Ngô Tộc

https://www.ngotoc.vn


Viếng mộ và đền thờ Đức Hầu Ngô Đăng Minh

Vừa qua, trong chuyến về dự lễ đón nhận kỷ lục Việt Nam của Họ Ngô Trảo Nha, Đoàn đại biểu Hội đồng Ngô tộc Việt đã đến thắp hương viếng mộ cụ Ngô Đức Thắng, lên Hương Khê viếng mộ và đền thờ Đức hầu Ngô Đăng Minh, đồng thời kết hợp một số công việc có ý nghĩa khác.
Đoàn đại biểu Hội đồng Ngô tộc VN viếng mộ Đức Hầu Ngô Đăng Minh

Đoàn đại biểu Hội đồng Ngô tộc VN viếng mộ Đức Hầu Ngô Đăng Minh

 

Theo Phả hệ Họ Ngô Việt Nam, Thái bảo Thế quận công Ngô Cảnh Hựu là hậu duệ của Ngô Nước (Trảo Nha, Can Lộc, Hà Tĩnh) có một người con là Ngô Phúc Ngôn, còn gọi là Ngô Đăng Khản, lánh nạn, chạy lên sinh cơ lập nghiệp ở đất Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh. Ngô Đăng Khản sinh Ngô Đăng Thiện, Ngô Đăng Minh, Ngô Đăng Bính. Nay trở thành chi họ Ngô Hà Linh (Trúc Lâm, Hương Khê)

Năm Chính Hòa thứ 15 (1694), Ngô Đăng Minh được lĩnh bảng vàng trong kỳ thi Đình ở Thăng Long. Năm Chính Hòa thứ 25 (1704), giặc Bồn Man xâm chiếm bờ cõi, Ngô Đăng Minh vâng chỉ vua ra biên giới dẹp giặc. Thắng lợi trở về, ông được sắc phong “Đặc tiến Kim tử Vĩnh lộc đại phu, tư lễ giám, tả đề điểm, Án Trung hầu trụ quốc thượng liên”.

Cha con Ngô Đăng Khản,  Ngô Đăng Minh còn có công phát triển kinh tế văn hóa vùng Hương Khê. Cả vùng rông lớn phía tây Hương Khê đã được khai phá với hơn 200 mẫu ruộng được đưa vào canh tác.

Ngô Đăng Minh là thái giám, không có con. Ông mất ở Thăng Long, nhà vua cho quan quân tùy tùng đưa thuyền chở quan tài về quê nhà Trúc Lâm (tức Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh). Chính quyền, nhân dân và con cháu họ Ngô nơi đây đã xây lăng mộ, lập đền thờ Ngô Đăng Minh tại quê nhà, được nhà nước và nhân dân suy tôn là Thành hoàng làng. Thời kỳ cách mạng 1930- 1931, đền thờ Ngô Đăng Minh là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hương Khê mà đảng viên nhiều người là con cháu họ Ngô ở địa phương. Trúc Lâm, Hà Linh cũng là nơi thành lập Đảng bộ huyện Hương Khê (1930)…

Năm 1993, mộ và ngôi đền thờ Đức hầu Ngô Đăng Minh đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Ngày 7/8 /2016 (5/7 Bính Thìn), sau khi dự lễ đón nhận kỷ lục Việt Nam tôn vinh nội dung kỷ lục Họ Ngô Trảo Nha - dòng Ngô Nước, dòng họ 18 Quận công, tại Trảo Nha (Can Lộc), Đoàn đại biểu Hội đồng Ngô tộc Việt Nam do Cụ Ngô Vui, Chủ tịch và các ủy viên Thường trực Ngô Sỹ Phán, Ngô Đăng Sinh, Ngô Đăng Tri và Ngô Vi Tiết đã lên Hương Khê viếng mộ và đền thờ Đức hầu Ngô Đăng Minh. Trên đường lên Hương Khê, đoàn đã thắp hương viếng mộ 10 nữ TNXP và các anh hùng liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc.

Mộ và đền thờ Đức hầu Ngô Đăng Minh tọa lạc trên một quả đồi có nhiều cây tro (cọ), trông ra cánh đồng rộng, thuộc xóm Trúc, xã Trúc Lâm xưa, nay là xã Hà Linh. Làng Trúc Lâm, có dòng sông Ngàn Sâu  chảy theo hướng từ Nam ra Bắc, bao bọc xung quang cả ba phía Nam, Đông và Bắc, phía Tây có đường sắt Bác- Nam đi qua…

Đền thờ và mộ Ngô Đăng Minh là một kiến trúc cổ những đồ tế khí, đại tự câu đối có giá trị nghệ thuật cao. Hạ điện được xây dựng trên một sườn đồi, trên cùng gian giữa có treo bức đại tự sơn son chữ đen: “ QUANG TIỀN DƯ HẬU” phía dưới có bức đại tự “ VĨNH NGÔN HIẾU TỰ” và hai bên có câu đối:

Đức tháo thiên bồi Hồng Lĩnh tú

Phúc nguyên địa dẫn Trúc giang thanh.

Toà Thượng điện được đặt cao hơn hạ điện 1,1 m theo hình thế tự nhiên của sườn dốc. Gian trước đặt hương án chân đèn mâm bồng gian trong đặt bệ thờ theo kiểu chân quỳ dạ cá, trên bệ đạt long ngai có linh chủ của Ngô Đăng Minh.

Trong thời kỳ cận hiện đại, đền thờ Ngô Đăng Minh là nơi chứng kiến sự kiện lịch sử cách mạng 1930-1931, nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên tại Hương Khê. Nhưng giá trị lớn nhất của di tích, đây là đền thờ và mộ của một nhân vật học rộng tài cao được phong tước hầu có công trong việc cầm quân dẹp loạn mở mang việc học hành, nâng cao dân trí, tổ chức chiêu tập dân nghèo khai hoang lập ấp phát triển kinh tế tạo dựng cuộc sống ở thế kỷ 18 (Tư liệu của Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Hà Tĩnh, đăng trên “Trang thông tin điện tử: Hà Tĩnh ngày nay, ngày 28-2-2007).

Tại đền thờ Đức hầu Ngô Đăng Minh, lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương và đông đảo bà con nhân dân, con cháu họ Ngô đã long trọng, vui mừng đón tiếp Đoàn đại diện Hội đồng họ Ngô Việt Nam. Đoàn đã thắp hương kính cần viếng mộ Đức hầu Ngô Đăng Minh, mộ Ngô Đăng Khản (Ngô Phúc Ngôn) và phu nhân, điện thờ Ngô Đăng Minh.

Cụ Ngô Vui và các vị trong đoàn đã tặng, gắn tộc hiệu Họ Ngô Việt Nam cho con cháu trong Họ có mặt. Trong sự cảm kích, phấn khởi của bà con họ tộc,  cụ Chủ tịch và các thành viên trong đoàn đã có cuộc nói chuyện, giao lưu thân mật với lãnh đạo địa phương cùng con cháu họ Ngô. Thay mặt Hội đồng Ngô tộc Việt Nam, cụ Ngô Vui đã cảm ơn địa phương và họ tộc đã giữ gìn, tôn tạo được một di tích đặc biệt quý hiếm của họ Ngô ở một nơi từng trải qua chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt. Cụ đề nghị các vị trong Ban bảo tộc và bà con ra sức phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ đồng thời cần khẩn trương bổ sung gia phả của chi họ Ngô Hà Linh hiện còn thiếu vắng rất nhiều tư liệu, yêu cầu cuối năm 2016 phải hoàn thành, gửi ra Hà Nội để in bổ sung vào Phả hệ Họ Ngô Việt Nam khi tái bản.

Ông Ngô Đăng Hồng, tộc trường họ Ngô Hà Linh và ông Ngô Quốc Tường, thay mặt bà con có mặt đã phát biểu ý kiến cảm ơn sự quan tâm của Đoàn Hội đồng Ngô tộc Việt Nam, của lãnh đạo địa phương và xin hứa sẽ thực hiện nghiêm túc lời chỉ giáo của cụ Ngô Vui./.

 

PGS - TS Ngô Đăng Tri

 

Dưới đây la một số hình ảnh bổ sung:

 

Trước cổng khu lăng mộ Đức Hầu Ngô Đăng Minh

 

Đoàn thắp hương trước thượng điện thờ linh vị Đức Hầu

 

Đoàn thắp hương mộ Đức Hầu

 

Trưởng tộc họ Hà Linh báo cáo với đoàn

 

Chủ tịch HĐNTVN Ngô Vui trao đổi với bà con họ Hà Linh

 

Ông Ngô Vui gắn tộc hiệu cho bà con trong Họ

 

Đoàn viếng mộ cụ Ngô Đức Thắng - Vị Trưởng Ban Liên lạc HNVN đầu tiên

 

Đoàn thắp hương viêng liệt sỹ tại nghĩa trang Đồng Lộc

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây