Từ khóa 
Tìm kiếm theo 
Tìm theo 

Trong “Lời giới thiệu” bản GIA PHẢ HỌ NGÔ Đáp Cầu Bắc Ninh, in năm Giáp Thân - 2004, cho biết rõ quá trình biên soạn gia phả của dòng họ. Bản Gia phả được khởi thảo từ năm Minh Mạng thứ 11 (1830) bởi Ngô Thế Mẫn (đời thứ 8), dựa theo lời kể của ông nội là Ngô Trọng Thích, mà chép được 5 đời từ thủy tổ Ngô Phúc Khánh đến cụ Ngô Thế Khuông.

Đến năm Đinh Sửu (1877), cử nhân Ngô Trọng Tố (đời thứ 8), Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, hệ thống lại các đời từ thủy tổ đến đời thứ 6 và biên soạn tiếp Gia phả của chi Ất được 3 đời, từ đời 6 đến đời 8.

Bản phả đó còn lại đến ngày nay, là cơ sở để các thế hệ kế tiếp không ngừng bổ sung, hoàn thiện cho đến con cháu ngày nay dù sinh sống ở trong nước hay nước ngoài.

Theo tương truyền trong dòng họ, thì đất phát tích của họ Ngô Đáp Cầu là Bồ Châu (nay là xã Yên Lâm huyện Yên Mô, Ninh Bình). Năm 1993, dòng họ đã cử người về đó tìm, nhưng ở đây không có họ Ngô nào. Những năm tiếp theo, ông Ngô Mạnh Thường đã nhiều lần vào các xã xung quanh khu vực đó, may mắn tìm được gia phả của chi họ Ngô ở thôn Mỹ Thắng xã Yên Mỹ.

Nhưng gia phả họ này bị mất, nên từ thủy tổ Ngô Công Lược, gốc làng Ngô Xá huyện Phong Doanh, theo  lệnh “chiếm xạ” thời Lê Thánh Tông về mở đất nơi đây, cho đến cụ Ngô Phúc Thiện không biết là mấy đời. Từ cụ Phúc Thiện đến nay là 15 đời.

Một điều cần đặc biệt quan tâm là: Cụ Ngô Phúc Thiện có 3 con trai: Ngô Phúc Yên, Ngô Phúc Toàn và Ngô Phúc Khánh. Cả ba cụ phả đều có chép tên vợ, nhưng hai cụ Phúc Yên, Phúc Toàn, phả không chép con cháu; họ Ngô Yên Mỹ ngày nay là hậu duệ của cụ Phúc Khánh. Vậy phải chăng đã có sự nhầm lẫn khi sao chép phả?

Nếu con cháu họ Ngô hiện nay ở Yên Mỹ là hậu duệ cụ Phúc Yên, hoặc Phúc Toàn, thì hẳn là cụ Phúc Khánh đã vì một nguyên cớ nào đó mà bốc cư ra Đáp Cầu. Thế thứ phù hợp không chỉ bởi cả hai nơi đều đến đời thứ 15 mà bởi sự đối chiếu niên biểu.

Trước đây, khi họ Ngô Đáp Cầu được cụ Ngô Đức Thắng chắp vào họ Bái Dương (Lịch sử họ Ngô Tổng hợp, HN 1991/114), thì chúng tôi đã dựa vào tư liệu trong chính gia phả họ Ngô Đáp Cầu, mà xác định năm sinh tương đối của thủy tổ Ngô Phúc Khánh là trong khoảng từ năm 1610 đến 1620. Họ Ngô Đáp Cầu cũng chấp nhận khung thời gian đó. Vì thế không thể có chuyện cụ Ngô Phúc Khánh là con cụ Phúc Dương (đời thứ tư họ Bái Dương) được: Từ cụ Phúc Khánh Bái Dương mới chỉ có 8-9 đời; còn từ cụ Phúc Khánh Đáp Cầu đến nay đã 14-16 đời.

Trở lại cụ Ngô Phúc Khánh Yên Mỹ, thì đời kế tiếp ngay sau là cụ Công Hưng có niên biểu: 1652-1717. Như thế là niên biểu rất khớp. Theo tôi, họ Ngô Đáp Cầu nên có những nghiên cứu và thẩm định theo  hướng này.

Nếu sự phỏng đoán trên được xác nhận bằng những chứng cứ khoa học, thì họ Ngô Đáp Cầu là hậu duệ của Hậu Ngô Vương - Ngô Xương Văn.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây