Ngô Tộc

https://www.ngotoc.vn


Cha Ngô Quyền là ai?

Xin góp ý cho bài viết VỀ QUÊ HƯƠNG, DÒNG HỌ VÀ GIA THẾ CỦA NGÔ QUYỀN của PGS -TS Nguyễn Minh Tường Viện Sử học, đăng trong Kỷ yếu của hội thảo.
 
Ngô Quyền trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938

Tại trang 51 Kỷ yếu Hội thảo khoa học NGÔ QUYỀN - VỊ TỔ TRUNG HƯNG ĐẤT NƯỚC diễn ra tại Hà Nội ngày 1-10-2020, tác giả viết: “ …Ngô Quyền sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước chống quân xâm lược phương Bắc. Theo thần tích đền Gia Viên, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, thì ông Tổ 4 đời của Ngô Quyền là Ngô Xuân, là người đã từng chiêu mộ được hơn 100 thủ hạ theo Triệu Quang Phục (…). Cha Ngô Quyền là Ngô Mân, còn mẹ ông là bà họ Phạm, người cùng châu Đường Lâm”.
Thần tích đền Gia Viên, mà PGS-TS Nguyễn Minh Tường đã trích dẫn ở trên, thì Phả hệ Họ Ngô Việt Nam trong cả 3 lần xuất bản vào các năm 2003 (tr.21/ NXB VHTT), 2011 (tr.17/ NXB Lao Động), 2019 (tr.21-22/NXB Thông tin Truyền thông) đều có đề cập đến như sau:
Theo “Thần tích đền Cấm và An Trì (Hải Phòng) thì: Tiên tổ Ngô Quyền tên là Tùng vốn người Bắc quốc, cuối thời Đông Hán vì loạn to, khổ vì siêu dịch phải chạy lánh sang nước Nam, lấy vợ ở Đường Lâm, người họ Đỗ. Ông sinh ra ba trai là Tương, Lý, Đỗ. Tương sinh Vinh. Vinh sinh 6 trai, trưởng là Xuân. Xuân giúp Triệu Quang Phục chống đô hộ. Xuân sinh Hoa. Hoa sinh Côn. Côn lấy vợ người họ Phạm ở Đường Lâm, sinh hai trai, một gái, trưởng là Ngô Quyền”.
Theo thần tích này, phả hệ những đời đầu họ Ngô là:
Đời 1: Tùng - sang Việt Nam thời Đông Hán (25-220)
Đời 2: Tương
Đời 3: Vinh
Đời 4: Xuân - giúp Triệu Quang Phục (549-570)
Đời 5: Hoa
Đời 6: Côn
Đời 7: Ngô Quyền (897-944)
Đối chiếu với niên biểu, thì: Từ Tùng tới Ngô Quyền là 7 đời, mà thời gian tới 670 năm (tính từ năm cuối của thời Đông Hán là năm 220 tới năm sinh của Ngô Quyền là 897). Mỗi đời cách nhau gần 100 năm là điều không thể có được. Vả lại, thần tích ở hai đền Cấm và An Trì cũng không rõ ai viết và viết vào đời nào để làm cơ sở nghiên cứu.
Do đó thuyết này là không có cơ sở và không đúng về niên biểu. Nhưng chúng tôi vẫn ghi lại để cùng nghiên cứu.
Phả đồ chúng tôi giới thiệu trên là căn cứ vào bản phả do Hán Quốc công Ngô Lan biên soạn năm Đinh Dậu đời Hồng Đức 1477.
Điều đáng trách ở đây là: Mỗi lần xuất bản, Họ Ngô đều nộp lưu chiểu đầy đủ 20 bộ theo luật định. Chúng tôi không rõ số sách lưu chiểu đó được phân phối thế nào, đến nỗi Viện Sử học lại không có. Vì thiếu ‘nguồn’ nên PGS-TS Nguyễn Minh Tường ‘có rau nào đành xào rau đấy’ vậy thôi, thành sai. Có thể do tuổi tác, PGS-TS Tường ngại đi Thư viện Quốc gia để tra cứu, điều này có thể thông cảm được.

Đáng tiếc là trong Hội thảo lần trước 2019, vấn đề cha mẹ Ngô Quyền là ai, thay mặt con cháu Dòng họ Ngô, chúng tôi đã có ý kiến đính chính, nói rõ nguồn gốc xuất xứ của các sử liệu khác nhau dẫn đến khác nhau về gia thế của Ngô Quyền.
Cha Ngô Quyền là Ngô Côn hay Ngô Mân là ở trong hai nguồn tài liệu khác nhau.
Cha Ngô Quyền là Ngô Mân là lấy từ phả Hán Quốc công Ngô Lan soạn năm 1477 như đã nói trên.Tiên tổ Ngô Quyền là Ngô Nhật Đại (tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan 722). Đại sinh Dụ. Dụ sinh Hạo. Hạo sinh Thực. Thực sinh Mân. Mân sinh Quyền.
Vây mà trong hội thảo lần này chỉ cách hội thảo lần trước có 1 năm, cái sai của lần trước dù đã được dòng họ Ngô chỉ ra, mà vẫn còn lặp lại. Không biết phải cần mấy cuộc hội thảo nữa thì cha Ngô Quyền là Ngô Mân chứ không phải Ngô Côn mới lọt được vào tai các nhà sử học?!

Ngô Vui
Chủ tịch Hội đồng Họ Ngô Việt Nam

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây