Ngô Tộc

https://www.ngotoc.vn


Bút tích cha con Ngô Thí Sĩ trên núi Dục Thúy

Năm 1770, trên đường vào Nghệ An nhậm chức Tham Chính, Ngô Thì Sỹ đã lên thăm núi Dục Thuý và cho khắc 4 chữ Vũ trụ dĩ lai lên vách núi. 12 năm sau, năm Cảnh Hưng Nhâm Dần (1782). Ngô Thì Nhậm nhân có việc công qua đây, thấy chữ khắc của cha bị rêu phong nhiều, đã cho khắc lại và đề một bài thơ bên cạnh.
 
Núi Dục Thúy ở Ninh Bình
 
Núi Dục Thuý nằm ở phía tây bắc thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, sát đường quốc lộ 1, cạnh dòng sông Đáy nên thơ. Đây là một danh thắng nổi tiếng của đất Trường Yên cũ, còn lưu lại nhiều bút tích của các danh nhân đất nước, từ vua chúa, công khanh, đến tao nhân, mặc khách các đời.
 
Từ phía thành phố Ninh Bình ra theo đường bộ dừng lại dưới chân núi, khách sẽ nhìn ngay thấy 4 chữ ‘Vũ trụ dĩ lai’ khắc nổi, rất rõ nét. So với các bút tích để lại quanh đây, 4 chữ này có kích thước lớn nhất: 22cmx 30cm. Trèo qua những mộ đá nhấp nhô, vạch đám dây leo chằng chịt, đi đến gần ma nhai đó, chúng ta sẽ thấy mấy hàng chữ nhỏ đề bên cạnh. Đó là bút tích Ngô Thì Sỹ và người con cả của ông là Ngô Thì Nhậm.
 
Năm 1770, trên đường vào Nghệ An nhậm chức Tham Chính, Ngô Thì Sỹ đã lên thăm núi Dục Thuý và cho khắc 4 chữ Vũ trụ dĩ lai này lên vách núi. 12 năm sau, năm Cảnh Hưng Nhân Dần (1782). Ngô Thì Nhậm nhân có việc công qua đây, thấy chữ khắc của cha bị rêu phong nhiều, đã cho khắc lại và đề một bài thơ bên cạnh. Đáng chú ý là bên dưới bút tích của Ngô Thì Nhậm, có khắc cả dấu triện. Loại bia có khắc dấu triện này hiện nay rất hiếm.
 
Nguyên văn bia ma nhai phiên âm như sau:
- “Vũ trụ dĩ lai, Cảnh Hưng, Canh Dần, xuân, Thanh Oai Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ đề”
- “Việt thập tam niên, Nhâm Dần, trưởng nam Thì Nhậm phụng lãnh cung sự. Tam niên, tiên thân hạc giá đăng vân, biểu lưu để di tích, thạch triển đài phong, toại trùng khắc yên, Cung ký cảm hoài nhất luật: Đạo đức văn chương hoàn tạo hoá, Yên ba phong nguyệt tại giang san. Đạt danh thắng cảnh trường như thử, Phụ tử chí tình thiên địa gian”
 
Chúng tôi tạm dịch như sau:
- (Núi Dục Thuý) từ khi có vũ trụ đến nay.
Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ, Người Thanh Oai đề vào mùa xuân, năm Cảnh Hưng, Canh Dần.
- Trải qua 13 năm, đến năm Nhâm Dần, con trai cả là Thì Nhậm vâng mệnh việc công (qua đây). Ba năm trước, tiên thân cưỡi hạc lên mây, đã để lại bút tích. (Chữ khắc vào) đá nông, (lại bị) rêu phong, bèn khắc lại. Kính ghi một bài cảm hoài:
Đạo đức văn chương trả về cho tạo hoá,
Gió trăng khói sóng ở lại với non sông.
Tên tuổi (của cha) và thắng cảnh mãi mãi như thế.
Tình cảm thắm thiết của cha con (ta) còn mãi giữa đất trời.
 
4 chữ: Vũ trụ di lai khắc trên núi Dục Thúy

Thông thường các tầng lớp nho sỹ trước kia hay nói tới “nhân nghĩa” đến “sửa mình trị nước”, ít khi vươn tầm nhìn ra vũ trụ bao la... ở đây 4 chữ vũ trụ dĩ lai Ngô Thì Sĩ như muốn khẳng định sự trường tồn của vũ trụ trong thế vận động của nó, thể hiện một tâm hồn phóng khoáng, một cách nhìn lạc quan, một sự vươn lên trong nhận thức về thiên nhiên và vũ trụ.
 
Phát triển tư tưởng trên, trong bài thơ của mình. Ngô Thì Nhậm đi tới khẳng định sự tồn tại của con người và sự nghiệp con người gắn liền với non sông, đất nước. Theo nhà thơ, con người dù mất đi nhưng toàn bộ phẩm chất đạo đức của họ, sự nghiệp sáng tạo của họ vẫn còn lại mãi mãi với đất trời, gắn liền hoà chung cùng vũ trụ.
 
Phải chăng đó chính là cơ sở tư tưởng cho những hoạt động tích cực, năng động trong sự nghiệp chính trị, quân sự, ngoại giao, cũng như sự nghiệp văn chương của Ngô Thì Nhậm? Có phải chính cái nhìn có tính chất biện chứng trên đây đã khiến Ngô Thì Nhậm mau chóng rũ bỏ được gánh nặng “cô trung” lỗi thời đối với nhà Lê mà không ít trí thức thời ông thường mắc phải để đến với phong trào Tây Sơn cùng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và làm nên sự nghiệp bất hủ “trường tồn với vũ trụ”?

(Theo vannghesontay.com)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây