Nghiên cứu dòng họ - Các vấn đề đặt ra (*)

Thứ hai - 10/04/2017 20:02

Dòng họ là một hiện tượng lịch sử - xã hội đặc biệt mang tính phổ quát của nhân loại. ý thức về dòng họ là dấu hiệu quan trọng đánh dấu bước phát triển của xã hội loài người từ mông muội đến văn minh.
Nghiên cứu dòng họ - Các vấn đề đặt ra (*)

 

 

1. Vài nét về lịch sử 

1.1. Dòng họ:

1.1.1. Dòng họ ở nước ngoài.

Nói về dòng họ, người Trung Hoa từ thời cổ đại đã có hai từ khác nhau là Tính (姓) và Thị (氏) . Tính là ký hiệu nói rõ gia tộc đã sản sinh ra một con người nào đó. Bộ từ điển chữ Hán cổ nhất tương đối hoàn chỉnh là Thuyết văn giải tự hoàn thành vào năm 100 (SCN) giải thích về chữ Tính như sau:

"Nhân sinh dĩ vi tính, tòng nữ sinh"

Mọi người đều biết, thời cổ đại xa xưa, loài người đã trải qua chế độ thị tộc mẫu hệ, trong đó chế độ hôn nhân là ngoại tộc quần hôn. Cả một tốp những người nam cùng lứa của thị tộc A được đưa đến thị tộc B làm chồng của cả một tốp người nữ cùng lứa. Con đẻ ra tất nhiên không biết bố, mà chỉ sống với mẹ. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới việc tạo chữ Tính bằng cách ghép chữ Nữ với chữ Sinh.

Rất nhiều họ thời cổ đại ghi lại trong Thuyết văn giải tự đều viết với bộ Nữ như họ Khương được chú thích là họ của Thần Nông, đẻ ra Khương Thủy, họ  được chú thích là họ của Hoàng Đế, đẻ ra ở Cơ Thủy, họ Diêu được chú thích là họ Ngu Thuấn đẻ ra ở Diêu Khư... và nhiều họ khác như họ Cật, họ Vân, họ Hảo,  họ Doanh v.v...  Đó là những minh chứng cho thấy Tính (họ) khởi nguồn từ xã hội mẫu hệ.

Nói rằng "họ" là sản phẩm của xã hội mẫu hệ không có nghĩa là tất cả các "họ" đều có từ xã hội thị tộc mẫu hệ. Trái lại, xã hội phát triển, thì "họ" cũng phát triển. Sau khi xã hội phụ hệ thay thế cho xã hội mẫu hệ, con cháu sinh sôi ngày một đông, một thị tộc chia thành nhiều chi, thì thường thường các con có thể phân hóa thành nhiều họ.

Nếu như Tính bắt nguồn từ xã hội mẫu hệ thì Thị lại là sản phẩm của xã hội phụ hệ. Nhân loại từ bầy người nguyên thủy sang xã hội mẫu hệ đã là một bước phát triển lớn khiến chất lượng nhân khẩu được nâng cao đáng kể. Từ xã hội mẫu hệ sang xã hội phụ hệ, chế độ hôn nhân càng chặt chẽ hơn, con cháu ngày một sinh sôi nhiều hơn, sau khi những thế hệ con cháu độc lập thành những chi phái riêng, mỗi chi phái có ký hiệu riêng của mình, đó là Thị. Sau khi ra đời xã hội có giai cấp, thì Thị chẳng những là ký hiệu phân nhánh của Tính, mà còn là tiêu chí khu biệt địa vị thân phận của người đàn ông.

Sách Bạch hổ thông cho biết:

Đặt ra Thị để làm gì ? Là để "quý công đức, tiện kỹ lực" hoặc là lấy chức quan làm "họ", hoặc lấy nghề làm "họ"... Con của bậc vương giả thì gọi là Vương tử, cháu của bậc vương giả là Vương tôn, con của chư hầu thì gọi là Công tử, con của Công tử là Công tôn. Các con của Công tôn thì lấy tên tự của bố làm Thị.

Phát triển đến đời Thương, đời Chu, khanh đại phu có ấp phong thì lấy tên ấp phong làm họ, con cháu thì hoặc lấy đất ở làm họ, hoặc lấy thụy của bố làm họ. Thế là dần dần hình thành một sơ đồ đẳng cấp trong quan hệ "Tính Thị": trong nội bộ giai cấp quý tộc phân biệt cao thấp; người bình dân thì chỉ có Tính mà không có Thị, còn nô lệ thì chỉ có tên mà thôi. Bởi thế quý tộc thời Tiên Tần, đàn ông gọi Thị, đàn bà gọi Tính. Sách vở gọi đó là "Tính biệt hôn nhân, Thị biệt quý tiện" nghĩa là Tính thì phân biệt huyết thống hôn nhân, Thị phân biệt sang hèn.

Rất nhiều Thị bắt nguồn từ quan chức hoặc nghề nghiệp:

Chúc Thị bắt nguồn từ chức Chúc là thầy cúng.

Vu Thị bắt nguồn từ chức Vu là ông đồng.

Bốc Thị bắt nguồn từ chức Bốc là thầy bói.

Sử Thị bắt nguồn từ chức Sử là quan chép sử.

Cầu Thị bắt nguồn từ nghề làm áo da.

Cung Thị bắt nguồn từ nghề chế cung nỏ.

Lấy địa danh đất phong hoặc nơi cư trú làm họ (thị), thì "họ" đều viết chữ có bộ " ấp" 邑 (tức là thành ấp) như các họ Uất, Dung, Đặng, Vân, Tuần, Chí, Trịnh, Chu, Viêm, Ngạc, Trâu, Hác, Ô, Thiệu, Hi, Bính, Quách, Phân, Thai, Hậu, Sâm, Cáo, Vận, Lang, Dĩnh, Quyên, Giáp, v.v...

Hoặc bộ "phụ" 阜 như : Trần, Đào, , Nguyễn, Hiệp, Lục, Thấp, Hình, Ngỗi, Lăng, Âm, v.v...

Người xưa thường làm nhà trên bờ sông tựa lưng vào vách núi, nhiều họ viết bằng bộ Thủy: Tất, Tào, Kì, Phù, Hoài, Cam, Trạm, Phan, Bộc, Tế, Tri, Cấp, Tự.

Ngày nay, các họ ở Trung Quốc có họ là Tính, có họ là Thị của thời cổ. Nay không còn phân biệt Tính với Thị nữa. Việc xóa bỏ sự phân biệt Tính hay Thị xảy ra sau thời Tần. Bởi vì ở thời Xuân thu và nhất là thời Chiến quốc, chư hầu công phạt nhau liên miên, các nước nhỏ bị diệt vong, các công tộc, đại phu và hậu duệ của họ sa sút thành bình dân. Sau khi Tần diệt sáu nước, nhiều công tử vương tôn và quý tộc nhiều họ đều trở thành thần dân của Tần, địa vị thân phận không còn nữa, sự phân biệt sang hèn bằng Thị không có lý do và điều kiện tồn tại.

Người Trung Quốc rất coi trọng "họ", một phần quan trọng là do ảnh hưởng của tư tưởng "kính tông pháp tổ" của Nho gia. Đổi họ có nghĩa là đổi tổ tông, đó là điều sỉ nhục lớn nhất. Cho nên viết sai họ, bị xem là một sự xúc phạm.

Ý thức về dòng họ gắn liền với ý thức về tổ tông. Theo sự nghiên cứu của các học giả về văn tự giáp cốt thì chữ tổ 祖thoạt đầu không có bộ thị, viết tựa như chữ thả且 sau này. Trong giáp cốt văn có các hình chữ * * * * , còn trong kim văn sơ kỳ thì có * và * , và đó là chữ tượng hình, tượng cái hình của bộ phận sinh dục nam tính, tượng trưng cho khái niệm "tổ tiên", gắn liền ý thức sùng bái vai trò trọng yếu của người bố trong việc diên tục huyết thống của gia tộc, của dòng họ.

Ở Trung Quốc có "họ" đơn (một âm tiết), lại có "họ" kép (hai âm tiết) như Âu Dương, Tư Mã, Tây Môn, Đông Quách, Đông Môn, Công Tôn, Công Tây, Công Dương, Công Dã, Bách Lý, Thuần Vu, Thiên Vu, Đoan Mộc, Cốc Lương, Hách Liên, Hô Diên, Hoằng Phủ, Giáp Cốc,Tấn Sở, Huống Hậu, Lương Khâu, Lệnh Hồ, Lư Khâu, Lục Lý, Mộ Dung, Mặc Cáp, Mặc Kỳ, Nam Môn, Nam Cung, Niên ái, Nhượng Tứ, Nhữ Yên, Thượng Quan, Thân Đồ, Thúc Tôn, Tư Không, Tư Khu, Tư Đồ, Thái Thúc, Đạm Đài, Thác Bạt, Văn Nhân, Vu Mã, Hạ Hầu, Hiên Viên, Dương Thiệt, Uất Trì, Nhạc Chính, Chung Li, Gia Cát, Chuyên Tôn, Tôn Chính...

Bảng "Bách gia tính" của Trung Quốc hiện nay cho một tổng số 926 họ.

Về các dòng họ ở Hàn Quốc, nhiều học giả căn cứ vào sự ghi chép trong Tam Quốc sử ký và Tam Quốc di sự, chủ trương rằng 6 họ Lý, Thôi, Tôn, Trịnh, Bùi, Tiết, do đời vua thứ ba của Sin - la là Nho Lý Vương ban cho sáu bộ thôn (năm 32 sau CN) là thủy tổ của các họ ở Hàn Quốc.

Học giả Hàn Quốc Lý Tương Phi căn cứ vào Nhật Bản thư kỷ dẫn trong Hàn Quốc sử đại hệ niên biểu nêu ra 5 tên người Pai - si (Bách Tế) là Tân - tề - đô - viên, Nộ - lợi - tư - trí - khế, Thi - đức - tam - cân, Quý - đức - dĩ - ma - thứ và Quý - đức - tiến - mô đi sứ Nhật Bản đều là tên bốn âm tiết hoặc năm âm tiết so với những tên người đó trong sử thư Trung Quốc ghi bằng 2 hoặc 3 chữ Hán, để đoán định rằng cách ghi của người Nhật là cách phiên âm gần đúng âm chữ Hán, còn sử sách Trung Quốc ghi tắt theo tập quán Trung Quốc.

Nhưng ông Tô Tính Hựu, Chủ tịch Hội Tộc phả Hàn Quốc thì cho rằng lịch sử các dòng họ ở Hàn Quốc phải đẩy lên sớm hơn nhiều vào thời Thượng cổ vì mấy lý do:

(1) Lịch sử dân tộc Hàn (Pê-Ta) rất lâu đời, chỉ tính đến thời Hoàn Hùng thiên vương đã có đến sáu ngàn năm.

(2) Dân tộc này đã có ngôn ngữ riêng từ rất xưa.

(3) Hơn bốn ngàn năm trước, dân tộc này đã có chữ viết riêng gọi là chữ Ka-lin-đô.

Theo ông, từ thời Thượng cổ, dân tộc này đã có các họ Hàn, Giải, ất Chi (88), ất, Cao, Dư ... được ghi chép trong các sách xưa. Họ của Cao Cú Lệ có: Cao, ất, Lễ, Tùng, Vu, Chân, Ưu, Nhuân, Dư, Minh Lâm

ất Chi, Phù Dư... tất cả hơn 20 họ. Hiện nay ở Hàn Quốc có cả thảy 274 họ, chia làm 3435 chi phái.

Nước Anh có khoảng 16.000 họ.

Nhật Bản nhiều họ nhất, 100.000 họ, nhiều nhất thế giới (hơn một tỉ dân Trung Quốc chỉ có không đến 1000 họ).

1.1.2. Dòng họ ở Việt Nam.

Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác các dòng họ ở Việt Nam.

P.Gourou (1930) nói ở đồng bằng Bắc bộ có 202 dòng họ. Dã Lan Nguyễn Đức Dụ trong cuốn Gia phả - Khảo luận và thực hành của ông ước tính "chỉ vào khoảng gần 300 họ". Mới đây, kỹ sư Vũ Mạnh Hà cung cấp con số 191 họ (?), chắc chắn là còn thiếu nhiều .

Thật ra cũng còn xa mới có thể có được một con số chuẩn xác. Trước mắt có thể hy vọng một số liệu về tổng số các họ đang dùng có tính đồng đại tại một thời điểm nhất định, ví dụ như ở một cuộc điều tra dân số sắp tới chẳng hạn.

Nhưng xét theo quan điểm lịch đại, thì những con số ấy đều chỉ có giá trị hết sức hạn chế. Bởi vì những người mang cùng một họ - như họ Nguyễn chẳng hạn - chưa hẳn là đồng tông và ngược lại, những người mang họ khác nhau hiện nay lại rất có thể vốn là chung nhau một ông tổ. Kết quả "tìm nguồn" gần đây cho biết họ Mạc đã có người đổi sang các họ sau đây: Bế, Bùi, Bùi Đăng, Bùi Đình, Bùi Thái, Bùi Trần, Cát Chử, Đặng, Đoàn, Đỗ, Hoàng, Hoàng Đăm, Hoàng Đỉnh, Hoàng Văn, Huỳnh, Hoa (Khoa), Hồ Đăng, Lê, Lê Đăng, Lều, Lều Vũ, Nông, Nguyễn, Nguyễn Công, Nguyễn Phương, Nguyễn Trọng, Phạm, Phạm Bá, Phạm Văn, Phạm Đăng, Phan Viết, Thách, Thái, Thái Doãn, Thái Dung, Thái Khắc, Thái Văn, Trần, Vũ Như, Vũ Tiến, Vũ Trọng...

Thay đổi tên họ là điều thường xảy ra ở Việt Nam, nhất là sau những cái mốc thay đổi triều đại, chủ yếu là để tránh sự bức hại của dòng họ đối địch đã thắng thế trên chính trường. Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như nhận con nuôi, ban quốc tính v.v...

Lịch sử đã từng biết: Hồ Quý Ly gốc Chiết Giang (Trung Quốc), tổ tiên là Hồ Hưng Dật sang định cư ở Quỳnh Lưu (thế kỷ X), đến Hồ Liêm (cụ nội Hồ Quý Ly) làm con nuôi nhà Lê Huấn đổi sang họ Lê, đến năm 1400 dứt được nhà Trần, Quý Ly trở lại họ Hồ; Nguyễn Trãi từng được ban quốc tính thành Lê Tri; Huỳnh Đức (hổ tướng của Gia Long) được ban quốc tính thành Nguyễn Huỳnh Đức v.v...

1.2. Gia phả và tộc phả.

Hình thái sớm nhất của tộc phả khởi đầu từ đế vương niên biểu, hình thành trên cơ sở lấy hệ thống đế vương làm trung tâm. Về sau mới bắt đầu có tộc phả cá nhân.

1.2.1. Tộc phả ở Trung Quốc và một số nước phương Đông.

Tộc phả ở Trung Quốc ít nhất đã khởi nguồn từ đời Chu, dần dần hưng thịnh ở đời Hán, đến Ngụy Tấn Nam Bắc Triều, do nặng về ý thức dòng dõi, môn đệ, nên nhà nước chọn quan lại, gia đình kén dâu rể đều lấy tộc phả làm căn cứ tham khảo. Xuống đến Tống Nguyên, do chế độ khoa cử nghiêm ngặt, bỏ dần việc đề cử, nên quan niệm môn đệ, dòng dõi mờ nhạt dần, tộc phả chủ yếu chỉ nhằm mục đích hòa mục yêu thương họ hàng. Thời Minh Thanh, có khuynh hướng từ tộc phả hướng sang gia sử, với yêu cầu "vô trưng bất tín" (không có chứng cứ thì không tin), phần nhiều soạn tộc phả theo hướng giáo dục xã hội, đề cao nhân tài, biểu dương thuần phong mỹ tục.

Nói chung từ Tống Nguyên về sau, nội dung ký sự của tộc phả đã gia tăng rất nhiều, bao gồm từ cội nguồn và các dòng phái Tính Thị, thế hệ tổ tiên, địa phương cư trú, từ đường từ sản, nghĩa điền nghĩa trang, tiên nhân truyện ký, thơ phú văn chương, gia huấn gia quy cùng mọi việc khác trong gia tộc đều ghi chép cả, vì thế trở thành một kho tàng quý hóa của người xưa.

Tộc phả Hàn Quốc khởi nguồn từ thời đại Tam Quốc (Cao Cú Lệ, Pai - xi, Sin - la) của bán đảo này, và cũng bắt đầu bằng việc ghi chép hệ thống vương thất: Vương đại thực lục của Kim Khoan Nghị và Duệ nguyên lục của Nhậm Cảnh Túc thời trung diệp Cao Lê, ghi chép tỉ mỉ các tôn tử và tôn nữ trong vương thất dưới dạng tộc phả.

1.3. Gia phả học (phả hệ học)

1.3.1. Gia phả học Châu Âu

Gia phả học hay phả học (Généalogie, Genealogy) châu Âu có thể coi là chính thức ra đời vào nửa sau thế kỷ XVI với các cuốn Lịch sử tổng quát các vương quốc Jérusalem, Chypre, Arménie (1575-1579), khảo về nguồn gốc các vua chúa thân vương và các nhà đại quý tộc và Gia phả của 67 nhà quý phái đại gia Pháp và ngoại quốc(1586), của Delusignan, một nhà tu hành người Pháp ở vương quốc Chypre, phát triển ở thế kỷ XVIII, cực thịnh ở thế kỷ XX. Các tác phẩm nổi tiếng trong ngành học này có thể kể : Nguồn gốc lịch sử dòng họ quý phái 20 tập của Gustave Chaix Dest Ange xuất bản trong khoảng 1903 - 1929, khảo cứu hàng trăm dòng họ hiện hữu, Gia đình và phả hệ của Nam tước A. De Maricourt năm 1943, và Phương pháp phê bình gia phả học của Tử tước De Marsay năm 1945.

Lịch sử còn ghi nhận các Hội nghị Gia phả học quốc tế lần thứ nhất năm 1929 ở Barcelone, lần thứ hai năm 1953 ở Naples, lần thứ ba ở Madrid năm 1955 (lần này có 408 học giả thuộc 76 tổ chức đến từ 31 nước).

1.3.2. Tộc phả học phương Đông

Tộc phả học Trung Quốc chính thức ra đời ở thời Nam Bắc triều với trước tác đồ sộ, trong đó có Thị tộc yếu trạng và nhân danh thư của Giả Uyên, tự là Hi Kính, người Tề, thuộc Nam triều.

Tộc phả Hàn Quốc khá hoàn bị về thể chế và phương pháp ghi chép đồng thời lại có mức độ phổ cập quốc gia rất cao, trên phạm vi thế giới Hàn Quốc được coi là nước phát triển về tộc phả. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến Hội nghị Tộc phả học thế giới mùa hè năm 1991 tại Seoul có học giả trên 180 nước và khu vực tham gia.

Xét về khoa nghiên cứu tộc phả và lịch sử gia tộc (Family history) thì Trung Quốc có lịch sử lâu đời nhất, có hệ thống nhất, phải nói là đứng hàng đầu thế giới.

Tộc phả Trung Quốc phát triển rất sớm, tôn chỉ và nội dung của phả học cũng không ngừng đổi mới, lần lượt truyền bá đến các nước láng giềng ở châu Á trong đó có Việt Nam .

1.3.3. Phả hệ của phương Đông luôn luôn lấy vị tổ tiên chung của cả họ (tộc) làm cội nguồn để viết từ trên xuống dưới, viết cho đến thời điểm hiện tại. Còn cách làm gia phả của phương Tây thì lấy bản thân làm trung tâm mà truy ngược dần lên tổ tiên, theo phương thức tìm nguồn.

Hiện nay, trong các trường đại học của Mỹ, nhiều trường đã đặt môn gia tộc sử hoặc lịch sử gia đình thành môn riêng: trường Đại học Rut-giơ (Rutgers University), trường Đại học Los Angeles bang California (UCLA), trường Đại học Ai-ơ-vain (Irvine) bang California, trường Đại học Brai-ham Yang (Brigham Young University)...

Cơ quan lưu trữ gia phả lớn nhất hiện nay có lẽ là thư viện gia phả của nhà thờ Jesus Christ Đức thánh Ngày tận thế (The Genealogical Library of the Church of Jesus Christ of Lather - day Saint) ở thành phố Salt Lake bang Yo ta với hơn năm trăm thư viện chuyên nghiệp và hơn bốn trăm người tòng nghiệp tự nguyện không hưởng lương, bình quân hàng tháng trả lời trên năm nghìn lượt thư độc giả giải đáp các vấn đề liên quan đến gia phả, kho sách của thư viện này có trên một triệu cuốn Microfilm, và mỗi tháng bổ sung thêm khoảng 4.000 cuốn.

Tác phẩm "gốc rễ" (Root) của nhà văn da đen nổi tiếng thế giới Alex Haley được viết trên cơ sở sử dụng tư liệu chủ yếu ở thư viện này.

Tại Seoul Hàn Quốc, năm 1993 chúng tôi đã có dịp đến thăm cơ sở của một trung tâm tộc phả mang tên "Hồi tưởng xã", tại đó chúng tôi đã phát hiện bộ gia phả hai quyển dày của Lý Long Tường ở Hoa Sơn. "Hồi tưởng xã" đã có lịch sử trên bốn mươi năm, hiện lưu giữ khoảng 2250 cuốn gia phả, tộc phả.

Việc nghiên cứu gia tộc sử ở Mỹ ngày nay dần dần gắn với gia phả học và dựa vào thành quả của gia phả học. Xu hướng của bản thân việc nghiên cứu gia tộc chủ yếu nhằm vào số phận của một số gia tộc nào đó ở một vùng, trong một thời kỳ, nhằm vẽ ra bức tranh thu nhỏ của xã hội vùng đó ở thời kỳ đó, cùng với quá trình hình thành những biến thiên xã hội ấy. Đó cũng là nguyên nhân khiến một số trường đại học Mỹ xếp gia tộc sử vào phạm vi xã hội. Vì thế nghiên cứu tộc phả và gia đình sử ở Mỹ đi theo hướng khoa học xã hội.

Nghiên cứu tộc phả và gia truyện (lịch sử gia tộc, ở Trung Quốc và Á Đông nói chung, ngoài ý nghĩa sử học ra, còn đặc biệt chú trọng khía cạnh đạo đức luân lý.

Nhưng dù mục đích và phương pháp có khác nhau như thế nào thì nhận thức của học giả đông tây đều hết sức nhất trí trong sự đánh giá cao tầm quan trọng của ngành học này.

2. Những vấn đề đang đặt ra hôm nay và phương hướng giải quyết 

2.1. Hiện nay, xu hướng tìm về cội nguồn đang phát triển ngày càng mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Khắp thành thị và nông thôn, người ta chắp nối gia phả, trùng tu từ đường, quy tập nghĩa trang. Khuynh hướng chung là lành mạnh, có ý nghĩa văn hóa quan trọng phù hợp với đường lối đổi mới, hòa hợp dân tộc, hội nhập và giao lưu quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, chung chiều hướng với chương trình Thập kỷ văn hóa thế giới (1987 - 1997) của UNESCO.

Văn hóa một dân tộc, một quốc gia bao giờ cũng có cội nguồn từ gia đình và dòng họ. Trong qua khứ, một cách tự phát, các dòng họ đã đóng góp ở mức độ khác nhau cho sự hình thành và phát triển của dân tộc và quốc gia, cho công cuộc chinh phục thiên nhiên và kháng ngự ngoại xâm xây dựng xã hội và phát triển đất nước, thúc đẩy cuộc sống đi lên.

Với tính huyết thống như một sợi dây tinh thần xuyên suốt, mỗi dòng họ thường có một địa bàn cư trú ban đầu, dần dần thành địa bàn cư trú lâu dài, có xu hướng cố định hóa, rồi đến những thời điểm nhất định gắn với một biến thiên lịch sử nào đó của đất nước, của dân tộc, có sự thiên di bộ phận hay toàn thể đến một hoặc nhiều địa bàn mới để sinh cơ lập nghiệp, các dòng họ dần dần phát triển các chi phái, vô hình trung thực hiện việc lan tỏa văn hóa, tiếp xúc và hòa quyện văn hóa giữa các vùng miền của đất nước.

Hai lĩnh vực hoạt động trọng yếu nhất mang tính phổ quát đối với mọi dòng họ và nổi trội lên ở những dòng họ lớn mạnh là hoạt động kinh tế dẫn tới sự ra đời các nghề truyền thống và hoạt động giáo dục theo nghĩa rộng của từ này làm nảy nở các nhân tài ưu tú, các danh nhân kiệt xuất.

Nhưng bên cạnh mặt tích cực là chủ yếu đó, đời sống các dòng họ cũng đã vô tình làm nảy sinh những khía cạnh tiêu cực: tình thương yêu họ hàng đùm bọc "giọt máu đào hơn ao nước lã" vượt ngưỡng sẽ gây ra tệ vây cánh và bệnh hẹp hòi phân biệt bè phái, kiểu "chi bộ họ ta"; quan hệ trên kính dưới nhường, trên bảo dưới nghe, "chết cha còn chú, sẩy mẹ bú dì" vượt quá giới hạn sẽ dẫn đến tệ gia trưởng độc đoán, "cả vú lấp miệng em" trở ngại cho sự phát huy dân chủ sáng tạo.

2.2. Vấn đề đặt ra là: làm sao phát huy được mặt tích cực của dòng họ trong việc xây dựng xã hội Việt Nam hiện tại và tương lai? Vai trò của các dòng họ trong việc thực hiện chiến lược con người của đất nước Việt Nam đang đi vào công nghiệp hóa hiện đại hóa? Giữ gìn, tôn vinh và khai thác phát huy như thế nào những tinh hoa tốt đẹp của đời sống dòng họ loại trừ những tiêu cực, hạn chế?

2.3. Như trên đã nói, hiện nay ở khắp nơi có rất nhiều hoạt động của các dòng họ. Trên bình diện tổ chức, theo chúng tôi, Đảng và Nhà nước nên ủng hộ và tạo điều kiện cho một hội quần chúng nhằm tập hợp và hướng dẫn các hoạt động dòng họ trong nước theo tinh thần khoa học tiến bộ và có thể đứng ra lãnh nhận trách nhiệm hợp tác quốc tế với các tổ chức tương ứng của nước ngoài.

Có nhiều ngành khoa học có thể góp phần tích cực: Sử học, Hán Nôm học, Gia phả học, Văn hóa học... sẽ giúp nâng cao tính học thuật, tính khoa học liên ngành của hoạt động dòng họ.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm với chức năng sưu tầm, bảo quản và khai thác các văn bản Hán Nôm, phần quan trọng của di sản văn hóa thành văn của dân tộc, với đội ngũ hàng chục chuyên gia Hán Nôm học, với kho thư tịch hàng mấy trăm bản gia phả và hàng ngàn thư tịch tài liệu có liên quan, có thể và cần phải góp phần tích cực của mình.

 

GS Phan Văn Các(**)

Theo hannom.org.vn

 

Ghi chú;

(*) Nguyên văn tiêu đề bài viết là: NGHIÊN CỨU CÁC DÒNG HỌ - CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ ĐẶT RA.

(**) Giáo sư Phan Văn Các  nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập86
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay15,746
  • Tháng hiện tại464,276
  • Tổng lượt truy cập40,301,438
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây