ THỌ NGHIÊM, 壽嚴 không rõ vì sao lâu nay vẫn gọi NGÔ PHÚC NGHIỄM 福儼. Cũng theo bản phả này thì đời thứ 2 là NGÔ ĐỨC TRỌNG 德重 chứ không phải NGÔ PHÚC TRỌNG 福重 và đời thứ 3 là NGÔ THỌ CHÍNH 壽政chứ không phải NGÔ PHÚC CHÍNH 福政.Bản phả đó có bài tựa của Ôn Phủ tức Ngô Trọng Khuê viết năm Tân Hợi (1791).
Dòng họ Ngô La Khê cho rằng cụ tổ Phúc Nghiễm (tức Thọ Nghiêm) từ Thanh Hóa ra. Phải chăng cụ tổ xuất ra từ họ Nguyệt Viên huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa là họ dùng tên đệm “Thọ” suốt mấy chục thế hệ cho đến tận ngày nay.
Ngô Duy Viên tức Ngô Trọng Khuê là một bậc tiên tổ nổi tiếng nhất của dòng họ, có nhiều đóng góp cho quốc gia dân tộc cũng như cho dòng họ về nhiều mặt cả văn lẫn võ. Cháu chắt ông sau này phát triển đông đúc thành 13 chi họ, chiếm số đông trong dòng họ La Khê.

Dưới đây là bài Tựa do Tiến sý Ngô Duy Viên viết cho Gia phả họ La Khê (Bài viết bằng chữ Hán đã được dich ra tiếng Việt):

 

TỰA

Người ta đều có nhà mà nhà không thể không có Phả được, bởi người ta sinh ra gốc ở Tổ mới có cha con, anh em, các cháu, họ hàng từ gần xa, như cây có gốc sẽ nảy sinh ra cành họ lá kia, nước có nguồn sẽ chảy ra dòng nọ, phái kia. Nếu không có Gia Phả để ghi nhớ lấy thì ai biết dòng giống từ đất ra mà biết: Hiếu với cha mẹ, đễ với anh em, phân biệt hàng trên dưới cho vẹn nhẽ trời sinh ra.
Từ vua Bảo Hy đặt ra từng họ mà sách gia phả bắt đầu từ đấy.
Sau đời Hoàng Đế là Hạ, Thương, Chu, Tây Hán, Đông Hán kể hàng nghìn trăm năm, đời nọ, đời kia xét ra được là nhờ chép được rõ ràng và truyền được rộng đó thôi.
Đời sau trên từ nhà vua, dưới đến nhà quan, nhà dân không nhà nào là không có Gia Phả, nhưng chép được rõ thì cũng ít thôi bởi những nhà giàu sang thì có nhà đời trước chép được nhưng đời sau sa sút thì không chép nữa, những nhà nghèo hèn thì nhân nhà đời trước chép có sơ sài không được thật rồi nấn ná lâu ngày không thể xét đâu được đích thực nữa.
Thảng hoặc có người nhất đám làm nên, nghe người ta truyền lại, lấy họ người ta làm họ mình như nhà Ngụy nhận là dòng đời vua Thuấn, nhà Đường nhận là dòng đời vua Nghiêu mà không biết là hủ lậu.
- Có nhà mới được vài đời mà tên họ tổ tiên đã không nghe biết.
- Có nhà vừa mới chia chi mà họ hàng đã không nhận được.
- Có người gặp nhau giữa đường mà không hỏi nhau.
- Vẫn có họ hàng mà kết thân gia như Châu với Trần.
- Vẫn chung một ông Tổ mà cư xử đỉnh đoảng như Tần với Việt.
- Có người cùng ở chung với nhau một nhà mà không biết nhau.
Thương hại thay về nỗi bại hoại luân thường. Thế thì sự chép Phả quan hệ tới đại làm người có phải là nhỏ đâu!
Tiền nhân ta gốc tích từ đâu, ta không được rõ lắm. Chỉ được biết từ cụ Phúc Nghiễm trở lại đây hơn 200 năm.
Về sau Tiên Quân ta mới lấy việc học: Thi Lễ xướng lên cho nhà biết  bao công đức chứa chất để lại mới có ngày nay không phải việc sớm, việc chiều.
Ngán nỗi từ cụ Thọ Chính về trước đến nay mới được bốn đời mà những hành trạng bấy giờ thì cũng như năm sinh, tên chữ, tên húy đã không thể xét được mà chỉ còn nhớ được những ngày giỗ và những ngôi mộ mà thôi.
Vậy thì mỗi năm càng lâu, mỗi ngày càng xa, biết đâu đời sau coi đời bây giờ cũng như đời bây giờ coi lên những đời trước.
Phần nhiều người ta: Khởi gia bởi nghiệp nông, những lúc cày bừa có được chút rỗi, sự thế cũng không kịp đến giấy mực biên chép rõ ràng. Người có chí ra chẳng qua nhớ được vài đời gần dặn riêng trong nhà. Còn giỗ tết, mồ mả xưa nay chuyên gửi ở trưởng họ, người kia chắc có người này, lớp sau cũng như lớp trước thành ra đến nỗi thất truyền đó thôi.
Than ôi! Phả Chí không đủ thì nòi giống không biện bạch được, mà nòi giống không biện bạch được thì luân thường không thể rõ được. Việc đó Tiên Quân ta lúc thường vẫn áy náy trong lòng và những khi thi lễ hầu gần Ngài dạy đến luôn.
Từ khoa Kỷ Sửu (1769), ta đỗ Tiến sĩ, bạn đồng khoa nghĩ thảo bức trướng mừng ta thi đỗ đầu Hội còn đủ song khánh, muốn thuật lại cả các cụ ta để phúc đức lại, chia vui với ta về lâu về dài. Ta xin Tiên Quân ta biên cả tên các cụ và kể công đức đại khái để thuật vào trướng, còn những sự tích đạt được mấy đời gần đây ta được nghe lời Tiên quân và bậc trên trong họ kể lại thì ta biên riêng vào quyển sổ nhỏ thôi.
Hồi biến năm Kỷ Dậu (1789), vì ta là bầy tôi Triều cũ, phải đưa gia quyến tránh đi nơi khác ngót một năm trời. Lúc về trông vào trong nhà không còn sót mảnh giấy mực nào, mà hỏi ra ở trong cháp con thứ ba ta là Vịnh thì hãy còn quyển gia phả đó! Chẳng phải là các cụ ta còn linh thiêng lắm ru.
Ta còn thấy được, cảm động chừng nào mà bèn nhân bản cũ lại thêm so sánh từ cụ Phúc Nghiễm về sau trong khoảng đời trước đời sau, chi gần chi xa, đâu chưa được tường thì chép rõ ra lại thêm cả tên chữ, tên húy Tiên Quân, Tiên Tỷ cùng bản thân ta thêm vào để bảo đời sau.
Phàm con cháu ta có biết quý báu, giữ gìn mỗi nhà phải có bản sao, mỗi đời phải có chép nối khiến nghìn muôn năm về sau đều được biết có gốc nguồn từ đấy cùng những cành lá, lưu phái không thể lầm được.
Lấy đấy mà thờ phụng tổ tiên.
Lấy đấy mà hòa mục với họ hàng.
Thì quyển gia phả này cũng là một đầu đề rất lớn để sửa mình và chăm sóc việc nhà vậy.


Thượng Tuần tháng bảy năm Tân Hợi (1791)
DI HIÊN CƯ SĨ, TRỌNG KHUÊ ÔN PHỦ
Ngô Duy Viên
Kính cẩn làm bài tựa này
(Chép lại ngày 29/4/1988 )

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây