Ngô Tộc

https://www.ngotoc.vn


Hội đồng Ngô tộc VN làm việc tại Hải Phòng

Ngày 14/12/2017, Hội đồng họ Ngô Việt Nam đã có chuyến về Hải Phòng, làm việc với Hội đồng họ Ngô Thành phố, tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử và thăm một số chi họ tại đây.
Đoàn làm việc với Hội đồng Họ Ngô TP Hải Phòng

Đoàn làm việc với Hội đồng Họ Ngô TP Hải Phòng


Đoàn gồm các ủy viên Thường trực Hội đồng họ Ngô Việt Nam: Ngô Nhật Dân, Ngô Hữu Minh, Ngô Văn Hùng, Ngô Văn Xuân và nhà nghiên cứu lịch sử - Họa sỹ Nguyễn Văn Chiến. Ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu.

Đón và làm việc với đoàn tại nhà thờ họ Ngô thành phố Hải Phòng có các ông trong Hội đồng họ Ngô Thành phố: Ngô Đức Uy – Chủ tịch, Ngô Cúc, Ngô Đăng Hải – Phó Chủ tịch, Ngô Xuân Viện, Ngô Văn Thắng - Ủy viên Thường trực. Ông Ngô Đăng Lợi, Chủ tịch danh dự Hội đồng cùng dự buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các thành viên đã trao đổi các thông tin liên quan đến hai vấn đề chính: Tổng hợp hồ sơ nghiên cứu về hệ thống di tích thờ tự Đức Vương Ngô Quyền và các danh nhân lịch sử liên quan triều đại nhà Ngô tại khu vực Hải Phòng và việc xây dựng, kết nối gia phả dòng họ.

Khu vực Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên vốn là địa phận đại bản doanh của các đạo quân do Ngô Quyền thống lĩnh chỉ huy, chuẩn bị cho trận đánh lịch sử, tiêu diệt mấy chục vạn quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, giành lại nền độc lập, tự chủ cho đất nước, chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Vì vậy nơi đây hiện có rất nhiều các di tích lịch sử, hệ thống thờ tự Đức Vương Ngô Quyền và các nhân vật liên quan. Theo thống kê chưa đầy đủ, Hải Phòng hiện có 17 di tích thờ tự Ngô Quyền, trong đó rất nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Ngoài ra còn nhiều di tích khác như: Thành Vành Kiệu, nơi đặt chỉ huy sở đại bản doanh, đền thờ các bộ tướng của Ngô Vương như Nguyễn Tất Tố, Đào Nhuận, Nam phương Tiên Nga...

Hội nghị thống nhất, thời gian tới Hội đồng Họ Ngô Hải Phòng sẽ tổ chức thu thập toàn bộ tài liệu liên quan gồm hệ thống Thần phả, Ngọc phả, hồ sơ xếp hạng di tích... gửi cho Hội đồng Họ Ngô Việt Nam để tổng hợp, xây dựng hệ thống hồ sơ di tích lịch sử của Dòng họ chung trên cả nước.

Về gia phả, thời gian qua họ Ngô Hải Phòng còn chưa co sự quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này, nhiều họ, chi họ chưa lập được gia phả hoặc chưa có phả gửi cho Hội đồng Họ Ngô Việt Nam để nghiên cứu kết nối chung trong Phả hệ họ Ngô Việt Nam. Gần đây một số chi họ đã có nhiều cố gắng, xây dựng được những bộ gia phả công phu, chi tiết và khá hoàn chỉnh. Đó là điều rất đáng được biểu dương và để các chi họ khác học tập kinh nghiệm. Hội đồng Họ Ngô Hải Phòng cho biết hiện tại đã có sự phân công cụ thể, giao ông Ngô Đăng Hải, Phó Chủ tịch phụ trách, với sự tham gia của anh Ngô Văn Thắng, chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc chung. Hy vọng thời gian tới lĩnh vực này sẽ được đẩy mạnh và có kết quả cụ thể.

Buổi chiều đoàn đi thăm và thu thập tư liệu một số di tích khu vực gần đấy như: Đình Phụng Pháp, Chùa Tiên Nga, Đình An Trì, Đình Lạc Viên... Trong các địa chỉ đến thăm chúng tôi đặc biệt chú đến Đình An trì. Đình An Trì trước thuộc huyện An Hải cũ, nay thuộc phường Hùng Vương quận Hồng Bàng. Đình toạ lạc trên khuôn viên đất rộng, cao ráo, cửa nhìn hướng Tây Nam, phía trước là dòng sông Rế hiền hòa. Đình thờ Đức Vương Ngô Quyền, phối thờ Hậu Ngô Vương Ngô Xương Ngập và Tướng công Thọ Như Hầu Nguyễn Trung Thành, người có công mở mang đất đai, lập làng An Trì. Hỏi chuyện ông Phạm Vũ Bền và bà Nguyễn Thị Ái, những người trong Ban quản lý di tích, được biết trước đây làng An Trì có ngôi đình thờ Thành hoàng làng và ngôi miếu thờ Hậu Ngô vương Ngô Xương Ngập, vị trí gần khu cầu tàu thuộc phường Sở Dầu quận Hồng Bàng hiện nay. Do biến thiên của lịch sử, thiên tai sóng gió, đình và miếu bị đổ nát, nhân dân hưng công xây cất lại ngôi đình, rước tượng Hậu Ngô Vương vào phối thờ tại đình làng. Như vậy đây là một trong số ít cơ sở thờ Hậu Ngô Vương Ngô Xương Ngập mà chúng ta được biết đến.
Ngô Xương Ngập là Thái tử, con trai trưởng của Đức vương Ngô Quyền. Ông từng là một trong hai tướng tiên phong tham gia trận chiến Bạch Đằng năm 938. Năm 944 trước khi băng, Đức Ngô Vương có ủy thác Xương Ngập cho Dương Tam kha, em Dương hậu phụ giúp trông coi triều chính. Tuy nhiên lợi dụng lúc Xương Ngập thế chưa đủ mạnh, Dương Tam Kha đã cướp ngôi của cháu. Ngô Xương Ngập phải chạy về ẩn náu ở Nam Sách Giang, nương nhờ nhà Phạm lệnh công. Trong thời gian ở Nam Sách Giang, Xương Ngập đã có một số lần lui tới nơi đây. Vì vậy sau khi ông mất nhân dân đã lập miếu thờ.

Trong quá trình thăm viếng và khảo sát các di tích lịch sử, qua hệ thống định vị toàn cầu, ông Ngô Nhật Dân ngay tại chỗ kịp thời đăng tải các hình ảnh và tọa độ của di tích lên hệ thống Google Map. Đây là việc làm rất có ý nghĩa và là sự cố gắng rất lớn của ông Ngô Nhật Dân. Hiện tại ông đã đưa được hàng chục di tích lên mạng, giúp du khách dễ dàng tìm đến viếng thăm.

Trong chương trình đoàn còn đến thăm và làm việc với họ Ngô Đăng xã Đoàn Xá huyện Kiến Thụy. Đón tiếp và làm việc với đoàn tại từ đường dòng họ có ông Ngô Đăng Rêu, Chủ tịch Hội đồng Gia tộc và đông đảo các vị thành viên Hội đồng.

Họ Ngô Đăng – Đoàn Xá là một họ khá lớn, gồm 250 hộ, với 1.300 khẩu. Họ Ngô Đoàn Xá cũng như họ Ngô Kiến Thụy nói chung được đánh giá là một trong những tổ chức dẫn đầu trong các hoạt động dòng họ. Năm 2015 họ Ngô Đăng đã được Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy khen thưởng về công tác khuyến học, khuyến tài, được chọn là một trong những dòng họ tiêu biểu, báo cáo điển hình tại Đại hội Khuyến học của Huyện, của Thành phố và được cử đoàn đi dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc; được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thành phố Hải Phòng khen thưởng là dòng họ có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư 5 năm liền.

Trong suốt hành trình đi tham quan, khảo sát các di tích lịch sử cũng như đi làm việc với các chi họ, chúng tôi đều được ông Ngô Đăng Lợi cùng đi, giới thiệu và hướng dẫn thêm. Ông Ngô Đăng Lợi năm nay đã ngoài 80 tuổi song ông vẫn rất nhiệt tình với công việc của đoàn. Ông nguyên là Trưởng ty Văn Hóa của thành phố Hải Phòng nên hệ thống di tích lịch sử trên địa bàn Thành phố ông thuộc như lòng bàn tay. Chính vì vậy chương trình của đoàn gặp rất nhiều thuận lợi.

Kết thúc buổi làm việc trời đã rất muộn, mọi người đều thấm mệt nhưng rất vui vì kết quả thu lượm được với khối lượng công việc rất lớn. Hy vọng tới đây các mặt hoạt động của họ Ngô Việt Nam sẽ ngày càng đi vào chiều sâu và có những bước tiến vượt bậc với hiệu quả cao.

Ngô Văn Xuân

Dưới đây là một số hình ảnh ghi chép được:

 

Làm việc với
Các thành viên HĐ​​​​HN VN làm việc với HĐ Họ Ngô Hải Phòng
3
Đình Phụng Pháp thờ Ngô Quyền
 
4
Bằng công nhận di tích đình Phụng Pháp
 
5
Đền Tiên Nga thờ bà chúa Nam Phương - người giữ tổng kho hậu cần của Ngô Quyền
 
6
 
7
 
8
Ban thờ gian tiền bái đình An Trì
 
9
Tượng thờ các Thành hoàng làng
 
110
Tượng Hậu Ngô Vương Ngô Xương Ngập
 
11
Bằng công nhận di tích đình An Trì
 
12
Bảng ghi ngày giỗ Hậu Ngô Vương
 
14
 
15
 
16
Đoàn làm việc với Hội đồng gia tộc họ Ngô Đăng - Đoàn Xá
 
33
Bia công đức tại từ đường họ Ngô Đăng - Đoàn Xá
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây