Ngô Tộc

https://www.ngotoc.vn


Bài phát biểu của cụ Ngô Vui tại Đại Hội CLB Tuổi trẻ họ Ngô HN

Như đã đề cập kỳ trước, tại Đại hội Đại biểu CLB Tuổi trẻ họ Ngô TP Hà Nội lần thứ nhất, cụ Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng họ Ngô Việt Nam đã có bài phát biểu tâm huyết, để lại nhiều cảm xúc cho các đại biểu dự Đại hội. HNVN xin được giới thiệu toàn bộ nội dung bài phát biểu của cụ Chủ tịch Hội đồng để bà con và bạn đọc tham khảo.
 
b
Cụ Ngô Vui - Chủ tịch Hội đồng họ Ngô VN phát biểu tại Đại hội Đại biểu CLB Tuổi trể họ Ngô Hà Nội lần thứ nhất


BÀI PHÁT BIỂU TÂM HUYẾT
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG HỌ NGÔ VIỆT NAM NGÔ VUI
TẠI ĐẠI HỘI CÂU LẠC BỘ THANH NIÊN HÀ NỘI LẦN THỨ NHẤT NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 2018
 
Kính thưa Đại hội, Kính thưa các vị đại biểu.
Kính thưa các vị thành viên HĐHNVN, HĐHN các địa phương có mặt tại đây hôm nay! 
Thân ái chào tất cả các cháu nam thanh nữ tú họ Ngô thân yêu của chúng ta góp mặt trong Đại hội này! 

Sau một thời gian chuẩn bị rất công phu, các bạn trẻ trong Ban Liên lạc Lâm thời CLB Tuổi trẻ họ Ngô Hà Nội đến hôm nay công việc chuẩn bị đó mới hoàn tất và chuyển sang giai đoạn mới là tiến hành đại hội. Trong quá trình chuẩn bị đó, chúng tôi có tham dự và đóng góp một số ý kiến, nhưng vì trong phạm vi đối tượng hẹp, nên hôm nay tôi xin phép Đại hội được phát biểu lại tại đây một lần nữa. Tôi xin thay mặt Hội đồng họ Ngô VN được phát biểu với các bạn trẻ hai vấn đề tâm huyết với tư cách cá nhân:
-  Vấn đề Thứ nhất: Nói về lịch sử và danh nhân của dòng họ. 
-  Vấn đề Thứ hai: Nói về nhân cách, phong cách tác phong của thế hệ trẻ.
Sau đây chúng tôi xin trình bày cụ thể từng điểm các vấn đề trên: 

Về vấn đề thứ nhất:

Đã mang danh con cháu họ Ngô thì hãy cố gắng nắm cho được chí ít cũng là sơ lược Lịch sử của dòng họ Ngô và các nhân vật lịch sử, danh nhân của dòng họ. Theo tôi, việc đó đối với các bạn trẻ ngày nay là không khó khăn gì mấy, miễn là chúng ta có ý thức đến việc đó, chỉ cần vài ba hôm mở ra đọc 5 - 10 phút thôi. Ông cha chẳng đã từng dạy ‘mưa dai thấm lâu’ đó sao?
 
1).Trên Website của dòng họ ngotoc.vn chúng tôi có cho đăng bài viết “Khái quát lịch sử phát triển họ Ngô Việt Nam” từ Khởi tổ Ngô Nhật Đại sống ở đầu TK thứ VIII cho đến đời thứ 22 phân các Dòng (như đã thể hiện trên ‘Cây Phả dạng Bolsai’ được trang trí tại Văn phòng Hội đồng họ Ngô VN mà chúng ta vẫn thường thấy trên các bài viết về dòng họ), nghĩa là mới chỉ được phân nửa số thế hệ con cháu họ Ngô chúng ta. Mỗi chúng ta phải hết sức tự hào vì họ NGÔ là họ duy nhất ở Việt Nam cho đến nay có một Bản Phả xuyên suốt thời gian chiều dài lịch sử 14 TK, xuyên suốt không gian cả nước và cả ở nước ngoài. Vì vậy các bạn trẻ chúng ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm quảng bá niềm tự hào ấy trước bạn bè trong cũng như ngoài họ Ngô. Mà để làm được việc đó lại không ‘bị ngố’ trước bạn bè thì phải nắm được sơ lược như : Cụ Khởi tổ là ai, Đức Vương Ngô Quyền là đời thứ mấy, Thái úy Việt Quốc công Lý Thường Kiệt (tức Ngô Tuấn) là đời thứ mấy... Tôi chắc rằng trong số các bạn trẻ đang trong hội trường này không có mấy bạn biết điều đó. Đó là lỗi của người lớn chúng tôi. Cứ thế mỗi ngày một ít chúng ta tiếp tục tìm hiểu tiếp các phần sau. Đọc Phả hệ thì ‘khô khan’ chẳng khác gì đọc một quyển Tự điển. Vì vậy, ta nên đọc xen kẽ các câu chuyện về Danh nhân, và Nhân vật lịch sử họ Ngô để tăng thêm niềm hứng thú để đọc tiếp phần Khái quát lịch sử phát triển nói trên. Tôi đã hoàn thành về cơ bản Phả hệ họ Ngô VN sẽ tái bản lần thứ 2 vào năm 2019, nên có thì giờ sẽ phối hợp với ông Ngô Văn Xuân và anh Ngô Đức Hành biên soạn ngắn gọn, mỗi nhân vật, mỗi sự kiện chừng chục dòng, thỉnh thoảng xen vào đó là những câu chuyện vui, thú vị để kích thích trí tò mò tìm hiểu ở thế hệ trẻ để CLB Tuổi trẻ họ Ngô mở một kênh thông tin nào đó truyền đến các bạn. Đó là cách chơi mà học, là tham vọng, mong ơn trên trước phù hộ để cho tham vọng này trở thành hiện thực.

 2).Bất kỳ một tổ chức dù là của cơ quan nhà nước, hay tổ chức xã hội cũng đều phải có tôn chỉ mục đích. Vây thì CLB Tuổi trẻ họ Ngô Hà Nội cũng phải có tôn chỉ mục đích của nó. Tôn chỉ mục đich không nên nói dài dòng trở nên hình thức. Kể từ khi Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam được thành lập đến nay đã tròn 30 năm. Từ ngày ấy cho đến năm 2010 tổ chức đó vẫn được gọi là Ban Liên lạc, đến năm 2011, Đại hội Ngô tộc toàn quốc lần thứ 8 quyết định đổi tên thành Hội đồng Ngô tộc Việt Nam. Tự thân việc đổi tên này, đòi hỏi phải có “Qui ước về hoạt động của Dòng họ Ngô ở Việt Nam” gồm 6 chương 16 điều. Trong Qui ước đó, có nêu phải quán triệt phương châm ‘Bốn Hướng’: Hướng Tâm - Hướng Thiên - Hướng Thiện - Hướng Tông, nghĩa là, mọi hoạt động của dòng họ phải xuất phát từ trái tim đến trái tim, phải thuận với lẽ trời, hợp với đạo lý và đích cuối cùng là hướng về Dòng tộc. Và về tiêu chuẩn để đứng trong hàng ngũ lãnh đạo dù là một tổ chức nhỏ nhất trong dòng họ như Chủ nhiệm CLB bóng đá chẳng hạn thì cũng phải hội đủ “Tiêu chuẩn 5 T”, đó là: Tâm - Trí (thuật ngữ hiện thời là Tầm) - Thể - Tài - Thê tử. Yêu cầu trước hết là phải có tâm, phải đủ tầm, phải có sức khỏe để hoạt đông, điều kiện kinh tế không khó khăn lắm và phải được vợ con đồng tình ủng hộ. Các bạn thấy có đơn giản không. Mong rằng các bạn trẻ thấm nhuần và tuân thủ.

3). Về hoạt động tâm linh của dòng họ:
Rút kinh nghiệm từ việc tiếp cận các dòng họ, chi họ, chúng tôi nhận thấy họ nào chưa chăm lo tốt việc mồ mả tổ tiên, Từ đường, Mộ tổ thì phần đông trong dòng họ chi họ có vấn đề bẩt ổn, thậm chí chia rẽ, nên bắt đầu từ năm 2009, Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam lúc đó, chuyển trọng tâm hoạt động sang lĩnh vực tâm linh. Chưa kể các chi họ, dòng họ hưởng ứng chủ trương này của BLL, chỉ riêng bản thân BLL họ Ngô Việt Nam đã làm được một số công trình lớn như: xây dựng Lăng Mộ Hán Quốc công Ngô Lan, dựng Bia Phúc Quang Từ Đường ký, Xây dựng Nhà Bia hoàn toàn bằng đá Ninh Vân, Ninh Bình, tìm huyệt mộ Thái úy Việt Quốc công Lý Thường Kiệt, Đại Lễ cầu siêu cầu cho quốc thái dân an, cho vong linh tiên tổ các chi họ dòng họ Ngô cả nước được siêu thoát. Chính những nhà tâm linh, ngoại cảm quen biết trong cũng như ngoài họ Ngô nhận xét rằng, họ Ngô đã được ‘âm phù’, nên có phần ‘vượng lên’. Chúng tôi xin nêu 3 hiện tượng sau đây để minh họa: Chuyện thứ nhất: Tôi đã từng nhiều lần phát biểu công khai ngay trên diễn đàn là hể tiếp cận với người họ Ngô nào về dòng họ mà người ấy ‘tỉnh bơ’ thì đó là con cháu dòng họ Ngô Tam Sơn danh giá của họ Ngô Việt Nam, nhưng mới trong tháng này thôi có hai sự kiện xảy ra, làm chính bản thân tôi cũng ngỡ ngàng. Đó là Đền thờ Trạng nguyên Ngô Miễu Thiệu - vị Trạng nguyên duy nhất của họ Ngô chúng ta, người sinh thời có tài “Lập thị thoái Lỗ” tức là đứng làm thơ mà lui được giặc Minh, đã được con cháu phát tâm đóng góp để xây mới khang trang. Cũng liên quan đến dòng cụ Trạng nguyên là con cháu Hoàng giáp Ngô Văn Phòng ở Phù Vệ, Đường Hào (Mỹ Hào) nay cư ngụ ở Phúc Tá, Ân Thi, Hưng Yên đã chủ động liên hệ với HĐHNVN xin lên làm việc kết nối. Chuyện thứ hai: Phúc Quang Từ Đường, nơi phát tích của họ Ngô chúng ta ở Đồng Phang - Định Hòa - Yên Định - Thanh Hóa đã được khởi công xây dựng lại đúng ngày 1/5/2018 với qui mô bề thế, ngang tầm với những công trình tâm linh khác trong khu vực. Chuyện thứ ba: Là việc tìm thấy huyệt mộ Hưng Quốc công Ngô Kinh là cha Diên Ý Dụ Vương Ngô Từ đã bao nhiêu lần tìm kiếm nhưng chưa thành công thì trong chuyến về nguồn đầu tháng 8 Mậu Tuất vừa qua, con cháu dòng họ đã tìm thấy. HĐHN Thanh Hóa đã có tờ trình lên các cơ quan chức năng địa phương xin được hưng công xây dựng Khu thờ tự Thái lão hương quan Ngô Rô, Hưng Quốc công Ngô Kinh, Diên Ý Dụ Vương Ngô Từ... ngay tại nơi huyệt mộ vừa tìm được. Mỗi chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem nếu những hoạt động tâm linh kia không thấu được tới ‘cao xanh’ thì làm sao có được sự ‘âm phù’ như thế? Tin hay không đấy là do nhận thức của mổi người. 

Về vấn đề Thứ hai:

Nói về nhân cách, phong cách tác phong của thế hệ trẻ. Tính cách chung của người họ Ngô là cương trực, thẳng thắn, vui vẻ, hòa đồng, trọng nghĩa khí nhưng cao ngạo. Tính cách này vừa có mặt tốt lại vừa có mặt xấu. Tự thân mỗi chúng ta phải tự xác đinh cái nào tốt, cái nào xấu để phát huy hoặc khắc phục. Ở đây tôi chỉ muốn nói một khía cạnh rất nhỏ hẹp trong phong cách sống: Đó là cách kết bạn, giao lưu chén chú chén anh hô hào ‘Ngô, Ngô’…thay vì 'Dô, Dô..' 

1). Người biết kiếm ra tiền thì mới biết cách tiêu đồng tiền ấy. Các bạn trẻ quyền chưa cao chức chưa trọng thì làm gì có cơ hội tham những, tức đồng tiền tiêu đi là đồng tiền sạch. Nhưng tiêu tiền là một ‘nghệ thuật’. Ăn của người nhiều mà không trả là tham, cho người ăn nhiều vô cớ là ngu. Cho nên giao lưu vui vẻ để tạo điều kiện kết nối làm ăn là cần thiết, nhưng phải tránh đừng để rơi vào tình cảnh “Bạn bè rượu thịt có nghìn, gặp nạn ngoảnh nhìn chẳng thấy một ai”. 

2). Tôi có cảm nhận những cuộc ‘Ngô, Ngô’... ấy và lòng trắc ẩn trong sâu thảm tâm hồn giống như một cái cần bập bênh của trò chơi con trẻ: Hể đầu này bổng lên thì đầu kia hạ xuống. Trong thời gian qua, CLB Tuổi trẻ họ Ngô VN có vận động cứu trợ hai trường hợp từ thiện, vụ thứ nhất còn tạm được, còn vụ thứ hai là thất bại. Trong thất bại ấy có nhiều nguyên nhân cần phải rút ra bài học để khắc phục. Ở đây chúng tôi muốn nói đến khía cạnh là thông tin về trường hợp thứ 2 có thông báo trên Facebook là xác thực có thể tin được. Trên mạng xã hội đó có đến 70 - 80% là người họ Ngô tham gia, nhưng không có mấy ai hưởng ứng. Đó là do chưa động được đến lòng trắc ẩn của nhân thế. Nếu bớt đi một cuộc ‘Ngô, Ngô’ ...thì có thể đến năm, mười mảnh đời được xoa bớt nỗi đau. Tôi xin hiến kế thế này: Nên kéo dài thời gian thông báo, đồng thời trực tiếp liên hệ với các cơ quan đơn vị trước hết là của người họ Ngô quen biết, mời tham gia chương trình cứu trợ. Với các thành viên Thường trực Hội đồng họ Ngô VN thì gọi điện trực tiếp mời tham gia, ai có lòng góp nhiều mà có tài khoản  thì gửi qua tài khoản, ai chỉ có điều kiện góp it thì ghi nhận chưa cần thu ngay. Tôi bảo đảm sẽ thu đủ cho các bạn. Để các bạn chủ động khi chưa thu đủ số tiền như danh sách, thì Hội đồng họ Ngô VN sẽ thu xếp cho các bạn mượn 20,000,000 đ. Đây là cách mà một thanh niên họ Ngô làm từ thiện giỏi hàng chục năm nay trên đất nghèo Ninh Thuận mách cho tôi.

Năm nay tôi đã sắp bước sang tuổi 84, lại đang mang chút trọng bệnh trong người, không biết có theo được cụ Thắng đến tuổi 86 không, nên xin dốc hết ruột gan với các bạn. Nhân chuyện dốc hết ruột gan này, tôi xin phép Đại hội được kể một câu chuyện riêng tư chưa từng đem kể với ai.

Chuyện là, cách nay hơn 50 năm, tôi có yêu một người con gái Nam Định. Đến ngày sắp cưới thì gặp trục trặc, tôi đã làm một bài thơ dài, trong đó có mấy câu: “Giá mà dốc được ruột ra/ Để cho mình hiểu lòng ta yêu mình/ Trăm năm có một chữ tình/ Nỡ đâu ta lại phụ mình mình ơi/ Mình ơi giận nữa hay thôi/ Chữ tình ai nỡ bẻ đôi được nào/ Một lời đã biết đến nhau/ Nỡ đâu đày đọa cho đau chữ tình/ Mình ơi có thấu chăng mình?” Thế là khúc mắc được hóa giải xong, kết quả là 3 sản phẩm của mối kết nối ấy lần lượt ra đời.

Tôi kể lại câu chuyện riêng tư này, mong rằng thế hệ trẻ họ Ngô chúng ta hãy kết nối lại, như cách nói trước kia là cùng nhau ‘đồng cam cộng khổ’, cùng nhau ‘chung lưng đấu cật’ để tiến lên. Nhưng ngày nay, với thời đại 4.0 mà nói như thế thì nó lạc hậu quá, tôi xin nợ các bạn một thuật ngữ thích hợp, nên xin được nói đại ý: chúng ta hãy nối vòng tay lớn, chung sức đồng lòng, liên kết các nơ ron thần kinh của 2 - 3 người chưa đủ thì 5 - 10 người hoặc hơn nữa, không chỉ chia sẻ thông tin mà chia sẻ cả bí quyết để làm giàu cùng nhau vươn lên làm giàu cho bản thân, cho gia đình, góp phần làm giàu cho đất nước và cho dòng họ Ngô thân yêu của chúng ta, một dòng họ oanh liệt nhưng cho đến nay vẫn còn đang chịu nhiều bất công của lịch sử. Việc chung sức đồng lòng, không chỉ chia sẻ thông tin mà cả bí quyết làm giàu như tôi vừa nói ở trên là người đang sống giúp người đang sống. Đấy là ‘dương trợ’. Âm đã phù mà Dương lại trợ nữa thì mọi việc ắt sẽ hanh thông! Xin cảm ơn các vị đại biểu và các bạn đã lắng nghe.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây