Lời nói đầu
Làng có Hương ước, Họ có tộc ước. Vậy nên cả Đại tộc Ngô sinh sống trên đất nước Việt Nam muốn hoạt động tốt thì phải có Quy ước quy định một số hành vi chuẩn mực cho mọi hoạt động của mỗi thành viên.
Họ Ngô là dòng họ đầu tiên ở nước ta có lập ra một tổ chức gọi là Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam từ đầu năm 1988.
Ngay từ buổi ban đầu, hoạt động của Ban Liên lạc cũng tức là của dòng họ luôn quán triệt phương châm „Bốn hướng“:
Hướng Tâm - Hướng Thiên - Hướng Thiện - Hướng Tông
Tức là mọi hoạt động của dòng họ phải xuất phát từ trái tim, thuận với lẽ trời, hợp với đạo lý và đích cuối cùng là hướng về dòng tộc.
Chương I: Tổ chức
Điều 1: Mọi con dân họ Ngô sinh sống trên đất nước Việt Nam và bà con họ Ngô sinh sống ở nước ngoài, không phân biệt gái trai, già trẻ, giàu nghèo, sang hèn, chính kiến, nếu thừa nhân phương châm trên và tự nguyện tham gia đều được tham gia hoạt động trong một tổ chức của Đại tộc Ngô ở Việt Nam.
Điều 2: Hệ thống tổ chức của Đại tộc Ngô ở Việt Nam gồm bốn cấp: Cấp trung ương, Cấp tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, Cấp huyện và Cấp chi họ. Ba cấp đầu tiên trong hệ thống gọi là Hội đồng Ngô tộc ứng với cấp đó. Cấp cuối cùng gọi là Họ gắn với địa danh làng hoặc xã nếu trưởng tộc điều hành tốt mọi hoạt động của Họ; trường hợp trái lại thì lập Hội đồng gia tộc. Hội đồng Gia tộc gồm trưởng tộc, các trưởng chi, một số vị tiên chỉ. Hội đồng Gia tộc bầu ra Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng.
Một số địa phương quen dùng khái niệm bầu Trưởng tộc, thực chất là bầu Trưởng ban đại diện của tộc họ, cũng tức là bầu Chủ tịch Hội đồng Gia tộc. Trưởng tộc là chức vị cha truyền con nối chứ không phải bầu.
Hiện tại, tổ chức của nhiều dòng họ ở Việt Nam không còn gọi là Ban Liên lạc mà đổi gọi Hội đồng hoặc Hội họ.
Vì vậy, chúng tôi xin phép Đại hội được cải tên của tổ chức họ Ngô ta từ Ban Liên làc họ Ngô Việt Nam thành Hội đồng Ngô tộc Việt Nam cho phù hợp với nội dung hoạt động qua hơn hai chục năm nay của tổ chức này, đông thời cũng để phù hợp với trào lưu chung.
Điều 3: Đề nghị đổi tên đã được Đại hội nhất trí thông qua.
Do đó từ nay (2011) trở đi, Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam sẽ được gọi là Hội đồng Ngô tộc Việt Nam; Ban Liên lạc họ Ngô cấp tỉnh cũng sẽ được gọi là Hội đồng Ngô tộc tỉnh... Ban Liên lạc họ Ngô cấp huyện sẽ được gọi là Hội đồng Ngô tộc huyện... Còn tên gọi của Họ như điều 2.
Chương II: Nhân sự
Điều 4: Số lượng thành viên của Hội đồng Ngô tộc các cấp.
Rút kinh nghiệm từ hoạt động của ngay trong dòng họ mình hơn hai mươi năm qua và từ các dòng họ bạn, cho thấy không cần hạn chế số thành viên của mỗi Hội đồng, nghĩa là Hội đồng họ tộc là một tổ chức „Mở“.
Mỗi dòng họ hoặc chi họ đề cử những người có đủ các tiêu chuẩn như điều 5 ở dưới vào Hội đồng Ngô tộc các cấp trước mỗi kỳ đại hội. Chủ tịch Hội đồng cấp dưới đương nhiên là thành viên Hội đồng hội cấp trên kế tiếp.
Hội đồng Ngô tộc có một Chủ tịch, hai hoặc nhiều Phó chủ tịch và nhiều ủy viên. Hội đồng Ngô tộc các cấp chọn ra trong số ủy viên những người có điều kiện hoạt động thuận tiện vào Ban Thường trực. Ban Thường trực là những người trực tiếp hoạt động và giải quyết các công việc thường xuyên của dòng họ. Số lượng thành viên của Ban Thường trực của cấp nào do cấp ấy quyết định.
Ban Thường trực ít nhất ba tháng họp một lần. Hội đồng Ngô tộc mỗi nhiệm kỳ ít nhất họp hai lần vào đầu và cuối nhiệm kỳ. Trường hợp cần thiết thì liên hệ qua điện thoại hoặc thư tín, thư điện tử. Hội đồng Ngô tộc cấp tỉnh, huyện mỗi năm họp ít nhất 1 lần.
Điều 5: Tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng Ngô tộc các cấp:
Trước hết phải là người có tâm, nhưng có tâm thôi thì chưa đủ mà còn phải hiểu biết một lĩnh vực nào đó để có thể đóng góp cho hoạt động dòng họ, lại phải có sức khỏe để hoạt động có thể phải đi xa bằng phương tiện cá nhân, kinh tế lại không quá khó khăn, chí ít là có điện thoại, có xe máy...Hoạt động của dòng họ Ngô ta xưa nay theo nguyên tắc là bằng cái tâm cộng với tiền túi, do đó phải được gia đình, vợ con đồng tình và ủng hộ. Vì vậy, từ trước đến nay chúng ta thường nói vui với nhau là tiêu chuẩn 5T.
Đó là: Tâm - Trí - Thể - Tài- Thê tử
Trong cuốn Việc họ, nhà nghiên cứu văn hóa chuyên về việc họ, dòng họ, gia phả,... đã rút từ thực tiễn đúc kết lại, chỉ còn có 4T, không có chữ T cuối cùng. (Khi trao đổi trực tiếp với chúng tôi, tác giả Tân Việt bảo: „Chữ T thứ 5 của họ Ngô quá đúng, nhưng viết sách mà viết thế thì e các bà phật ý, vì ngày nay có nhiều chị em cũng hăng hái tham gia việc họ“).
Điều 6: Nhiệm vụ của thành viên các Hội dồng Ngô tộc.
Mỗi Hội đồng là cầu nối giữa Hội đồng cấp đó với Hội đồng cấp dưới cũng như họ tộc mà mình được cử làm đại diện.
Cụ thể là triển khai các chủ trương của Hội đồng Ngô tộc cấp trên đến cấp dưới hoặc Họ tộc. Phải kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và Họ tộc để các chủ trương đó được thực thi trong thực tế.
Trong một nhiệm kỳ phải làm được ít nhất một công việc cụ thể nào đó theo các định hướng nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra.
Điều 7: Điều kiện để được tái cử vào Hội đồng Ngô tộc khóa kế tiếp:
- Còn đủ tiêu chuẩn.
- Trong nhiệm kỳ vừa qua hoạt động có hiệu quả được các cấp có liên quan tín nhiêm đề cử.
Chương III Hoạt động
Điều 8: Nghiêm cấm việc lợi dụng diễn đàn dòng họ để bàn về chính trị và những vấn đề không liên quan đến việc Họ. Lịch sử đất nước ta nhiều lần bị chia cắt, người sống ở phía nào thì phải theo phía ấy, do đó mà có người bên này, người bên kia. Trong hoạt động dòng họ không được bình phẩm, khen chê về những người tộc Họ mà xưa kia đã bất đắc dĩ phải đứng về hai bên chiến tuyến.
Điều 9: Thời hạn mỗi nhiệm kỳ của Hội đồng Ngô tộc các cấp.
- Thời gian hoạt động của Hội đồng Ngô tộc toàn quốc không quy định „cứng“ có thể từ 4 đến 6 năm. Lý do là để chọn được một trong hai ngày nghỉ cuối tuần trùng vào ngày Giỗ Tổ Ngô Quyền ngày 18 tháng Giêng âm lịch.
- Thời hạn mỗi nhiệm kỳ của cấp tỉnh và huyện đều 5 năm.
- Thời hạn mỗi nhiệm kỳ của Hội đồng Gia tộc do Họ tộc quyết định.
Điều 10: Nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng Ngô tộc cấp trung ương:
- Hội đồng Ngô tộc toàn quốc có nhiệm vụ thường niên tổ chức Lễ Dâng hương tưởng niệm Tổ dựng nước trung đại Ngô Vương Quyền nhân dịp ngày Giỗ. Từ năm 2011 trở đi, Lễ Dâng hương đều được tổ chức tại Đường Lâm.
- Phối hợp với Hội đồng Ngô tộc cấp dưới mở rộng hoạt động của dòng họ ngày một sâu rộng hơn. Tiếp tục sưu tầm, biên khảo kết nối các Họ chưa thông được tới Khởi tổ. Chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để có thể tái bản Phả hệ Họ Ngô Việt Nam khi có nhu cầu.
- Phấn đấu thành lập mới Hội đồng Ngô tộc một số tỉnh có đông người họ Ngô sinh sống, nhất là các tỉnh ở khu vực miền Trung và phía Nam.
- Tiếp tục cải tiến nội dung, chất lượng niên san Họ Ngô Việt Nam Xưa & Nay. Tìm cách hạ giá ấn phẩm tạo điều kiện phát hành rộng để quảng bá cho dòng họ.
- Việc giao lưu với các dòng họ, chi họ vốn là công việc đầu tiên của hoạt động dòng họ phải được coi là công tác thường xuyên.
- Phối hợp với chính quyền và bà con họ Ngô ở đất tổ Đồng Phang khảo sát, nghiên cứu, đề xuất quy hoạch tổng thể Khu Di tích Lịch sử Phúc Quang Từ Đường. Huy động tiền của công sức của bà con họ tộc, của các nhà hảo tâm để từng bước nâng cấp cho ngày càng khang trang hơn. Tìm kiếm, tôn tạo, chăm sóc mộ phần các bậc tiên tổ của dòng họ ở đất tổ để con cháu ngày càng phát đạt, hưng vượng.
- Có kế hoạch phối hợp thúc đẩy nhanh hơn tiến trình quy hoạch Khu Di tích Lịch sử Đường Lâm. Khi đã có quy hoạch tổng thể, vận động bà con đóng góp để có thể xây dựng một số hạng mục công trình nào đó, theo đúng phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.
Điều 11: Nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng Ngô tộc các cấp dưới:
Căn cứ vào chương trình hành động của cấp mình, phối hợp triển khai các chương trình hành động của cấp trên sao cho hài hòa và có hiệu quả. Phát hiện những gương người tốt, việc tốt để viết bài biểu dương trên niên san Họ Ngô Việt Nam Xưa & Nay. Phát hiện những trường hợp khó khăn cần giúp đỡ để tìm giải pháp trợ giúp.
Chương IV: Tài Chính
Điều 12: Tài chính của Hội đồng Ngô tộc các cấp lập thành từ các nguồn:
- Từ sự đóng góp tự nguyện của mỗi thành viên và bà con Họ tộc. Không đặt và thu lệ Họ và bất kỳ một một thứ lệ phí nào khác.
- Từ sự ủng hộ, tài trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nhân, doanh nghiệp là con cháu nội ngoại họ Ngô và những nhà hảo tâm khác.
- Từ nguồn thu tiền công đức tại Lễ Dâng hương được tổ chức hàng năm.
Điều 13: Quỹ họ và quản lý quỹ họ.
Quỹ họ của Hội đồng Ngô tốc cấp nào do cấp đó quản lý, chi tiêu hợp lý và tiết kiệm. Mỗi năm và cuối nhiệm kỳ đều có bản quyết toán tài chính công bố công khai để mọi thành viên được biết và giám sát. Nếu có người chất vấn, bất luận người đó là ai về bất kỳ một khoản chi nào, thì Hội đồng Ngô tộc cấp liên quan có trách nhiệm giải trình công khai bằng văn bản.
Quản lý quỹ họ theo nguyên tắc quản lý tài chính.
Tiền quỹ phải gửi tiết kiệm không được chia nhau giữ riêng.
Chương V: Khen thưởng kỷ luật
Điều 14: Người có công lao đóng góp lớn cho việc Họ, khi xin nghỉ hoạt động có lý do chính đáng thì được Hội đồng Ngô tộc cấp đó xét tặng phẩm lưu niệm. Giá trị của tặng phẩm nhiều hay ít tùy sự đóng góp của đương sự và khả năng tài chính của Hội đồng.
Điều 15: Người nào vi phạm các điều khoản trong bản Quy ước này, đặc biệt là Điều 8 và Điều 13 thì sẽ được nhắc nhở, nếu cố ý tái phạm sẽ bị từ chối tham gia tiếp.
Chương VI: Điều khoản thi hành
Điều 16: Quy ước này có hiệu lực thi hành từ ngày Đại hội Ngô tộc toàn quốc nhất trí thông qua, tức ngày 20-02-2011.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn