Ngô Tộc

https://www.ngotoc.vn


Về cái chết của vua Lê Thánh Tông

Lê Thánh Tông là một trong những vị vua sáng trong lich sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Có nhiều câu chuyện liên quan đên cuộc đời, sự nghiệp và công đức của ông, riêng về nguyên nhân cái chết của vị vua này, trong giới sử học còn những nhận định khác nhau.
Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497)

Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497)



Nhân duyên trời định

Lê Thánh Tông (1442 – 1497) húy Lê Tư Thành, là vị hoàng đế nước Đại Việt trị vì 38 năm, từ năm 1460 đến khi băng. Khi còn nhỏ, ông là người thông minh, tuấn tú, trí dũng, nhân hậu, nghiêm trang, sớm bộc lộ tư chất của một đấng quân vương.
Chuyện kể rằng, khi còn là hoàng tử, trong một lần đi dạo chơi bên bờ sông Tống Sơn – Thanh Hóa chợt thấy một cô gái xinh đẹp đang ngồi vo gạo dưới bến. Tức cảnh sinh tình, chàng Hoàng tử bèn ra một vế đối:
"Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả…"
Câu đối bỏ lửng như một lời ngỏ ý khéo léo khiến người ta phải rung động. Cô gái nghe thấy khúc khích cười rồi đối đáp lại:
"Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho…"
Câu đối vừa cho chàng trai một chút hy vọng nhưng vừa là một lời trách người con trai phải biết lo việc đời trước khi lo duyên, thế mới xứng là đấng nam nhi.
Nghe lời đối đáp, vị hoàng tử trẻ thầm mến phục người con gái tài sắc vẹn toàn, trái tim càng thêm rung động và có ý định phải chinh phục bằng được đóa hoa quý giá này.

Dò hỏi mãi, vị hoàng tử mới biết cô gái ấy tên là Nguyễn Thị Hằng, con gái tướng Nguyễn Đức Trung, và mẹ cô gái lại là bạn thân của mẹ hoàng tử. Đã có duyên gặp gỡ nay lại được thêm duyên phụ mẫu vun đắp, mối tính của hoàng tử và Nguyễn Thị Hằng nhanh chóng đơm hoa kết trái.
Khi lên ngôi vua, Lê Thánh Tông liền phong Nguyễn Thị Hằng làm Sùng Nghi, cho ở cung Vĩnh Ninh để vua luôn được gần bên người đẹp.

Giấc mộng đẹp hóa thành đại nạn

Một đêm nọ, Sùng Nghi chiêm bao thấy mình được đưa lên trời gặp Ngọc Hoàng. Vừa thấy Ngọc Hoàng nàng vội quỳ xuống cầu xin ngài ban cho nàng một đứa con trai. Trước lời cầu xin chân thành của quý phi, Ngọc Hoàng bèn bảo rằng: "Được, cho Thiên Lộc xuống làm con họ Nguyễn".
Rồi Ngọc Hoàng sai một cung nữ bế một bé trai ra đưa cho nàng. Sùng Nghi đưa hai tay lên đỡ thì hẫng một cái, nàng tỉnh dậy thấy tay mình vẫn còn giơ ra trước ngực.
Hôm sau, Sùng Nghi đem chuyện giấc mộng lạ kể với nhà vua, Lê Thánh Tông nghe xong vui mừng nói với nàng: "Nếu ái khanh sinh được hoàng nam, ta sẽ cho làm hoàng tử kế vị".
Quả nhiên, năm sau Sùng Nghi Nguyễn Thị Hằng sinh hạ được một bé trai. Vua Thánh Tông mừng rỡ vô cùng, liền phong ngay cho làm quý phi và xuống chiếu cho con trai là Đông cung Thái Tử.
Từ ngày quý phi Sùng Nghi hạ sinh thái tử, thế lực gia tộc họ Nguyễn trong triều ngày càng lớn mạnh, quần thần ai lấy đều lo ngại dòng họ này sẽ làm chuyện quyền biến.
Một ngày kia, chuyện giấc mơ kỳ lạ của quý phi Sùng Nghi đến tai một vị cận thần. Ông ngẫm đi ngẫm lại rồi bất giác hỏi tại sao Ngọc Hoàng lại cho Thiên Lộc xuống làm con họ Nguyễn mà không phải họ Lê? Và ngay lập tức vị cận thần mỉm cười nhận ra đây chính là cơ hội làm giảm sút sức mạnh của gia tộc họ Nguyễn.
Vị cận thần tức tốc vào cung và trình lên Vua Lê Thánh Tông thắc mắc của mình. Nghe lời tấu của vị cận thần, vua Lê Thánh Tông cũng giật mình nói: "Ngươi nói cũng phải. Bấy lâu nay, trẫm cũng hơi e về vai trò của Thái úy Trình Quốc trong triều. Khanh nên giữ kín chuyện này, để trẫm xét xem sao".

Ít lâu sau, vua Lê Thánh Tông mắc bệnh lạ, toàn thân ngứa ngáy, đầy mụn nhỏ li ti, nhiều bậc danh y đến cứu chữa mãi mà không khỏi. Vua lo lắng bệnh tật, lại thêm những lời gièm pha của một số cận thần về gia tộc họ Nguyễn Thị.
Ngài quyết định giam quý phi Sùng Nghi vào cung Trường Lạc và có ý định không cho hoàng tử Thiên Lộc nối ngôi nữa.
Nguyễn Thị ở cung Trường Lạc gần như bị cô lập, bỏ rơi. Mặc dầu chưa rõ hẳn ý vua, nhưng nàng đã phần nào hiểu sai lầm của mình trong việc kể cho Lê Thánh Tông nghe về giấc mộng của mình, điều đó khiến nàng vừa lo lắng, vừa đau lòng.
Đã bao lần nàng tìm cách tấu bày minh oan, nhưng dường như nhà vua chẳng còn đoái hoài gì nữa. Tương lai của con trai nàng bị đe dọa, nàng thương con đến xót xa. Chỉ còn một tia hy vọng nhỏ nhoi lúc này là nhà vua chưa xuống chiếu truất quyền kế vị của Thiên Lộc.
Sách 36 hoàng hậu, hoàng phi Thăng Long có chép lại rằng:
"Trong lo lắng, đau đớn, bỗng nàng thấy lóe lên một tia hy vọng, nếu ta… nếu ta dám làm điều này! Thôi, nàng nghĩ cũng phải vì con, vì dòng họ!" .
Hôm sau, Sùng Nghi Nguyễn Thị năn nỉ xin được vào thăm Thánh thượng một lần, trước khi ngài nguy kịch. Thật ra, lúc này bệnh của vua Thánh Tông đã rất nặng rồi. Ngài cũng nhớ tới quý phi và Thái tử, nên suy nghĩ một lát, ngài quyết định cho nàng vào gặp.
Nguyễn Thị vào trông thấy Thánh Tông, liền quỳ xuống, ôm lấy tay nhà vua mà khóc nức nở, rồi nàng xoa bóp tay chân cho Hoàng thương tỏ vẻ đầy thương xót.
Theo ghi chép của sử quan Vũ Quỳnh, thực ra Nguyễn Thị Hằng trước đó đã ngầm giấu thuốc độc trong tay rồi sờ vào những vết ngứa lở của nhà vua. Chính do bị nhấm thuốc độc, hôm sau, bệnh tình nhà vua càng thêm trầm trọng, ngài mê man rồi băng hà. Tuy nhiên một số sử gia cho rằng điều này là không thể, bởi nếu vậy thì Nguyễn Đức Trung cùng gia đình đã bị xử chết để không còn nhà Nguyễn sau này.
Lê Thánh Tông băng mà không trối trăng được điều gì. Bởi thế cứ thiên lệnh cũ, Hoàng nam Thiên Lộc Lê Tranh, con của Trường Lạc Hoàng hậu được nối ngôi.

Lê Tranh lên ngôi lấy niên hiệu là Cảnh Thống tức vua Lê Hiến Tông. Sau khi đăng quang, vua HiếnTông tôn phong mẹ là Hoàng Thái hậu.

ST

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây