Cửu huyền Thất tổ là gì?

Chủ nhật - 21/06/2020 18:04

Chúng tôi quan niệm rằng Cửu huyền được soạn và đọc (khấn) trong các dịp lễ giỗ ở Từ đường dòng họ, còn Thất tổ là dùng trong văn khấn trong các ngày giỗ chạp ở gia tiên.
 
Bài vị: Cửu huyền Thất tổ
Câu đối hai bên: Sùng đức Cửu huyền ân thượng trọng/ Tôn công Thất tổ nghĩa cao thâm

Không có nhiều bài viết về đề tài này. Ngoài bài trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thì chỉ có 2 bài của Thích Giác Hoàng trả lời Ánh Quang trên Phật giáo Việt Nam ngày 07/4/2015 và bài “Ý nghĩa bốn chứ “Cửu huyền thất tổ” trong văn hóa Việt Nam cũng của tác giả Thích Giác Hoàng trả lời Ánh Quang trên Phật giáo Việt Nam ngày 08/9/2019. Ở đây, chúng tôi không kể đến vài bài khác của các cơ sở chế tác đồ thờ biên soạn vì cũng chỉ là sao chép lại trên Wikipedia.

Trong cả 2 bài, Thích Giác Hoàng đều cho rằng: Cửu huyền là 9 đời: Cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu, chắt, chit. Còn thất tổ là bảy đời: Cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ.

Trong bài viết sau, 2019, Thích Giác Hoàng giải thích thêm như sau:
“Chín thế hệ trên, nếu phiên âm bằng chữ Hán thì được viết như sau: Cao - Tằng - Tổ - Khảo - Kỷ - Tử - Tôn - Tằng - Huyền…”. Về Thất tổ, ông giải thích, Thất tổ: Là bảy ông tổ. Tổ là ông nội của đời mình, đi ngược lên sáu đời nữa gọi là thất tổ”.

Bây giờ xin nói đến bài đăng trên Wikipedia:

1-      Về thất tổ:

1) Vị sáng lập dòng họ (thất tổ);
2) Ông nội của ông sơ (lục tổ);
3) Cha của ông sơ (ngũ tổ);
4) Ông sơ/kị (tứ tổ);
5) Ông cố/cụ (tam tổ);
6) Ông nội (nhị tổ);
7) Cha (nhất tổ).

Ngoài ra Wikipedia còn giới thiệu một cách hiểu khác, bắt đầu từ ông sơ của ông sơ.
1) Ông sơ của ông sơ: Cao Tổ Tổ (thất tổ);
2) Ông cố của ông sơ: Cao Cao Tổ (lục tổ);
3) Ông nội của ông sơ: Tằng Tằng Tổ (ngũ tổ);
4) Cha của ông sơ: Tổ Tổ Tổ (tứ tổ);
5) Ông sơ/Kị: Cao Tổ (tam tổ);
6) Ông cố/cụ: Tằng tổ (nhị tổ);
7) Ông nội: Tổ (nhất tổ).

2- Về cửu huyền: Bao gồm 9 đời, lấy đời bản thân làm trung điểm, lấy thêm trên mình 4 đời và dưới mình 4 đời sẽ thành Cửu Tộc.
Cụ thể là: Cao Tổ - Tằng Tổ - Tổ - Phụ - Kỷ - Tử - Tôn - Tằng - Huyền.
Ở một chỗ khác thì cho rằng Cửu huyền là kể 9 đời con cháu, cụ thể là: Tử - Tôn - Tằng tôn - Huyền tôn - Lai Tôn - Côn Tôn - Nhưng Tôn - Vân Tôn - Nhĩ Tôn.

Chúng tôi xin có đôi lời bàn.

A- Về Cửu huyền.
Chúng tôi cho rằng Cửu huyền là chỉ 9 đời con cháu, bao gồm:
1- Tử (con);
2- Tôn (cháu);
3- Tằng tôn (chắt);
4- Huyền tôn (chút);
5- Lai Tôn (chít);
6- Đề* Tôn (con của Lai tôn);
7- Nhưng Tôn (con của Đề* Tôn);
8- Vân Tôn (con của Nhưng Tôn);
9- Nhĩ Tôn (con của Vân Tôn).
*Trong công trình nghiên cứu Kể chuyện nối thời gian của mình, chúng tôi có đề cập đến vấn đền này. Sách do NXB VHTT ấn hành năm 2007/ tr10, chúng tôi đã viết Đề Tôn, hiện nay nhiều tài liệu chép là Côn Tôn.

Chúng tôi quan niệm rằng Cửu huyền được soạn và đọc (khấn) trong các dịp lễ giỗ ở Từ đường dòng họ, chứ không phải văn khấn dùng để tuyên đọc ở bàn thờ gia tiên. Vì theo quan niệm “ngũ đại mai thần chủ” thì ở các gia đình chỉ thờ cúng 4 đời (trên thực tế hiện nay chỉ cúng có 2-3 đời), sau đó bài vị được rước về thờ ở từ đường dòng họ (hay nhà trưởng tộc, nếu chưa có từ đường) và được bày theo nguyên tắc "Tả chiêu hữu mục" tức là bài vị của anh thì bày bên phải, bài vị của em thì bày bên trái (theo hướng nhìn ra). Do vậy mà khi cúng giỗ phải mời hết 9 đời con cháu của cụ Tổ.

B- Về Thất tổ
Nếu quan niệm như trên Wikipedia hay như Thích Giác Hoàng thì tại sao chỉ dừng lại ở 7 đời mà không ít hoặc nhiều hơn? Hơn nữa các danh xưng nghe lạ hoắc, khiến người ta nghĩ rằng các danh xưng ấy là do các vị ‘sáng tác’ ra để cho đủ thất tổ.
Theo cách hiểu nông cạn của chúng tôi, thì Thất tổ là dùng trong văn khấn trong các ngày giỗ chạp ở gia tiên. Các văn khấn được soạn và sao chép trong Gia phả mọi nhà đều nhất quán như một khuôn mẫu là sau khi khấn chủ thể của ngày giỗ rồi mới khấn đến các vị khác dù các vị ấy ở tằng thứ cao hơn. Sau khi khấn gia tiên tiền tổ phải khấn mời tổ anh, tổ em (dù ông cha mình là độc đinh-con một, không có anh trên em dưới gì). Và cuối cùng không thể không khấn mời bà Tổ cô. Do vây, mà thất tổ theo cách tôi hiểu là: Cao Tổ, Tằng Tổ, Tổ Khảo, Hiển Khảo, Tổ Thúc, Tổ Bá, Tổ Cô.

Kiến thức nông cạn, nhưng cũng xin mạnh dạn lạm bàn về một vấn đề hết sức khó, có gì chưa được như ý, xin được cảm thông và lượng thứ.

Ngô Vui
                            
                                                              

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập78
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm76
  • Hôm nay16,446
  • Tháng hiện tại464,976
  • Tổng lượt truy cập40,302,138
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây