Từ khóa 
Tìm kiếm theo 
Tìm theo 

Dòng họ Ngô Vi -Tả Thanh Oai - Hà Đông, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Theo phả ghi “tương truyền thủy tổ gặp thời loạn lưu lạc sang Thiên triều (Trung Quốc) hơn 20 năm mới trở về vào cuối Trần, xây dựng dương cơ ở thôn Tổ Thị, làng Tả Thanh Oai”. Con cháu cụ thủy tổ đều làm quan, nhưng phả chỉ ghi “tương truyền”, rất mơ hồ, có lẽ là tránh né việc Ngô Bệ  nổi loạn chống triều đình.
Qua đối chiếu sự kiện, niên biểu, hành trạng có thể xác định Ngô Bồ Đốc là con hoặc cháu của ba anh em Ngô Bệ, Ngô Giám Công, Ngô Diệu Tế.
Để làm sáng tỏ chỗ này, chúng tôi đã có một bài khảo cứu công phu, in trong Kể chuyện nối thời gian (tr.165). Trong bài viết đó, với giả định Ngô Bồ Đốc vào hàng con Ngô Bệ, chúng tôi đã bằng vào việc đối chiếu quan hệ hôn nhân giữa hai họ Ngô Vi và Ngô Thời qua hàng chục thế hệ thì thấy tốc độ sinh dọc của hai họ là như nhau. Từ đó cho phép suy ra Ngô Bệ cùng thế hệ với Ngô Rô (đời thứ 17); nghĩa là Ngô Bồ Đốc cùng thế hệ với Ngô Tây (đời thứ 18).
Tuy nhiên chúng tôi không khẳng định Ngô Bồ Đốc là con Ngô Bệ hay Ngô Giám Công. Nên nhớ rằng, Ngô Giám Công khi ấy lánh về Đỗ Động, gần đó làm nghề dạy học. (Trong phả đồ tạm xếp Ngô Bồ Đốc là con Ngô Giám Công)

Phả hệ họ Ngô Vi dựa vào bia đá chép công đức tổ tiên họ Ngô Vi từ thủy tổ đến đời thứ 18, dựng vào tháng 8 năm Minh Mạng thứ 5 (1825) (Bia này chỉ khắc tên những người đỗ đạt và có chức tước). Phả các chi của họ Ngô Vi dựa vào bia công đức để viết phần đầu, chủ yếu viết về các đời sau khi phân thành 9 chi.
Đến cuối thế kỷ XIX, dòng họ Ngô Vi Tả Thanh Oai đã trải qua hơn 500 năm, đã phát triển mạnh đông con, nhiều cháu. Ngày 16 tháng giêng năm Quý Mùi, Tự Đức 36 (1883) các cụ bô lão cùng các ông văn thân trong dòng họ họp bàn, chiểu theo phả dòng họ, theo thế thứ phân chia dòng họ Ngô Vi thành 9 chi, kể từ đời thứ 14. Chi trưởng là chi Ngô Vi Thực (đời thứ 14 họ Ngô Vi) Đình nguyên Hoàng giáp, là hậu duệ của Ngô Vi Đính (đời thứ 10)- Phụ quốc Thượng tướng quân Dĩnh Dương hầu. Ngô Vi Đính là con thứ 3 Ngô Đường Xuyên, nhưng con trưởng và thứ 2 ăn thừa tự bên họ ngoại. Ngô Vi Đính về quê nội trông nom từ đường họ Ngô Vi. Phả ghi: “Cam phận nghèo ở lại quê nội trông nom từ đường, về sau hiển đạt”. Cho nên khi họp dòng họ, các cụ bô lão xếp  Ngô Vi Thực (chắt trưởng của Ngô Vi Đính) là tổ chi trưởng. Còn Ngô Phúc Thuận, con trưởng Ngô Lại Mục, sau chuyển về quê nội (Tả Thanh Oai) thành triệu tổ chi 8, Ngô Dục Trí con trưởng của Ngô Khánh Sơn ở Hạ Thanh Oai, vẫn giữ họ Ngô, thành triệu tổ chi 9. Cho tới nay đã hơn 100 năm, vẫn theo như vậy.     

CÁC HỌ PHÂN CHI TỪ  DÒNG NGÔ VI

Các chi họ Ngô Vi phần lớn đều ở xã Tả Thanh Oai (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội và trong nội thành). Trong quá trình phát triển, có một số phân chi chuyển cư đi các địa phương khác:
1. Tài Lương - Hoài Đức - Hoài Nhơn - Bình Định: Ngô Vi Hào, đời 29.
2. Phù Vân - Kim Bảng - Hà Nam: Ngô Vi Quế, đời 37.
3. Ngô Sài - Hoàng Ngô - Quốc Oai - Hà Nội: Ngô Vi Kỳ, đời 37.
4. Bùi Xá, Hải Dương: Ngô Vi Rằng, đời 33.
5. Phục Thiện - Chí Linh - Hải Dương: Ngô Vi Duệ, đời 33.
6. TP. HCM: Ngô Vi Ái, đời 37.
7. Trà Dương - Tiên Lữ- Hưng Yên: Ngô Vi Tùng, đời 37.
8. Tống Sơn - Thanh Hóa: Ngô Phúc An, đời 23.
9. Lý Nhân - Phú Xuân - Bình Xuyên, Vính Phúc: Ngô Phúc Ký, đời 36.
10. Yên Bái: Ngô Vi Đính, đời 36.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây